Affichage des articles dont le libellé est Saigon sụp đổ. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Saigon sụp đổ. Afficher tous les articles

lundi 6 mai 2013

Ngày 29 tháng Tư : Ánh sáng tắt lịm (3)


Người di tản từ Saigon lên được hàng không mẫu hạm Mỹ

11 giờ 13, giờ Saigon. Như đã dự kiến, Đài phát thanh Hoa Kỳ liên tục phát đi bản nhạc I’m dreaming of a white Christmas (Tôi đang mơ một Giáng sinh tuyết trắng). Đại tá Hòa, giám đốc Đài phát thanh truyền hình Việt Nam nhìn tất cả kỹ thuật viên người Mỹ cùng nhiều trưởng phòng người Việt ra đi. Đại tá quyết định ở lại tại chỗ. Một đại đội lính Dù trấn giữ xung quanh đài.

11 giờ 30. Ông Polgar không còn tin vào một giải pháp chính trị nữa. Ông đã nhận được nhiều cuộc điện thoại đầy ý nghĩa, trong đó có một cuộc từ chính Tổng thống Dương Văn Minh:
         - Tôi muốn anh dành cho một ưu tiên cuối cùng: giúp di tản một số người của tôi.
         - Đồng ý ngay – Polgar trả lời.

Một cuộc gọi khác là từ nhóm Hungary thuộc CICS (Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát ngừng bắn). Có mấy chục người trong số họ bị kẹt ở phi trường. Những trận bom của Bắc Việt đã làm hư hại một số xe hơi của họ, số khác bị lính VNCH lấy cắp. Vài chiếc còn hoạt động được thì lại không còn xăng trong bình. Những người Hung nói:
-         Chúng tôi không còn phương tiện di chuyển. Chúng tôi muốn đến các khách sạn trong Saigon.

Tại tòa đại sứ, người ta gặp nhiều người Việt tên tuổi. Cựu cố vấn an ninh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là ông Đặng Văn Quang đi qua lại ở tầng trên cùng, khoác một chiếc áo choàng rộng thùng thình. Ông Quang ngồi cách đại tá Toth, người Hungary vài mét – ông này đến để tăng thêm sức nặng cho yêu cầu di tản người của mình ở sân bay. Là người dễ tính, Polgar áp dụng một nguyên tắc: ai yêu cầu ông giúp đỡ thì sẽ được. Hơn nữa, có qua có lại, biết đâu “thằng cha” Hungary này sẽ hữu ích trong một giờ, một ngày hay một tuần nữa?

mercredi 1 mai 2013

Ngày 29 tháng Tư : Ánh sáng tắt lịm (2)


Một thủy quân lục chiến Mỹ ở văn phòng tùy viên quân sự trong chiến dịch Frequent Wind.
8 giờ 15, giờ Saigon. Ông Martin tập hợp các cộng sự viên chủ chốt, trong đó có Wolfgang Lehmann, Thomas Polgar, Alan Carter và đại tá George Jacobson, một trợ lý của đại sứ. Polgar có lẽ nghĩ rằng tất cả chưa phải là chấm hết về mặt chính trị. Ông nói với Snepp rằng việc dội bom phi trường là một “dấu hiệu quan trọng”, mang tính tích cực. Một số viên chức CIA cũng như Snepp đều nghĩ, trời ạ, “một dấu hiệu quan trọng như thế cũng có nghĩa như một viên đạn bắn vào đầu”.

Người ta xem xét chủ yếu là tình hình quân sự. Hôm qua, họ định di tản khoảng mười ngàn người trong hôm nay, với trên 50 chuyến C-130. Làm thế nào tiến hành được ? Pháo binh Bắc Việt đã bắn vào sân bay ít hơn, nên có thể tái lập các chuyến bay. Các viên chức Mỹ phát hiện có những chuyến phà gắn máy thả neo ở Cảng Saigon, nhất là tại Tân Cảng. Từ Tân Sơn Nhứt, tướng Homer Smith cho biết nay thì các đường băng không còn sử dụng được cho các máy bay cánh quạt hay phản lực. Ông tung vào Saigon các đoàn xe buýt và phi đội trực thăng để đưa đến phi trường những người Mỹ và người Việt tập hợp tại nhiều điểm.

Martin không chấp nhận những giải thích từ tùy viên quân sự của ông. Các quân nhân chuyên nghiệp này luôn bi quan. Dù sao đi nữa, đây đâu phải là lần đầu phải hạ cánh hay cất cánh dưới những lằn đạn moọc-chê hay đại bác. Đại sứ quyết định đi kiểm tra lại phi đạo. Ông đòi CIA cung cấp một máy bay trực thăng, nhưng không có chiếc nào sẵn sàng cả.

lundi 29 avril 2013

Ngày 29 tháng Tư : Ánh sáng tắt lịm (1)

Tìm mọi cách để di tản. Ảnh của Hồng thập tự  Quốc tế.
LND : Tác phẩm Saigon sụp đổ của nhà báo Pháp Olivier Todd xuất bản lần đầu năm 1987 và tái bản năm 2005,  kể lại bốn tháng đầu của năm 1975 lịch sử với các chiến lược quân sự, thủ đoạn chính trị và ngoại giao từ Washington, Matxcơva, Bắc Kinh, Hà Nội đến Saigon. Cuốn sách ghi lại lời chứng của các công dân nhiều quốc tịch, các quân nhân từ binh nhì cho đến tướng tá, các nhân viên tình báo, tu sĩ, thành viên tổ chức phi chính phủ…

Tác giả Olivier Todd từng làm việc cho tuần báo Le Nouvel Observateur, Tổng biên tập tuần báo L’Express, cộng tác viên BBC. Ông là một trong những phóng viên phương Tây hiếm hoi có dịp quan sát cặn kẽ những gì diễn ra tại Hà Nội, Saigon và vùng xôi đậu ở miền Nam.

Nhân ngày 30 tháng Tư, Thụy My xin trích dịch chương thứ 21 của tác phẩm, mang tên « Ngày 29 tháng Tư : Ánh sáng tắt lịm »

Chương XXI

Ngày 29 tháng Tư : Ánh sáng tắt lịm

Vào 4 giờ sáng ngày 29 tháng Tư, những loạt đạn pháo Bắc Việt ngày càng chính xác, tập trung vào căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu Nam Việt và Bộ tư lệnh Hải quân. Các kho đạn dược và xăng dầu, những chiếc xe vận tải, xe jeep và xe dân sự bốc cháy tại sân bay. Bộ binh Bắc Việt chắc không còn xa, vì những phát đạn súng cối, rốc-kết làm bùng lên những ngọn lửa đỏ, xanh lơ và xanh lá cây.

Hai thủy quân lục chiến, Charlie McMahon và Darwin Judge, đã bị tử thương tại vòng rào phòng thủ. Tướng Homer Smith và các sĩ quan cao cấp Mỹ bị dựng dậy khỏi giường ngủ. Trong số 1.500 người Việt tạm cư ở nhà thi đấu thể thao, nhiều người đã bị thương. Một chiếc phi cơ C-130 bị trúng đạn sau khi hạ cánh.

Trời đã rạng đông. Các phi công của những chiếc F-5 và A-37 cuối cùng cất cánh, để không bao giờ quay trở lại. Những người này, cũng như vài phi công khác muốn tiếp tục chiến đấu khó điều khiển được máy bay, vì hàng trăm người lính Nam Việt tràn vào các đường băng. Các nhân viên điều khiển không lưu không thể làm việc được.