vendredi 31 août 2012

« Cuộc đời nô lệ » sang trọng của ông Putin

Boris Nemtsov trong cuộc họp báo giới thiệu "Cuộc sống của một tên nô lệ khổ sai".

(Le Monde 31/08/2012) Hai mươi lâu đài và dinh thự, bốn du thuyền, vô số máy bay và xe hơi, bộ sưu tập đồng hồ nhiều đến nỗi không biết để làm gì…Cuộc sống của Vladimir Putin, Tổng thống Nga được bầu đến nhiệm kỳ thứ ba hồi tháng Ba « có thể so sánh với các tiểu vương vùng Vịnh và các tỉ phú giàu xổi ». Các nhà đối lập Boris Nemtsov và Leonid Martyniouk đã tố cáo như trên trong một báo cáo được công bố hôm thứ Ba 28/8.

Tư liệu phong phú, có kèm hình ảnh chứng minh, bản báo cáo cam đoan là ông Putin đã nói dối cử tri khi khai báo thu nhập hàng năm dưới 4 triệu rúp (91.000 euro). Chỉ riêng bộ sưu tập đồng hồ của ông đã trị giá đến 22 triệu rúp (591.000 euro), tương đương sáu năm lương – theo như tài liệu mà các nhà đối lập công bố, mang tên « Cuộc sống của một tên nô lệ khổ sai ».

jeudi 30 août 2012

Bắc Kinh sứt mẻ uy tín do áp lực chủ nghĩa dân tộc trong nước

Bài đăng : Thứ năm 30 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 30 Tháng Tám 2012 
 
Trong bài viết mang tựa đề « Sự chia rẽ trong nội bộ Trung Quốc » đăng trên trang diễn đàn của nhật báo Le Figaro hôm nay, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Đông Á, ông Christopher R.Hill nhận xét, hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế đã bị tổn thương vì chính sách đối ngoại thiếu nhất quán.

Tác giả viết, trong những năm gần đây, sự suy tàn của Hoa Kỳ đã được bàn đến rất nhiều, mà hệ quả là Trung Quốc có thể giành được ngôi vị cường quốc số một thế giới. Nhưng cho dù Hoa Kỳ phải đối mặt với những vấn đề cần khẩn trương giải quyết, nếu Trung Quốc muốn mở rộng tầm vóc quốc tế, chưa nói đến việc qua mặt Hoa Kỳ, thì trước hết cần chỉnh đốn trong nội bộ.

Gần đây Trung Quốc ngày càng dấn sâu vào những cuộc xung đột âm ỉ như hồi thế kỷ 19, với nhiều nước láng giềng Đông Nam Á, qua những yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Yêu sách « đường lưỡi bò 9 đoạn » này, chủ yếu nhằm chuyển toàn bộ Biển Đông thành vùng biển riêng của Trung Quốc, là thừa hưởng từ thời Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch.

Vì sao lại dựa vào ông thống chế này để làm cơ sở cho yêu sách ? Trung Quốc khẳng định Biển Đông thuộc về Trung Hoa từ nhiều ngàn năm trước, nhưng nguồn gốc các tranh chấp lãnh hải thì chỉ mới đây, liên quan đến việc quân phiệt Nhật chiếm đóng Đài Loan đến năm 1945. Thế là Trung Quốc mà nền văn hóa và những thành tựu được thế giới ngưỡng mộ, nay lại lao vào cuộc đấu võ mồm – có thêm vài chiến hạm hỗ trợ - với hầu như toàn bộ các nước láng giềng xung quanh, về một vấn đề lẽ ra cần phải là một tiến trình thương lượng quốc tế nghiêm chỉnh.

Theo tác giả bài viết, thì thái độ vụng về của Bắc Kinh tại Biển Đông chủ yếu là do bộ phận dân tộc cực đoan trong nước đã lên án các nhà lãnh đạo là « mềm yếu », đòi họ phải cứng rắn hơn. Chẳng hạn có thể thấy rõ sự trỗi dậy của khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa trong số 500 triệu người Trung Quốc sử dụng internet, với những châm biếm về « sự nhu nhược » của chính quyền trong việc bảo việc lợi ích đất nước.

Chính quyền Trung Quốc vô cùng nhạy cảm trước những chỉ trích này. Nếu một blogger đả kích chính phủ về việc đàn áp phong trào Pháp Luân Công, hay ủng hộ đối lập Tây Tạng, thì công an sẽ can thiệp ngay. Nhưng nếu giới blogger đưa ra lời kêu gọi sô-vanh nước lớn cho việc chinh phục các nguồn cung nguyên vật liệu mới, chính phủ hoan nghênh và tìm cách áp dụng.

Áp lực từ bên trong cũng đã đặt Trung Quốc vào tình thế khó khăn, trong những trường hợp khác. Nhiều quan sát viên quốc tế có thể bỏ qua cho thái độ của Trung Quốc tại Biển Đông, vì nhiều nước khác lớn cũng như nhỏ cũng có những tranh chấp trên biển với các láng giềng. Nhưng các nhân tố cực đoan Trung Quốc, từ cư dân mạng cho đến các định chế chính thức, đã góp phần làm cho tổng thể các hoạt động quốc tế của Bắc Kinh bị thiên hạ chê cười, từ các nước lân bang nhỏ bé cho đến các cường quốc trên thế giới.

Một ví dụ điển hình là sự ủng hộ không mệt mỏi của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên – nước muốn sở hữu vũ khí nguyên tử. Không có bất kỳ quốc gia có trách nhiệm nào trên thế giới ngày nay có thể chấp nhận được thái độ của Bình Nhưỡng. Nhưng Bắc Kinh quan tâm quá nhiều đến chính sách đối nội, đến nỗi không thấy được cái giá phải trả cho việc không hề phản ứng trước làn sóng lên án sau mỗi hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên. Sự thản nhiên của Bắc Kinh trước vụ Bắc Triều Tiên tấn công quân sự vào Hàn Quốc năm 2010 chẳng hạn, đã khiến nước láng giềng này trở nên lạnh nhạt trong quan hệ song phương.

Chính sách không nhất quán của Trung Quốc bắt nguồn từ sự bất lực trong việc xác định đường hướng nội trị : nhiều người Trung Quốc vẫn xem Bắc Triều Tiên là nước anh em đồng minh.

Syria là sai lầm quốc tế gần đây nhất của Trung Quốc. Không ai chờ đợi Bắc Kinh có cùng quan điểm với châu Âu hoặc Hoa Kỳ trong hồ sơ này. Nhưng sự chọn lựa mặc nhiên đứng về phía đối địch – ngay cả khi điều này bất lợi cho lợi ích quốc gia – khiến người ta phải đặt câu hỏi, liệu Trung Quốc có đủ nội lực để đóng vai trò hàng đầu trên trường quốc tế ?

Apple kiện Samsung : Táo nuốt không trôi 

Cũng liên quan đến châu Á nhưng trên lãnh vực kinh tế, nhật báo cánh tả Libération có bài viết mang tựa đề « Seoul nuốt không nổi quả táo Apple ». Bản án phạt một tỉ đô la cho Samsung vì đã vi phạm bản quyền của tập đoàn Apple, Mỹ, đã đụng chạm đến lòng tự hào dân tộc của Hàn Quốc.

Bị tòa án Mỹ buộc phải bồi thường 1,05 tỉ đô la cho đối thủ cạnh tranh vì đã vi phạm 6 bằng sáng chế đã đăng ký cho iPhone và Ipad, ngoài ra còn bị cấm bán 8 loại điện thoại Samsung trên thị trường Hoa Kỳ, tập đoàn Hàn Quốc không bó tay chịu hàng, và đã động viên đội ngũ của mình trong khi chờ đợi bản án phúc thẩm. Samsung tuyên bố sẽ huy động mọi phương tiện cần thiết để các sản phẩm này vẫn được bán tại Mỹ.

Thông tín viên của tờ báo tại Seoul nhận định, đây là một đòn hết sức nặng nề cho tập đoàn Hàn Quốc. Một nhà phân tích cho biết, ngay cả những người thường hăng hái chỉ trích Samsung nhất như báo chí cánh tả cũng đã bày tỏ sự thất vọng trước bản án, như là lòng kiêu hãnh của chính họ cũng bị tổn thương. Tờ Korea Times nhắc nhở rằng Samsung đã đóng góp nhiều vào nền kinh tế Mỹ, và phiên tòa diễn ra chỉ cách Cupertino, trụ sở mang tính lịch sử của Apple, chỉ có vài cây số.

