Affichage des articles dont le libellé est Tùy bút. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Tùy bút. Afficher tous les articles

mardi 25 juin 2024

Nguyễn Tuấn Khoa - Nắng ấm sân trường

Tôi lại xách máy đi chụp dạo cho chủ đề Street Photo. Tôi không chụp trên đường phố mà vào Sở Thú để chụp sinh hoạt của du khách.

Đám học trò thấy tôi cầm pro-camera nên nhờ chụp cho cả lớp. Thấy đẹp, tụi nhỏ lại nhờ tôi chụp tụi nó với cô giáo. Chụp xong tôi ngồi ở góc khuất, quan sát sinh hoạt của tụi nhỏ để nhớ về kỷ niệm của thời đi học.

Hôm nay là những ngày cuối cùng của năm học, học trò nhiều trường, từng tốp tụ tập dưới dãy phượng với tán hoa đỏ rực để chụp ảnh.

mardi 27 février 2024

Đỗ Duy Ngọc - Về quê

"Tết nhìn thiên hạ trở về quê

Tôi chẳng có quê để được về"

Nói thế cũng hơi ngoa chăng, ai lại không có quê. Thật ra, tôi cũng có quê, nơi giòng họ nhà tôi đã qua hơn mười đời ở đó, gia phả ghi rõ vậy. Tôi thuộc đời thứ chín. Như thế, tôi cũng có quê chứ. Vùng đất đó có nhiều thắng cảnh, nhiều hang động nổi tiếng thế giới. Cũng là nơi sản sinh nhiều danh nhân đất Việt. Miền quê ấy có tên là Quảng Bình.

Đó là nơi ông nội tôi được sinh ra và lớn lên. Thời trai trẻ, ông nội đi Tây, lúc trở về lại Việt Nam, mới sinh ra ba tôi. Sau đó, ông nội tôi qua Lào làm ăn, mất ở Paksé, cho đến giờ cũng chưa tìm thấy mộ.

mercredi 14 février 2024

Thích Thanh Thắng - Bói Kiều

Mùng 3 Tết, có bạn nhắn tin hỏi: -Thưa thầy, thầy tin “bói Kiều” à?

Tôi hỏi vui: Thưa bạn, tin bói Kiều có “nguy hiểm” cho mùa Xuân này lắm không? - À không! - Tôi tin chứ. Tin vì truyện Kiều là một bức tranh quá đẹp để yêu và “bói” chỉ là cách yêu không giống với những người quá tỉnh, vậy thôi.

Bạn ấy hỏi tiếp: Tỉnh quá thì không yêu say đắm được đúng không thưa thầy? Tôi cười và hỏi lại bạn ấy: Bạn đã yêu ai và yêu điều gì say đắm mà thấy mình vẫn “tỉnh” không? Chúng tôi cùng cười, rồi thay đổi chủ đề và cảm ơn Xuân mới có thêm bạn mới.

Jimmy Nguyen Nguyen - Ngày Tình Yêu

 

Phe ta bây giờ đã qua được cái nghèo khổ, nên mấy cái ngày kỷ niệm theo Tây phương cũng hưởng ứng nhiều nhiều. Nhiều khi "chơi" còn bạo hơn cánh bên Tây nữa.

Nội cái vụ kỷ niệm ngày sinh là tui tuần nào cũng được mời, có tuần hai cái. Lai rai còn kỷ niệm 5, 10, 20,25...năm ngày cưới. Ui! Chưa kể Father's day hay Mother's day ... in law (hơi bị nhiều). Đồ ăn thì toàn đồ ngọt nhìn thấy thèm. Không bự cái bụng mới lạ.

Nhưng cái tựa bài lãng mạn là viết cho cái ngày Valentine. Trong các ngày lễ kỷ niệm, cái ngày này có vẻ "đẳng cấp", chỉ dành cho dân chơi thứ thiệt. Vâng, thiệt tình là đời sống với đủ mọi thứ xoay vần, tình yêu nó thành trách nhiệm và bổn phận phải lo cho tròn nên quý ông cũng "thấm mệt" và thấy rằng mỗi tháng đưa hết tiền lương cho vợ là đủ. Bày ra hoa hoè hoa sói chi vậy, thấy cũng không cần thiết.

lundi 12 février 2024

Jimmy Nguyen Nguyen - Mồng 2 đi chùa

 

Như tục lệ, ngày mồng 2 là bà con đi thăm các chùa, nhiều chừng nào tốt chừng ấy, Tết năm nay rơi trúng ngày cuối tuần nên thật trọn vẹn.

