KỲ II : NHỮNG BƯỚC CHÂN ĐẦU TIÊN
TRÊN VÙNG CÁI SẮN
Vào những thập niên đầu thế kỷ XIX, ngoài
những thủy lộ tự nhiên được người dân Gia Định sử dụng làm phương tiện đi lại
giữa các trấn, chính quyền Gia Định Thành chỉ mới xây dựng ba con đường Thiên
lý xuất phát từ trung tâm Sài Gòn, nối liền lãnh thổ của ta với nước Chân Lạp.
Việc đào kinh và khai thông sông rạch vẫn chưa được chú trọng.
Mãi đến năm 1818, quan Trấn thủ Vĩnh
Thanh là Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) mới bắt tay vào việc mở mang các thủy
lộ tại địa phương rộng lớn mà ông trấn nhậm, khởi đầu với việc đào vét, mở rộng
con sông Tam Khê nối liền huyện Đông Xuyên (Long Xuyên) với đạo Kiên Giang (trấn
Hà Tiên). Tiếng là sông, song đấy chỉ là những lạch nước nhỏ, bùn lầy, cây cỏ mọc
um tùm, chỉ có thể di chuyển ghe xuồng vào mùa nước lớn.
Sau một tháng, với sự lao động cật lực của
1.500 nhân công, sông được hoàn thành với chiều dài khoảng 32 cây số, chiều rộng
hơn 40 mét, chiều sâu hơn 7,2 mét (theo sách Đại Nam thực lục thì sông rộng
hơn 10 trượng, sâu 18 thước, quy đổi theo cách phổ biến là 1 trượng bằng 4 mét,
10 thước bằng 1 trượng, tức mỗi thước bằng 0,40 mét).