Affichage des articles dont le libellé est Tưởng niệm. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Tưởng niệm. Afficher tous les articles

mercredi 2 avril 2025

Kim Hạnh – Hơn nửa thế kỷ rồi

Ai yêu Trịnh? Người vỗ ngực tự xưng ít thấy mà người phê phán Trịnh về lập trường chính trị của anh cũng có, ở những diễn đàn khác nhau.  

Cuối giờ chiều qua, mệt đừ sau một ngày làm việc đầu tháng căng thẳng, tôi xách xe chạy ra Đường Sách. Riêng với tôi, ngoài một năm ngồi cạnh bàn làm việc với anh ở Hội Văn nghệ Sài Gòn-Gia Định (còn có anh Phạm Trọng Cầu, ở Pháp về, vui tính, hay đùa kiểu tây con, vui hết biết), tôi còn có nhiều năm làm hàng xóm của anh.

Khi đó tòa soạn báo ở đường Duy Tân gần nhà anh (mỗi khi có bài hát mới, anh gọi tôi sang và hát bài đó). Anh mất cùng năm, chỉ sau mẹ tôi một tuần, nên giỗ anh cũng là lúc chị em nhà tôi giỗ mẹ.

Trần Hoàng Nhân - Chút kỷ niệm với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn


Năm tui 19 tuổi, gần ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tờ báo nơi tui cộng tác kêu thằng sinh viên đi phỏng vấn giáo sư-nhạc sĩ Thế Bảo.

Tui đến văn phòng Hội Âm nhạc ở 81 Trần Quốc Thảo, biết giáo sư-nhạc sĩ có ở trỏng, gõ cửa vào thì thấy các vị đang họp, tui lui ra ngồi gốc cây sứ chờ. Hồi lâu giáo sư đi ra, tui đứng lên nói ý định của mình. Giáo sư-nhạc sĩ xua tay không muốn trả lời trả vốn gì ráo.

Lúc đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng vừa ra, nghe chuyện, ông cất giọng nhẹ nhàng, đại ý: Anh Thế Bảo giúp em nó có bài nộp tòa soạn phân công.

mardi 1 avril 2025

Từ Thức - Trịnh Công Sơn và những ngày Văn khoa

(Gởi những người bạn Sài Gòn ngày xưa)

Những người muôn năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ ? (VĐL)

Một ngày đầu tháng Tư (2001), tôi lên phi trường Charles de Gaulle đón một người bạn từ Việt Nam qua. Trên xe về Paris, anh ta hỏi : Cậu có nghe tin về Trịnh Công Sơn (TCS) ? Tôi gật đầu : mấy hôm trước, có người gọi dây nói cho hay Sơn vừa từ trần.

Anh bạn nói đám tang Sơn rất đông. Người ta ở đâu đổ về như kiến, chật cả đường phố. Quen có, lạ có. Không đủ chỗ đặt vòng hoa phúng điếu. Tôi nói với ông bạn : Như vậy, cái xứ của ông vẫn còn văn minh, vẫn còn thuốc chữa.

Đó là cái tin lạc quan nhất về Việt Nam mà tôi được nghe từ nhiều năm nay. Dostoievski nói : Cái đẹp sẽ cứu vãn nhân loại. C’est la beauté qui va sauver le monde. Bỏ công ăn việc làm , đến tiễn đưa một thi sĩ - TCS trước hết là một thi sĩ, tác phẩm TCS là những bài thơ phổ nhạc - chứng tỏ người ta còn nghĩ đến cái đẹp, người ta còn có tâm hồn.

Lê Minh Hạ - Tấm hình đi qua một phần tư thế kỷ

 

Có rất nhiều điều để nhớ, đã qua trong tấm hình này.

Khi Sài Gòn tiễn đưa một người vừa nằm xuống năm 2001 - nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.  Đây là một trong ba cuộc tiễn đưa có đông người đi cùng nhứt sau 1975 ở Sài Gòn.

