Affichage des articles dont le libellé est Bút ký. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Bút ký. Afficher tous les articles

dimanche 28 juillet 2024

Lâm Bình Duy Nhiên - Ánh mắt Prague!

 

Một điều thật thú vị khi chỉ cần đi xa vài trăm cây số là chúng ta có thể khám phá một đất nước, một ngôn ngữ  mới, một xã hội khác lạ với những truyền thống và văn hóa vô cùng đa dạng.

Thật vậy, Châu Âu bé nhỏ nhưng thật diệu kỳ với muôn vàn bản sắc làm đắm say lòng người.

Chẳng hạn, Prague chỉ cách Lausanne, Thụy Sĩ hơn 900 cây số, nhưng cũng đủ làm cho con tim người lữ khách dừng chân thổn thức trước cái đẹp lạ thường của những con đường và góc phố nơi đây. Ngoài kia, mưa rào cả đêm, đưa Prague lung linh trong ánh đèn vàng mờ ảo, bên dòng sông Vltava với cả tiếng nước chảy và tiếng xe tram chạy chầm chậm, trở nên đẹp và lãng mạn hơn trong trí tưởng tượng nhỏ bé.

mardi 2 juillet 2024

Bông Lau - Núi Đá Bia

Trong các bút ký chiến trường của các nhà văn miền Nam, mình thích các tác phẩm như Mùa Hè Đỏ Lửa của nhà văn Phan Nhật Nam, Buồn Vui Phi Trường của nhà văn Không quân Dương Hùng Cường (đã chết trong tù cải tạo). Đã đọc đi đọc lại các cuốn sách này mấy chục lần và nhớ từng lời văn câu nói của các tác giả.

Ông Cường là người Bắc di cư có lối hành văn dí dỏm khi miêu tả sự đảm đang lễ độ và... đanh đá của một bà vợ Bắc kỳ. Ông kể đời sống buồn vui của người lính Không quân ở những phi trường heo hút vào thập niên 50 – 60.

Ngoài các tác phẩm để đời trên còn có cuốn Năm Căn Vùng Xôi Đậu của cựu Trung úy Hải quân Nguyễn Mạnh Hùng. Vốn là sĩ quan Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, lăn lộn trên chiến trường Đồng Tháp chớ không phải là nhà văn chuyên nghiệp, nên rất ít thấy sách của ông ấy viết. Giờ ông đã bặt tăm trong chốn giang hồ.

jeudi 6 juin 2024

Lâm Bình Duy Nhiên - Từ La Cambe nghĩ về 30 tháng Tư

LBDN : Kỷ niệm 80 năm D-Day (6/6/1944). Một trong những bài viết tâm đắc nhất, khiến tôi luôn cảm động và suy tư nhiều mỗi khi đọc lại.

(NCTG) “Sử sách ghi lại những sự kiện đã xảy ra không nhằm khơi dậy lòng thù hận giữa các dân tộc. Họ cố gắng nhiều để loại bỏ những sai lầm trong quá khứ. Họ không khẩu hiệu, kêu gọi hay khích động lòng tự tôn dân tộc hay cổ súy cho chủ nghĩa dân túy. Họ nhìn vào tương lai. Họ Lớn khi họ biết Tha thứ”.

Mùa hè năm 2018, vợ chồng tôi lái xe từ Thụy Sĩ sang vùng Normandie (Pháp), để đi dọc theo các bãi biển nổi tiếng từng là vết tích bi hùng trong Đệ Nhị Thế Chiến. Chúng tôi chọn Cabourg làm nơi nghỉ. Đây là một thành phố nhỏ, nằm giữa Deauville thơ mộng và Caen nơi có Đài Tưởng niệm Đệ Nhị Thế Chiến và cuộc Đổ bộ Normandie giàu cảm xúc.

mardi 6 février 2024

Dương Kiều – Hương vị ngày Tết (3)

 

Kỳ 3: NHỚ BÁNH TÉT XƯA...

