Paris (Pháp) ngày
14/05/2017. Giai
đoạn cuối cùng trong ngày lễ nhậm chức của tân tổng thống Pháp Emmanuel
Macron : ông được đô trưởng Anne Hidaldo tiếp đón tại Tòa Đô chính Paris.
Bà nói : « Từ nay ông gắn bó
với người dân Paris qua một liên minh chống lại những gì làm phương hại đến nền
dân chủ ». Ảnh Charles Platiau/Reuters.
Affichage des articles dont le libellé est Thế giới quanh ta. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Thế giới quanh ta. Afficher tous les articles
dimanche 21 mai 2017
jeudi 5 janvier 2012
Obama : Châu Á là khu vực mấu chốt, được ưu tiên trong chiến lược quốc phòng
TT Obama đang giới thiệu chiến lược quốc phòng mới tại Lầu Năm Góc, Washington, ngày 05/01/2012. |
(AFP 05/01/2012) Tổng thống Mỹ Barack Obama khi trình bày chiến lược quốc phòng mới của Hoa Kỳ tại Lầu Năm Góc hôm nay, đã nhấn mạnh ưu tiên sẽ được dành cho châu Á, « khu vực mấu chốt » mà tại đó Hoa Kỳ sẽ tăng cường lực lượng quân sự trong tương lai.
mardi 3 janvier 2012
Dầu lửa đổi hỏa tiễn: Trung Quốc được mùa bán vũ khí cho Iran
Hỏa tiễn Ghader của Iran trong cuộc tập trận Valayat-90 ngày 02/01/2012. |
Những vụ bắn thử hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn và tầm trung mới đây trong khuôn khổ cuộc tập trận Valayat-90 của lực lượng vũ trang Iran xung quanh eo biển Ormuz vừa chấm dứt hôm nay, thứ Ba, được chế độ Hồi giáo Iran tuyên truyền rầm rộ với hàng loạt thông cáo và hình ảnh. Các lãnh đạo quân đội khẳng định rằng tất cả các hỏa tiễn này đều được thử nghiệm « thành công », và không ngớt tán tụng các loại vũ khí được giới thiệu như là hiện đại nhất của họ.
mardi 6 décembre 2011
Tái thúc đẩy kinh tế : Trung Quốc đã đạt ngưỡng giới hạn
Chuyên gia Valérie Niquet |
(Dịch từ nguyệt san L’Expansion số tháng 12/2011 có chủ đề « Vì sao Trung Quốc gây sợ hãi »)
Đối với nhà Trung Quốc học Valérie Niquet, thì Trung Quốc với nền kinh tế dễ tổn thương, không có ý định và cũng không có phương tiện hỗ trợ cho châu Âu. Bắc Kinh chỉ giới hạn ở việc đầu tư mang tính cơ hội, chỉ nhằm phục vụ cho chính sách thương mại của mình mà thôi.
Valérie Niquet không giấu diếm sự hoài nghi trước những lời hứa hẹn của Trung Quốc. Là nhà nghiên cứu chịu trách nhiệm khu vực châu Á của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, bà giải thích vì sao.
lundi 5 décembre 2011
Bước đại nhảy vọt của quân đội Trung Quốc
(Dịch từ nguyệt san L’Expansion tháng 12/2011)
Phi cơ tiêm kích, hàng không mẫu hạm, hỏa tiễn…Với việc sao chép kỹ thuật của nhà cung cấp vũ khí là nước Nga, Bắc Kinh đã xây dựng nên một quân đội hiện đại, và một nền công nghiệp quốc phòng đầy tham vọng, đã bắt đầu làm cho Hoa Kỳ và châu Âu lo ngại.
« Chiếc tàu này sẽ trở thành một casino trên biển ». Đó là những gì người Trung Quốc đã nói khi mua lại chiếc hàng không mẫu hạm cũ của Ukraina, chiếc Varyag, hồi tháng 6/2000. Nhưng rồi chiếc mẫu hạm được đặt lại tên là Thi Lang đã được chạy thử lần đầu vào mùa hè này, không hề là thiên đàng của các đại gia rủng rỉnh tiền cho các trò đỏ đen. Nó đã trở thành một chiếc hàng không mẫu hạm mới toanh, hiện là niềm tự hào của hải quân Trung Quốc.
mercredi 9 novembre 2011
Trung Quốc và sự chuyển hướng mới tại Đông Á
Các quốc gia láng giềng của Trung Quốc rất lo sợ trước thái độ của Bắc Kinh. Một số nước như Việt Nam đã tiến gần về phía Hoa Kỳ… Và thế là Trung Quốc phải đối mặt trước bấy nhiêu quốc gia cùng đồng lòng chống lại mình. Đó là cơn ác mộng tệ hại nhất của nước này. Bắc Kinh đã quá tự phụ !