Trước đó là lần cả Sài Gòn và các nơi  đổ về đưa tiễn cố nghệ sĩ Thanh Nga (1978) và sau  đó 18 năm, là lần đưa tiễn diễn viên Lê Công Tuấn Anh (1996). Cả ba cuộc tiễn đưa đều khiến Sài Gòn rúng động, khi cả ba người nghệ sĩ nổi tiếng đều đi xa khi còn trẻ.

Lê Đức Dục - Hôm nay, lại nghĩ về ông Trịnh...

 

Thế kỷ 20 của người Việt, với bom rơi đạn lạc, với chia ly và thống khổ, thật may mắn khi có một Trịnh Công Sơn.

Ông sinh ra để tiên cảm và hát về những vết thương (hình như rất khó lành) trên da thịt và tâm hồn của đất nước này.

Tôi thì tin rằng ông Trời sinh ra Trịnh Công Sơn như một món quà, không, không phải là quà, đó là cái duyên trong “vạn sự tùy duyên” của nước Việt.

lundi 31 mars 2025

Mai Phan Lợi - Tiễn biệt Richard Chamberlain, cánh chim tự do vượt chông gai

 

Ngày 29 tháng 3 năm 2025, tại ngôi nhà yên bình bên bờ biển Hawaii, Richard Chamberlain đã khép lại hành trình 90 năm của mình, nhẹ nhàng như một cánh chim lặng lẽ tan vào gió sau cơn đột quỵ cuối cùng.

Ông ra đi, để lại màn bạc một khoảng trống không lời, nhưng cũng để lại trong tim người hâm mộ những giai điệu tình yêu bất diệt – những tiếng chim hót trong bụi mận gai, vừa đau đớn, vừa rực rỡ.

Richard Chamberlain không chỉ là một diễn viên, ông là một biểu tượng, một linh hồn tự do bị giam cầm trong những thước phim và cả trong chính cuộc đời mình.

dimanche 30 mars 2025

Nguyễn Thông - Những sơn ca của một thời (1)

 

Hôm qua 29.03.25, hệ thông tin đa dạng ở xứ này đưa tin buồn: Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ qua đời. Ông thuộc dạng cây cao bóng cả của nền âm nhạc cách mạng, được người đời yêu mến, tôn trọng, cả về nhân cách và tác phẩm.

Tôi chỉ được gặp bác Vũ và bác gái - nhà thơ Lê Giang có mỗn lần, nên viết riêng về bác là điều không thể.

Năm xa đó, hình như 1981 - 1982 thì phải, ông bạn đồng nghiệp đồng hương đồng môn Nguyễn Văn Vy dạy cùng trường rủ tôi đi mời hai bác Lư Nhất Vũ - Lê Giang tới nói chuyện về ca dao, dân ca Nam Bộ cho sinh viên nghe. Bác trai là chuyên gia về nhạc dân gian, bác gái là đại chuyên gia về ca dao hò vè. Thầy Vy trước đó đã từng mời hai bác, các thầy cô và sinh viên thích lắm nên lại mời tiếp.

samedi 29 mars 2025

Lê Thiếu Nhơn -Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ vẫn đậm đà bài ca đất phương Nam

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, tác giả của nhiều ca khúc quen thuộc với công chúng cả nước, đã qua đời lúc 9 giờ 30 phút ngày 29/03 tại TPHCM, hưởng thọ 90 tuổi.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, tên thật Lê Văn Gắt, sinh ngày 13/04/1936 tại Phú Cường, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Thời niên thiếu, ông tham gia phong trào Việt Minh tại quê nhà và làm thơ với bút danh Lư Phong. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc.