Lúc còn nhỏ, tôi nhớ má tôi năm nào cũng gói bánh tét để ăn dần mấy ngày Tết, một thói quen mà bây giờ khó có thể tìm lại khi các anh chị em tôi mỗi người đều có một gia đình riêng.

Ngoài bánh tráng, bánh phồng, dưa hấu trong mấy ngày Tết, chỉ có bánh tét là giữ được khá lâu mà không bị hư.

*&*

Năm nào nhà tôi cũng chộn rộn vì lo gói bánh tét. Trước tiên là phải đi tìm cây lát ở bờ ao hay mé sông. Đó là loại lát có ba cạnh tròn trịa, bóng lưỡng. Còn có một loại lát cũng ba cạnh nhô ra, loại này không thể dùng để cột đồ vì nó dễ bị đứt.

Dương Kiều – Hương vị ngày Tết (2)

 

Kỳ 2: KHỔ QUA CÓ HẾT ĐẮNG ?

Gần Tết tôi thấy khổ qua rẻ nên mua mấy ký về làm món chay để ăn dần mấy ngày Tết ngán thịt cá. Món này được chế biến làm giảm bớt vị đắng của loại rau củ này.

*&*

Khổ qua còn có tên là mướp đắng. Ở Gò Công từ nhỏ tới lớn, tôi chỉ nghe gọi là "ổ qua", tuy vậy để thống nhất cách gọi tôi nghĩ nên gọi nó là "khổ qua", chắc là ai cũng biết như từng thưởng thức cái vị đắng đặc biệt của nó mỗi khi Tết đến.

"Chừng nào ớt ngọt như đường

Khổ qua hết đắng, đạo cang thường hết thương"

Dương Kiều – Hương vị ngày Tết (1)

 

Kỳ 1: LẠI MỘT MÙA KIỆU TẾT

Mười mấy năm nay tôi hay làm kiệu tết cho người quen thay vì biếu xén bánh trái ngoài tiệm. Không biết ăn ra sao mà năm nào gần đến tết gặp tôi, mọi người hay hỏi: "Tết năm nay có làm kiệu không?"

Dù có năm tôi mệt mỏi vì đủ thứ chuyện trong nhà định ngưng làm kiệu tết, vậy mà sau đó tôi bị mấy bà bán kiệu dụ dỗ và tôi lại làm.

*&*

Làm kiệu có nhiều cách khác nhau nhưng khâu thành phẩm cuối cùng đều giống nhau, và tôi đã chọn cách làm riêng của mình.

mercredi 3 janvier 2024

Trần Kiên Cường - Nước Úc không phải của tôi (2)

 

2. Rất tản mạn về Úc quốc

Đẹp, an toàn, phồn vinh, nhưng….chỉ có Phở Cừu là lạ !

Cậu em bảo: “Vietnam Airlines mới mở đường bay qua Perth, có khuyến mại, anh bay nhé!”. OK luôn. Gì chứ tiết kiệm để qua Úc cũng là phần nào thỏa ước mơ xưa mà! Ngày trước tiết kiệm mãi có được đi đâu.

Của đáng tội, cái tên Perth lần đầu tiên tôi nghe thấy (ha ha). Địa danh mảnh đất Viễn Tây nước Úc này không phải là phổ biến cho dân Việt bản xứ như mình. Tìm hiểu ra thì chỉ riêng cái bang Western Australia mà Perth là thủ phủ này có diện tích to gấp 8 lần đất Việt, mới thấy cái hiểu biết của mình với thế giới xung quanh còn nhỏ hơn hạt cát.

mardi 19 décembre 2023

Lê Đình Thắng - Mười rờ sáu rờ mà ba chưa về

 

Đó là sân bay dã chiến Úc đại lợi. Một trảng tranh bằng phẳng lọt thỏm giữa rừng già. Giờ thì, nó cũng đã là di chỉ, bởi trùm lên đó là những rừng nghèo một tầng, hoặc cao su, hoặc cà phê.