(LND : Xin phép được giới thiệu bài phỏng vấn giáo sư Christopher R.Hughes bằng tiếng Pháp mang tựa đề « Về một sự chuyển hướng mới tại Đông Á » được đăng trên số chuyên đề « Một thế kỷ Trung Hoa » do báo Le Monde vừa phát hành. Giáo sư Christopher R.Hughes đang giảng dạy tại London School of Economics and Political Science, đã từng điều hành Trung tâm Nghiên cứu châu Á của trường từ 2002 đến 2005. Đây là trường đại học danh tiếng ở Anh, trong số các cựu sinh viên và giáo sư của trường đã có đến 16 người đoạt giải Nobel, 35 người trở thành nguyên thủ quốc gia).
dimanche 30 octobre 2011
Những giờ phút cuối cùng của Kadhafi
(Dịch từ Paris Match)
Chỉ đến lúc những cơn mưa đạn trút xối xả lên các bức tường nhà, Kadhafi mới quyết định chạy trốn. Đến phút chót, ông vẫn còn muốn kháng cự. Trong « Khu số 2 » nằm ở trung tâm thành phố Syrte điêu tàn vì bom đạn, gần như không còn thức ăn và rất ít nước uống, trong nhiều tuần vị lãnh chúa thất thế vẫn tin là có thể tổ chức phản công. Nhưng giờ đây quân nổi dậy đã tiến sát bên. Phe Kadhafi chỉ còn lại có ba dãy nhà, và sống trong nỗi ám ảnh bị NATO không kích.
Được Moatassem - người con trai hăng hái nhất của Kadhafi - chỉ huy, họ chỉ còn lại chừng hơn trăm người, hợp nên vòng cố thủ cuối cùng. Đóng rải rác trong những đống đổ nát, núp trên mái những ngôi nhà còn đứng vững, họ là vòng đai bảo vệ trung thành cuối, chống lại cơn say trả thù của người Libya.
Tối thứ Tư, Moatassem cho chất lên các xe tải nhẹ vũ khí và xăng nhớt để cố phá vòng vây. Mỗi chiếc xe được cho đậu trong sân hay giấu trong các đống gạch vụn. Sáng sớm thứ Năm 20/10, đoàn xe khoảng 40 chiếc bắt đầu chạy trốn. Trang bị vũ khí đến tận răng, các chiến binh hy vọng sẽ lách qua được các phòng tuyến, trong lúc quân nổi dậy còn say ngủ.
jeudi 27 octobre 2011
Libya và luật Hồi giáo : Sẽ cho phép đa thê và cấm ly dị ?
Chủ nhật tuần rồi tại Benghazi, nơi khởi đầu cuộc nổi dậy, trước hàng chục ngàn người trong một rừng cờ ba màu xanh, đen, đỏ, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp Libya (CNT), Mahmoud Abdeljalil đã tuyên bố đất nước Libya hoàn toàn giải phóng. Trong niềm vui đó, ông nói về dân chủ, bình đẳng, nam nữ bình quyền…chăng ? Không. Ông loan báo : « Là một đất nước Hồi giáo, chúng ta áp dụng luật Hồi giáo (charia) là bộ luật cơ bản ». Bài diễn văn của ông được nhấn bằng những câu « Allah akbar ! » (Thượng đế vĩ đại).
Phải nói rằng, cái chết thảm khốc của ông Mouammar Kadhafi và bộ luật Hồi giáo là những bóng mây đen của cuộc cách mạng Libya.
