Affichage des articles dont le libellé est Huỳnh Chí Viễn. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Huỳnh Chí Viễn. Afficher tous les articles

dimanche 20 octobre 2024

Huỳnh Chí Viễn - Bốn "món quà" quý nhất mà người đàn ông có thể tặng cho người phụ nữ của mình

 

Phụ nữ Việt Nam có thực sự “hạnh phúc” hơn phụ nữ trên thế giới khi có đến những hai ngày dành riêng cho mình một năm, là ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3 và ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10?

Nếu bạn là người quen biết tôi lâu năm hoặc thường xuyên theo dõi Facebook của tôi, bạn đều biết rằng tôi không hề cảm thấy hai ngày này là hai ngày quan trọng để mình “thể hiện” tình yêu với vợ hay tôn vinh phụ nữ. Vì đơn giản một nửa thế giới này là phụ nữ, nếu chỉ có 2 ngày để dành riêng cho họ thì đó là một sự bất công chứ không phải là một sự tôn vinh đúng nghĩa.

Tất nhiên, tôi cũng không phản đối nếu bạn cảm thấy rằng đây là hai ngày đặc biệt hoặc cần thiết. Mỗi người một suy nghĩ khác nhau, tôi không ăn mừng không có nghĩa là tôi không tôn trọng việc chúc tụng của bạn.

jeudi 18 avril 2024

Huỳnh Chí Viễn - Quấy rối tình dục là biểu hiện của sự thiếu nam tính


Mười bốn năm trước khi tôi chuẩn bị xuất bản tác phẩm đầu tay “The Beatles - Nửa thế kỷ, một huyền thoại”, tôi có nhờ sự giúp đỡ về khâu xin giấy phép và xuất bản từ một nhà văn thuộc hàng tiền bối và cũng khá nổi tiếng.

Tất nhiên, đã là nhờ vả thì phải có chuyện mời đi ăn uống xã giao. Mỗi lần các thủ tục xin bản quyền và giấy phép xuất bản xong khâu nào thì tôi lại mời ông đi ăn để đáp lễ và sẵn tiện bàn bước tiếp theo. Vì ông đáng tuổi cha chú nên tôi thường chọn những quán ăn có phong cách trang nhã lịch sự, vừa để có thể yên tĩnh bàn công việc vừa thể hiện sự tôn trọng đối với ông. Nhưng một hai lần như vậy ông có vẻ không thích và đề nghị để ông dẫn đến quán quen.

Đó là một quán nhậu cao cấp với các nữ tiếp thị bia mặc váy rất ngắn và áo khoét rất sâu. Thấy ông, các nữ tiếp viên vây quanh cười nói tíu tít như có vẻ rất thân thiết rồi bắt đầu khui bia, đập khăn lạnh lau mặt và cười đùa cợt nhả. Thấy tôi có vẻ không thoải mái, ông đùa bảo: “Cứ thoải mái lên, tự nhiên như ở nhà đi cháu. Bác không méc người yêu cháu đâu!

dimanche 17 décembre 2023

Huỳnh Chí Viễn - Ký ức lân sư rồng

 

I. Kỷ niệm về những đoàn lân

Ngày xưa khi còn bé, tôi rất sợ về sống ở nhà nội trên đường Nguyễn Chí Thanh quận 11. Vì đối với tôi, đó là một căn nhà tăm tối ảm đạm, luôn tỏa ra một thứ mùi ẩm mốc do rất nhiều thứ đồ đạc để dồn lại hàng chục năm không dọn dẹp nằm trên một con đường buồn tẻ.

Những hôm cúp điện, cả căn nhà như một cái hang sâu hun hút càng đáng sợ. Ngôi nhà u ám ấy là cơn ác mộng của những năm tháng tuổi thơ của tôi với rất nhiều kỷ niệm buồn. Tuy nhiên, đến dịp tết Nguyên Đán, tôi lại rất mong được về Chợ Lớn vì một lý do: xem múa lân.

jeudi 14 décembre 2023

Huỳnh Chí Viễn - Người Hoa ở Chợ Lớn

 

Tôi là người Việt gốc Hoa sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Bên nội tôi là người gốc Quảng Đông sống ở Chợ Lớn còn bà ngoại tôi là người lai Phúc Kiến.