Về mặt kinh tế, cho dù cổ phiếu của Samsung hôm thứ Hai đã bị sụt mất 7,5% trên thị trường chứng khoán Seoul, thiệt hại về tài chính của tập đoàn hàng đầu thế giới về điện thoại di động thật ra không nhiều lắm. Và tuy nhiều model bị tòa án Mỹ cấm bán trên thị trường nước này, nhưng các sản phẩm đó đã cũ. Còn với các kiểu điện thoại mới, Samsung từ nay sẽ quan tâm đến vấn đề bằng sáng chế hơn.

Đáng lo ngại nhất là tiếng xấu « sao chép », và theo nhiều nhà phân tích, thì đây cũng là dịp để Samsung chỉnh đốn lại, trở thành cột trụ trong lãnh vực thay vì chạy đua theo các nhà sản xuất khác. Vốn là nhãn hiệu duy nhất dám cạnh tranh với iPhone, trong khi Nokia và Motorola đã quy hàng, Samsung có thể thành công nếu nỗ lực tối đa, vì tập đoàn này đang quy tụ các kỹ sư giỏi nhất nước.

Thủ tướng Đức nổi bật trên trường quốc tế


Tại châu Âu, Le Monde chú ý đến bà Angela Merkel qua chuyến công du mới nhất tại Trung Quốc trong hai ngày 29 và 30/8. Theo tờ báo, bà Merkel đang đóng vai trò ngày càng nổi bật trên chính trường quốc tế, đại diện cho tiếng nói đối ngoại của Đức và của châu Âu.

Đây là lần thứ sáu kể từ khi lên nắm quyền, và lần thứ hai trong năm bà Merkel đến thăm Trung Quốc, chứng tỏ quan hệ mật thiết giữa hai nước. Chuyến đi này trong khuôn khổ các cuộc gặp liên chính phủ Đức – Trung mỗi hai năm một lần, nhưng lần này chính Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã đề nghị gặp gỡ sớm hơn, trước khi diễn ra Đại hội Đảng. Và địa điểm gặp không chỉ ở Bắc Kinh mà còn tại Thiên Tân, sinh quán của ông Ôn Gia Bảo.

Tháp tùng bà Merkel có đến 9 bộ trưởng và khoảng hai chục doanh nhân, còn phía Trung Quốc thì đến 13 thành viên chính phủ đón tiếp, trong đó có Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và những nhân vật sẽ kế vị là Lý Khắc Cường, Tập Cận Bình, chứng tỏ sự quan trọng của chuyến công du. Theo phía Đức, Trung Quốc không tổ chức các cuộc gặp liên chính phủ tương tự với bất cứ quốc gia nào khác. Thông tín viên Le Monde tại Berlin nhận xét, kỹ nghệ Đức chuyên về máy công cụ và xe hơi hạng sang, bổ sung được cho một Trung Quốc muốn trưng ra sự giàu có của mình, và sản xuất được hàng cao cấp hơn.

Bên cạnh đó, Đức và Trung Quốc đều xem nhau là đối tác chính trị chủ yếu. Việc đối thoại với Berlin giúp Bắc Kinh tránh đối mặt với Washington, còn Đức lấp đầy sự vắng mặt ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bằng một chính sách đối ngoại năng động, chủ yếu dựa vào sức mạnh kinh tế của mình.

Với trọng lượng của nền kinh tế Đức và sự yếu kém trong đối ngoại của Liên hiệp châu Âu, trong những chuyến công du, bà Angela Merkel thường lên tiếng nhân danh châu Âu. Còn đối với Nga, nếu Matxcơva vẫn là đối tác chiến lược của Berlin, thì quan hệ giữa bà Merkel với ông Putin vẫn căng thẳng. Bà cũng sẽ đến thăm Matxcơva vào tháng 11 tới, nhưng không lưu lại qua đêm, chỉ giữ quan hệ tối thiểu. Ngược lại với một nước nhỏ như Tunisia, mà Thủ tướng Đức cho là tấm gương cho Mùa xuân Ả Rập, thì bà sẽ công du vào tháng 10 với một đoàn doanh nhân khá hùng hậu, khiến một số nước có thể ganh tị, trong đó có Pháp.

Syria : Lý do thái độ không khoan nhượng của Al Assad  

Nhìn sang Syria, Libération phân tích về thái độ không khoan nhượng của Tổng thống Bachar Al Assad, khi trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi mới đây, nhà độc tài hứa hẹn sẽ đập tan phe nổi dậy.

Tờ báo nhận định, một vùng đệm để đón tiếp người tị nạn Syria không thể hình thành nếu không có vùng cấm bay. Mà vùng cấm bay không thể được thành lập nếu không có nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, trong khi Assad có thể trông cậy vào việc Nga và Trung Quốc sử dụng quyền phủ quyết – vốn đã được hai nước này sử dụng ba lần để vô hiệu hóa các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trừng phạt Syria.

Libération chú ý đến phát biểu của ông Assad trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Ad Dounia : « Nói về vùng đệm, trước hết không phải là một chọn lựa trên bàn đàm phán, thứ đến là một ý tưởng siêu thực đối với các nhà nước thù địch với Syria ». Tờ báo cho rằng tuyên bố không khoan nhượng này của ông Assad nhắm đến người Nga. Đây có thể coi là câu trả lời cho tuyên bố đầy ngạc nhiên hôm 21/8 của ông Qadri Jamil, Phó thủ tướng Syria, rằng chế độ Damas sẵn sàng thảo luận về sự ra đi của ông Assad.

Theo tờ báo cánh tả Pháp, thì ông Jamil, thành viên đảng Cộng sản Syria vốn liên minh với đảng Baas từ lâu, có thể là nhân viên tình báo Nga. Như vậy tuyên bố của ông có lẽ đã được Kremlin mớm lời, cho thấy Nga bắt đầu chán ngán Tổng thống Syria.

Cũng theo Libération, nếu nhà độc tài cảm thấy đang ở thế mạnh, cũng là vì phe đối lập không thể vượt qua được những chia rẽ trong nội bộ cũng như bên ngoài, nên rất khó, nếu không nói là bất khả, hình thành được một chính phủ lâm thời có thể được phương Tây công nhận. Bên cạnh đó là sự can thiệp ngày càng sâu của Iran trong cuộc nội chiến Syria.

tags: Châu Á - Trung Quốc - Điểm báo
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120830-su-chia-re-trong-noi-bo-trung-quoc 
 

mercredi 29 août 2012

Đạo quân chiến tranh mạng của Trung Quốc (1)

Tác phẩm "Tình báo Trung Quốc" của Roger Faligot

LNĐ : Đây chỉ là một chương ngắn trong tác phẩm « Tình báo Trung Quốc – từ thời Mao Trạch Đông đến Thế vận hội Bắc Kinh » của tác giả Roger Faligot, một cuốn sách dày 600 trang do NXB Nouveau Monde ở Paris ấn hành vào đầu năm 2008. Cuốn sách này là kết quả cuộc điều tra công phu của tác giả về công tác tình báo và hậu trường chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.

Tác giả tìm cách trả lời câu hỏi, tình báo Trung Quốc có phải là mạnh nhất thế giới ?

Là nhà báo và chuyên gia về châu Á, Roger Faligot đã lặng lẽ điều tra tại Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Úc, thu thập được nhiều tài liệu độc đáo, khai thác các kho lưu trữ đặc biệt và phỏng vấn nhiều nhà chuyên môn : chuyên gia về tình báo, chính khách, nhà ngoại giao, nhà phân tích quân sự, người đào thoát và các nhà ly khai.

Những tiết lộ trong sách giúp người đọc biết được cách thức Trung Quốc dựa vào để mong tiến lên thành siêu cường : nhờ có mạng lưới tình báo tích cực hoạt động trong tất cả mọi lãnh vực, kết hợp binh pháp gián điệp có từ thời xưa, chính sách trấn áp về mọi mặt của bộ máy an ninh, và các công nghệ mới – chiến tranh mạng, tình báo kinh tế và những trận đánh chớp nhoáng trên internet.

Tác giả Roger Faligot
Tác giả cũng cho biết làm thế nào Bắc Kinh đào tạo được đội ngũ hacker chuyên tấn công các trang mạng chính phủ những nước khác.

Cuối cùng, sau khi mô tả mạng lưới hùng hậu chuyên theo dõi các phong trào chống Thế vận hội Bắc Kinh, tác giả cho biết các vận động viên và các phóng viên thể thao đã bị tình báo TQ theo sát như thế nào, thông qua một trung tâm tình báo đặc biệt có ngân sách lên đến 1,3 tỉ đô la !