Thật ra việc này không có gì mới, vì hồi giữa tháng 9, ông Abdeljalil cũng đã từng khẳng định như trên. Nhưng đáng chú ý là lần này, trong không khí hồ hởi của chiến thắng, chính quyền mới chưa chính thức được hình thành, Quốc hội chưa có để định ra Hiến pháp, mà ông đã tự ra tuyên bố áp dụng luật charia ! Ông Mahmoud Abdeljalil còn lấy ví dụ cụ thể là đạo luật thời ông Kadhafi hạn chế đa thê và cho phép ly dị, sẽ không còn hiệu lực nữa. Chủ tịch CNT cũng thông báo sẽ cho mở các ngân hàng Hồi giáo, vốn cấm cho vay nặng lãi.
Tuyên bố áp dụng luật Hồi giáo đã làm cho cộng đồng quốc tế lo ngại, và có phản ứng ngay lập tức. Người đứng đầu ngành ngoại giao của châu Âu, bà Catherine Ashton nói rằng : « Chúng tôi chờ đợi một nước Libya mới dựa trên việc tôn trọng nhân quyền và các nguyên tắc dân chủ ». Còn Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé cho biết : « Chúng tôi sẽ cảnh giác ngõ hầu các giá trị mà chúng tôi đã đấu tranh bên cạnh nhân dân Libya để bảo vệ phải được tôn trọng. Đó là dân chủ, tôn trọng con người, bình đẳng nam nữ ».Chủ tịch Liên hiệp quốc tế các liên đoàn nhân quyền (FIDH), bà Souhayr Benhassen nhấn mạnh : « Hàng ngàn người đã chết đi không phải để ngày nay thụt lùi trở lại như kiểu Iran ».
Có lẽ vì vậy nên hôm sau đó ông Mahmoud Abdeljalil đã « chữa cháy » bằng cách cam đoan : « Libya là những người Hồi giáo ôn hòa ». Ông vụng về giải thích rằng, hôm trước ông chỉ muốn đưa ra một ví dụ mà thôi, vì luật hiện hành chỉ cho phép đa thê với một số điều kiện, còn theo luật charia thì không đặt ra điều kiện nào cả.
Charia là bộ luật Hồi giáo quy định các quyền lợi và nghĩa vụ của các tín đồ đạo này, những điều cấm đoán và trừng phạt trong charia dựa theo truyền thống và các án lệ. Luật charia được áp dụng linh hoạt theo từng quốc gia Hồi giáo. Trong số các khung hình phạt có tử hình dành cho tội cố sát, đánh 100 gậy cho tội ngoại tình, chặt bàn tay phải nếu trộm cắp.
Luật Hồi giáo cho phép đa thê và chấp nhận ba hình thức chấm dứt cuộc sống vợ chồng. Hoặc được một giáo sĩ Hồi giáo cho phép, hoặc thuận tình ly dị, hoặc đơn phương bỏ người phối ngẫu nếu trước đó có ghi trong hợp đồng hôn nhân. Quyền ly dị trước hết thuộc về người chồng, và một vụ ly dị dân sự chỉ có giá trị theo luật Hồi giáo nếu do chính người chồng yêu cầu, hoặc được sự đồng ý từ phía người chồng.
Ông Mouammar Kadhafi đã đè bẹp tự do của đất nước Libya trong suốt 42 năm. Bốn mươi hai năm, thời gian đủ dài để một đứa trẻ lớn lên, trở thành cha mẹ và sinh con đẻ cái. Hậu quả của một thời kỳ độc tài quá dài lâu, không chỉ ở việc trấn áp, bỏ tù, tra tấn, tử hình, mất tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, nọc độc của nó còn tồn tại ngay chính trong các nạn nhân. Suốt quãng đời đi học, học sinh phải tụng cuốn « Sách xanh » - giáo điều của Kadhafi. Cả một lớp tuổi trẻ đành phải vùi đầu vào cuốn sách duy nhất được tự do đọc, đó là kinh Coran. Dân chủ ? Họ không hề biết đến. Ảnh hưởng có thể cảm nhận được trong suốt tám tháng đấu tranh vừa qua, trong lời tuyên bố và thái độ của các chiến binh, trận chiến cuối cùng ở Syrte, việc sát hại ông Kadhafi, và nhất là tuyên bố về luật Hồi giáo.
