Giáo sư Carl Thayer, trường đại học New South Wales, Úc trong bài viết mang tựa đề « Việt Nam, Biển Đông và cộng đồng quốc tế trong đó có Úc »,
đăng tải hồi cuối tháng 8/2019, đề nghị Việt Nam nên tham khảo các
chuyên gia pháp lý quốc tế, về tiến trình bắt giữ chiếc Hải Dương Địa
Chất 8 (Haiyang Dizhi 8), thông qua cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol.
Ông
khuyến cáo cảnh sát biển Việt Nam cần phải tiếp tục duy trì sự hiện
diện ở bãi Tư Chính để bảo vệ chủ quyền. Song song đó, Việt Nam cần tiếp
tục phản đối về mặt ngoại giao ở mọi cấp độ : đại sứ quán Trung Quốc ở
Hà Nội, bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh, các lãnh đạo cao cấp của
đảng và chính quyền, quân đội Trung Quốc.
Việt Nam cũng phải tiếp
tục vận động các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế để tìm kiếm sự hỗ trợ
trước các hành động bức hiếp của Trung Quốc. Cần nói rõ với các nước
ASEAN là không thể chấp nhận một bộ quy tắc ứng xử không bảo vệ quyền
lợi chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS.
Hải cảnh 3501, một trong số các tàu Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm bãi Tư Chính của Việt Nam.
Vì sao ông nghĩ rằng lần này Việt Nam đứng lên chống lại
sự tấn công của Trung Quốc, trong khi hồi năm 2017 và 2018 đã phải lùi
bước ?
Carl Thayer : Tôi không rõ « Đứng lên chống lại sự tấn công của Trung Quốc » có
phải là cụm từ chính xác nhất về phản ứng của Việt Nam trước sự kiện
bãi Tư Chính (Vanguard Bank) hay không. Cảnh sát biển Việt Nam tại khu
vực Tư Chính hiện nay dường như được lệnh phải trấn giữ, trong lúc Việt
Nam có một loạt động thái phản đối về ngoại giao.
Hồi tháng
7/2017, một tướng lãnh cao cấp của Trung Quốc đã sang Hà Nội, yêu cầu
Việt Nam ngưng khai thác dầu tại bãi Tư Chính. Khi bị thủ tướng Việt Nam
từ chối, ông ta giận dữ rời Hà Nội và chấm dứt các hoạt động hữu nghị
thường niên ở biên giới Việt-Trung. Trung Quốc cũng được cho là đe dọa
sử dụng vũ lực. Việt Nam đành phải thuận theo và ngưng khai thác. Đến
tháng 3/2018, sau khi Trung Quốc gia tăng áp lực chính trị và ngoại
giao, Việt Nam cũng phải ngưng các hoạt động ở gần mỏ Cá Rồng Đỏ.
Năm
nay Việt Nam có vẻ đã rút ra được kinh nghiệm. Theo một tài liệu được
bộ Ngoại giao Việt Nam chuẩn bị, Hà Nội đã sử dụng bốn kênh khác nhau –
ngoại giao, an ninh, quốc phòng và Ban Đối ngoại Trung ương – để đưa ra
hơn một chục văn bản phản đối, như công hàm gởi đến đại sứ quán Trung
Quốc ở Hà Nội, bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh và « các cơ quan hữu quan ». Trong số những đòi hỏi của Việt Nam, có việc Trung Quốc « phải lập tức chấm dứt việc xâm phạm, và rút tất cả các tàu thăm dò, tàu hộ vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam ».
Đồng thời, «
cơ quan chấp pháp trên biển của Việt Nam tiếp tục áp dụng một loạt biện
pháp để thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt
Nam một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp… » - theo một phát ngôn viên bộ Ngoại giao, khi kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Cũng
theo bộ Ngoại giao, hôm 4/7 tàu Hải Dương Địa Chất (Haiyang Dizhi) 8
được một số tàu hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc hộ tống, đã tiến
vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Các tàu cảnh sát biển
Việt Nam đã là mục tiêu các vụ tấn công bằng vòi rồng áp lực cao, và bị
những tàu hải cảnh Trung Quốc lao đến tông vào mũi tàu « nhằm cưỡng ép tàu Việt Nam ».
Theo tài liệu của bộ Ngoại Giao Việt Nam, số lượng tàu Trung Quốc tham
gia gây hấn vào lúc cao nhất lên đến 35 chiếc. Vào ngày 3/8, một nguồn
tin riêng từ Việt Nam cho biết tổng số tàu Trung Quốc đủ loại đã vọt lên
khoảng 80 chiếc !
Nhân viên của Rosneft Vietnam trên giàn khoan ở mỏ khí Lan Tây, ngoài khơi Vũng Tàu, Việt Nam. Ảnh tư liệu chụp ngày 29/04/2018.