Ờ ! đến chùa để sám hối, để tưởng nhớ người đã mất, để cầu nguyện cho một tương lai...Nhưng cái chính là để... chụp hình. Tui cũng là "nhiếp ảnh gia" có hạng. Đổ tiền mua máy và ống kính khá nhiều. Máy mắc tiền, mua là nghèo, chụp vẫn thua iPhone hay Samsung. Giờ bỏ hết, xách điện thoại cho nhẹ nhàng.

Đi chụp cho mấy nàng mình còn phải xách thêm "đạo cụ" như dù, các loại mũ nón...   Tiếc rằng "thợ chụp" kỳ này mắt không thấy đường, ra nắng là hoa mắt, bởi dzậy chụp mấy trăm tấm chỉ lấy được…mấy tấm.

vendredi 9 février 2024

Hoàng Nguyên Vũ - Ấy là Tết, và tôi trở về…

Chiều 30. Trời xứ Bắc mưa bay bay, lạnh tầm 13 độ. Đã bao nhiêu năm rồi, tôi hiếm khi vắng mặt ở quê nhà thời khắc này, kể từ thời là một cậu bé chập chững xa nhà đến người đàn ông tóc đã lấm tấm ngả màu.

Chừng ấy năm, bao tâm trạng, tâm lý cũng ngả nghiêng thay đổi xung quanh cái thời khắc mà người Việt gọi bằng một chữ đơn giản này: Tết!

Tôi từng không thích Tết vì nó tốn kém, giao đãi và lãng phí nhưng lại không cầm lòng được khi nhìn một Hà Nội vắng tanh, vội vàng ra sân bay chuyến cuối.

Lưu Trọng Văn - Giao thừa…

 

1. Mới đó dọc kênh Tẻ đổ ra sông Sài Gòn tràn ngập mai vàng nở rộ. Người mua kẻ bán chen vai, chen váy, chen áo dài. Loáng cái trưa 30 hàng trăm ghe hoa về miền Tây để kịp Giao thừa.

Trống.

Vắng.

Tự dưng thấy nao nao buồn.

vendredi 26 janvier 2024

Nguyễn Thông - Một bài đồng dao tuổi thơ

 

Hồi tôi còn bé, ở quê nông thôn, cứ vào mùa đông lúc trước tết thế này thường suốt ngày lúi húi ngoài đồng.

Khi thì tát nước cho mấy ruộng lúa xuân vừa cấy, khi dỡ khoai tây, nhổ rau cải tàu, nhổ hành cho bu sáng mai đem lên chợ huyện bán. Có đận còn chất rau lên chiếc xe cải tiến, rồi hai bố con người kéo kẻ đẩy lọc cọc đem ra tít chợ An Dương ngoài Phòng, bán cho dân phố mua về muối dưa.

Giá bán chợ phố chỉ cao hơn chợ huyện hơn đồng bạc cả xe rau nhưng cứ chịu khó lôi "hàng" ra đó, bởi nông dân chả biết làm gì để được thêm hơn đồng bạc.

dimanche 21 janvier 2024

Đỗ Duy Ngọc - Mùi của Tết

 

Hồi còn bé, tôi rất mong ngày Tết. Không phải vì Tết có nhiều món ăn ngon, cũng không phải vì những bộ áo quần mới, cũng chẳng phải Tết có được thêm tiền lì xì.

Tôi mong Tết vì cái mùi của Tết. Cái mùi mà bây giờ lên hàng lão tôi khó tìm thấy đủ như những ngày xưa.