Đối với nhiều nhà quan sát tại chỗ thì không có mấy ngạc nhiên. Đứng trước đội ngũ cảnh sát của chế độ Kadhafi, những người biểu tình can đảm nhất chỉ hô mỗi một câu khẩu hiệu. Quân nổi dậy có mỗi một khẩu lệnh trong chiến đấu. Để chào nhau khi gặp mặt, lúc ra đi, cổ vũ, chúc mừng, xung phong, bày tỏ niềm hân hoan hay sự đau khổ, bắt đầu và kết thúc phát biểu, đều chỉ có mỗi một câu : « Allah akbar ! »
Tất cả các phóng viên nước ngoài từng xuôi ngược trên các con đường đất nước Libya đều có một nhận xét chung. Đó là, một nước Libya dù có cách mạng hay không, đều là thế giới của đàn ông. Phụ nữ tất nhiên không hề có mặt trong đội ngũ vũ trang, nhưng cũng không hiện diện trong số các nhân viên y tế, hậu cần, căng-tin, thậm chí trong văn phòng. Khi tiến gần những chiếc xe của thường dân đang trên đường đi sơ tán khỏi các thành phố đang bị bao vây như Beni Walid hay Syrte, các nhà báo thường bị chặn lại, để tránh hỏi chuyện những phụ nữ trong xe. Và cuối cùng, những người phụ nữ đến tham dự buổi mít-tinh mừng chiến thắng ở Benghazi được nghe thông báo là chấm dứt quyền ly dị, trở lại chế độ đa thê !
Đây chỉ mới là một vệt xám, còn nhiều những vệt xám khác.
Những ai đã xem các video clip về cái chết của Kadhafi có lẽ khó quên hình ảnh hàng chục người kéo nhà cựu độc tài quẳng xuống đất, gào thét « Allah akbar ! », những cú đánh, cú đá, máu chảy và hai phát súng…Cái xác đẫm máu mang đầy vết bầm, vết xước kể cả dấu giày đinh, được trưng bày như chiến lợi phẩm trong một kho lạnh chứa thịt gia súc cho hàng ngàn người đến xem, sỉ vả và chụp ảnh. Người con trai Mouatassim bị bắt sống cũng cùng chung số phận. Người ta tự hỏi, thế thì có bao nhiêu quân lính phe Kadhafi cũng bị bắt sống và giết chết như thế ? Nói chung là không ai quan tâm đến khái niệm tù binh chiến tranh cả.
Đất nước Libya cũng đang bị chia rẽ, trước hết là các vùng miền. Thành phố Misrata đương cự với quân Kadhafi suốt sáu tháng, cứ mười người đàn ông thì có một người đã hy sinh. Nhưng sau đó quân nổi dậy ở Misrata đã lên tàu đến thẳng thủ đô, tiến vào dinh Kadhafi, và họ cũng có mặt ở nơi cố thủ cuối cùng của nhà độc tài là Syrte. Công trạng của đội quân từ Benghazi cũng rất lớn, tuy nhiên hai nhóm quân này không chia sẻ thông tin và nghi kỵ lẫn nhau, bên cạnh đó còn có các nhóm quân khác. Vũ khí đang được lưu chuyển tự do tại Libya, và người ta có thói quen « nói chuyện » với khẩu kalachnikov trên tay.
Misrata chống lại Benghazi, địa phương không phục trung ương, thủ lĩnh quân đội đối chọi với chính khách, khuynh hướng tự do với chủ nghĩa Hồi giáo, chuyên chế chống lại dân chủ…Kadhafi đã gục ngã, nhưng như mọi nhà độc tài khác, ông ta để lại đằng sau một đất nước bị xâu xé. Và rất nhiều áng mây đen trên nền trời sa mạc Libya.
(Bài viết có tham khảo Le Nouvel Observateur)
(Bài viết có tham khảo Le Nouvel Observateur)
samedi 15 octobre 2011
Trung Quốc kiểm duyệt vô tội vạ
Vào lúc Bắc Kinh quyết định tăng cường kiểm soát internet và lãnh vực văn hóa nghệ thuật, Thụy My xin giới thiệu điều tra của thông tín viên báo Le Monde tại Bắc Kinh, về hệ thống kiểm duyệt bao trùm lên lãnh vực văn hóa tại Trung Quốc, đặc biệt là đối với các văn nghệ sĩ có khuynh hướng phản kháng. (Tạm thời xin phép được khất loại bài Hồi ký Triệu Tử Dương lại một kỳ).