Sách ra đời từ tháng 2/2008, đến nay có lẽ đã lạc hậu nhiều, « bạn vàng » nay đã hiện đại hóa vượt bực, nhưng dù sao cũng có lẽ giúp chúng ta đỡ mơ hồ một chút.

Một chi tiết nhỏ: Ở cuối sách có phụ lục Who’s Who 50 lãnh đạo tình báo ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử gián điệp Trung Quốc. Đứng đầu danh sách này (xếp theo thứ tự vần) là Cao Guisheng, năm 1954 là phóng viên Tân Hoa Xã ở Hà Nội.

Sách gồm các chương sau :

Lời bạt : Nụ hôn từ Bắc Kinh
Chương 1 : Trận chiến Thượng Hải
Chuơng 2 : Cơ quan tình báo thời Mao
Chương 3 : Cách mạng Văn hóa của các gián điệp
Chương 4 : Đặng Tiểu Bình và « những con cá dưới đáy biển »
Chương 5 : Năm mươi lăm ngày đêm Thiên An Môn
Chương 6 : Chiến dịch Thu Lan
Chương 7 : Gián điệp toàn cầu hóa thời Giang Trạch Dân
Chương 8 : Bộ Công an và KGB cũ đối đầu với Mỹ
Chương 9 : Chiến tranh kinh tế và “thủ đoạn cá mút đá”
Chương 10 : Những con chuột chũi của Phòng 610 và « ngũ ngư »
Chương 11 : De Gaulle - Sarkozy : Nước Pháp, tâm điểm của mục tiêu
Chương 12 : Đạo quân chiến tranh mạng Trung Quốc
Chương 13 : Trung Quốc, huy chương vàng gián điệp

Thụy My xin phép dịch dần chương 12 dưới đây


Chương 12 : Đạo quân chiến tranh mạng của Trung Quốc

Tháng Chạp năm 2006. Nhìn từ trên không, căn cứ Pine Gap ở phía nam Alice Springs hiện ra với những ăng-ten parabol và những mái vòm trắng, giống như một trạm thu phát vệ tinh bình thường. Trên thực tế, đây là viên ngọc quý giá của điệp báo phương Tây để đối phó với Trung Quốc.  

Nằm trên vùng đất đỏ của thổ dân ở trung tâm nước Úc, căn cứ này là « cấm địa » trên bản đồ du lịch. Danh bạ điện thoại địa phương chỉ cho biết có sự hiện diện của một Joint Defence Facility với các chi nhánh xã hội và y tế. Một cụm từ cho thấy Úc không phải là người quản lý duy nhất. 

Căn cứ Pine Gap
Được xây dựng năm 1966, căn cứ trên đây do cơ quan Úc DSD (Defence Signals Directorate) cùng phụ trách với NSA (National Security Agency) của Mỹ. Trung tâm này tham gia cuộc chiến tranh điện tử, với việc thu thập các dấu hiệu thông tin với tầm vóc quy mô và diễn dịch chúng. Trong nghề tình báo, người ta thường gọi tắt là SIGINT, từ cụm từ tiếng Anh Signals Intelligence

Căn cứ lớn này của Úc ra đời từ thời Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông và chiến tranh Việt Nam. Bốn mươi năm sau, nhờ có các kỹ thuật mới, hoạt động của trung tâm đã nhân gấp mười : Pine Gap ghi lại lập tức các cuộc trao đổi trong quân đội Trung Quốc, cũng như của các nước láng giềng Bắc Triều Tiên và Việt Nam…

« Đó là một khu rừng các công sự dưới mặt đất, nơi làm việc của gần 800 kỹ thuật viên và nhà phân tích Úc, Mỹ. Họ có liên lạc trực tiếp với trung tâm chỉ huy của NSA tại Fort Meade, tiểu bang Maryland. Nhóm B phụ trách châu Á sẽ dịch lại các thông tin ». Tại Canberra, một cựu nhân viên kỹ thuật Úc đã giải thích như thế trước khi tôi đến Alice Springs.

Trung tâm nghe lén này không đơn độc, mà được hỗ trợ bởi những trạm thông tin khác tại Úc dưới sự quản lý của Hải quân, DSD và các đơn vị đặc biệt khác. Bên cạnh đó còn kết hợp với một đơn vị của New Zealand - Government Communication Security Bureau. Toàn bộ những cơ quan này hợp thành một liên minh với NSA của Bắc Mỹ và “người anh em” Canada, cũng như Government Communication Headquarter (GCHQ) của Anh - cơ quan nghe lén lớn nhất của phương Tây, chỉ đứng sau NSA.

Đối mặt với Trung Quốc, GCHQ từ năm 1947 đã triển khai các “tai nghe” ở Hồng Kông: một trạm đặt tại Little Sai Wan, có 140 kỹ thuật viên Úc, một trạm nữa ở Tai Mo Shan thuộc “tân lãnh thổ”, và một trạm vệ tinh đặt tên là Fort Stanley, tại bán đảo Chung Hom Kok, do Không lực Hoàng gia và DSD quản lý.

Tuy nhiên Anh đã phải tháo dỡ để tránh bị Ban 3 (tạm dịch từ San Bu hay APL-3), đơn vị phụ trách SIGINT của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc xơi trọn, khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Sau đó GCHQ đã thiết trí các “tai nghe nhỏ” tại cao ủy Anh, tức lãnh sự quán, được mệnh danh là “Fort Alamo”. Còn DSD của Úc thì tổ chức một đơn vị nghe lén tại lãnh sự quán ở Hồng Kông, liên hệ trực tiếp với trung tâm Watsonia gần Melbourne. 

Trước khi lá cờ đỏ thế chỗ cho lá cờ Anh, người Anh đã cho gắn hàng trăm “con rận”, “con gián” điện tử tại trại Prince-de-Galle, nơi trở thành bộ chỉ huy quân sự Trung Quốc.

Khi chiến dịch Kittiwake của trạm vệ tinh Fort Stanley bị chấm dứt năm 1993, DSD quản lý một trạm khác ở Geralton miền tây nước Úc. Trạm này cũng làm các nhiệm vụ: đo lường từ xa các thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Trung Quốc, phóng vệ tinh, thu thập các dữ liệu vệ tinh gồm các thông tin hình ảnh (PHOTINT), thông tin điện tử (ELINT) và các thông tin khác liên quan đến Trung Quốc.

Trong khuôn khổ một hiệp ước về nghe lén có từ thời chiến tranh lạnh, các hoạt động này là một phần của hệ thống ECHELON đã gây nhiều tranh cãi tại châu Âu. Người ta lo ngại nhà nước can thiệp vào cuộc sống riêng của các công dân bình thường – nghe những cuộc đối thoại riêng tư, chuyển hướng fax và email…

Bảng cấm trên đường vào căn cứ Pine Gap

Nhưng ở đây, giữa vùng sa mạc nước Úc, các kỹ thuật viên không hề quan tâm đến: cả ngày lẫn đêm họ phải giám sát một Trung Quốc đỏ, được xem là một chế độ độc tài, gây lo ngại vì lớn mạnh về quân sự và hung hăng trong kinh tế. Alice Springs là một chọn lựa tốt, theo các chuyên gia. Vùng đất hẻo lánh này, nơi mà du khách có thể gặp gỡ hoặc thổ dân, hoặc các kỹ sư nghe lén một cách vô tình, vốn có truyền thống về bắt sóng thông tin, và bản vẽ địa hình cũng rất sẵn.

Năm 1870 Charles Todd đã cho xây dựng một trạm điện tín, nối vùng sa mạc này với Adélaide ở duyên hải phía nam và Darwin ở phía bắc, và xa hơn nữa, với vùng còn lại của đế quốc Anh – bắt đầu bằng Hồng Kông và các trạm của Anh ở Tientsin và Thượng Hải. Cùng trong thời kỳ Victoria này, những người Trung Quốc từ Phúc Kiến đã đổ xô đến đây – những người tìm vàng, như cái tên Chinaman’s Creek, khi ra khỏi Alice Springs, trên đường dẫn đến căn cứ bí mật của DSD-NSA.

Nhưng chính những người Hoa mới đến mà cơ quan phản gián phải lo theo dõi. Australian Security Intelligence Organisation (ASIO) tin rằng trong số cộng đồng nhập cư năng động này, có một vài “con cá ở đáy biển”, các nhân viên tình báo của Bộ Công an phụ trách tuyển mộ một kỹ sư, một nhà ngôn ngữ học gốc Hoa, dẫn dụ họ bằng cách nhắc nhở rằng họ thuộc cộng đồng Hoa kiều rộng lớn. 