Bút danh Lư Nhất Vũ bắt đầu xuất hiện từ năm 1957, được chính ông giải thích: “Lư Nhất Vũ có nghĩa là chàng họ Lư chỉ yêu duy nhất một nàng tên Vũ”. Tuy nhiên, mối tình mơ mộng ấy sớm tan theo mây khói, và ông tự giễu mình là Lư Mất Vũ.

mardi 18 mars 2025

Lê Đình Hiếu - Cám ơn em, cô bé tử tế

 

Tối hôm qua, 16/03, một người phụ nữ 41 tuổi, lái Mercedes "hơi thở có nồng độ cồn", chạy vào đường dành cho xe hai bánh, tông 10 xe đang chờ đèn đỏ khiến 6 người bị thương. Trong đó, có một cô gái 28 tuổi đã tử vong vào sáng nay.

Thật không may, cô bé 28 tuổi là một thành viên tích cực của cộng đồng các bạn Phiên Dịch Ngôn Ngữ Ký Hiệu (NNKH), một cộng đồng những bạn trẻ tử tế giúp xóa nhòa khoảng cách giữa 3 triệu người Điếc & Khiếm thính với xã hội xung quanh.

Ở Việt Nam mình, số người biết sử dụng NNKH rất ít ỏi vì không có nhiều nơi dạy ngôn ngữ này. Hầu hết các bạn phiên dịch NNKH đều phải có thêm nghề tay phải khác để mưu sinh. Nhưng không vì thế mà các bạn bỏ nghề NNKH - đơn giản vì các bạn đều hiểu rõ sứ mệnh cầu nối cộng đồng của các bạn.

vendredi 14 mars 2025

Việt Nguyễn - Ngày 14/3/2025

 

Là 37 năm xảy ra sự kiện Gạc Ma. Cảm thấy thật may mắn và có duyên vì đã một lần được nhìn thấy Gạc Ma ở khoảng cách gần nhất có thể, dù không thể chạm vào.

Đã được chứng kiến những phút giây thiêng liêng giữa biển khơi và tự tay thả những cánh hoa xuống vùng nước Gạc Ma, tri ân những người lính mãi mãi nằm lại dưới biển sâu. 

Và đã được chụp ảnh, được nghe từ chính những chứng nhân lịch sử.

Nguyễn Thúy Hạnh - Đã khác mười năm trước ?

 

Những năm trước chúng tôi phải đi dạt vòm. Phải lén lút thắp nhang tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh giữ đảo Hoàng Sa, 19.1.1974, Trường Sa 14.3.1988, đồng bào và chiến sĩ hy sinh ở sáu tỉnh biên giới phía Bắc 17.2.1979.

Nhiều buổi tưởng niệm bị ngăn chặn, bị an ninh và đám dư luận viên quyết liệt phá rối. Những ngày ấy mấy trăm cơ quan truyền thông nhà nước hoàn toàn im lặng như có sự chỉ đạo không được nhắc gì đến các sự kiện này.

Thì nay, mọi người có thể tự do tưởng niệm, báo chí cũng trân trọng nhắc đến các sự kiện này.

Lê Đức Dục - Hôm nay 14-3 ngày giặc Tàu xâm lược đảo Gạc Ma, và điều ít ai biết

 

Thời điểm quân Tàu thảm sát 64 người lính hải quân Việt Nam, điều đó nhiều người biết.

Nhưng điều dưới đây không phải ai cũng biết :

Ngày 14-3-1988, khi ở đất liền người dân Việt Nam đang cử quốc tang nguyên thủ quốc gia, thì tại Gạc Ma súng giặc Tàu đã nổ !

Phan Đăng - Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha: "Họ đã ra đi, khép lại từng cánh cửa, và vĩnh viễn mang theo chìa khóa..."

 

Một buổi sáng mưa và gờn gợn gió năm 2016, mình đến quán café mà nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha đã hẹn. Chủ đề của cuộc nói chuyện hôm ấy là sự nghiệp âm nhạc của rất nhiều nhạc sĩ Việt Nam đột ngột rời bỏ thế gian trong một năm qua.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha xúc động kể kỹ lưỡng  từng người, rồi bảo rằng mỗi người ra đi là một cánh cửa khép lại. Và những người ra đi đều đã Vĩnh viễn mang theo một chiếc chìa khóa riêng.