Rừng nhân tạo. Cái cớ để ghi vô tỉ lệ rừng xứ này vẫn đâu đó gần một nửa diện tích lãnh thổ lục địa. Xứ sở xanh. Oa, màu xanh nhân tạo.

Ờ, rừng.

mardi 27 juin 2023

Phó Đức An - Hồn du Thánh Địa

"Anh đã chán ngấy sự huyên náo của Paris, anh đã đến thị trấn Auvers-sur-Oise, ở đây tuyệt đẹp, có cả những ngôi nhà cổ đã ngày càng hiếm hoi, tuyệt vời..." - Van Gogh.

Auvers-sur-Oise, một địa danh trên đất Pháp, một Thánh địa hội họa của thế giới. Trên bản đồ hiển thị cái tên Auvers-sur-Oise, nhưng với dân bản địa, họ lại gọi thị trấn của họ là thị trấn Van Gogh để kỷ niệm nhà họa sĩ tài ba lừng danh Vincent Willem Van Gogh, và đây cũng là chốn đi về cuối cùng của Van Gogh. Đêm qua, trong giấc mộng, tôi lại một lần du hồn về đây...

Tuy rằng người ta gọi đây là thành phố của các nhà nghệ thuật. Paul Cézanne, Van Gogh, Camille Pissarro, Claude Monet, Charles-François Daubigny, Cuong Tuse...đều đã lưu lại các tác phẩm của họ ở đây, nhưng chỉ có Van Gogh đã để lại đây 70 ngày quý giá của sinh mệnh mình. Giai đoạn ấy, ông bị bệnh tật và sự túng thiếu dày vò một cách thảm hại, nhưng Van Gogh vẫn sung mãn với niềm đam mê nghệ thuật phi phàm. Ông sáng tác liền nhau 80 tác phẩm trong quãng thời gian còn lại của cuộc đời.

mardi 13 septembre 2022

Bông Lau - Vùng giới tuyến

 

Con đường hoang lạnh lồi lõm hằn vết xích của thiết giáp. Có đoạn lỗ chỗ như mặt trăng, dấu tích tàn phá của pháo binh địch. Cứ khoảng mười mấy phút thì những tiếng nổ “oành oành” từ phía trước vọng về.

Phía xa xa có những chướng ngại vật chống tăng bằng bê-tông và các trụ thép hàn chéo vào nhau bố trí giữa đường. Hai bên đường thấp thoáng các công sự chiến đấu được phủ lưới ngụy trang.

Xe đến gần thì một binh sĩ Ukraine trang bị tận răng, đội nón chống đạn, mặc áo giáp, tay lăm lăm khẩu AK-74 lầm lì bước lại. Mình xuất trình sổ thông hành và thẻ báo chí. Binh sĩ Ukraine đó biểu xe đậu đó chờ anh ta vào “ lô cốt” trình với cấp chỉ huy. Nghe các binh sĩ Ukraine rất trẻ đứng thấp thoáng sau “lô cốt” xầm xì tiếng Ukraine: “người Mỹ”.

mercredi 1 décembre 2021

Đàm Hà Phú - Đôi ba đồng bạc

 

Hẻm nhỏ, lại cụt, có 53 nóc nhà. Tuy 53 nóc nhà nhưng mà tới gần trăm hộ dân, do có mấy căn nhà cũ, hai ba gia đình cùng sống chung.

Trong hẻm cũng đủ loại người, có mấy người già ưa ngồi uống café sữa trong cái ly nhỏ xíu, đựng trong chén nước sôi giữ ấm, rồi gác chéo chưn nói chuyện đời xưa. Có mấy đứa thanh niên mua hàng vô tội vạ, shipper xanh đỏ ra vô hẻm liên tục. Có người làm hãng sở, sáng sơ mi cà vạt ra xe hơi đi làm như trong phim Hồng Kông. Hẻm có chó, có mèo, có gà ta, có gà tre, thậm chí có nhà còn nuôi cả gà đá.

