Affichage des articles dont le libellé est APEC. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est APEC. Afficher tous les articles

samedi 21 novembre 2020

Trung Quốc muốn tham gia CPTPP



(AFP 20/11/2020) Tập Cận Bình hôm 20/11/2020 tuyên bố Trung Quốc sẽ xem xét khả năng tham gia một hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương trước đây được Hoa Kỳ xúc tiến nhưng đã bị tổng thống Donald Trump bỏ rơi. 

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là phiên bản hiện nay của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sáng kiến ban đầu được tổng thống Mỹ Barack Obama ủng hộ với mục đích chống lại sức mạnh Trung Quốc tại châu Á. Ông Donald Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận này vào tháng Giêng 2017, nhưng rốt cuộc 11 nước còn lại đã ký kết được CPTPP.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ông Tập nói rằng các nước thành viên cần phải « tiếp tục xúc tiến việc hội nhập kinh tế khu vực và sớm thành lập một khu vực tự do mậu dịch châu Á-Thái Bình Dương ». Báo chí Hoa lục dẫn lời ông Tập Cận Bình : « Trung Quốc muốn tích cực tham gia CPTPP ».

jeudi 27 juin 2019

Việt Nam : Một cựu luật sư bị 8 năm tù vì âm mưu phá hội nghị APEC

Cựu công chứng viên Trần Công Khải tại tòa. Ảnh của báo Thanh Niên.

Một cựu luật sư hôm nay 27/06/2019 bị tòa án Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án 8 năm tù giam, với cáo buộc âm mưu phá hoại hội nghị APEC tại Việt Nam năm 2017, có liên quan đến một tổ chức chống cộng tại Mỹ.

Ông Trần Công Khải, 56 tuổi, nguyên là luật sư, công chứng viên Văn phòng công chứng quận 7 bị cáo buộc tham gia « Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời » do « thủ tướng » tự phong Đào Minh Quân thành lập tại Hoa Kỳ - tổ chức bị Việt Nam xếp vào loại khủng bố.

Theo cáo trạng, ông Trần Công Khải dự định tiến hành một vụ tấn công vào hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng năm 2017, diễn đàn này có sự tham dự của tổng thống Mỹ Donald Trump, tổng thống Nga Vladimir Putin, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông còn kêu gọi tham gia một cuộc trưng cầu dân ý để bầu ông Đào Minh Quân làm tổng thống.

jeudi 22 novembre 2018

Hậu trường “ngoại giao cuồng loạn” của Trung Quốc tại APEC

Cờ Trung Quốc phủ rợp đại lộ chính tại Port Moresby, Papua New Guinea do Bắc Kinh tài trợ, ngày 16/11/2018.

Lần đầu tiên trong lịch sử 20 năm thành lập, hội nghị thượng đỉnh APEC kết thúc hôm Chủ nhật 17/11/2018 đã không ra được thông cáo chung, chỉ vì sự phản đối của một thành viên duy nhất – đó là Trung Quốc. Hội nghị thất bại, nhưng các quan chức Trung Quốc lại vỗ tay vang dội, trước sự ghét bỏ của những nhà ngoại giao các nước khác. Đó là ghi nhận của nhà báo Josh Rogin, được tờ Washington Post gởi đến Papua New Guinea để tường thuật về APEC.

Nhưng đó chỉ là sự cố cuối cùng trong suốt một tuần lễ qua. Đoàn đại biểu chính thức của Trung Quốc đã trình diễn một loạt những màn mà nhà báo Rogin đánh giá là hung hăng, dọa nạt, hoang tưởng và kỳ quặc, nhằm cố gắng khống chế, gây áp lực lên nước chủ nhà cũng như tất cả các thành viên khác, để rốt cuộc họ phải chiều theo yêu cầu của Bắc Kinh.

