vendredi 30 août 2024

Dương Quốc Chính - Vai trò của sách

Đang trend chửi người không đọc sách, đồng thời có trend bênh người không đọc sách. Thế mới hay!

Mình nghĩ không nên quá cực đoan chửi người không đọc sách. Thế hệ mình là 7x về trước, đa số con nhà trí thức thì đều đọc sách, cơ bản vì không đọc sách thì chả biết làm gì để giết thời gian, chứ cũng không hẳn là vì đam mê tri thức gì đâu, nói cho nó vuông là như vậy! Bởi vì hồi đó đói rách, có gì giải trí mấy đâu. Thế nên đa số là đam mê thể thao và đọc sách, rất chi là lành mạnh với quan điểm hiện tại. Phải chơi thể thao vì làm gì có trò chơi điện tử, hi hi!

Nhà mình thì đến năm mình học cấp 3 mới có ti vi nhé, trước đó có radio thôi (mình tự diễn biến khi nghe đài địch bằng cái đó). Chứ nếu mà có ti vi sớm có khi lại không diễn biến, vì ti vi làm gì có đài địch như radio! Tóm lại là nghèo nên mới nghe radio và đọc sách, chơi thể thao nhiều! Quá là lành mạnh đúng không?

Bây giờ thời thế thay đổi cực kỳ nhiều, con nhà mình cũng không bao giờ đọc sách nhiều bằng mình ở cùng tuổi được. Bởi vì chúng bị phân tâm bởi quá nhiều thứ khác như ti vi, smartphone. Đặc biệt là smartphone (nói chung cả điện thoại và máy tính bảng) và máy tính có kết nối mạng. Nó là thiết bị all in 1, để tiếp cận thông tin, bao gồm cả sách.

Vậy nên thiết bị thông minh kia rất dễ gây nghiện. Mà trong những thứ có thể làm được với nó thì game và phim là thứ dễ cuốn hút hơn sách và audio (podcast) rất nhiều. Do đó, đừng vội trách bọn trẻ khi chúng bị cuốn bởi những cái cuốn hút hơn sách kia. Chính người lớn cũng bị vậy.

Nhưng chúng ta không thể so sánh ta với Gen Z, vì thế hệ chúng ta ham đọc và vận động là do không có lựa chọn khác. Giống nhiều ông đi tù ra lại thành "học giả" vì ở trỏng mới có thời gian đọc sách và...thiền! Sống lành mạnh, điều độ.

Với vị trí là người đọc nhiều sách hơn đám đông, lại cũng đam mê công nghệ, nên mình đủ hiểu biết và trải nghiệm để đánh giá cái lợi và hại của từng cách tiếp cận thông tin. Mình bắt đầu dùng PDA (tiền thân của smartphone) từ khoảng 2002 gì đó với con Palm One Tungsten, còn điện thoại Android mình dùng từ con HTC Hero Android 1.0 gì đó! Tức là có thể là thế hệ 1 hay 2 gì đó ở Việt Nam mà bắt đầu dùng đồ công nghệ kiểu thiết bị trợ giúp cá nhân.

Công bằng mà nói, sách không hề là cách tiếp cận thông tin tốt nhất mà phải là video mới đúng. Bởi video là dạng media tất cả trong 1, nó bao gồm cả text (một phần của sách), hình ảnh (tĩnh và động) và âm thanh. Nên cách diễn đạt của video là trực quan, dễ hiểu nhất.

Có những nội dung mà nếu không dùng video thì rất khó có thể diễn đạt, đặc biệt là các nội dung về khoa học công nghệ hay các nội dung mô tả hình ảnh và vận động. Thử dùng văn mô tả một trận bóng đá xem, hay truyện Tam Quốc thì phần chán nhất là mô tả các trận đánh. Ví dụ như siêu phẩm Cô giáo Thảo ngày xưa bây giờ Gen Z không thèm đọc, vì thua xa các video. Hay truyện chưởng sao mà dễ hình dung như phim chưởng được, nên giờ ai thèm đọc truyện mô tả các trận đấu võ.

Tiếp theo là các nội dung bao gồm chữ và hình ảnh minh họa, nó bổ trợ cho nhau để diễn đạt thông tin. Còn nếu thuần văn bản hay audio thì sẽ khó nhất để truyền tải thông tin. Có những nội dung thì text không thể mô tả được, ví dụ tiếng con chim hót...

Chính vì ngày xưa không có thiết bị ghi âm và hình nên giờ người ta mới tưởng tượng ra tiếng nói của người xưa, vì tranh vẽ có sớm hơn thiết bị ghi âm nên bây giờ còn có thể có chút hình dung về trang phục người xưa chứ âm thanh là thua tuyệt đối.

Thực ra tranh vẽ có trước cả chữ viết (chữ tượng hình bản chất là dùng tranh để diễn đạt). Nhưng vì vẽ tranh mất công quá nên người ta phải dùng chữ và sách để lưu trữ thông tin. Lịch sử có lẽ tính từ khi bắt đầu có tranh và chữ (sách).

Phân tích dài dòng vậy để thấy rằng, sách thực ra lại là cách cung cấp thông tin kém nhất trong số các loại hình cung cấp thông tin như âm thanh, hình ảnh (tĩnh và động). Hiện tại, công nghệ vẫn chưa có khả năng diễn tả về mùi, nên tất cả những thứ trên đều thua. Sách có thể mô tả mùi, nhưng đều dưới dạng so sánh với những mùi ngoài thực tế, để người đọc hình dung. Nếu ai chưa có trải nghiệm ngửi mùi đó thì sẽ không hiểu.