Hẻm nhỏ nên mọi người đều biết nhau, có thể không biết rành hết mọi người, nhưng ai trong hẻm cũng phải biết bà Tư. Bà Tư nhà khá giả, có đội xe tải, lính của bả toàn lái xe và lơ xe tải, xăm trổ kín người, tuần nào cũng tụ về cái bãi xe cuối hẻm nhậu.

samedi 11 septembre 2021

Nguyễn Quang Thiều - New York và tòa tháp đôi sau ngày 11/9

 

(Tôi viết bài này sau khi đến thăm tòa tháp đôi ở New York)

Cây cối ở New York cho người ta nhận thấy mùa xuân đã bắt đầu lộ ra sự lộng lẫy của nó. Hoa đã bắt đầu nở rộ và lá non đã phủ kín cành. Trong khi đó ở Boston đã đầu tháng Năm mà cây cối vẫn còn im lặng. Những cái cây ở Boston như vẫn còn ngái ngủ trong hơi lạnh còn lại của mùa đông.

New York lạnh không kém Boston. Nhưng tôi lại mang cảm giác thành phố này luôn luôn rực nóng bởi nhiệt độ tỏa ra từ hàng triệu chiếc xe hơi chạy miên man, và bởi nhiệt độ tỏa ra từ thân thể của mười lăm triệu người sống ở thành phố này.

Tôi đến New York lần đầu tiên là năm 1993. Tôi nhớ ngày ấy, dù đi đâu, chúng tôi cũng phải lẽo đẽo theo sau một người bạn Mỹ như trẻ con túm gấu áo người lớn giữa đám đông vì sợ lạc. Đúng thật, chỉ lỡ một bước là ta bị cuốn chìm trong dòng thác người đi bộ và bị biến mất ngay lập tức.

lundi 15 mars 2021

Đặng Bích Phượng - Tưởng niệm Gạc Ma : Vòng tròn bất tử trên biển bằng những ngọn nến


(Kể chuyện đêm tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma tại Bến Nghiêng, Đồ Sơn, Hải Phòng 13.03..2013)

Rút kinh nghiệm từ những chuyện trước đây, bị “kẻ xấu cản phá” - như buổi nói chuyện về biển đảo của bác Nguyễn Nhã, buổi liên hoan mừng ngày 8/3, buổi đặt hoa tưởng nhớ những đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh trong chiến tranh biên giới năm 1979. Mấy anh chị em chúng tôi lẳng lặng làm một chuyến ra biển thả hoa đăng, tưởng nhớ 64 liệt sĩ hy sinh năm 1988 tại các đảo thuộc Trường Sa.

Đến việc tâm linh cũng không dám công khai rủ nhau trên mạng, sợ hỏng việc. Lựa chán rồi mấy anh chị em mới chọn Hải Phòng làm nơi thả hoa đăng, kết hợp thăm các gia đình liệt sĩ. Có người biết việc làm của chúng tôi, nhưng bận không đi được đều đóng góp ít nhiều. Mỗi người một việc, rốt cục chúng tôi cũng lên đường “Hải Phòng tiến” vào chiều 13/3.

dimanche 14 mars 2021

Lê Đức Dục - Đi tìm chân dung thứ 64 trên bức tường Gạc Ma


(TTO 14/03/2021) Một hành trình tìm kiếm miệt mài nhiều hướng, nhiều người diễn ra từ nhiều năm qua, để cái ô trống trong số 64 ô tạc chân dung những người lính hy sinh ngày 14-3-1988 trong trận chiến chống quân Trung Quốc cưỡng chiếm Gạc Ma, cuối cùng cũng được lấp đầy.