Một quan chức Mỹ có trách nhiệm trong các cuộc đàm phán nói với tác giả : « Điều này gần như đã trở thành thông lệ trong các quan hệ chính thức của Trung Quốc : đó là ngoại giao cuồng loạn. Họ vòng vo cứ như họ đã là chủ, và cố đạt cho được những gì mình muốn thông qua dọa nạt ».

lundi 19 novembre 2018

Mỹ-Trung bất đồng, lần đầu tiên APEC bế mạc không thông cáo chung

Thượng đỉnh APEC : Ảnh các lãnh đạo chụp ngày 17/11/2018, tại Port Moresby, Papua New Guinea

Lần đầu tiên trong lịch sử APEC, các nhà lãnh đạo 21 quốc gia và nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong ngày bế mạc hôm nay 18/11/2018 không ra được thông cáo chung. Hội nghị thượng đỉnh tại Papua New Guinea năm nay được đánh dấu bởi sự đối đầu trực diện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trong bối cảnh tranh giành ảnh hưởng tại khu vực.

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết : « Các nhà lãnh đạo quyết định, thay vì ra bản tuyên bố chung như truyền thống, đã giao cho nước chủ nhà Papua New Guinea thay mặt tất cả các thành viên đưa ra một bản tuyên bố sau đó ». 

Thủ tướng Papua New Guinea, ông Peter O’Neil chỉ phát biểu ngắn gọn với báo chí : « Quý vị biết đó, có hai người khổng lồ trong một căn phòng. Tôi biết nói gì hơn ? ». Còn thủ tướng Canada Justin Trudeau nhìn nhận đã có những quan điểm khác biệt, nhất là về thương mại.

Phương Tây cố giúp Papua New Guinea để chận ảnh hưởng Trung Quốc

Từ phải sang trái: Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, các thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Papua New Guinea Peter O' Neill, Nhật Bản Shinzo Abe và Úc Scott Morrison, nhân buổi ký thỏa thuận về điện, ngày 18/11/2018, tại Port Moresby (PNG).

Hoa Kỳ và ba nước đồng minh ở Thái Bình Dương là Nhật, Úc, New Zealand hôm nay 18/11/2018 loan báo sẽ giúp Papua New Guinea bảo đảm cung cấp được hầu hết điện năng trên đảo quốc từ nay đến năm 2030, trong nỗ lực ngăn chận ảnh hưởng Trung Quốc trong khu vực.

Tại hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức ở Port Moresby, các nhà lãnh đạo Mỹ và đồng minh cho biết, sẽ giúp gia tăng sản lượng điện, phục vụ cho 70% dân số Papua New Guinea thay vì 13% như hiện nay. Trong số 8 triệu dân của Papua New Guinea, có đến 4/5 sống tại vùng nông thôn, có cơ sở hạ tầng nghèo nàn.

Thông cáo của Nhà Trắng nhấn mạnh sáng kiến này nhằm « phát huy một khu vực tự do, rộng mở, thịnh vượng trên cơ sở Nhà nước pháp quyền ».

samedi 17 novembre 2018

Căng thẳng Mỹ-Trung, hậu cảnh của thượng đỉnh APEC

Chiếc limousine chở Tập Cận Bình chạy qua đại lộ Độc Lập do Trung Quốc tài trợ tại Port Moresby, Papua New Guinea ngày 16/11/2018.

Port Moresby cuối tuần này là nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh châu Á-Thái Bình Dương 2018. Và hậu cảnh là cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng, giữa một Trung Quốc ngày càng hiện diện dày đặc trong khu vực, còn Hoa Kỳ thì lui dần về phía sau.

Tổng thống Mỹ Donald Trump không đến dự cuộc họp thường niên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), gởi phó tổng thống Mike Pence đi thay. Ông Pence thậm chí còn không lưu lại ban đêm tại thủ đô của Papua New Guinea, vốn nổi tiếng là mất an ninh, mà ngủ đêm bên kia bờ biển Corail, thuộc Úc.

Tương phản càng rõ rệt hơn khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Port Moresby từ thứ Năm 15/11/2018, khánh thành một con đường và một trường học do Trung Quốc tài trợ, ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh khai mạc vào thứ Bảy 17/11. Papua New Guinea đã trải thảm đỏ cho phái đoàn Bắc Kinh, cờ Trung Quốc treo đầy dọc theo đại lộ.

samedi 25 novembre 2017

Bùi Quang Vơm - Ông Quang đã mất chức Chủ tịch nước?



Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tại APEC Đà Nẵng ngày 11/11/2017.

Ngay sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017, có vẻ như cơ hội để ông Quang được công khai xem như người đứng đầu quốc gia đã chấm dứt. Mọi việc phải quay lại với quy tắc đảng lãnh đạo toàn diện, không có ai và không có nhân vật nào được phép lấn át đảng, tự xếp mình đứng cao hơn đảng.
Có nghĩa là Chủ tịch nước, dù là người được Hiến pháp xưng tôn đứng đầu quốc gia, đại diện cao nhất về đối nội và đối ngoại, nhưng chỉ là người được đảng phân công, danh nghĩa là người thứ hai sau Tổng bí thư đảng, nhưng thực chất, về mặt quyền lực thực tế, đứng sau Thủ tướng, sau Chủ tịch Quốc hội.
Những ngày ông Quang được nghiễm nhiên thừa nhận là nguyên thủ quốc gia, trước mắt bàn dân thiên hạ đã kết thúc. Việc phải để ông đứng ở vị trí số một quốc gia, làm lu mờ vị trí người đứng đầu đảng là một việc làm miễn cưỡng, bất đắc dĩ.

lundi 20 novembre 2017

Trump : Những gian nan của người bán hàng thượng thặng ở châu Á


Tổng thống Mỹ Donald Trump trong dạ tiệc ở Đại sảnh đường Nhân Dân, Bắc Kinh, 09/11/2017.

(Michel De Grandi, LesEchos 16/11/2017) Thường là xa hoa, chuyến công du châu Á của Donald Trump không giúp tiến triển được gì trong việc giải quyết cuộc xung đột Bắc Triều Tiên, cũng như trong vấn đề thương mại. Ngược lại, tổng thống ký rất nhiều hợp đồng.

Cũng giống như lúc từ Ả Rập Xê Út trở về, ông Donald Trump cho biết rất hài lòng vì chuyến đi châu Á. Trong 12 ngày công du, tổng thống Mỹ đã được đón tiếp trọng vọng. Ông kể : « Đó là một thảm đỏ mà chưa ai từng thấy được », rất vui « có được nhiều bạn mới ở cấp cao nhất ». 

vendredi 17 novembre 2017

Việt Nam được gì từ APEC ?

Lãnh đạo các nền kinh tế dự thượng đỉnh APEC, Đà Nẵng, Việt Nam: Hàng đầu từ trái qua: Tập Cận Bình, Trần Đại Quang, Joko Widodo. Hàng sau, từ trái qua: Rodrigo Duterte, Vladimir Putin, Donald Trump.

Hội nghị thượng đỉnh APEC đã được tổ chức trong hai ngày 10 và 11/11/2017 tại Đà Nẵng, và ngay sau đó đã diễn ra hai chuyến thăm Việt Nam cấp Nhà nước của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhận định về các sự kiện này, nhật báo The Diplomat cho rằng nước chủ nhà Việt Nam có vẻ đã tìm được một vị trí thoải mái hơn giữa hai đại cường.
Trong bài diễn văn chính tại hội nghị thượng đỉnh APEC 2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã gởi một thông điệp rõ ràng đến các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, yêu cầu các nước tự lo cho mình bằng cách đặt lợi ích quốc gia trên hết, giống như ông luôn luôn đặt « Nước Mỹ trước hết ».

jeudi 16 novembre 2017

Liệu Trung Quốc sẽ phá dự án Cá Voi Xanh của ExxonMobil tại Việt Nam ?

Chủ tịch ExxonMobil, ông Robert Franklin (G) trong ngày cuối của cuộc hội thảo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC ở Đà Nẵng, Việt Nam ngày 10/11/2017.