Theo lời kể của bà ngoại tôi thì bà là hậu duệ của một nghĩa sĩ trong một tổ chức cách mạng chống lại Từ Hy Thái Hậu, do tránh truy bắt nên lưu lạc sang Việt Nam rồi lấy vợ sinh con định cư ở Bến Tre. Còn bên nội tôi thì sang Việt Nam từ khi nào, vì lý do gì chưa bao giờ tôi nghe ba tôi kể lại.

Khi tôi ra đời thì ông bà nội tôi đã mất từ lâu nên tôi chỉ biết mang máng rằng ông nội tôi từng coi sổ sách cho một hãng buôn của Pháp ở Sài Gòn, sau đó vì siêng năng nên được chủ người Pháp cho mượn vốn ra mở cửa hàng làm ăn riêng nhưng không may làm ăn thua lỗ nên buồn bực sinh bệnh mà chết.

dimanche 10 décembre 2023

Huỳnh Chí Viễn - Nghề chụp hình dạo

 

Một lần dẫn con đi chơi trong Thảo Cầm Viên, tôi để ý thấy một người đàn ông trung niên đầu đội chiếc nón kết, áo “ký giả” nhiều túi khoác bên ngoài chiếc áo sơ mi ca-rô dài tay đóng thùng, cổ đeo chiếc máy chụp hình cơ hiệu Canon đang rụt rè tiếp cận những gia đình hoặc cặp đôi để đề nghị chụp hình lưu niệm.

Thật không ngờ ở thời đại mà ai cũng có sẵn trong tay chiếc điện thoại thông minh để chụp đủ kiểu hình selfie ở mọi góc độ mà vẫn còn người làm nghề chụp hình dạo. Tôi không biết một ngày người thợ chụp hình dạo đó có thể kiếm được bao nhiêu tiền hoặc có bao nhiêu người sẽ cần đến máy ảnh cũng như tài nghệ của ông, nhưng tôi nghĩ rằng nếu không còn kiếm tiền được thì chắc ông đã bỏ nghề lâu rồi.

Hình ảnh người thợ chụp hình dạo bất chợt đưa tôi về ký ức của hơn 30 năm về trước, khi nghề chụp hình vẫn là một nghề hot ở Sài Gòn.

lundi 27 novembre 2023

Huỳnh Chí Viễn - Hồn Chợ Lớn

Hầu như nơi nào trên thế giới có người Hoa là nơi đó sẽ có Chinatown, vì người Hoa thích sống cộng đồng để giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Nhưng hầu hết những Chinatown trên thế giới thường chỉ gói gọn trong phạm vi vài con đường chứ không có nơi nào chiếm gần 1/3 diện tích thành phố như Chợ Lớn của Sài Gòn, với diện tích bao gồm các quận 5, 6, 11 và một phần quận 8.

Những người sống ở Sài Gòn từ thập niên 1950-1960 vẫn thường gọi “Sài Gòn-Chợ Lớn” như hai thành phố riêng biệt, vì thời đó nằm giữa Sài Gòn và Chợ Lớn là con kênh Bến Nghé khiến Chợ Lớn trở nên tách biệt với Sài Gòn. Sau này con kênh được san lấp một phần để làm đường bộ nối Sài Gòn và Chợ Lớn nhưng dường như cách nghĩ Chợ Lớn là một “thành phố” trong tâm trí của người Sài Gòn xưa vẫn không thay đổi.

Từ thế kỷ thứ 17, Chợ Lớn là vùng đất mà người của “Ngũ đại bang phái”: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và Khách Gia (Hẹ) chọn làm nơi cư ngụ và phát triển khi họ đặt chân đến phương Nam.

mercredi 22 novembre 2023

Huỳnh Chí Viễn - Ẩm thực người Hoa ở Chợ Lớn có giống ẩm thực Hồng Kông ?

 

Người Sài Gòn trước giờ hay có câu “Hồng Kông bên hông Chợ Lớn” để nói về những món đồ giả đồ nhái dán mác “made in Hồng Kông” nhưng lại được sản xuất tại ... một cơ sở nào đó của người Hoa ở Chợ Lớn. 

