Affichage des articles dont le libellé est Dạ Ngân. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Dạ Ngân. Afficher tous les articles

lundi 29 juillet 2024

Dạ Ngân - Đang rơi

Tôi nhớ đó là khoảng năm 1984. Nhớ rõ vì khi ấy tôi mới bắt đầu xin được cơ quan một máy chữ cũ và viết trên máy. Chiếc máy hiệu gì không nhớ nữa, tệ quá, máy nhỏ xinh, xách tay nhẹ nhàng, như laptop so với computer để bàn vậy.

Đã biết những ông bà lãnh đạo được thụ hưởng những tiêu chuẩn đương nhiên xứng với cương vị của họ. Ví như ô tô biển xanh. Ví như bảo vệ canh gác. Ví như nhà cao cửa rộng (còn gọi là nhà công sản). Ví như ăn uống không phải tự túc. Ví như chữa bệnh đã có Ban bảo vệ sức khỏe. Vân vân và vân vân.

Chúng tôi là số đông, một biển công nhân viên chức ăn lương. Họ cũng ăn lương và nếu lương có cao ngất thì họ cũng là số ít, chóp bu, như cái chóp nón lá, để ý làm gì. Và chúng tôi sạch thật dù có người thở dài tâm tư, dù không ít người ngước lên âm thầm bon chen, quẫy đạp.

samedi 8 juin 2024

Nhà văn Dạ Ngân cho biết sư Minh Tuệ an toàn và đang ẩn tu


Dạ Ngân : "Thưa Cô, hôm nay con đến tận rẫy của Thầy. Gặp em trai và em dâu của Thầy. Thầy đang ẩn tu. An toàn. Gia đình biết nơi Thầy đang ở. Hàng ngày đem cơm và có khi sầu riêng cho Thầy dùng. Nhưng cha mẹ Thầy thì không vào thăm Thầy với lý do không muốn làm Thầy bận lòng, động tâm. Con chúc Cô một cuối tuần an nhiên ạ".

(Nguồn tin khả tín của tôi. Chia sẻ với các bạn. Đang mùa kiết hạ).

Nguyễn Đình Bổn : Chương trình thời sự VTV1 đã lên tiếng, có video phỏng vấn sư Minh Tuệ. Ông đã ẩn tu và cho biết nếu sau này có đi khất thực nữa thì mong bà con đừng đi theo nhiều như vừa rồi.

lundi 19 juin 2023

Dạ Ngân - Khoe để khoe

Thập niên 90, bắt đầu chuẩn bị làm cư dân Hà Nội, tôi chú ý hai đô thị lớn nhất nước khác nhau nhiều nhất ở điểm nào. Sự khác nhau ở thời điểm 1975 như là hai thế giới, nhưng 20 năm sau thì Sài Gòn chững lại và Hà Nội bứt lên. Ấy là một câu chuyện lịch sử dài kỳ, phạm vi bài này xin được không đề cập.

Sự khác ở Sài Gòn hiển hiện qua “lũ” xe máy người dân đã được sở hữu từ đời tám hoánh. Vespa, Peugeot, Honda 67, Honda Cup, Suzuki…Nếu chú ý kỹ, vào thập niên ấy sẽ thấy xe thưa thớt đi, do xăng nhớt khan hiếm, người ta phải tính từng đồng tiền eo ngặt, hoặc là số gia đình từng phong lưu âm thầm bán tống bán tháo chúng để làm sở phí vượt biển. 

Hà Nội bắt đầu những bước chạy “tự cứu mình chứ không chờ trời cứu”. Nguồn xe cũ buôn từ miền Nam ra, nguồn từ Đông Âu do những người đi học hoặc đi lao động mang về, những Babetta, Simson, Minsk, Mokick…Cũng bắt đầu có xe bãi Nhật về từ cảng Hải Phòng. Ngoảnh đi mỗi năm mỗi thấy giật mình ở sự khác ấy. Cũng phải thôi, độ nén càng khắc nghiệt thì sức bung càng ghê gớm, không gì ngăn nổi, quy luật lò xo.

samedi 10 juin 2023

Dạ Ngân - Hớt hải quay lại

 

Một thời gian dài chừng 4 thập niên (1955 -1995), người dân sống ở miền Bắc bị đứt gãy đời sống tâm linh mà họ từng xem trọng. Phần vì công cuộc tập thể hóa, phần vì thiếu đói và buồn lo, hơi đâu.