Trong hội nghị thượng đỉnh APEC tuần trước tại Đà Nẵng, Việt Nam, báo chí rất chờ đợi bài diễn văn của tổng thống Mỹ Donald Trump và quan điểm của ông về một « Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở », trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo tham gia diễn đàn hy vọng Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm đến khu vực. 
Theo nhà phân tích Gary Sand trên The Diplomat, tuy Donald Trump có thái độ chừng mực, không tung ra những tin Twitter gây bối rối, nhưng chính sách « Nước Mỹ trước hết » của ông cũng khiến cho các nước lo ngại.

Ngoài thương mại, các nhà lãnh đạo Việt Nam còn tìm kiếm sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trên Biển Đông. Trong những tháng trước khi diễn ra thượng đỉnh APEC, tập đoàn năng lượng Mỹ ExxonMobil đã khuyến khích Hà Nội loan báo chính thức khởi động dự án mỏ khí đốt Cá Voi Xanh trị giá 10 tỉ đô la trong hội nghị này.

mardi 14 novembre 2017

Bùi Quang Vơm - Những thông điệp của ông Trump tại APEC


Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nguyên thủ APEC, 11/11/2017.

Người ta cứ bảo ông Trump là người bất nhất và khó đoán. Có lẽ điều đó đúng ở gần như mọi nơi. Nhưng có một điều không thể phủ nhận là ông Trump là người thẳng thắn và sòng phẳng. Ông trung thành với lời hứa «Nước Mỹ trên hết» và trước hay sau, chưa bao giờ ông gạt những quốc gia như Trung Quốc và một vài quốc gia khác ra khỏi những kẻ láu cá lợi dụng sự hào phóng của Mỹ. Vì vậy ở khía cạnh này, ông không cần nói, nhưng những gì ông định nói, có thể biết trước.
Thị trường là thị trường, không có loại thị trường nửa vời, kiểu thị trường có sự định hướng của nhà nước như kiểu «thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa» của Việt Nam. Ông cho rằng mọi sự bất bình đẳng, mọi sự lợi dụng và mọi loại chính sách mất đối xứng đều có nguồn gốc từ sự can thiệp của chính phủ, của nhà nước, từ sự can thiệp, thao túng và chỉ đạo từ nhà nước. 

TPP 11 và sự tự cô lập của nước Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump (G) bên cạnh thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (T) và tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại thượng đỉnh ASEAN ở Manila, 13/11/2017.

Vòng công du châu Á của tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn là đề tài tiếp tục được các báo Pháp bàn đến. Le Figaro cho rằng « Về thương mại, Trump đã lọt vào chiếc bẫy của chính mình tại châu Á-Thái Bình Dương ».Tác giả Fabrice Nodé-Langlois nhận định, khi từ bỏ một số hiệp định thương mại ở châu Á, tổng thống Mỹ đã nhận lấy rủi ro cô lập hóa nước mình trên trường quốc tế.
Đó là một trong những động thái chính thức đầu tiên của tổng thống thứ 45 Hoa Kỳ. Vào ngày thứ ba của nhiệm kỳ, hôm 23 tháng Giêng năm 2017, ông Donald Trump đã sổ toẹt TPP, hiệp định tự do mậu dịch tập hợp xung quanh Hoa Kỳ 11 quốc gia hai bên bờ Thái Bình Dương. Hiệp định này không chỉ có ý nghĩa thương mại mà cả địa chính trị, là cột trụ trong chính sách châu Á của Barack Obama. TPP giúp hình thành một thị trường lớn với 800 triệu người tiêu thụ, chiếm một phần ba tổng sản phẩm nội địa thế giới, định ra những tiêu chuẩn thương mại và đặt Trung Quốc ra ngoài lề.

lundi 13 novembre 2017

Trước Trung Quốc, thái độ co cụm của Trump làm Hà Nội lo ngại


Tổng thống Mỹ Donald Trump được đón tiếp tại Việt Nam ngày 12/11/2017.

(Bruno Philip, LeMonde 12/11/2017) Khoảng trống chiến lược do chính quyền Trump không có chủ thuyết phù hợp ở châu Á gây lo lắng cho Việt Nam. Thế nên chuyến viếng thăm của tổng thống Mỹ, với sự tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương) hôm thứ Sáu 10/11 ở Đà Nẵng, trước khi đến Hà Nội hôm sau đó, được người Việt rất chờ đợi. Họ tự hỏi liệu còn có thể trông cậy vào sự ủng hộ của Washington để đối phó với Trung Quốc hay không.

Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực hãy còn ráng chống chọi lại Trung Quốc. Bắc Kinh nay có thể áp đặt điều kiện của mình cho các nước ASEAN. Đối với Barack Obama, Việt Nam đóng vai trò chủ chốt trên bàn cờ khu vực để chống chọi lại với bành trướng Trung Quốc.

vendredi 10 novembre 2017

TPP 11 nước được cứu vãn vào phút chót



Bộ trưởng Thương mại Canada François-Philippe Champagne tại hội nghị TPP nhân APEC 2017 ở Đà Nẵng, 09/11/2017.

(Reuters10/11/2017) Mười một nước TPP hôm nay 10/11/2017 đã đồng ý về các điểm cơ bản của một hiệp định mới, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm – theo một dự thảo thông cáo chung mà hãng tin Anh được tham khảo, sẽ công bố vào thứ Bảy 11/11.

Đây là thành công từ các cuộc đàm phán ráo riết tại Việt Nam, có lúc tưởng chừng đã thất bại do Canada không đồng ý. 

jeudi 9 novembre 2017

Việt Nam qua các mùa APEC

Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang phát biểu trong diễn đàn doanh nghiệp APEC 2017 tại Đà Nẵng ngày 08/11/2017.

Cách đây 11 năm Việt nam đã là nước chủ nhà của Thượng đỉnh APEC. Từ đó đến nay kinh tế Việt Nam đã có nhiều biến chuyển. Nhân hội nghị APEC chính thúc khai mạc tại Đà Nẵng vào ngày 10/11 tới đây. RFI xin giới thiệu bài viết của tác giả Edmund Sim trên tạp chí The Diplomat, nhìn lại những thay đổi về kinh tế của Việt Nam giữa hai lần  đăng cai sự kiên quốc tế lớn này.
Hội nghị thượng đỉnh APEC quay lại với Việt Nam năm nay, sau 11 năm vắng bóng. Mặc dù Việt Nam vẫn tiếp tục tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng kể từ thượng đỉnh APEC năm 2006 tại Hà Nội, môi trường khu vực và toàn cầu đã thay đổi hẳn. APEC 2017 tại Đà Nẵng mang lại cho các nhà lãnh đạo Việt Nam cơ hội để đối mặt với các đổi thay này.

APEC 2006 : Bắt đầu cuộc đua với thế giới

mardi 7 novembre 2017

Việt Nam : Số nạn nhân chết vì bão lên đến 89 người, vào lúc APEC cận kề

Nước lụt trên đường phố Hội An ngày 06/11/2017.
Phát thanh RFI ngày 07.11.2017



Theo loan báo của chính quyền Việt Nam hôm nay 07/11/2017 được các hãng tin AFP, Reuters và AP đưa lại, số nạn nhân thiệt mạng vì bão lụt đã lên đến 89 người, trong lúc Việt Nam đang phải chạy nước rút chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng.

Trận bão Damrey (Việt Nam gọi là bão số 12) đổ bộ vào Việt Nam từ hôm thứ Bảy 4/11 đã làm cho 89 người chết do lụt lội, đất lở và tàu bị chìm trên biển. Ngoài ra còn 30 người khác bị mất tích. Tổ chức UNICEF cho biết có ít nhất bốn trẻ em thiệt mạng, hai em khác mất tích, và một triệu thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi trận bão dữ dội nhất khu vực trong năm nay.Ủy ban Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn nói rằng trên 100.000 căn nhà vẫn đang chìm dưới làn nước. 

Bão làm gần 50 người thiệt mạng tại Việt Nam, vài ngày trước thượng đỉnh APEC

Một cảnh ở Hội An, hậu quả bão Damrey. Ảnh chụp ngày 06/11/2017.