"Nội bất xuất, ngoại bất nhập"
Căn cứ Pine Gap cũng là một chọn lựa về kỹ thuật, theo như giải thích của James Bamford, nhà sử học của NSA. Bởi vì trong thập niên 60, vệ tinh bắt được những dữ liệu chưa mã hóa và gởi trực tiếp đến căn cứ, tránh việc một chiếc tàu gián điệp lại bắt được những tín hiệu này, giúp Matxcơva biết được đã bị lấy trộm những gì (Trung Quốc hiện chưa đủ năng lực kỹ thuật để chơi trò này, nhưng không lâu nữa sẽ đạt được).

Cũng giống như Alice Springs nằm cách xa mọi thứ, tại trung tâm đất nước Úc đồng thời là châu lục, những con tàu gián điệp du hành quá xa không thể nhận dạng được các tín hiệu xa xôi, trong nghề gọi là footprint. Tiếp theo ở Pine Gap, các kỹ sư mã hóa những gì nhận được rồi gởi đến trung tâm của NSA ở Fort Meade, thông qua một vệ tinh khác.

Sau khi đảng Lao động của Gough Whitlam thắng cử năm 1972, rồi đến việc công nhận Trung Quốc về ngoại giao, CIA cho rằng chính quyền Canberra sẽ tiến hành đóng cửa Pine Gap. Cả một thảm họa đối với cộng đồng tình báo Anh-Mỹ! Theodore Shackley, trưởng phân bộ Đông Á của CIA thậm chí còn khuyến khích các hoạt động gây mất ổn định chính phủ, tương tự tại Anh với chính phủ Harold Wilson. Trong các nền dân chủ, ngành tình báo tôn trọng hệ thống và Hiến pháp, khi đặc quyền không bị ảnh hưởng. Một số người lãnh đạo ngành này lại ước được như ở Trung Quốc: ít nhất tại Bắc Kinh, cơ quan tình báo có đầy quyền lực, phối hợp với đảng và quân đội…

Nhưng rốt cuộc Pine Gap lại tiếp tục hoạt động, và chứng tỏ sự hữu ích của mình trong một cuộc chiến bí mật. Nhờ căn cứ này mà Canberra biết được vụ Indonesia tràn vào Đông Timor năm 1975, nghe được những trao đổi trong quân đội Trung Quốc, hay nếu không giải mã được thì cũng nghiên cứu được những luồng thông tin ý nghĩa.

Bằng chứng: Ngày 17/02/1979, Pine Gap là nơi đầu tiên phát hiện ra việc quân Trung Quốc xâm lăng Việt Nam. Tướng Dương Đắc Chí (Yang Dezhi) - cựu lãnh đạo các “tình nguyện quân” Trung Quốc trong chiến tranh Triều Tiên, chỉ huy cuộc tiến công xâm lược. 

Các liên lạc của phía Trung Quốc đã bị các tàu Nga gây nhiễu – Matxcơva đã ký với Hà Nội một hiệp định hợp tác quốc phòng năm trước đó. Mục đích của cuộc chiến là đánh tập hậu Việt Nam, trong khi người Việt đã tấn công chớp nhoáng Cam Bốt, bắt được nhiều ngàn cố vấn Trung Quốc của bọn Khmer Đỏ. 

Trận chiến kết thúc bằng một thất bại vô cùng nhục nhã cho Quân đội Nhân dân Trung Quốc. Và là một cái tát đau đớn cho Đặng Tiểu Bình, lên nắm quyền trở lại sau những hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa. Nhưng ông Đặng thấp lùn với đôi má phính luôn biết cách bật dậy. Rút ra các bài học từ cú rờ-ve này, ông ta đề nghị cải cách sâu rộng quân đội, bắt đầu từ cơ quan tình báo và chiến tranh trên mạng.

Nguyên thủ Philippines và Trung Quốc có thể gặp nhau bên lề hội nghị APEC

Bài đăng : Thứ tư 29 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 29 Tháng Tám 2012 
 
Theo lời một viên chức Philippines hôm nay 29/08/2012, thì hai lãnh đạo Philippines và Trung Quốc có thể thảo luận về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ diễn ra tại Nga vào tháng tới.

Thứ trưởng Ngoại giao Laura del Rosario cho biết, trong cuộc hội đàm Tổng thống Philippines Benigno Aquino sẽ tái khẳng định đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông, trong lúc vẫn tìm kiếm phương cách làm dịu nhẹ căng thẳng và tăng cường thương mại với Trung Quốc.

Tổng thống Aquino và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ đến dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố Vladivostok, vùng Viễn Đông nước Nga trong hai ngày 8 và 9/9.

Bà Del Rosario cho biết cuộc gặp bên lề giữa hai nguyên thủ Philippines và Trung Quốc vẫn chưa được khẳng định, hai bên đang gút lại thời gian biểu. Nhưng bà nói rằng phía Trung Quốc đã đề nghị gặp gỡ song phương, và Tổng thống Aquino đã chấp nhận, “đây là ưu tiên số một của ông”.

Thứ trưởng Ngoại giao Del Rosario nhấn mạnh, Philippines muốn tập trung vào việc tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc trong thời gian hội đàm, chứ không phải về hồ sơ Biển Đông vốn đã gây ra rạn nứt ngoại giao trong hơn một năm qua. Bà cho biết, Philippines hy vọng dù về mặt chính trị có thế nào đi nữa, vẫn có thể tách biệt với vấn đề kinh tế, thương mại.

Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, bất chấp các quốc gia láng giềng như Philippines, Brunei, Malaysia, Việt Nam…trong đó Philippines và Việt Nam đã lên án thái độ hung hăng gần đây của Trung Quốc. Căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh leo thang vào tháng Tư, khi các tàu của hai nước chạm trán tại bãi cạn Scarborough. Ngoại trưởng Philippines tố cáo thái độ “tráo trở” và “đe dọa” của các nhà ngoại giao Trung Quốc.

tags: APEC - Biển Đông - Châu Á - Philippines - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120829-nguyen-thu-philippines-va-trung-quoc-co-the-ban-ve-tranh-chap-lanh-tho-ben-le-apec 
 

Tại Hoa Kỳ, bão Isaac tiến gần New Orleans

Bài đăng : Thứ tư 29 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 29 Tháng Tám 2012 
 
Trận bão Isaac hôm nay 29/08/2012 đang tiến đến gần New Orleans, đúng bảy năm sau trận bão Katrina đã tàn phá thành phố và làm cho 1.800 người chết.

Sau khi đổ bộ vào duyên hải đông nam Louisiana tối qua, mắt bão vào lúc 5 giờ GMT chỉ cách thành phố 110 km về phía đông nam, và đang hướng về phía tây bắc. Trung tâm Quan sát Bão Hoa Kỳ (NHC) cho biết tại một số khu vực ở Louisiana, nước đã dâng lên đến ba mét và có nguy cơ ngập lụt. Trong bản tin khí tượng trước khi bão đổ bộ, NHC thông báo nước dâng 2,4 mét ở vùng duyên hải Louisiana, Mississipi và Florida.

Tại New Orleans hiện nay, đường phố không có một bóng người. Dưới những trận mưa như trút nước và cuồng phong, nhiều người dân đã che chắn nhà cửa và trữ đầy lương thực. Gió mạnh làm sáng nay 300.000 dân Louisiana bị mất điện.

Chính quyền muốn tỏ ra lạc quan, đảm bảo rằng lần này New Orleans sẽ không thiệt hại nhiều nhờ đã đổ ra hàng tỉ đô la từ bảy năm nay để gia cố đê điều và hệ thống bơm nước. Hơn nữa Isaac chỉ là bão cấp 1 trên thang bậc Saffir- Simpson gồm 5 cấp, so với Katrina là bão cấp 3.

Tuy vậy có một trùng hợp ngẫu nhiên là bão Isaac tấn công New Orleans đúng bảy năm sau trận bão Katrina, đã tàn phá thành phố ngày 29/08/2005. Đây là một trong những thiên tai khủng khiếp nhất của lịch sử nước Mỹ, làm cho 1.800 người chết.

Tổng thống Barack Obama hôm qua đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Mississipi và hôm thứ Hai trước đó tại Louisiana, để có thể huy động các phương tiện của Nhà nước liên bang giúp đỡ các địa phương. Còn chính quyền các tiểu bang Alabama, Louisiana và Mississipi thì đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ngay từ Chủ nhật rồi.

