Tôi quen Hoàng Cát từ năm 1972, khi học lớp
Bồi dưỡng sáng tác của Hội nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá. Lớp học được triệu tập
từ đầu tháng 10, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, đi lại khó khăn nên học viên về
rải rác, có người chậm đến ba tháng, nên hầu như tuần nào cũng xuất hiện thêm học
viên mới.
Bữa trưa chúng tôi thường ăn đứng dưới giàn
nho. Một lần vì thấy thức ăn quá "khiêm tốn", có người nói rằng ăn uống
như thế này thì không nên đi học, tiếp đó ý kiến lan rộng, anh em đùa nhau bàn
chuyện viết bài Phản chiêu sinh (nhại Phản chiêu hồn của Nguyễn
Du) và mở đầu bằng câu: Sinh ơi, sinh đừng về!
Trong số người tham gia "hăng
hái", tôi chú ý tới một anh nói tiếng Nghệ, trán cao, mắt đa tình, da trắng,
người trông thư sinh, đẹp trai. Đó là Hoàng Cát. Tuy cả hai cùng nội trú, nhưng
tôi ở khác phòng. Hơn nữa, trước đó tôi chưa được đọc thơ của anh, cộng thêm
cái bản tính tôi làm quen rất chậm, nên hàng ngày chỉ gặp anh khi lên lớp và bữa
ăn, chúng tôi chưa có dịp nói chyện riêng. Và trong mấy tuần đầu, tôi không hề
biết anh là thương binh cụt chân, phải đi bằng chân gỗ. Là vì bước chân của
Hoàng Cát bao giờ cũng ngay ngắn, đàng hoàng, không hề khập khiễng một chút
nào.