Có ít nhất 49 người thiệt mạng vì bão Damrey, theo loan báo của chính quyền Việt Nam hôm nay 06/11/2017, vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa sẽ đón tiếp tổng thống Mỹ Donald Trump, tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến dự hội nghị thượng đỉnh APEC.
Trận bão Damrey (Việt Nam gọi là bão số 12) càn quét bốn tỉnh miền Trung và ba tỉnh Tây nguyên Việt Nam đã gây thiệt hại nặng về nhân mạng, với ít nhất 49 người chết và 27 người bị mất tích, nặng nhất là tại Khánh Hòa. Khoảng 30.000 người kể cả du khách ngoại quốc đã phải sơ tán. Gần 2.000 căn nhà bị sập, 80.000 căn bị hư hại bởi gió lốc và các trận mưa như trút nước. Tại Trà My, Quảng Nam còn xảy ra lở đất khiến bốn nạn nhân bị vùi lấp.

samedi 4 novembre 2017

Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi đầu chuyến công du châu Á

Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân tại Đài tưởng niệm Trân Châu Cảng ở Hawai, ngày 03/11/2017.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay 04/11/2017 đến Nhật Bản sau khi ghé Hawai và thăm Trân Châu Cảng, khởi đầu chuyến công du năm nước châu Á kéo dài 12 ngày. Đây là chuyến thăm châu Á dài nhất của một tổng thống Mỹ kể từ 25 năm qua, với Bắc Triều Tiên, tự do hàng hải và thương mại được cho là các chủ đề chính.
Tại Hawai, tổng thống Mỹ và phu nhân được thống đốc David Ige và đô đốc Harry Harris, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương (PACOM) tiếp đón. Sau khi họp kín với bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Camp Smith, ông Trump đến Trân Châu Cảng thăm đài tưởng niệm các thủy thủ Mỹ tử nạn trong vụ tấn công ngày 07/12/1941.

mercredi 25 octobre 2017

Sinh viên Phan Kim Khánh bị sáu năm tù

Sinh viên Phan Kim Khánh. Ảnh HRW

Sinh viên Phan Kim Khánh hôm nay 25/10/2017 đã bị tòa án tỉnh Thái Nguyên kết án sáu năm tù giam vì tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước » theo điều 88 Luật Hình sự, do đã sử dụng mạng xã hội để cổ vũ cho đa đảng và tự do báo chí. 
Các hãng tin AFP, Reuters và AP cho biết Phan Kim Khánh, 24 tuổi, còn bị thêm bốn năm quản chế. Luật sư Hà Huy Sơn nói rằng các bằng chứng dùng để buộc tội cho Khánh trong phiên tòa sơ thẩm hôm nay là thiếu cơ sở, nhưng không rõ anh có muốn kháng cáo hay không. Trên trang Facebook cá nhân, luật sư nói thêm, tuy cáo trạng khẳng định không có tình tiết tăng nặng, nhưng tại tòa Viện Kiểm sát nại ra việc « phạm tội nhiều lần » để Phan Kim Khánh không được giảm nhẹ bản án.

mardi 24 octobre 2017

Human Rights Watch đòi trả tự do cho sinh viên Phan Kim Khánh

Sinh viên Phan Kim Khánh. Ảnh FB Nguyễn Ngọc Nam Phong.

Trong thông cáo được công bố hôm nay 24/10/2017, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch yêu cầu Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do ngay lập tức cho blogger Phan Kim Khánh, sẽ bị đưa ra xét xử tại Thái Nguyên vào ngày mai vì tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước » theo điều 88 Luật Hình sự.
Phan Kim Khánh, 24 tuổi, là sinh viên khoa Quốc tế trường đại học Thái Nguyên, bị bắt vào tháng 3/2017, vì đã thành lập và điều hành hai trang blog « Báo Tham Nhũng », « Tuần Việt Nam » từ năm 2015. Ngoài ra anh còn bị cho là đã mở ba tài khoản Facebook, hai tài khoản YouTube. Chính quyền cáo buộc anh « liên tục đăng nhiều thông tin có nội dung bịa đặt, xuyên tạc nhằm chống Nhà nước, phần lớn lấy từ các trang mạng phản động khác ».