Lúc tôi còn nhỏ, ngay sát nhà nội tôi trên đường Nguyễn Chí Thanh quận 11 là một tiệm hớt tóc nam tên là ... Hồng Kông lúc nào cũng đắt khách. Cứ tới dịp Tết, tiệm hớt tóc Hồng Kông lại mướn đội lân về múa để khai trương với đủ các màn leo mai hoa thung, giỡn pháo, giật bắp cải treo trên cao… rất náo nhiệt. Vì thế trong ký ức của tôi “Hồng Kông bên hông Chợ Lớn” luôn gắn liền với hình ảnh của tiệm hớt tóc Hồng Kông kế bên nhà.

Sau này khi phim xã hội đen Hồng Kông và phim truyền hình TVB làm mưa làm gió ở Việt Nam, tôi lại càng thấy Hồng Kông rất giống Chợ Lớn đến mức trong suốt những năm sống ở Mỹ, tôi thường lên YouTube để xem lại những phim Hồng Kông thập niên 90 nói tiếng Quảng Đông, để cảm thấy sự thân quen của những năm tháng thơ ấu khi còn sống ở Chợ Lớn.

dimanche 19 novembre 2023

Huỳnh Chí Viễn - Con đường thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông

 

Tôi về lại Việt Nam năm 2007 với sự ngỡ ngàng vì Sài Gòn thay đổi quá nhiều, với một số tuyến đường mới được đưa vào sử dụng.

Trong đó có hai tuyến đường lớn là hai con đường Hoàng Sa-Trường Sa chạy dọc kênh Nhiêu Lộc từ cầu Thị Nghè tới đường Hoàng Việt, Tân Bình ;  và đại lộ Đông Tây (đại lộ Võ Văn Kiệt) từ quận 2 chạy thẳng tới Chợ Lớn. Cả hai tuyến đường này khi tôi còn ở Việt Nam đều đang trong quá trình thi công, vì thế lúc về lại Sài Gòn, tôi rất háo hức muốn đi thử cho biết.

Lần đó tôi chạy xe dọc theo đại lộ Đông Tây từ hướng Sài Gòn xuống Chợ Lớn để xem điểm cuối của con đường này sẽ dẫn tới đâu. Hóa ra đoạn cuối của con đường lại là đường Hải Thượng Lãn Ông, nơi được mệnh danh là “chợ thuốc bắc” của Sài Gòn.

jeudi 16 novembre 2023

Huỳnh Chí Viễn - Sài Gòn trong ký ức của một 8x đời đầu

Tôi sinh ra ở Sài Gòn năm 1981 và lớn lên ở Sài Gòn cho tới ngày tôi đi du học ở Mỹ năm 2001. Từ năm 2007 tôi về lại Việt Nam và tiếp tục sống và làm việc ở Sài Gòn cho tới ngày nay.

Ngoại trừ 6 năm đi học ở Mỹ, toàn bộ thời gian của tôi đều ở Sài Gòn nên tôi có thể tự hào rằng mình một “người Sài Gòn” chính hiệu. Tôi có may mắn được chứng kiến và trải nghiệm những giai đoạn khác nhau - Sài Gòn từ thời bao cấp của những năm 1980, cho tới sự thay da đổi thịt của Sài Gòn thời mở cửa trong thập niên 1990, và Sài Gòn ngày nay.

Đối với tôi Sài Gòn ở giai đoạn nào cũng đẹp với những ký ức và kỷ niệm khác nhau. Nhưng có lẽ giai đoạn có nhiều kỷ niệm khó phai nhất đối với tôi là 20 năm đầu tiên của cuộc đời. Vì đó là những năm tháng của tuổi ấu thơ và tuổi thiếu niên, khoảng thời gian con người vẫn còn vô tư, chưa phải suy nghĩ đến chuyện cơm áo gạo tiền và những lo toan bề bộn khác trong cuộc sống. 

mercredi 11 octobre 2023

Huỳnh Chí Viễn - « Wok hei », hồn của các món chiên xào Chợ Lớn

Ngoài hủ tíu mì và hoành thánh, có một loại quán ăn người Hoa nhưng lại rất được cộng đồng người Việt ở Sài Gòn ưu ái là các quán bán cơm chiên, cơm xào và hủ tíu mì xào.

Lúc đầu các quán kiểu này chỉ chủ yếu tập trung ở đường Nguyễn Tri Phương, đoạn từ đường An Dương Vương tới ngã ba Nguyễn Tri Phương-Trần Hưng Đạo, khúc đối diện với bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Về sau này, các quán ăn kiểu này xuất hiện gần như khắp nơi từ quận 3 quận 1 đến quận ngoại thành như Hóc Môn, quận 12 đều có.