Các chuyến bay hôm qua và hôm nay tại phi trường New Orleans đã bị hủy, nhiều cư dân được sơ tán. Hơn 33.500 Vệ binh Quốc gia và gần 100 chiếc máy bay sẵn sàng can thiệp tại bốn tiểu bang đang bị bão đe dọa là Florida, Alabama, Mississipi và Louisiana.

Bão Isaac không ngăn trở được đại hội của đảng Cộng hòa tổ chức ở Tampa, Florida để chính thức chỉ định ông Mitt Romney làm ứng cử viên tổng thống. Đại hội diễn ra trễ một ngày, bắt đầu bằng quốc ca và cầu nguyện cho những người đang bị đe dọa trước cơn bão. Về phần cơ quan điều tiết năng lượng nguyên tử cho biết đã điều bốn thanh tra đến hai nhà máy điện nguyên tử ở Louisiana để kiểm tra vấn đề an toàn.

tags: Hoa Kỳ - Quốc tế - Thiên tai
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120829-tai-hoa-ky-bao-isaac-tien-gan-new-orleans 
 

Pháp mở điều tra về cái chết của lãnh tụ Palestine Yasser Arafat

Bài đăng : Thứ tư 29 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 29 Tháng Tám 2012 
 
Ba thẩm phán Pháp mà danh tánh chưa được tiết lộ, sẽ điều tra về cái chết của ông Yasser Arafat vào năm 2004, sau khi tòa án Nanterre ở ngoại ô Paris hôm qua 28/08/2012 chính thức thụ lý hồ sơ về tội sát nhân. Vợ góa của ông Arafat nghi ngờ ông bị đầu độc bằng chất polonium.

Bà Souha, vợ ông Arafat, con gái ông là Zahwa cũng như các luật sư của Arafat đều vui mừng trước thông báo trên. Chính quyền Palestine, trước đó đã yêu cầu Tổng thống Pháp François Hollande giúp đỡ, cũng lên tiếng hoan nghênh. Về phía Israel, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố “không cảm thấy liên quan gì đến vụ việc cho dù có những lời tố cáo nhảm nhí” và dù sao cũng “hy vọng cuộc điều tra sẽ đưa sự việc ra ánh sáng”.

Pháp mở điều tra theo đơn kiện hôm 31/7 của bà Souha Arafat về tội sát nhân, sau khi Viện Vật lý Phóng xạ ở Lausanne, Thụy Sĩ phát hiện chất polonium, một chất phóng xạ cực độc trong các vật dụng cá nhân của lãnh tụ quá cố Palestine.

Ông Yasser Arafat mất ngày 11/11/2004 tại bệnh viện quân đội Percy ở Paris, nhưng các thông tin y khoa vẫn không rõ ràng. Báo cáo của bệnh viện Pháp đề ngày 14/11/2004 được trang web Slate.fr đưa hôm qua cho biết ông Arafat bị viêm đường ruột và có vẻ bị nhiễm trùng, nêu giả thiết bị đầu độc bằng nấm độc

Viện Vật lý Phóng xạ ở Lausanne nói rằng sẵn sàng gởi chuyên gia đến Ramallah điều tra, nhưng các luật sư của vợ góa ông Arafat đòi hỏi cần phải phối hợp với tư pháp của nước Pháp. Một chuyên gia cho biết cần phải hành động nhanh chóng vì dấu vết của polonium giảm đi phân nửa mỗi 138 ngày.

tags: Palestine - Pháp - Quốc tế - Tư pháp
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120829-phap-mo-dieu-tra-ve-cai-chet-cua-lanh-tu-palestine-yasser-arafat 
 

Bình Nhưỡng muốn được "mời" dự thượng đỉnh APEC ở Vladivostok

Bài đăng : Thứ tư 29 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 29 Tháng Tám 2012 
 
Tờ báo Yomiuri Shimbun của Nhật hôm nay 29/08/2012 cho biết, Bắc Triều Tiên muốn gởi một phái đoàn đến tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á –Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Vladivostok ngày 8 và 9/9 tới, với tư cách « khách mời ».
 
Nhật báo Yomiuri Shimbun trích « một nguồn tin thông thạo » nói rằng Bình Nhưỡng đã liên lạc với nước chủ nhà Nga để được Matxcơva « mời dự ». Một viên chức Bắc Triều Tiên đã đến Vladivostok, thuộc vùng Viễn Đông của Nga vào giữa tháng Bảy để thông báo ý định gởi một phái đoàn Bắc Triều Tiên đến hội nghị.

Cũng theo nguồn tin trên, thì Bắc Triều Tiên vốn không phải là thành viên của APEC, có ít cơ hội được tham dự các cuộc họp chính thức của hội nghị thượng đỉnh, nhưng “ngược lại cũng có thể tham gia các sự kiện bên lề hội nghị”. Xin nói thêm, APEC có 21 quốc gia thành viên, trong đó có thể kể Nga, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc.

Từ khi Kim Jong Un nối ngôi cha là Kim Jong Il vào cuối năm ngoái, nhất cử nhất động của tân lãnh tụ đều được thế giới theo dõi chặt chẽ.

tags: APEC - Bắc Triều Tiên - Châu Á - Quốc tế - Theo dòng thời sự
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120829-binh-nhuong-muon-duoc-%C2%AB-moi-%C2%BB-du-thuong-dinh-apec-o-vladivostok 
 

Tokyo và Bình Nhưỡng tái lập đàm phán tại Bắc Kinh


Bài đăng : Thứ tư 29 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 29 Tháng Tám 2012 
 
Hôm nay 29/08/2012 Nhật Bản và Bắc Triều Tiên bắt đầu bắt tay vào thương thảo tại Bắc Kinh, lần đầu tiên từ bốn năm qua. Đây chỉ đơn giản là việc tái lập liên lạc, trong khi nhiều vấn đề nhạy cảm tiếp tục ngăn trở việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Theo nguồn tin từ phía Nhật, cuộc gặp gỡ diễn ra tại đại sứ quán Nhật Bản, nhằm chuẩn bị chương trình cho các thương lượng trong tương lai.

Từ giữa tháng Tám, phát ngôn viên chính phủ Nhật Osamu Fujimura đã tuyên bố : « Có nhiều câu hỏi còn treo lơ lửng (…) và chúng tôi đã quyết định tiến hành các cuộc thảo luận liên chính phủ (…) trên tinh thần đóng lại quá khứ đáng tiếc và tái lập quan hệ bình thường ». Ông Fujimura cũng nói thêm, Tokyo đã thông báo cho Seoul và Washington về ý định này.

Dường như liên hệ đã được nối lại giữa Nhật Bản và Bắc Triều Tiên sau cuộc gặp giữa hội Hồng thập tự hai nước, qua đó đôi bên đã đồng ý về việc hồi hương hài cốt của các lính Nhật tử trận tại Bắc Triều Tiên vào cuối Đệ nhị Thế chiến.

Cuộc tiếp xúc Tokyo – Bình Nhưỡng có thể là dấu hiệu cho thấy giữa hai quốc gia không có quan hệ ngoại giao nay đã nồng ấm hơn đôi chút, so với tình trạng thường xuyên căng thẳng, thậm chí là thù địch trước đây.

Tuy nhiên con đường trước mẳt hãy còn dài. Hôm nay hãng thông tấn chính thức Bắc Triều Tiên KCNA, nhân danh hai ủy ban thanh niên và sinh viên đã chỉ trích Nhật Bản « tiếp tục chính sách gây hấn bá quyền ». Theo đó, Tokyo « có thái độ hung hăng trong khi chờ dịp lại xâm lấn (bán đảo Triều Tiên), không chịu xin lỗi và bồi thường về các tội lỗi trong quá khứ ».

Cuộc gặp gỡ gần đây nhất giữa đại diện hai chính phủ Nhật Bản và Bắc Triều Tiên là vào năm 2008. Tokyo loan báo Bình Nhưỡng đã chấp nhận mở lại điều tra về số phận những người Nhật bị bắt cóc trong thập niên 70 và 80 để dạy ngôn ngữ và văn hóa Nhật cho các điệp viên của Bắc Triều Tiên. Hồ sơ này là một trong những trở ngại chính cho việc bình thường hóa quan hệ song phương.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Chính trị - Nhật Bản
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120829-tokyo-va-binh-nhuong-tai-lap-thuong-thao-tai-bac-kinh 
 

Miến Điện xóa danh sách đen 2.000 người lưu vong

Người Miến Điện ở Thái Lan biểu tình kỷ nịêm phong trào nổi dậy 8888

Bài đăng : Thứ ba 28 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 28 Tháng Tám 2012


AFP hôm nay 28/08/2012 dẫn nguồn tin từ chính quyền Miến Điện cho biết, Miến Điện đã xóa tên 2.000 người khỏi danh sách đen của cơ quan xuất nhập cảnh, với hy vọng khuyến khích những người Miến Điện đang sinh sống ở nước ngoài tham gia tiến trình cải cách.
 