Tại khu tưởng niệm Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), trên bức tường đá ở sảnh chính công trình có ghi đủ tuổi tên 64 người lính hy sinh ngày 14-3-1988 trong trận chiến chống quân Trung Quốc cưỡng chiếm Gạc Ma.

64 người hy sinh nhưng chỉ có 63 chân dung liệt sĩ được khắc lên. Còn một ô chân dung của liệt sĩ Trần Quốc Trị vẫn để trống, như niềm khắc khoải nhói đau vì hình ảnh của anh mãi không tìm được.

« Ô trống nhói đau trên bức tường Gạc Ma »

mercredi 21 août 2019

Lữ Mai - Mắt biển Đông



Đến với đảo Đá Đông.

(VnExpress 20/08/2019) Tôi ra lô Tư Chính hồi tháng 5 vừa rồi, đã thấy thấp thoáng những con tàu khác, không có cờ đỏ sao vàng. Tuần trước, lòng bỗng cồn cào, tôi gọi ra cho một số chiến sĩ nhà giàn: “Các anh thế nào?” - “Chúng tôi vẫn công tác tốt. Chỉ cần mọi người giữ lòng, chỉ cần đất liền được bình yên”.

Nghe họ nói thế, nhưng tôi chẳng dám khẳng định các anh đang hoàn toàn yên ả. "Các anh cần gì không?", tôi gặng hỏi. Một người nói anh muốn xin vài ấm trà mạn Thái Nguyên để uống đêm. Tôi và một số bạn bè quyên góp chè, trong lòng tôi luôn hiện ra cảnh những đêm thao thức của lính nhà giàn, chong mắt ra biển khơi gió lộng.

Trong chuyến đi Trường Sa tháng 5 rồi, tôi đã đếm và ghi chép. Quần đảo có chín ngọn hải đăng, khác nhau hoàn toàn về thiết kế, chiều cao, màu sắc, tính chất sáng. Ở nơi xa khơi này, chớp sáng của hải đăng, chính là Tổ quốc.

lundi 23 avril 2018

Nguyễn Thị Kim Thoa - Thư ký của thiên thần



Tôi đến thị xã Ban Mê Thuột vào một buổi chiều đầu mùa khô năm 1977. Gió bụi của miền cao nguyên đất đỏ làm tôi tối mắt sau một chuyến đi dài trên chiếc xe đò cọc cạch. Để mặc cho anh Chu Sơn – chồng tôi, loay hoay với mấy túi áo quần, sách vở. Bước xuống xe, tôi chỉ còn đủ sức ngồi bệt trên đám cỏ bên vệ đường. Đất đỏ, cỏ úa và bầu trời buổi chiều xám xịt. Đất trời Ban Mê Thuột buổi đầu giao tiếp đối với tôi chẳng thú vị gì.

Nơi tôi làm việc là khoa Nhi bệnh viện tỉnh Daklak. Đây là một đấu trường quá sức với tôi. Cảm nhận lúc đầu là như thế. Khoa có 50 giường bệnh, bệnh nhân nằm la liệt hai ba em trên một giường. Những chiếc giường sắt tây cũ rét, cái mất song, cái gãy chân kê đóng khập khiễng. Mền chiếu đen đủi, tả tơi rách nát. 

jeudi 8 mars 2018

Phạm Đoan Trang - Chúng sẽ đến



“chúng sẽ đến trong năm phút nữa

chúng sẽ đến trong một phút nữa

 chúng đến sau dòng chữ này…”
(thơ Thận Nhiên)

Buổi sáng thứ Hai, 26/2. Tôi để đồng hồ dậy vào lúc 8h – khá muộn, vì tôi nghĩ tôi sẽ không thể ngủ qua đêm. Nhưng hóa ra tôi vẫn ngủ tốt và khi tỉnh dậy, chỉ có cảm giác giấc ngủ sao mà quá ngắn, hình như chưa kịp ngủ thì đã phải dậy.