Cũng không có nghĩa là nhà thờ bặt tiếng chuông, hay chùa chiền thành phế tích hết. Người dân là bầy kiến với thời tiết, chiến tranh và xã hội bão giông thì sống sót là may.

Tôi nhớ những năm cuối thập niên 1980 lần đầu ra Hà Nội. Chùa và Đền và Phủ thanh tịnh như chúng tôi hằng mong, thảy được thầm lặng nguyên sơ, mái rêu, nền gạch sứt, những cây nhang mảnh dẻ vừa phải, hòm gỗ cúng dường khép nép. Chùa Trấn Quốc, Đền Quán Thánh, Phủ Liễu Hạnh… là những nơi chúng tôi luôn muốn trở lại để cúi đầu trước âu vàng tam giáo bản sắc Việt sâu bền gốc rễ.

dimanche 11 décembre 2022

Dạ Ngân - Thương sách

 

Thập niên tám mươi của thế kỷ trước, mỗi đầu sách ra đời, ấn bản hàng vạn. Hồi ấy các nhà văn tỉnh bơ, mừng bản thân cuốn sách ấy chứ không mừng số lượng.

Dân nghèo thê thảm, nghịch lý thay, mỗi đầu sách là số lượng trong mơ vậy đó. Nước Mỹ thiên đường có lẽ cũng in chừng ấy với những cuốn sách vừa vừa.

Vì sao? Không ai nghĩ sách rơi vào hư vô. Không. Đường đi của mỗi cuốn sách rõ ràng nhờ hệ thống thư viện. Thư viện như mao mạch, tỉnh, huyện và các cơ quan văn hóa, cùng với người đọc ở hai nơi đông người đọc nhất là môi trường của ngành giáo dục và quân đội. Hàng vạn bản sách ra, nói theo ngày nay là “trong vòng một nốt nhạc!”

vendredi 27 mai 2022

Dạ Ngân - Tiếng Việt của ta ơi!

 

Không khó để phân biệt tiếng Việt chuẩn của Hà Nội và Sài Gòn. Nhất định tôi không phân biệt Bắc Nam, tôi không đồng hành với những người phân biệt lấy được ấy.

Đơn giản vì tôi hiểu, tiếng Việt phổ thông từ học đường lấy chuẩn Việt từ Hà Nội. Đất nước ngàn năm, chữ Việt hiện thời hình thành vài trăm năm và không ngừng sinh ngữ. Không lấy chuẩn Thăng Long - Hà Nội thì lấy chuẩn đâu? Giáo khoa thư căn từ chuẩn ấy. Mọi người Việt các vùng miền phát âm khác, nhưng viết thì chính tả Hà Nội ấy (dù cả phía Bắc phát âm tr ch gần như nhau).

Người nước ngoài học tiếng Việt, cần học tiếng Việt chuẩn rồi thì học nghe thêm phát âm miền Trung, Huế, Sài Gòn và cần biết thêm phương ngữ Nam bộ.

jeudi 14 avril 2022

Dạ Ngân - Ở đó có trăng không?

 

Không phải vì khi ấy mình là thiếu nữ. Hay là vì thiếu nữ nên trăng trở nên huyền diệu?

Mùa khô, trăng ngà ngà tràn trên cỏ cháy ở những vạt đồng không một bóng cây. Mùa nước trăng chập chã trên lũ thực vật đua nhau sức sống. Ngày nắng đêm về trăng thanh thanh và ngày mưa, trăng thập thò trong mây không khi nào đúng hẹn.

Đầu súng trăng treo của Chính Hữu dài bảy năm. Bảy năm là bao nhiêu mùa trăng?

mercredi 1 décembre 2021

Dạ Ngân - Văn hóa và bản sắc

 

Em kể, đang có kế hoạch đi đến điểm B mà xe hư. Hỏi vài người bạn để mượn xe, không ai sẵn sàng (theo em là nếu muốn giúp, họ sẽ thu xếp được). Em tự đi mua phụ tùng để chữa xe, khi ấy có một chàng ở đó. Chàng ta hỏi vì sao thân gái phải đi mua thứ ấy thứ ấy, biết ra, chàng nói sẵn sàng cho mượn xe.