Ăn nên làm ra nhất có thể nói đến Tâm Ký với gần 20 chi nhánh. Món chủ đạo của quán là các loại cơm chiên (Dương Châu, cá mặn, gà xối mỡ), cơm xào (thịt bò xào cải, hải sản xào thập cẩm...) và hủ tiếu mì xào (xào dòn và xào mềm).

mardi 10 octobre 2023

Huỳnh Chí Viễn - “Bánh mì nóng giòn đây!”

Có lẽ không có tỉnh thành nào lại bán nhiều bánh mì như ở Sài Gòn. Trên khắp thành phố Sài Gòn tôi nghĩ ít nhất phải có trên ngàn lò bánh mì tư nhân lớn nhỏ khác nhau.

Trên đường Phan Đình Phùng thời tôi còn nhỏ, có nhiều lò bánh mì tư nhân tới giờ vẫn còn hoạt động. Đó là lò bánh mì ngay đầu đường Nguyễn Trọng Tuyển cắt với Phan Đình Phùng, ngay kế bên tiệm hủ tiếu mì Quảng Huê Viên ; và một lò nữa đối diện với trường Cao Đẳng Kinh Tế Đối Ngoại.

Tôi rất thích đi mua bánh mì ở tại lò vì tôi thích được ngửi mùi bánh mì nóng mới ra lò. Cũng như ngắm cảnh người thợ làm bánh mì đưa những ổ bột mì mới nhào trắng tinh vào trong lò nướng, để rồi một lúc sau lấy ra những ổ bánh mì vàng ươm thơm lừng. Đối với một đứa trẻ như tôi lúc đó, việc nướng bánh mì giống như một trò ảo thuật hấp dẫn. Và có lẽ vì thế mà bánh mì đối với tôi ngon đặc biệt.

jeudi 5 octobre 2023

Huỳnh Chí Viễn - Người Hoa “ăn” canh hay “uống” canh?

Người Quảng Đông ăn cơm hiếm khi nào thiếu canh. Nếu chỉ để liệt kê các món canh của người Quảng Đông thì ít nhất cũng phải kín hết vài trang giấy A4 mới đủ.

Sở dĩ người Quảng Đông có nhiều món canh như vậy là vì hầu như bất cứ loại thực phẩm nào cũng có thể nấu canh được, từ các loại thịt cho tới các loại hải sản rồi rau củ quả và các vị thuốc bắc. Hơn nữa các nguyên liệu này có thể kết hợp với nhau theo nhiều cách. Mỗi cách kết hợp của các loại nguyên vật liệu khác nhau sẽ cho ra một loại canh khác nhau.

Nấu canh theo kiểu người Quảng Đông không hề đơn giản mà khá công phu và phức tạp. Người Quảng Đông xem canh là món “thực dưỡng” ăn để bổ, và vì thế nguyên tắc nấu canh thường là hầm lâu trên lửa riu riu để tất cả các chất bổ dưỡng từ các nguyên liệu nấu tiết vào nước canh. Và cũng chính vì thế mà việc thưởng thức chén canh cũng phải từ tốn, chứ không thể húp ào ào hoặc chan vào cơm để nuốt cho nhanh được.

jeudi 28 septembre 2023

Huỳnh Chí Viễn - Câu chuyện bánh trung thu

 

Cứ khoảng từ đầu tháng 8 âm lịch cho tới Trung Thu, tôi lại nhận được khá nhiều bánh trung thu của các học viên tặng với lời nhắn là: “Bánh nhà làm không có chất bảo quản, thầy ăn liền đừng để lâu nhé!”

Thật lòng là tôi rất cảm kích tình cảm của các bạn dành cho tôi và bản thân cũng thích ăn bánh trung thu, nhưng vì đang trong chế độ ăn kiêng giảm cân nên tôi không dám ăn bánh trung thu thả ga như trước nữa.

Bây giờ cầm miếng bánh trung thu lên, trước khi bỏ vào miệng là tôi lại phải đắn đo suy nghĩ rất nhiều. Đôi khi phải tự nhủ lòng rằng ăn bánh trung thu chỉ cần 1/4 cái bánh là đủ, coi như là ăn “có hương có hoa” vậy thôi. Chứ nếu như cách đây vài năm, tôi có thể một mình ăn hết một cái bánh trung thu với bình trà nóng.