Một viên chức Bộ Thông tin giải thích với AFP là : « Những người được xóa tên khỏi danh sách là những công chức đã bỏ đi khỏi Miến Điện từ lâu. Có 6.000 công chức bị ghi tên vào danh sách này, và nay thì 2.000 người đã được xóa tên. Họ có thể tự do trở về nước. Chính phủ sẽ quyết định sau, xem có thể xóa tiếp tên những người khác nữa hay không ».

Nhiều triệu người đã chạy khỏi Miến Điện, đất nước từ đầu thập niên đã bị đặt dưới quyền một tập đoàn quân sự độc tài, tham nhũng và quản lý rất tồi. Rất nhiều trí thức, kỹ sư và những viên chức có trình độ đã ra đi.

Làn sóng di tản đã tăng nhanh sau vụ trấn áp cuộc nổi dậy của sinh viên vào năm 1988, mà đa số nạn nhân là các nhà báo và giáo sư đại học.

Nhưng từ tháng 3/2011, tập đoàn quân sự đã trao lại quyền hành cho cựu tướng lãnh Thein Sein, người đã trở thành một tổng thống cải cách của một chính quyền dân sự. Chế độ mới đã trả tự do cho hàng trăm nhà ly khai, cho phép nhà đối lập Aung San Suu Kyi ứng cử Quốc hội và trở thành dân biểu.

Tháng Năm vừa qua trên báo chí chính thức, ông Thein Sein đã đưa ra lời kêu gọi đến cộng đồng người Miến Điện ở khắp nơi, hứa hẹn sẽ tạo điều kiện cho họ hội nhập vào nền kinh tế, sau nửa thế kỷ đất nước bị giới quân nhân và các tay sai vơ vét tài nguyên.

TAGS: CẢI CÁCH - CHÂU Á - DÂN CHỦ - MIẾN ĐIỆN
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120828-mien-dien-xoa-danh-sach-den-2000-nguoi-luu-vong


lundi 27 août 2012

Chủ tịch HĐQT Eximbank: Trung Quốc muốn gây rối lĩnh vực ngân hàng Việt Nam

Ông Lê Hùng Dũng
Bài đăng : Thứ hai 27 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 27 Tháng Tám 2012 
 
Trong thời gian qua, sau khi ông Nguyễn Đức Kiên, thường gọi là « bầu » Kiên, và ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) bị bắt, đã có nhiều tin đồn đại trên mạng về một số nhân vật khác trong ngành ngân hàng cũng đã bị bắt hoặc bị quản thúc.

Sau đó ngân hàng ACB đã phải đối phó với việc người gởi đến rút tiền hàng loạt, cổ phiếu của ngân hàng này cũng bị sụt mất 20% chỉ trong vài ngày.

Chiều hôm nay 27/08/2012 (giờ Paris) qua điện thoại viễn liên, chúng tôi đã liên lạc với ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng Eximbank, người bị đồn đoán là đang bị quản thúc. Ông Lê Hùng Dũng đã khẳng định với RFI Việt ngữ là hiện ông hoàn toàn tự do, và ngân hàng Eximbank vẫn hoạt động bình thường. Ông cho rằng tình báo Hoa Nam của Trung Quốc đứng sau những tin đồn này để phá hoại kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, đây chỉ là ý kiến của cá nhân.


Ông Lê Hùng Dũng - Việt Nam
 
27/08/2012
by Thụy My
 
 
Tin đồn thì bây giờ nó nhiều tin đồn lắm, tôi chỉ nói cái việc liên quan đến tôi thôi. Thứ nhất là tôi cũng đương rất là tự do, ở cái xứ Việt Nam tự do này. Thứ hai là ngân hàng hoạt động rất bình thường. Sáng nay đầu tuần thì tôi có giao ban online với 42 chi nhánh của toàn hệ thống Eximbank, thì tình hình rất bình thường.

Nhưng một vài ngày qua có tin đồn trên mạng Quan Làm Báo. Theo nhận định cá nhân tôi thì cái mạng Quan Làm Báo này là của Trung Quốc. Mà người Trung Quốc – một số người Trung Quốc - thì họ rất không muốn Việt Nam ổn định. 

Nhân cơ hội những lộn xộn vụ bầu Kiên vừa rồi thì họ mới tung tin là tôi làm thất thoát, cho bầu Kiên vay 23 ngàn tỉ, và bị thua lỗ 9 ngàn tỉ, trên cơ sở đó tôi bị cơ quan điều tra quản thúc tại gia để chờ bắt giam. 

Thì sáng nay họp giao ban toàn hệ thống tôi đã nói, thứ nhất là Eximbank rất là vững. Và cho đến giờ thì cũng rất là may mắn, Eximbank chúng tôi chưa có cho cá nhân bầu Kiên và các công ty có liên quan đến bầu Kiên vay một đồng nào từ Eximbank. 

Vì vậy, tôi nghĩ rằng Eximbank hoạt động bình thường không có vấn đề gì, thế thì người ta tung tin đó ra với mục đích gì ? Để làm cho Eximbank nói riêng suy yếu, và hệ thống ngân hàng Việt Nam suy yếu, do đó sẽ có lợi cho những người đang cạnh tranh trực tiếp với hệ thống tài chính tiền tệ Việt Nam. Họ muốn đánh một đòn vào trong hệ thống tiền tệ Việt Nam để tài chính Việt Nam suy yếu, và họ có cơ hội để họ tiến lên, giống như là họ đang lấn chiếm Hoàng Sa với Trường Sa của chúng ta!

Xin rất cảm ơn ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng Eximbank tại Thành phố Hồ Chí Minh.

tags: Kinh tế - Ngân hàng - Trung Quốc - Việt Nam
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120827-chu-tich-hdqt-eximbank-trung-quoc-muon-gay-roi-linh-vuc-ngan-hang-viet-nam 
 

Trung Quốc xây dựng nhà máy xử lý nước và rác thải tại Hoàng Sa

Biểu tình phản đối TQ xâm lược Biển Đông tại Hà Nội, 22/07/12.
Bài đăng : Thứ hai 27 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 27 Tháng Tám 2012 
 
Bắc Kinh bắt đầu tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng cho hệ thống thu gom rác và nước thải tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa chiếm từ tay Việt Nam vào năm 1974.

Hãng thông tấn Pháp AFP hôm nay 27/08/2012 khi đưa lại tin này từ tờ China Daily nhận định, việc làm của Trung Quốc có nguy cơ gây giận dữ cho nhiều quốc gia trong khu vực. Theo tờ báo nhà nước China Daily, việc xây dựng đã được khởi công từ ngày 25/08/2012, tại đảo Phú Lâm có diện tích vỏn vẹn 2 cây số vuông.  Trung Quốc gọi đảo này là Vĩnh Hưng, thuộc quần đảo Hoàng Sa chiếm được sau trận hải chiến với quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1974. China Daily giải thích, công trình xây dựng nói trên « nhằm củng cố việc bảo vệ môi trường, cải thiện cuộc sống các cư dân và nhân viên đóng tại hòn đảo ».

Đảo Phú Lâm đã trở thành điểm tiền tiêu của tham vọng Bắc Kinh tại Biển Đông, trong bối cảnh tình hình căng thẳng trở lại giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Biển Đông là vùng biển mang tính chiến lược vì là nơi giao thương của nhiều tuyến đường hàng hải quốc tế. Bên cạnh đó Biển Đông cũng giàu nguồn lợi hải sản, và tiềm năng dầu khí quan trọng.

Cách đây vài tuần, chính quyền Trung Quốc đã loan báo sẽ lập một đơn vị quân đội đồn trú tại đảo Phú Lâm. Đây là một đòn nghiêm trọng đánh vào tình hình khu vực vốn hết sức nhạy cảm, trong khi dư luận vẫn hy vọng giữ được nguyên trạng. Đồng thời Bắc Kinh còn nâng cấp chính quyền tại Phú Lâm thành thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam, là trung tâm hành chính cho cả Hoàng Sa và Trường Sa – một quần đảo khác ở Biển Đông đang được nhiều nước đòi hỏi chủ quyền.