Mình ấn tượng với cuộc đối thoại lần ấy đến nỗi mới đây đã đưa nó vào cuốn “39 cuộc đối thoại tri thức”.

Nguyễn Thông - Anh Nguyễn Thụy Kha

 

Tôi không có hân hạnh chơi với anh Nguyễn Thụy Kha, cũng không được làm bạn. Cả đời chỉ gặp nhau mấy lần trong đám đông, trò chuyện riêng với nhau nếu tính đủ cộng gộp lại cũng chỉ mươi phút.

Ấy, cứ bộc bạch như vậy cho thật thà, tránh điều “thấy người sang bắt quàng làm họ”. “Chức” cao lắm với tôi cũng chỉ là đồng hương bác Kha, cùng quê xứ Phòng.

Hôm qua 13.03.25, đọc tin bác Kha mất, tôi không vội nói gì bởi ngại thiên hạ bảo mình “đu trend” này nọ. Hôm nay, khi bác đang ngủ yên nghỉ ngơi sau cuộc “cộng thùy tranh tuế nguyệt” (đua tranh cùng năm tháng) rồi, tôi nguyện cầu bác lên đường thong dong và chỉ kể tí ti về người mình kính trọng, yêu mến.

jeudi 13 mars 2025

Nguyễn Quang Thiều - Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha lên đường cho một cuộc lãng du mới

Nghĩ về ông, tôi luôn thấy hiện lên hình ảnh một lãng tử đi qua thế gian này, vừa đi, vừa viết, vừa ôm đàn ca hát rồi khuất bóng nhẹ nhàng.

Ông là một trong những người sống hết cơ số của cuộc đời. Ông sống như ông muốn, ông viết như ông muốn và ông chơi cũng như ông muốn. Ông không phải làm những gì mà ông không muốn làm. Ông được sống như chính con người ông. Điều này không dễ dàng với hầu hết mọi người.

Tôi không nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời của ông. Tôi nghĩ ông đã kết thúc cuộc lãng du trên thế gian này và đi về một nơi chốn khác với những công việc khác. Chính vậy mà sự ra đi của ông không để lại trong tôi một cảm giác nặng nề cho dù từ ngày mai sẽ không còn cơ hội nào để uống cùng ông, nghe ông đọc thơ và hát.

mardi 11 mars 2025

Lê Hồng Lâm - Thương tiếc một người nghệ sĩ chết trẻ


Thương hơn nữa khi tưởng tượng mấy năm cuối đời của anh, sống trong bệnh tật đau đớn. Thể xác chắc chắn là rất đau đớn rồi nhưng tinh thần chắc cũng đau nữa. Và cái đau này mới thật là đau.

Đó là cái đau của sự bất lực trước lẽ sinh lão bệnh tử thường tình. Đau khi mọi thứ đều sụp đổ: sự nghiệp dừng lại dù đang tỏa sáng, cuộc sống gia đình cũng dở dang, nhất là đứa con trai mới chào đời và mới chập chững những năm ấu thơ mà phải rời xa vĩnh viễn.

Quý Bình có đóng hai phim điện ảnh mà tôi xem là Bao Giờ Có Yêu Nhau Quả Tim Máu, quả thật tôi cũng không mấy ấn tượng. Nhưng tôi thích anh trong Dù Gió Có Thổi, một bộ phim truyền hình về đề tài gia đình hiếm hoi mà tôi xem hết và thích cả dàn diễn viên trong phim đó.

dimanche 9 mars 2025

Nguyễn Văn Tiến Hùng - Quý Bình và câu chuyện phẩm giá con người

 

Thật hiếm hoi và khá lâu rồi mới có một làn sóng cảm xúc tích cực băng qua mạng xã hội. Tiếc thay, đấy lại là cảm xúc của mất mát.