Nếu so sánh riêng sách và sách nói (podcast) thì mình cho là đọc sách sẽ nhớ lâu hơn vì có sự tập trung hơn do phải dùng mắt. Nếu bạn nghe podcast mà nhắm mắt, không nghĩ tới chuyện khác, thì hiệu quả có thể tương đương với đọc sách. Nhưng đa phần là nghe podcast trong khi đang làm việc khác nên dễ bị phân tâm, nên không nhớ được lâu bằng đọc.

Thế sao vẫn cần có sách và đọc sách?

Tuy sách là cách diễn đạt thông tin kém cỏi nhất, nhưng lại nhanh và rẻ tiền nhất. Vì thế người ta buộc phải duy trì loại hình cung cấp thông tin này. Đến giờ này, cách loại văn bản luật, đơn từ...vẫn phải dùng chữ hoặc chữ kèm hình ảnh minh họa, chứ chưa thể dùng video. Đời mình mới duy nhất một lần làm đơn bằng video! Đó là video kháng nghị với YouTube, khi nó cho là mình copy nội dung mà không có sáng tạo! Còn lại đều là text hết.

Còn về sách vở, giáo trình...mình nghĩ dần dần sẽ thay thế bằng video, hiện tại các giáo viên dùng slide show (một dạng video) phổ biến từ cấp 1 rồi. Ví dụ như dạy các môn khoa học như Toán Lý Hóa hay ngoại ngữ bằng video thì dễ hiểu hơn dạy chay rất nhiều, sẽ dễ dàng mô tả một vụ nổ hạt nhân hay hình không gian, hoặc quang học...

Chính vì các văn bản luật vẫn buộc phải dùng chữ và sách vẫn là cách diễn đạt rẻ tiền và phổ biến nhất nên chúng ta vẫn cần phải đọc. Nếu đọc quá ít, bao gồm cả đọc báo mạng hay Facebook, thì kỹ năng đọc sẽ kém, dễ bị hiểu sai các nội dung bằng chữ. Thế nên các nhà báo, nhà văn, luật sư, công chức, giáo viên, nói chung là giới trí thức bắt buộc vẫn phải đọc nhiều (không nhất thiết là sách, nhưng sách là nhiều chữ nhất). Vì nếu họ không rèn luyện việc đọc thì sẽ không làm tốt công việc của chính họ được.

Các giới khác, ít cần dùng chữ hơn, ví dụ ca sĩ, người mẫu, vận động viên, công nhân, nông dân...có thể châm chước việc ít đọc. Hoa hậu thực ra là người mẫu có thêm chút kiến thức xã hội, nên việc đọc sách cũng chỉ cần ở mức độ vừa phải thôi. Diễn viên thực ra cũng cần đọc nhiều thì diễn mới tốt được các vai có chiều sâu.

Thực trạng hiện nay là ngay chính giới trí thức thực ra cũng rất ít đọc sách, đó là điều khá đáng buồn. Nên giờ mà tấn công việc không đọc sách là đụng chạm ác liệt đó! Mình biết thậm chí giáo viên, ngoài sách giáo khoa ra, đa số cũng chả đọc gì thêm. Các nghề khác còn éo le nữa. Mình nhìn những người xung quanh mình là thấy thôi, vì mình có bằng đại học thì đa số bạn bè là trí thức cả.

Sách mà người ta đọc phổ biến nhất hiện nay là truyện, sách self help (các loại sách đào tạo kỹ năng sống, cày tiền, dạy quan hệ...), Phật pháp, phong thủy lý số và quản trị (bản chất cũng gần như self help). Các loại sách chuyên ngành kiểu sách giáo khoa thì không tính nhé.

Các loại sách kén người đọc nhất hiện nay là triết, chính trị (sách Mác Lê tính là sách giáo khoa bị bắt phải đọc với một nhóm người), kinh tế vĩ mô, lịch sử và nghệ thuật. Cơ bản vì chúng thiếu tính thực dụng để kiếm sống với đa số. Đọc không ra tiền nên không đọc. Nên trí thức Việt Nam có lẽ ngu những thứ đó nhất, kể cả giáo sư tiến sĩ cũng vậy nhé.

Đáng tiếc rằng những thứ này là bắt buộc phải có với các chính trị gia, thế nên quan lại Việt Nam dốt ở chỗ đó. Vì quan cũng là từ trí thức chuyển sang mà. Quốc gia chậm tiến thì lý do cơ bản nhất là do quan chức, công chức và giới trí thức thiếu hiểu biết về triết học, chính trị, lịch sử và kinh tế vĩ mô.

Người không, hay ít đọc sách sẽ kém khả năng đọc hiểu, diễn đạt, đọc ít sẽ viết kém là chắc chắn. Vì đó là hai kỹ năng bổ trợ cho nhau. Đọc nhiều chính là học cách viết của tác giả. Đọc thể loại nào nhiều thì sẽ có nền tảng để viết thể loại đó tốt (không chắc là viết tốt).

Chính thế nên hiện nay có tình trạng là chất lượng văn bản luật rất tồi tệ, do diễn đạt kém, thiếu chính xác, thậm chí xung đột nội dung. Công chức vận dụng luật cũng sai be bét. Thậm chí học đọc hiểu, diễn giải luật còn sai. Việc này mình va chạm trực tiếp trong công việc. Còn dân không thể soạn đơn hay đọc một điều luật không hiểu gì là quá phổ biến.

Rõ ràng một bộ luật là phải dễ hiểu nhất, tương đương với sách giáo khoa, để ai đọc cũng phải hiểu. Nhưng thực tế không phải vậy. Thế nên mình luôn nhắc đi nhắc lại là bây giờ ai đọc hết trang A4 mà hiểu là giỏi rồi. Đó chính là tác hại của việc lười đọc.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 30.08.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.