Quyết định trên đây của Bắc Kinh đã khiến cho Việt Nam và Philippines phẫn nộ. Manila và Hà Nội lên án Bắc Kinh cố tình tăng sức ép và đe dọa tại Biển Đông.

Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông, kể cả những khu vực nằm cận kề các nước khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan…

tags: Biển Đông - Hoàng Sa - Trung Quốc - Việt Nam
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120827-trung-quoc-xay-dung-nha-may-xu-ly-nuoc-va-rac-thai-tai-dao-phu-lam-o-hoang-sa 
 

Hai thành viên ban nhạc Pussy Riot trốn khỏi nước Nga

Đấu tranh đòi trả tự do cho Pussy Riot
Bài đăng : Thứ hai 27 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 27 Tháng Tám 2012 

Hai cô gái là thành viên của nhóm nhạc punk rock Pussy Riot đã tham gia hát bản nhạc cầu nguyện chống lại Putin trong một giáo đường. Cả hai đã bỏ trốn khỏi nước Nga để tránh bị truy tố. Ban nhạc Pussy Riot ngày  26/08/2012 đã loan báo việc này trên tài khoản Twitter.

Thông báo viết rằng hai thành viên đang bị cảnh sát truy lùng đã thành công trong việc rời khỏi lãnh thổ nước Nga, và đang tuyển mộ thêm các thành viên phong trào nữ quyền nước ngoài, để chuẩn bị cho các hành động mới. Tuy nhiên thông báo của Pussy Riot không cho biết hai cô gái trên đang ở nước nào.

Hôm 17/08/2012, ba thành viên Pussy Riot là Nadejda Tokokonnikova, 22 tuổi, Ekaterina Samoutsevitch, 30 tuổi, và Maria Alekhina, 24 tuổi đã bị tòa án Matxcơva kết án mỗi người hai năm cải tạo lao động vì tội « côn đồ » và « kích động hận thù tôn giáo ».

Ba ngày sau đó, cảnh sát Nga loan báo đang truy tìm hai thành viên khác của nhóm đã cùng bước lên bục lễ của giáo đường Chúa Cứu thế tại Matxcơva hôm 21/02/2012. Nhại kiểu thánh ca, năm phụ nữ đeo mặt nạ trùm đầu hát cầu xin Đức Mẹ « săn đuổi Putin », và đã bị các nhân viên an ninh đuổi khỏi nhà thờ.

Ngoài năm phụ nữ trên, còn có một số người khác mà số lượng chưa được biết rõ, đã tham gia vào hoạt động, nhất là quay lại khung cảnh buổi diễn trong giáo đường.

Phiên tòa xử ba cô gái Pussy Riot đã gây tiếng vang trên toàn thế giới. Bản án đã bị quốc tế chỉ trích nặng nề, cho là « quá lố ». Ba thành viên Pussy Riot cũng đã nhận được nhiều sự ủng hộ trên toàn cầu, đặc biệt là của các nghệ sĩ nổi tiếng như Paul McCartney, Madonna, Sting hay Yoko Ono, vợ góa của John Lennon. Những cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra tại nhiều thủ đô châu Âu, từ Paris, Bruxelles cho đến Luân Đôn, Barcelona.

tags: Châu Âu - Nga - Văn hóa
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120827-hai-thanh-vien-ban-nhac-pussy-riot-tron-khoi-nuoc-nga 

Gần 70 ngàn người Miến Điện sơ tán sau lũ lụt

Một trại cứu trợ nạn nhân lũ lụt của Hồng thập tự.
Bài đăng : Thứ hai 27 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 27 Tháng Tám 2012 
 
Chính quyền Miến Điện hôm nay 27/08/2012 cho biết, mưa bão quá lớn đã khiến gần 70 ngàn người phải rời khỏi những ngôi làng bị ngập lụt để đến các trại tạm cư.

Theo Bộ Xã hội Miến Điện, hiện nay có trên 68 ngàn người sống trong 308 trại tạm cư trên toàn quốc. Soe Aung, viên chức cao cấp của bộ này cho biết, các nạn nhân lũ lụt đã nhận được hỗ trợ như cung cấp gạo và các vật dụng gia đình. Một số người đã bắt đầu quay về địa phương tùy theo tình hình nước rút.

Vùng châu thổ sông Irrawaddy ở miền tây nam Miến Điện bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vùng này phải chịu đựng những trận mưa lớn nhất kể từ sau cơn bão Nargis, năm 2008 đã từng tàn phá toàn bộ khu vực, làm cho 138 ngàn người chết và mất tích.

Năm nay không có trường hợp chết người nào được ghi nhận tại vùng châu thổ Irrawaddy, ngoài hai người bị thiệt mạng tuần rồi tại Lashio thuộc bang Shan ở miền đông. Hơn 54 ngàn hecta đất canh tác đã bị phá hủy.

Tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện từ tháng 3/2011 đã nhường lại quyền hành cho ê-kíp lãnh đạo mới gồm các cựu quân nhân chủ trương cải cách. Trước đây chế độ quân sự nắm quyền đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích nặng nề sau trận bão Nargis, vì Miến Điện tự thu mình lại với tư tưởng bài ngoại và đa nghi, từ chối viện trợ quốc tế giúp nạn nhân bão lụt.

tags: Châu Á - Miến Điện
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120827-gan-70-ngan-nguoi-mien-dien-so-tan-sau-lu-lut 
 

dimanche 26 août 2012

Kim Jong Un : Cười lên, đã bảo phải cười !


(Vui lòng bấm vào ảnh để phóng to)
Từ khi lên nắm quyền, tân lãnh tụ trẻ tuổi Kim Jong Un luôn cố tạo nét khác biệt với người cha quá cố Kim Jong Il vốn xa cách và cứng nhắc. Trong nhiều tấm ảnh, Kim Jong Un xuất hiện tươi cười, gần gũi, và gần đây nhất là nhiều tấm hình chụp với vợ tại một công viên giải trí. Thậm chí những nhân vật Disney của « chủ nghĩa tư bản » cũng được ưu ái. Tóm lại, tân lãnh tụ chừng như muốn mang lại một hình ảnh nhân bản hơn cho Bắc Triều Tiên trước thế giới.

Tuy vậy, nỗ lực của Kim Jong Un, chụp ảnh với một gia đình thường dân để ra vẻ bình dân, bỗng trở nên bi hài. Khi nhà lãnh tụ cười toe tỏ ra đầy hạnh phúc, thì các thành viên của gia đình bỗng dưng được chọn để hưởng ơn mưa móc lại có vẻ…hoảng loạn hihi. 

Tấm ảnh khi được trang Huffingtonpost đăng lại đã có ngay 55 lời bình của độc giả, xin trích một ít dưới đây :

-         Kriefel : Không, họ không có vẻ hoảng loạn, họ thực sự hoảng loạn !
-         Christ56 : Họ bắt cả nhà này uống thuốc xổ à ?
-         François G : Chết cười !
-         Asalyah : Thường thì tôi cười, nhưng tôi thấy tấm ảnh này là khủng khiếp, thấy một nỗi buồn khôn nguôi. Hãy tưởng tượng sự hoảng sợ của gia đình này. Mong rằng khi tấm ảnh đăng lên họ không bị sao !

 

Kim Jong Un đe dọa chiến tranh vì Mỹ - Hàn tập trận

Kim Jong Un đi thăm một đơn vị quân đội, 19/08/12.
Bài đăng : Chủ nhật 26 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 26 Tháng Tám 2012 
 
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hôm nay 26/08/2012 cảnh cáo sẽ tiến hành chiến tranh với Hàn Quốc ngay lập tức, và tố cáo cuộc tập trận chung giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc sắp được tiến hành. Hãng tin Pháp AFP dẫn nguồn tin từ báo chí chính thức Bắc Triều Tiên cho biết như trên.

Cuộc tập trận Hoa Kỳ - Hàn Quốc khởi đầu vào ngày mai sẽ kéo dài hai tuần lễ, nhằm thử nghiệm khả năng phòng thủ trước quốc gia cộng sản Bắc Triều Tiên. Hơn 30.000 quân Mỹ gồm đa số lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, cộng thêm 3.000 quân ở các nơi khác, tham gia cuộc tập trận thường niên mang tên Ulchi Freedom Guardian.