Cảm xúc mà khán giả, đồng nghiệp và bạn bè khóc khi diễn viên Quý Bình - Lê Ngọc Bình, từ biệt cuộc sống này.

Đó là cảm xúc tiêc thương dành cho người nghệ sĩ đa tài, có nhiều tác phẩm chinh phục khán giả, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng, khác nhất vẫn là phẩm cách sống của anh. Một tài năng khiêm nhường, tinh tế, hiền lành và mạnh mẽ.

vendredi 7 mars 2025

Kim Hạnh – Quý Bình : Tôi mong đám tang của tôi thật bình lặng

…Tôi mong muốn đám tang của tôi không ồn ào, thật bình lặng. Người bạn đời của Quý Bình nghẹn ngào kể lại di nguyện của anh như vậy.

Đời anh, quý nhất là sự bình lặng. Một đám tang bình lặng. Một đời sống rất bình lặng. Như ấn tượng sâu sắc của bạn bè về anh: từ tốn, tận tụy.

Dù anh say mê âm thanh và hào quang, của tất cả những nền tảng công diễn, sân khấu và màn bạc. Một người đa tài: Ca hát, đóng phim, đóng kịch và làm cả nghề MC. Nghề nào cũng ghi dấu ấn nổi bật, cùng với tài hoa thiên bảm là sự khổ luyện thật tận tụy mà từ tốn.

mercredi 26 février 2025

Lê Kiên Thành - Kỷ niệm với nhà thơ Dương Kỳ Anh

 

Lần đó, khoảng đầu những năm 2000, tôi và anh cùng tháp tùng đoàn lãnh đạo cao cấp đi thăm Ấn Độ.

Lên chuyên cơ, có nhiều quan chức, nhà báo và doanh nhân, trông cách ứng xử tôi biết đây là chuyến thứ “n” của họ. Tôi thì là lần đầu. Không biết tại sao, trong thời gian rất dài cha tôi làm việc, tôi chưa bao giờ đi chuyên cơ với ông ra nước ngoài. Khi còn bé thì đi sơ tán triền miên. Lớn lên tí đi bộ đội. Lúc chuyển ngành ra ngoài đi nghiên cứu sinh cho đến khi ông mất.

Thực ra tôi nhận lời VCCI đóng tiền tham gia đoàn vì rất muốn đến thăm đất nước Ấn Độ kỳ vĩ một lần, chỉ có vậy. Phải nói thật, với mục đích ấy, chuyến đi đối với tôi là sự thất bại hoàn toàn!

mardi 25 février 2025

Nguyễn Thành Phong - Tổng bí thư bốn lần chỉ mặt

Hôm nay, tin bất ngờ là anh Dương Xuân Nam (nhà thơ Dương Kỳ Anh) mất khá đột ngột, ở cái tuổi chưa thật cao.

Nói đột ngột là vì, dù gần đây nghe nói, biết anh có bệnh, dáng vẻ bên ngoài cũng hơi tiều tụy, nhưng vẫn thường đọc anh viết trên Facebook, vui tươi trước cây lá, hoa cỏ, chim chóc một cõi núi Sóc Sơn... Thế thì cứ nghĩ là anh như người có tuổi giờ đang tận hưởng thú điền viên thôi, còn lâu mới có thể rời xa cõi trần!

Dương Xuân Nam là một Tổng biên tập giỏi, theo mình là giỏi nhất. Tổng biên tập giỏi là người dám và chấp nhận đi qua giữa những lằn ranh cheo leo, đi trên ranh giới mỏng manh, mà vẫn qua được, không bị bắt chết. Những lằn ranh như thế ở báo chí ta thì nhiều vô kể. Nhiều lần nghe đồng nghiệp nói, chuyến này ông Dương Xuân Nam sẽ "bay". Thế mà rồi cuối cùng, vẫn không thấy "bay"...