Bằng Tiểu Cương là một nhà điện ảnh gặt hái nhiều thành công tại Trung Quốc : các phim hài mang tính lãng mạn cũng như các bộ phim hành động của ông đều dẫn đầu danh sách những phim có đông đảo người xem nhất. Dù vậy, ông cũng đã phải nổi dóa. Vào cuối tháng 8, đang lúc có một hội nghị về cải cách văn hóa do Hội đồng Tham vấn Nhân dân tổ chức – một loại Thượng viện nhưng không có quyền hành thực tế, ông đã phải trút cạn nỗi lòng. Báo chí Trung Quốc thuật lại, theo ông Bành Tiểu Cương, thì cơ quan kiểm duyệt điện ảnh « Diễn dịch sai lệch tất cả, mọi thứ đều trở thành vấn đề nguyên tắc ! Số lần chỉnh sửa đã đạt đến giới hạn đáng nực cười ! Tiêu chí duy nhất để đánh giá một bộ phim là xem xét coi nó tiêu cực hay là tích cực ! »
Rất hiếm khi được biểu lộ ra, những bất mãn vì bị kiểm duyệt được đông đảo người chia sẻ, vào thời điểm mà Bắc Kinh khoe khoang « quyền lực mềm ». Năm 2010, blogger kiêm nhà văn Hàn Hàn đã công kích sự bảo thủ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Bài nói chuyện của anh trước các sinh viên, đã được lan truyền rộng rãi trên internet : « Làm thế nào có được một nền văn hóa, trong một không khí sáng tạo như thế ? Quý vị đã hoạn đi các tác phẩm nghệ thuật cho đến khi chúng trở nên giống như chương trình tin tức lúc 19 giờ, rồi quý vị muốn đem xuất khẩu ? Xin đừng coi người nước ngoài như người ngoài hành tinh như vậy ! »
Việc kiểm duyệt ở Trung Quốc rất vô chừng. Nó đụng chạm đến tất cả các ngành văn hóa, đặc biệt là điện ảnh vì bộ môn nghệ thuật này có ảnh hưởng đến đông đảo quần chúng. Nổi tiếng không có nghĩa là được yên thân. Bằng chứng là vụ bắt giữ nghệ sĩ, kiến trúc sư Ngải Vị Vị hôm 3 tháng Tư, trong lúc ông chuẩn bị lên máy bay đi Hồng Kông. Hoạt động rất tích cực, nhà nghệ sĩ bậc thầy có ảnh hưởng ngày càng lớn lao lên các cư dân mạng trẻ tuổi. Công an đã cho ông « đi nghỉ mát » trong tù - đây là trường hợp khá hiếm đối với một nghệ sĩ danh tiếng – vào thời điểm đang có những lời kêu gọi một « cuộc cách mạng hoa lài » tại Trung Quốc.
Một số chủ đề khá là nhạy cảm. Các tác phẩm lịch sử về đất nước được soi kỹ qua kính lúp. Những điều cấm kỵ : không được đụng chạm đến đảng Cộng sản, không được nhắc đến vụ thảm sát Thiên An Môn, đến phong trào Pháp Luân Công…Các đề tài đương đại cũng không phải là ít bị săm soi hơn. Lô-gic của việc kiểm duyệt là gì ? Đối với Sebastian Veg, chuyên gia về văn chương Trung Quốc, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc đương đại của Pháp (CEFC) đặt tại Hồng Kông, thì việc kiểm duyệt có nguồn gốc từ « ý thức hệ phức tạp ở trung tâm chế độ. Trong đó có một ít tinh thần tự hào cách mạng – không bao giờ nói gì xấu về những người tiền nhiệm đầy hào quang, một ít liều lượng về sự hòa hợp xã hội – tránh nhấn mạnh các mặt xấu, như bất bình đẳng giàu nghèo, các vụ nổi dậy của công nhân và nông dân…Thêm vào đó là một nhúm đạo đức lành mạnh, và đừng quên mô tả phương Tây là đang lúc suy tàn… »
Nhất là, việc kiểm duyệt ở Trung Quốc hết sức vô chừng. Đó là một cơ chế ngầm, trong đó các quyết định thường là bí mật. Chẳng hạn đối với văn chương, các nhà xuất bản vẫn tự kiểm duyệt. Chịu trách nhiệm về các tác phẩm do mình xuất bản, họ áp đặt cho tác giả phải chỉnh sửa – dù không nhất thiết phải đem tất cả các bản thảo trình cho cơ quan quản lý báo chí xuất bản duyệt xét. Cơ quan này vốn đặt dưới quyền kiểm soát trực tiếp của Hội đồng Nhà nước. Sebastian Veg nhấn mạnh : « Nỗi lo sợ bị trừng phạt khiến người ta phải tự kiểm duyệt trước. Các nhà xuất bản có nguy cơ phải thu hồi sách, hay nhiều loại áp lực khác nữa… ». Cơ quan tối cao về kiểm duyệt là Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, được lãnh đạo bởi Lý Trường Xuân, một trong chín thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Đây là nơi xuất phát các mệnh lệnh về những chủ đề cần phải tránh, hay các giới hạn không được vượt qua.
