Bất chấp quá nhiều phản đối thì việc xét tuyển vào đại học bằng học bạ vẫn được nhiều trường ưa chuộng, vì dễ "vét" thí sinh và tiện lợi cho họ.
Trong khi đó, vì tương lai con em và cả "chúng ta", không ít nơi đã hào phóng với điểm cấp 3 để đẹp lòng các bên và vẹn toàn nhiều thứ. Nếu không sớm bỏ hình thức xét tuyển nhiều lỗ hổng này, thì bất công và tiềm ẩn tiêu cực còn tranh cãi dài dài.
Riêng việc tuyển thẳng qua chứng chỉ SAT, IELTS có lẽ chỉ phù hợp với thí sinh ở nhiều thành phố lớn, gia đình có điều kiện. Từng đó thời gian và tiền bạc để học rồi luyện thi, học sinh dưới quê lấy đâu ra để cạnh tranh sòng phẳng với học sinh thành thị?
Bên cạnh đó, việc tuyển thẳng qua đánh giá năng lực cũng khó có công bằng với những em vùng sâu, vùng xa hay nhà nghèo ở nông thôn. Tìm được chỗ để thi đã khó, đến tận nơi được "đánh giá năng lực" còn khó hơn.
Với nhiều hình thức xét tuyển như hiện nay thì cửa để vào đại học qua điểm tốt nghiệp nhiều nơi chỉ như hình thức, miễn đậu tốt nghiệp phổ thông là vào đại học, nhất là xét qua học bạ. Như vậy liệu có chính xác, công bằng cho nhiều thí sinh không có điều kiện, nhất là thí sinh nghèo ở quê?
Biết rằng, xét kiểu nào cũng có ưu nhược riêng. Nhưng tạo ra cách xét nhiều kẽ hở, thiếu công bằng như điểm học bạ thì Bộ Giáo dục-Đào tạo không thể cứ chiều các trường đại học mãi! Dễ dãi thế này rồi năm sau sẽ lại « Kinh hoàng mỗi môn 9 điểm vẫn trượt ». Đấy là chưa kể học cho lắm vào cũng thua tiến sĩ siêu tốc Vương Tấn Việt hết » !
HÀ PHAN 20.08.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.