Wow, kỳ lạ à nha, thiệt hôn? Hóa ra là một chàng Nam bộ Việt Nam, ngạc nhiên thêm và sau này chuyện ấy là một kỷ niệm của duyên.

Em đang học tiếng Việt Hà Nội, tiếng Việt Sài Gòn, có tìm hiểu thêm tiếng Việt xứ Quảng Nôm, đại loại thế. Yêu chàng Nam bộ thấp hơn mình gần 2 tấc, tủm tỉm hoài với giai thoại đũa lệch của xứ Việt Nam.

jeudi 2 septembre 2021

Dạ Ngân - Người sang đâu hết?

 

(NĐT 29/08/2021) Thế hệ có học thời xưa, rất nhiều người sang. Học và đọc, tự nghiệm và tự luận, viết hay nói hay. Nhìn dáng họ, cách họ nghĩ và lời họ nói, cả đến khóe cười của họ cũng tao nhã, mực thước. Tây học mà. Văn hóa Pháp thời ấy, đầy sức quyến rũ.

Không dưng mà họ rùng rùng đi theo Việt Minh. Bây giờ nhiều người cho rằng do họ cả tin, ngây ngô. Thiển nghĩ, nói vậy là nói lấy được, thời vận, vận nước và vận hội, số ít thì ta còn có thể nghĩ thế nọ thế kia, khi đa số nhập cuộc, quả nhiên có cả một lớp người dấn thân sang trọng.

Thế hệ con cái họ, sinh trưởng trong chiến tranh nối tiếp chiến tranh, bộ gien của những ông bố giàu học thức có thể chỉ đủ làm xương làm cốt. Những đứa con ấy cũng phải thừa nhận rằng họ không thể nào như cha ông được. Bảo Ninh không dám so mình với cha, nhà ngôn ngữ Hoàng Tuệ. Giáo sư Nguyễn Văn Huy rợp mát bởi cái bóng cả của bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.

samedi 27 février 2021

Dạ Ngân -Thụt lùi, quay lại hay nhích lên ?


Thập kỷ 80 của thế kỷ trước, hầu như chúng tôi đã đi gần hết chùa - đình - đền - phủ ở Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc bộ. Mỗi nơi một vẻ, thanh tịnh, nề nếp khiến đinh ninh rằng ấy mới là nguyên bản.

Dấu vết tàn phá thời đạp đổ và trưng dụng cho hợp tác hóa đâu, tôi hỏi chồng. “Tàn phá nặng nhất ở Khu Bốn, phía Bắc không có san bằng, chỉ có bị chiếm dụng làm kho và sân phơi hợp tác nhưng giờ em thấy đấy, mọi thứ đã dần trở lại”.

Nghe vậy thì biết vậy và tin. Chùa Kim Liên hàng ngàn năm tuổi, chùa Trấn Quốc vị thế đắc địa như mơ, đền Quán Thánh cho những người lần đầu biết thế nào là đền và tượng của đền. Chùa Thầy, chùa Trăm Gian, chùa Bút Tháp, chùa Đậu, chùa Thập Phuơng, chùa Keo… và những ngôi chùa gần như vô danh chỉ cho cư dân của làng của xã.

lundi 8 février 2021

Dạ Ngân - Trán của bạn tôi


Nếu có một bạn văn nào khiến tôi trọng nhất, kỳ vọng nhất, nặng lòng nhất, ấy là người này – ông bạn Ngô Phan Lưu của tôi.

*

Khoảng 2005, tình cờ, tôi giở tờ Văn Nghệ Miền Núi (một ấn phẩm kiểu làm cho phong trào của chính tờ báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, tạp chí bao cấp hình như bằng Quỹ của Ủy ban Dân tộc và Miền Núi). Vâng, tôi nhớ rõ năm chứ không nhớ số báo, rất tình cờ, tôi đọc được một truyện ngắn.

Xin lỗi các bạn, do biên tập né quy chụp nên cái tên truyện không hay, tôi không nhớ, nhưng cả truyện thì quá hay vì nó chốt bằng cái câu “Đằng sau có ai không ?”.