Có dấu hiệu nào cho thấy tình cảm chống
Trung Quốc đang tăng lên trong đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) hay không
? Một số đại biểu Quốc hội đã có ý kiến muốn hạn chế đầu tư từ Trung
Quốc, và xung đột mới đây trên Biển Đông dường như đang dẫn đến tình cảm
dân tộc dâng cao trong đảng ?
Tâm lý chống Trung Quốc
vốn đã gay gắt trong ĐCSVN, và cuộc đối đầu ở bãi Tư Chính chỉ củng cố
thêm. Tuy vậy Việt Nam có lịch sử lâu dài gắn liền với Trung Quốc, và
mặc dù có thể kể ra những lần Trung Quốc xâm lược đất nước, người Việt
vẫn ý thức được phương diện tích cực của mối quan hệ. Quan trọng nhất là
việc coi Trung Quốc như kẻ thù thường trực không có lợi cho Việt Nam.
Dự
thảo luật đặc khu đã bị đưa ra khỏi chương trình nghị sự của Quốc hội
trong năm nay, do tình cảm chống Trung Quốc phổ biến trong xã hội cũng
như nơi các đại biểu. Hôm 30/7, Hội Nghề cá Việt Nam đã ra tuyên bố kêu
gọi chính phủ « phản kháng mạnh mẽ hơn » đối với các hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Người
ta cho là trong giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội Đảng năm 2021, không có
khuôn mặt nổi trội nào đáp ứng được mọi kỳ vọng cho một tổng bí thư, nên
tổng bí thư đương nhiệm là ông Nguyễn Phú Trọng và phe của ông có thể
phải đối mặt với những đại biểu có quan điểm tự do hơn. Dù gì đi nữa
những người đang dòm ngó các chức vụ cao nhất có thể sử dụng tình cảm
chống Trung Quốc để ngăn trở những người được ông Trọng giới thiệu, vì
đây là điểm yếu nhất của ông trong đảng ?
Các nhà lãnh đạo Việt Nam đang nới lỏng quy định phải về hưu ở tuổi 65, cho phép « những trường hợp đặc biệt ». Những yêu cầu nghiêm ngặt hơn về sức khỏe sẽ được áp dụng. Điều này sẽ mang lại lợi thế cho những người ủng hộ ông Trọng.
Vấn
đề chính liên quan đến việc ông Nguyễn Phú Trọng về hưu, là chức tổng
bí thư và chủ tịch nước có được hợp nhất hay sẽ tách rời. Nếu tiếp tục
hợp nhất hai chức vụ này, sẽ khó khăn cho các quan chức cao cấp muốn
thăng tiến để đáp ứng được các đòi hỏi, đặc biệt là trong chính phủ. Mọi
ứng viên tiềm năng đều phải có kinh nghiệm công tác đảng.
Vấn đề
quan hệ Việt-Trung sẽ được đặt lên hàng đầu vào khoảng tháng 10, khi
tổng bí thư kiêm chủ tịch nước đến Washington gặp tổng thống Donald
Trump tại Nhà Trắng. Điều quan trọng là quan hệ song phương Việt -Mỹ có
được nâng từ quan hệ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược hay không.
Tàu Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8 quần nát bãi Tư Chính trong khoảng 3/7 đến 1/8/2019.
Chắc chắn là việc này có liên quan đến quan hệ Việt-Trung. Yếu
tố Trung Quốc sẽ đè nặng một khi Bắc Kinh vẫn tiếp tục để cho tàu khảo
sát cùng với một số lớn tàu hải cảnh, dân quân biển đủ loại xâm phạm
vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bất kỳ một vụ đâm tàu nào đều có
thể làm dấy lên những cuộc biểu tình phản đối.
Trong khi việc chọn
lựa ban lãnh đạo cho Đại hội Đảng 13 đang được tiến hành, dường như tâm
điểm xoay quanh vấn đề tổng bí thư tương lai sẽ giải quyết mối quan hệ
với Trung Quốc ra sao. Những bất đồng giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam đã
nổi lên trong vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du (Hai Yang Shi You – HYSY)
981, và rất có thể sẽ tái diễn.
Năm 2014, khi Trung Quốc biết được rằng Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã triệu tập một cuộc họp đặc biệt để cân nhắc việt « thoát Trung » và
xích lại gần hơn với Hoa Kỳ, Bắc Kinh đã cho rút giàn khoan 981 đi.
Tổng bí thư ĐCSVN gởi một đặc phái viên sang Trung Quốc để chỉnh đốn
quan hệ song phương.
Mười chín người đã được bầu làm ủy viên Bộ
Chính trị trong Đại hội 12. Ba nhà lãnh đạo cao cấp đã gặp phải những
vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Ông Trần Đại Quang qua đời lúc còn
đương chức, ông Đinh Thế Huynh nghỉ bệnh, và ông Trọng cũng không khỏe.
Nếu có một nhà lãnh đạo trẻ được cất nhắc, thì nhân vật này nằm trong số
các ủy viên trung ương.