Tuy Mỹ-Hàn nhấn mạnh tính chất phòng vệ, nhưng Bình Nhưỡng cho đây là một cuộc chiến nguyên tử « phủ đầu ». Kim Jong Un gọi cuộc tập trận này là một mối đe dọa nghiêm trọng, và tuyên bố quân đội Bắc Triều Tiên sẵn sàng giáng « những đòn khủng khiếp » nếu lãnh thổ bị cuộc tập trận này xâm phạm.

Hãng thông tấn nhà nước KCNA cho biết lãnh tụ trẻ tuổi, hôm qua trước các sĩ quan đã nói rằng: « Nếu kẻ thù bắn chỉ một quả đạn súng cối vào lãnh thổ bất khả xâm phạm của chúng ta…toàn thể quân đội sẽ muôn người như một, tiến hành cuộc chiến tổng phản công…Các sĩ quan dũng cảm đang đợi mệnh lệnh cuối cùng cho một trận sống mái trước địch quân. Lòng kiên nhẫn của chúng ta có giới hạn ».

Kim Jong Un lên thay cha là Kim Jong Il lãnh đạo một đất nước nghèo khó nhưng lại có vũ khí nguyên tử. Trước hôm diễn ra cuộc tập trận Mỹ-Hàn, nhà lãnh tụ trẻ đã đến thăm một đơn vị pháo binh đóng gần biên giới. Đây là đơn vị chịu trách nhiệm trong vụ bắn pháo vào một đảo của Hàn Quốc gần vùng biển tranh chấp. Kim Jong Un khen ngợi binh lính là những người hùng, bảo họ không bao giờ dung thứ cho việc kẻ thù tấn công.

Hai nước Triều Tiên, về mặt kỹ thuật vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh vì từ sau cuộc chiến 1950-1953, chưa có thỏa thuận hòa bình nào được ký kết. Căng thẳng giữa hai bên tăng cao từ khi Seoul lên án Bình Nhưỡng dùng ngư lôi đánh đắm một chiếc tàu Hàn Quốc làm 46 thủy thủ thiệt mạng vào tháng 3/2010. Bắc Triều Tiên giận dữ chối cãi, sau đó bắn pháp vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc tháng 11/2010 làm bốn người chết.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Hàn Quốc - Hoa Kỳ - Quân sự
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120826-kim-jong-un-de-doa-chien-tranh-vi-my-han-tap-tran 
 

Bạc Hy Lai, lãnh đạo thất sủng cồng kềnh

Tòa án Hợp Phì, nơi xử bà Cốc Khai Lai. Liệu ông Bạc Hy Lai cũng sẽ bị đưa ra tòa ?

(Wall Street Journal/ Courrier International trích dịch) Vợ ông Bạc, bà Cốc Khai Lai đã bị kết án tử hình treo vì tội sát hại một doanh nhân Anh. Số phận nào được Đảng Cộng sản dành cho cựu « hoàng tử đỏ » của Trùng Khánh ? Quả là khó nghĩ cho các vị lãnh đạo.

Bà Cốc Khai Lai, vợ của nhà lãnh đạo cộng sản thất sủng Bạc Hy Lai, hôm thứ Hai 20/08/2012 đã bị kết án tử hình treo vì đã sát hại doanh nhân Anh Neil Heywood tại Trùng Khánh (miền Trung). Tòa án Hợp Phì (miền Đông Trung Quốc) đã kết án tử hình bà Cốc, nhưng bản án không làm ai ngạc nhiên này sẽ được chuyển đổi thành án chung thân sau hai năm chấp hành tốt.

Phiên tòa trên đây cho thấy Đảng muốn kết thúc một trong những xì-căng-đan chính trị tồi tệ nhất từ hai mươi năm qua, và chỉ mới là một chương trong hồ sơ Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Số phận dành cho Bạc Hy Lai – người mà trước khi bị ngưng chức vẫn được xem là ngôi sao đang lên trong Đảng – là câu hỏi mà dư luận rất muốn biết. 

Các nhà lãnh đạo sắp phải loan báo quyết định của họ, nhưng lại khó đạt đến sự đồng thuận, nhất là do Bạc Hy Lai vẫn còn được ít nhiều ủng hộ. Đối với một số người, quyết định này lại càng khó khăn hơn khi cơ quan quyền lực trung tâm không muốn gây sự chú ý đối với công chúng về tài sản cá nhân của nhiều nhà lãnh đạo cao cấp.

Hồi tháng Tư, chính quyền Trung Quốc đã thông báo là Bạc Hy Lai bị ngưng tất cả các chức vụ, và là đối tượng của một cuộc điều tra vì « vi phạm kỷ luật nghiêm trọng ». Theo các chuyên gia về luật Trung Quốc, Bạc Hy Lai hiện vẫn là thành viên của Quốc vụ viện và Đảng Cộng sản, như vậy cần phải chính thức khai trừ thì mới có thể chuyển hồ sơ ông ta sang bên tư pháp. 

Một số người nhận xét, việc tên ông Bạc Hy Lai không được nêu ra trong phiên tòa xử bà Cốc, cho thấy ông Bạc sẽ không bị kết tội đồng lõa trong vụ hạ sát doanh nhân Anh, cũng như việc bao che cho bà vợ. Nhưng số khác nói rằng cơ quan quyền lực đầu não vẫn chưa quyết định được số phận của ông Bạc, và còn dành thời gian để xác định các tội trạng của ông vào một thời điểm thích hợp.

Ít nhất thì đa số nhà phê bình đều thống nhất ở một điểm : Đảng sẽ phải đưa ra một quyết định chính trị vào lúc diễn ra cuộc họp toàn thể các ủy viên trung ương (khoảng 300 người), trước khi đề cử các tân lãnh đạo cho Đảng (trong dịp Đại hội Đảng lần thứ 18 vào mùa thu này). 

Số phận ông Bạc nằm trong tay Ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan của Đảng có nhiệm vụ điều tra về tư cách các thành viên và quyết định xem nên xử lý nội bộ hay phải truy tố. Các nghi can sẽ bị thẩm vấn tại một địa điểm bí mật, bởi một nhóm chuyên trách gồm có công an, kiểm sát, an ninh và các viên chức.

Đây là một tiến trình hết sức chính trị hóa. Mỗi lãnh đạo Đảng có thể lợi dụng các quan hệ cá nhân hay các đặc quyền để gây ảnh hưởng lên các quyết định, sự chọn lựa các bằng chứng để đưa vào hồ sơ, và cách thức diễn dịch chúng. Đứng đầu ủy ban này là Hạ Quốc Cường (He Guoqiang), một trong chín ủy viên thường trực Bộ Chính trị, và cũng từng là cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh (1999-2002) như Bạc Hy Lai lúc chưa thất sủng. 

Người ta nói rằng Hạ Quốc Cường chủ trương trừng phạt nghiêm khắc. Nhưng công an, kiểm sát, tòa án và an ninh nằm dưới quyền một ủy viên thường trực khác là Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), mà theo một số người thì ưu ái ông Bạc hơn. Một khi nhóm điều tra hoàn thành công việc, ủy ban sẽ tập hợp lại tẩt cả các yếu tố vào báo cáo cho cơ quan quyền lực cao nhất, khuyến cáo nên hay không nên đưa ra tòa.

Tiến trình này có thể mất nhiều thời gian. Trong thập niên 90, Đô trưởng Bắc Kinh và là ủy viên Bộ Chính trị Trần Hy Đồng (Chen Xitong) đã phải chờ đợi ba năm, từ khi bị cách chức cho đến khi được đưa ra xét xử vì tội tham nhũng (ông ta bị án 16 năm tù vào năm 1998, và được trả tự do vì lý do sức khỏe năm 2006). Còn Trần Lương Vũ (Chen Liangyu) đã ra tòa 18 tháng sau khi bị cách chức Bí thư Thành ủy Thượng Hải (ông này cũng là ủy viên Bộ Chính trị, bị kết án 18 năm tù vào năm 2008 vì tham nhũng và lạm dụng chức quyền). 

Nếu Đảng chọn lựa xử lý nội bộ vụ Bạc Hy Lai, thì quyết định sẽ được thông báo vào mùa thu. Trong trường hợp ngược lại, phiên tòa sẽ diễn ra sớm nhất là vào năm tới. Alice Miller, chuyên gia về đời sống chính trị Trung Quốc của Hoover Institution (nhóm tham vấn Mỹ thân cận với đảng Cộng hòa) đã viết trong một bài báo về Bạc Hy Lai như sau : « Hai ông Trần trên đây cuối cùng đã bị đưa ra tòa, bị lãnh các bản án tù rất nặng. Và cũng nên chờ đợi Bạc Hy Lai phải chịu một số phận tương tự ».