Trời đất, thiên nhiên bốn mùa đều có mùi của mùa. Mùa xuân có mùi của cây non trổ lộc, mùi của hương hoa. Mùa hạ có mùi của nắng, mùi của mồ hôi, mùi gió biển và mùi cá khô phơi tràn bãi cát. Mùa thu có mùi của lá vàng, của gió thu lướt trong không khí, mùi của nắng vàng mật ngọt. Mùa đông có mùi của bếp lửa, của bắp nướng, của chén khoai khô ngào đường và mùi của những cơn gió cắt da. Nó còn cái mùi của những chiếc áo ấm cất lâu trong tủ mang ra còn vương mùi long não.

dimanche 13 août 2023

Phan Thanh Sơn Nam - Quê hương chừ ở nơi mô…

 

Nếu có ai đó hỏi mình, hãy kể tên ba người nổi tiếng quê ở Saigon, trong vòng vài chục giây, mình không thể trả lời được.

Người nổi tiếng đang sống ở Saigon thì nhiều vô số kể, người nổi tiếng được sinh ra ở Saigon cũng không phải là ít, nhưng người nổi tiếng quê ở Saigon thì mình chịu thua nếu không có thời gian tìm hiểu. Mà ngay cả có thời gian tìm hiểu, thì một người như thế nào sẽ được xem là có “quê ở Saigon”, cũng vẫn còn nhiều tranh cãi. Thật sự đến tận hôm nay mình vẫn chưa tìm được câu trả lời chính xác.

Mình tìm hiểu, người ta nói, nguyên quán được xác định là nguồn gốc, xuất xứ, nơi sinh của ông bà; còn quê quán được xác định dựa trên nguồn gốc, xuất xứ của cha mẹ. Tuy nhiên, cụ thể như thế nào là “nguồn gốc xuất xứ” thì mình thật sự vẫn còn khá mơ hồ.

lundi 6 février 2023

Nguyễn Công Khế - Xuân và tuổi trẻ

 

Tôi không phải là người như cách nay 10 năm, 20 năm, thậm chí, 5 năm trước đây. Hồi còn thanh niên hăng say, đến tuổi 50, 60, tôi nghĩ vẫn còn là thanh xuân.

Tôi phục ông Võ Văn Kiệt, phục cha tôi hiện nay, đến cái tuổi 98, ổng vẫn cười nói rỗn rảng, không màng tuổi tác. Ông Kiệt đến cái tuổi trên 86 mà vẫn thấy không chịu vào các cái hội hưu trí, để bàn chuyện nghỉ ngơi, dưỡng sức. Ông Phạm Duy, trên 80 tuổi, mới lục đục quay về chốn cũ tái lập sự nghiệp. Ông mất năm 2013, thọ 92 tuổi, nhưng trước đó vài năm, ông vẫn hứng thú bàn về tương lai sáng tác của ông.

Tôi có lúc cũng từng nghĩ vậy. Không chịu già. Nhưng cuộc sống và những sức ép tuổi tác đâu phải dễ dàng nhượng bộ như vậy đối với con người, nhất là người già. Cuộc đời hữu hạn. Chỉ có sau khi mất đi mới là chốn miên viễn. Là chốn mà chưa ai đến đó, rồi quay trở về để thuật lại câu chuyện “âm phủ”mà mình trải qua, dù vài giây phút chứng kiến ngắn ngủi.

vendredi 26 août 2022

Thái Hạo - Ngôi nhà của con cóc cô độc

 

Chiếc lu nhỏ này là một ngôi nhà, ngôi nhà của con cóc cô độc. Tôi nói cô độc vì luôn thấy nó một mình. Thường thì lũ cóc sẽ ở cùng nhau, trong góc nhà hay một cái xó tối nào đó. Chen chúc, chậm rãi, lim dim…

Không biết nó đã ở trong chiếc lu này từ ngày nào. Ngồi chù ụ, bất động. Hắn to tới nỗi nếu tôi xòe bàn tay ra, đặt lên lưng hắn, có lẽ không thể che kín tấm lưng vĩ đại ấy.

Cứ mỗi ngày, lúc trời nhá nhem là hắn nhảy ra đi kiếm ăn, bằng một cú nhảy rất gọn. Không phải cú nhảy dữ dội của con ếch, cũng không giống một mũi tên vút gió trong dáng lao của con chẫu chàng; cóc nhảy từng bước, chậm rãi, khoai thai mà vững chãi. Trong cái bước nhảy ấy có phong độ của bậc đại nhân, thong dong mà dũng mãnh, tự tại.

lundi 18 juillet 2022

Nguyễn Thị Hậu - Tôi còn nợ mùa hè nước Pháp


Tôi đến nước Pháp vài lần, vừa là cái duyên từ những ký ức qua văn chương thời thơ ấu, vừa là kỳ duyên với những người bạn vong niên thân quý. Năm nay ánh nắng ấm áp mùa hè nước Pháp theo tôi suốt những con đường tôi qua.

