vendredi 30 août 2024

Hoàng Quốc Dũng - Kể chuyện làm tình nguyện viên trong Thế vận hội Paris 2024

Thế vận hội Paris 24 đã thành công rất tốt đẹp, để lại những ấn tượng tuyệt vời cho các vận động viên, khách du lịch và các khán giả. Chỉ sau vài ngày nghỉ ngơi, ban tổ chức lại bắt tay luôn vào chuẩn bị cho Paragame.

Lễ khai mạc Paragame cũng được diễn ra ngoài trời. Đoàn diễu hành đi trên đại lộ Champs-Elysées, từ Khải Hoàn Môn (Place Charles de Gaulle Etoile) để tiến vào quảng trường Concorde.

Về sự thành công của lễ khai mạc, chắc các bạn đã có thể đọc được trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau. Ở đây, tôi sẽ chỉ kể qua về công việc, cảm xúc của các tình nguyện viên.

Cách đây một năm, tôi có ghi tên xin được làm tình nguyện viên cho Thế vận hội Paris 2024. Khi làm “đơn”, tôi không hề nghĩ đến những lợi lộc gì mà chỉ nghĩ muốn đóng góp một phần nhỏ của mình cho nước Pháp mặc dù mình có phải bỏ ra các chi phí hay thời gian.

Sau một thời gian chờ đợi tôi may mắn được trúng tuyển. Có hơn 300.000 người làm đơn, nhưng chỉ có 45.000 người may mắn. Trong số các tình nguyện viên có đầy đủ các thành phần già, trẻ, trai, gái, người khuyết tật, người trẻ nhất 16 tuổi, người già nhất 94 tuổi, 30 % dưới 25 tuổi, và đặc biệt là trong số này có 30 % đến từ hơn 150 nước nói đủ các thứ tiếng khác nhau. Các tình nguyện viên phải tự lo chỗ ăn ở và chi phí của họ.

Nhưng nước Pháp cũng đã bỏ ra một khoản tiền lớn để trang bị cho chúng tôi. Mỗi người được phát đầy đủ quần áo đồng phục, giầy, mũ, túi xách, tổng cộng 13 món (trị giá khoảng 500 euro). Theo đài truyền hình Pháp thì 80 % trang bị này được sản xuất tại Việt Nam. Mọi người đều được cung cấp vé tầu đi lại trong suốt thời gian Đại hội và mỗi ngày làm việc được chu cấp đồ ăn hoặc 12 euro.

Tôi đã hoàn thành tốt công việc của mình trong đợt đầu thế vận tại nhà Gare de L’Est, tiếp đón và hướng dẫn các vận động viên, khách đến Paris bằng đường tầu hỏa.

Sau khi kết thúc “hiệp 1” tôi lại được chọn để tiếp làm “hiệp 2” cho Paragame. Cũng như lần trước, khi nhận làm thì không biết là sẽ làm gì. Sau hiệp 1, mình ốm mấy ngày, cũng ngại không muốn đi tiếp vì sợ không hoàn thành nhiệm vụ “đảng” giao phó. Nhưng rồi vợ cứ động viên nên lại nhận tiếp.

Buổi họp đầu tiên của ngày tập đầu tiên, ban tổ chức triệu tập chúng tôi gần 200 người và tuyên bố : “Các bạn được lựa chọn để làm một việc rất trọng đại là trực tiếp đi trong đoàn diễu hành, cầm cờ của đoàn, nếu các thành viên của đoàn vận động viên không mang được. Ngay cả khi họ nhận mang, các bạn vẫn phải luôn luôn theo sát để nếu họ cần thì thay thế ngay”. Ngay sau tuyên bố này, cả nhóm chúng tôi đã vỗ tay rầm rập rất lâu. Rất tự hào, và sung sướng được giao nhiệm vụ trọng đại.

Những người thiện nguyện đều vô cùng vui vẻ và xã giao. Dù được giao việc gì, ở đâu, họ đều cần mẫn làm việc và không hề bao giờ kêu ca phàn nàn về bất cứ cái gì. Lúc nào cũng vui vẻ, tươi cười.

Thật thà mà nói, trông diễu hành ngon lành thế thôi, nhưng tổ chức nó là cả một vấn đề khổng lồ. Hai ngày trước khi diễu hành, chúng tôi phải họp hành liên miên và diễn tập nhiều lần. Các cuộc họp phải bằng hai thứ tiếng. Trong đội của chúng tôi cũng có nhiều quốc tịch. Không phải ai cũng biết tiếng Anh-Pháp. Nhưng rất may trong đội cũng có người nói được các tiếng khác để dịch lại…Đại lộ Champs-Elysées và hai quảng trường lớn ở hai đầu bị chắn mấy ngày để hàng ngàn người đến đây tập tành, trang trí, kẻ vạch xuống đường, lắp đặt máy phát điện, treo cờ…

Theo như kiểu tính tuổi của người Việt Nam thì tôi 70. Sau ngày thứ nhất, tôi nói với vợ là một ngày đã hết hơi rồi, mai không đi nữa. Nhưng rồi ngày hôm sau, tôi lại cố đi tập tiếp. Sang ngày thứ ba là ngày thật vẫn sung sức vì uống một tỉ thứ thuốc vào người.

