|
Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo (phải), hai lãnh đạo sẽ rời chức vụ năm 2013. |
(Le Monde 29/10/2012) Đối với đa số người Trung Quốc,
ông chỉ đơn giản là “Ôn gia gia”. Trong nhiệm kỳ mười năm, ông Ôn Gia Bảo, Thủ
tướng đồng thời là nhân vật số ba trong đảng Cộng sản Trung Quốc, đã được người
dân gọi bằng một cái tên chất chứa cảm tình, vì ông quan tâm đến những người
bất hạnh nhất.
Hình ảnh
luôn được đánh bóng bởi các bài diễn văn tuyên truyền của một chế độ luôn là
cộng sản, cho dù trên thực tế, những người thừa kế của Mao từ hơn ba chục năm
qua, đã áp dụng chủ nghĩa tư bản và sản sinh ra một nền kinh tế song đôi, trong
đó các công ty quốc doanh đóng vai trò chủ đạo.
Không có một
cái Tết nào mà một Ôn Gia Bảo hòa nhã, mặc bộ vét đơn giản, lại không đến
thưởng thức món hoành thánh với các công nhân nhập cư – việc khai thác lực
lượng lao động này đã làm nên phần lớn phép lạ Trung Quốc.
Không một
nơi nào bị thiên tai mà ông không tìm đến, để bày tỏ sự cảm thông với các nạn
nhân. Như trong vụ động đất ở Tứ Xuyên năm 2008, tại đó ông đã chỉ huy hoạt
động cấp cứu, và càng được nhân dân yêu mến.
Ông cũng nổi
bật với những bài diễn văn chống tham nhũng. Năm 2007, ông đã kêu gọi các lãnh
đạo cao cấp “đảm bảo là các thành viên
gia đình, bạn bè và các người thân khác không lợi dụng ảnh hưởng từ chức vụ
trong chính phủ”.
Cú đòn thật
thô bạo: một cuộc điều tra chi tiết của New York Times về tài sản tích lũy được
của những người thân ông Ôn - chỉ sơ sơ có 2,7 tỉ đô la, nhất là của vợ ông là
bà Dương Bội Lị, được mệnh danh là “Nữ hoàng kim cương” do sự khống chế của bà
trong lãnh vực này - đã đánh mạnh vào hình ảnh đẹp đẽ trên.
Được đăng
vào cuối tuần rồi, bài báo khẳng định điều mà nhiều người vẫn nghi ngờ: gia
đình ông đã lợi dụng vị thế của “Ôn gia gia” để làm ăn. Tuy hai luật sư của gia
đình ông Ôn đã cố gắng phản công hôm Chủ nhật 28/10, nhưng tác hại về mặt chính
trị là khủng khiếp, vào thời điểm chưa đến 15 ngày nữa là đến đại hội 18 ĐCSTQ.
Đại hội này sẽ đổi mới ban lãnh đạo, ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo sẽ rời chức
vụ từ nay đến tháng 3/2013.
Nhiều người
con của giới “quý tộc đỏ” đã lao vào làm kinh tế, trong một đất nước tăng
trưởng nhanh chóng. Tình trạng đặc quyền đặc lợi đã làm lung lay uy tín của
ĐCSTQ, hiện đang đối mặt với sự bất bình của người dân, và phải giảm bớt bất
bình đẳng xã hội ngày càng trầm trọng tại Trung Quốc.
Các cuộc đấu
đá nội bộ được tiết lộ qua vụ Bạc Hy Lai – một trong những lãnh đạo nổi tiếng
nhất, vừa bị loại khỏi thượng tầng quyền lực và đang chờ ngày ra tòa – cũng là
những trận chiến để duy trì lợi lộc của những gia đình quyền thế khác nhau.