Về nghệ thuật đương đại, cần phải chuẩn bị kỹ càng cho cuộc triển lãm. Davide Quadrio, chuyên gia người Ý làm việc tại Thượng Hải giải thích : « Tất cả tùy thuộc vào phương cách thông tin. Cần phải biết giải thích các tác phẩm nghệ thuật, làm giảm bớt những e ngại. Tiếp đó, không khí chính trị cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu cuộc triển lãm diễn ra cận kề một thời điểm nhạy cảm, thì có thể thay đổi hoàn toàn khả năng thực hiện ».
Các nhà điện ảnh và nhà sản xuất phải đem trình duyệt kịch bản, rồi bản phim hoàn tất, và kể cả những lời mời tham dự các liên hoan phim nước ngoài cho SARFT, cơ quan quản lý nhà nước về truyền thanh, truyền hình và điện ảnh. Cơ quan này có thể cấm chiếu phim trong vòng nhiều tháng. Chẳng hạn như phim Vô nhân khu tức Vùng phi quân sự của nhà đạo diễn tài ba Trữ Hạo, đã bị treo từ một năm qua. Bộ phim loại viễn tây nhiều bạo lực này có « quá nhiều người chết » và « nhiều nhân vật tiêu cực », theo như những người duyệt phim.
Việc trừng phạt đôi khi còn mang tính « hồi tố », áp dụng cho cả những phim đã được phát hành, nhưng gây ra nhiều tranh luận hơn dự kiến, và như vậy SARTF sẽ gây áp lực lên các rạp. Phim Sắc giới của Lý An, đoạt giải Sư tử vàng ở Venise năm 2007, tuy đã được phép trình chiếu, nhưng sau đó đã phải trả giá. Nữ diễn viên Thang Duy đóng vai một người yêu nước ngủ với kẻ thù, sau đó đã bị cấm xuất hiện trên màn ảnh một thời gian…Việc « kiểm duyệt bằng biện pháp kinh tế » này hết sức lợi hại : rất nhiều nghệ sĩ lo sợ bị loại ra khỏi thị trường Trung Quốc béo bở.
Tệ hại nhất là khi kiểm duyệt trở thành trấn áp. Cơ quan an ninh đã truy bức nhà văn Liêu Diệc Vũ, nay sống lưu vong tại Đức, hay Lưu Hiểu Ba, giải Nobel văn chương 2010, đang bị bản án 11 năm tù. « Tội ác » của họ là « có xu hướng lật đổ ». Một số đạo diễn phim tài liệu đã trở thành những kẻ bị tình nghi từ khi kỹ thuật số và internet giúp cho họ trở thành những chứng nhân phiền nhiễu về thực tế tại Trung Quốc, vì theo rất sát thời sự và gây nhiều ảnh hưởng. Có thể kể nữ đạo diễn Ngải Hiểu Minh, người thường xuyên tường thuật những cuộc đấu tranh cho các quyền dân sự ở Trung Quốc. Hoặc nhà làm phim video người Tây Tạng Dongdup Wangchen, bị bản án sáu năm tù vì âm mưu lật đổ : ông đã tập hợp được các chứng cứ từ hàng trăm người dânTây Tạng ngay trước khi diễn ra cuộc nổi dậy tháng Ba năm 2008.
(còn tiếp)
Inscription à :
Articles (Atom)