Ngày cuối thực sự là ngày mệt nhất vì vui quá. Bắt đầu từ 17 giờ, các đoàn vận động viên bắt đầu đến để vào nơi tập kết (168 đoàn). Ban tổ chức đã bố trí các tình nguyện viên đứng hai bên chào đón, hò hét, thổi kèn… Không khí ngày hội vô cùng náo nhiệt cả buổi chiều. Đồng thời với những hoạt động đó, chúng tôi phải đi gặp gỡ với đoàn của mình, trao đổi với họ xem họ cầm cờ hay chúng tôi cầm. Sau khi trò chuyện thống nhất với nhau thì họ về nơi tập kết, chúng tôi đợi đến giờ đi lấy cờ và bảng tên đoàn, rồi kéo nhau ra vạch xuất phát đã được định trước.

Hôm đó đông lắm. Đúng là không tập trước thì loạn. Cũng rất may là thời buổi bây giờ ai cũng có mobile. Các nhóm liên lạc được với nhau rất nhịp nhàng. Tất cả đã diễn ra đúng như tập.

Bản thân tôi cứ nghĩ thời khắc bước vào quảng trường Concorde mới là vui nhất. Nhưng không. Ở đó có các tình nguyện viên nhẩy múa đón tiếp chúng tôi, có truyền hình trực tiếp nên quá nghiêm trang. Đoạn trên đại lộ Champs-Elysées lại là vui nhất vì nhân dân đứng hai bên đường rất đông, hò hét, cổ vũ rất nhiệt tình. Cả quãng đường dài đó là một nồi nước sôi sùng sục. Lúc này, mọi người quên hết chiến tranh, chính trị. Tất cả đều nhẩy múa, ca hát, hò hét, chụp ảnh tự sướng, trao đổi vật kỷ niệm, chủ yếu là huy hiệu. Tất cả các đoàn đều được nhân dân chào đón rất nồng nhiệt.

Sau khi đưa đoàn vào vị trí của họ, chúng tôi thu cờ và được mời vào ngồi ở các hàng ghế rất gần sân khấu. Không khí tại quảng trường Concorde vô cùng sôi động và náo nhiệt vui vẻ. Mọi người nghe nhạc, nhẩy múa ôm hôn nhau thắm thiết. Mấy bạn gái trong đoàn của chúng tôi cảm động quá khóc rung rức. Tôi cũng rớm lệ. Đây thực sự là một khoảnh khắc nhớ đời của từng con người tại đây. Đối với tôi thì nó lại càng có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Cả đời tôi chưa bao giờ được tham gia vào một sự kiện lớn cỡ hành tinh như thế. Nửa cuộc đời trước của tôi cũng kinh qua những sự kiện lớn của Việt Nam về Đảng, bác… nhưng niềm vui tôi nhường hết cho người khác.

Rất tiếc là không có đoàn Nga, một nước lớn. Ngày xưa, biết tiếng Nga có thể nói chuyện với rất nhiều nước. Tôi biết tiếng Nga, nhưng khi gặp các đoàn Gruzia, Kazakhstan…, tôi không hề dám nói tiếng Nga với họ vì không biết họ phản ứng ra sao. Từ một nước lớn, có uy tín, chỉ trong chốc lát trở thành một dạng hủi bị loại ra khỏi cuộc chơi của nhân loại. Cũng là một dạng vĩ đại đấy nhỉ.

Ngày xưa khi học tiếng Nga, cô giáo bắt học thuộc lòng câu: Tôi yêu tiếng Nga vì tiếng Nga là tiếng nói của Lênin, tiếng nói của Hòa Bình. Bây giờ mà thốt ra câu này thì chỉ có những thằng điên hoặc ngu.

Paragame là một phát kiến của nhân loại để vinh danh những người kém may mắn trong cuốc sống. Hãy cùng nhau ủng hộ Paragame, cũng như cần phải ủng hộ tất cả những người yếu kém trong xã hội.

Vive la France, Vive Paris 2024 ! Cám ơn nước Pháp đã cho tôi quá nhiều. Ngay cả khi tôi muốn trả ơn nước Pháp, nước Pháp lại cho tôi đặc ân mà ít người được hưởng.

HOÀNG QUỐC DŨNG 29.08.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.