Tôi
muốn gọi những biến động vừa xảy ra ở
Daklak (xưa viết là Darlac) là một bi kịch. Bi kịch trong mối quan hệ giữa
những tộc người đã chung sống với nhau hàng ngàn năm qua, từ khi “nước sông
không phạm nước giếng” đến những năm dài chan hòa cuộc sống, và gần đây là
những trận đụng độ kinh hoàng.
Lịch
sử ghi chép rằng cho đến thời các chúa Nguyễn, nơi sinh sống của các tộc người
trên Tây Nguyên ngày nay vẫn được gọi là “nước”. Năm 1751, đời chúa Võ vương Nguyễn
Phúc Khoát, (trích) “Thủy Xá, Hỏa Xá vào
cống. Hai nước ở phía trên nước Nam Bàn (khi Lê Thánh Tông đánh được Chiêm
Thành, dòng dõi nước ấy làm vua nước Nam Bàn, cắt cho đất từ núi Thạch Bi về
phía Tây), thôn lạc có hơn năm chục, giữa có núi Bà Nam rất cao, vua Thủy Xá ở
phía Đông núi, vua Hỏa Xá ở phía Tây núi.
Buổi quốc sơ, vì cớ họ giáp giới với
Phú Yên, cứ 5 năm một lần sai người đến các nước ấy cho quà (áo gấm, mũ, nồi đồng,
chảo sắt và chén đĩa bằng sứ). Vua hai nước ấy nhận được vật cho, tức thì sắm
sửa phẩm vật địa phương (kỳ nam, sáp ong, nhung hươu, mật gấu, voi đực) để
hiến. Tới đây, sai sứ sang cống. Chúa hậu tứ rồi cho về” (hết trích) (Đại Nam thực lục – Tập một – NXB Giáo
Dục 2002, trang 157).