Paris tháng Bảy là mùa du khách tấp nập trong khi người Paris bắt đầu “đi trốn” cái nóng. Nhân viên các công sở lần lượt nghỉ hè, cửa hàng cửa hiệu bắt đầu treo bảng “tạm nghỉ”…

Những chuyến xe bus, metro thoát khỏi cảnh chen chân nhau lên xuống, những quán cà phê vỉa hè không còn quá đông đúc, có thể dễ dàng tìm thấy một vài bàn trống để ngồi đó thoải mái ngó nghiêng một Paris mà tôi yêu thích.

dimanche 3 juillet 2022

Huynh Wynn Tran - Paris : Văn hóa Café

 

Lần đầu đến Paris lúc tối, tôi ngỡ mình đã về Sài Gòn.

Dọc theo từng vỉa hè, dưới mái hiên của những con đường hẹp, người người đông đúc xếp ghế ngồi san sát ăn uống nói cười bên nhau. Thỉnh thoảng tiếng xe máy hú còi chạy nhanh con đường hẹp, vẫn không làm loãng không khí ồn ào náo nhiệt của quán buổi tối.

Quán café tại Paris có lẽ nhiều không thua Sài Gòn. Cứ vài bước tôi đi là gặp một quán. Café ở đây bán suốt ngày, từ sáng, trưa, chiều, tối và cả khuya. Uống café là văn hóa đặc trưng tại Paris, và dĩ nhiên đã được đưa vào Việt Nam hơn 150 năm trước.

dimanche 29 mai 2022

Nguyễn Anh Huy - Mưa, rượu và boléro !

 

Hổm nay Sài Gòn đổ mưa dầm dề khiến nhiều tâm hồn ướt sũng. Tui cũng vậy.

Chẳng hiểu sao, năm nào cũng mưa, mỗi năm một mùa, lặp lại ngàn năm, mà đến thời khắc này lòng người chùng xuống.

Chẳng hiểu vì sao cơn mưa làm cho cây cối xanh tươi, ruộng lúa được mùa mà lại kéo theo nỗi buồn hoài niệm nhiều hơn những cảm xúc khác. Chỉ có những đứa trẻ trâu như tui ngày nào, mới vui đùa dưới cơn mưa qua những trận banh, hay chia phe đánh lộn. Còn người lớn thì suy tư và trầm tưởng.

jeudi 19 mai 2022

Trần Kiên Cường - Tản mạn Ukraina 1 : Cá bống biển Chongar và những lọ nấm Izium

 

Lâu lâu rồi, cỡ gần 15 năm trước, tôi được phân việc “hành” 3 chi nhánh của Cty ở miền Đông Nam Ukraina , gồm chi nhánh Lugansk, chi nhánh Donetsk và chi nhánh Krym. Mỗi chi nhánh lo bán hàng một vùng, đóng ở thành phố thủ phủ, còn chi nhánh Krym đóng ở Simferopol.

Vậy là suốt 2 năm (2008-2009), mỗi tuần ít nhất vài lần tôi “cày” dọc tuyến đường mà những địa danh của nó tưởng muôn đời sẽ chìm trong cuộc sống vất vả của những người dân miền Đông Ukraina. Chẳng thể mường tượng nổi một ngày nào đó chúng nằm đầy trên những mặt báo của thế giới: Izium, Kramatorsk, Donetsk, Mariupol, Gorlovka hay Debatsevo…..

Tiếng là phụ trách (curator) nhưng thực chất là làm công việc giám sát, thanh tra (supervisor), nên “dân bản” các đơn vị này cũng chẳng khoái tôi lắm, còn tôi cũng chẳng khoái công việc này lắm vì nó không thuộc “chất” của mình.

vendredi 22 avril 2022

Vũ Thế Thành - Sài Gòn, cà phê và nhạc sến

“…Tách cà-phê ấm môi,

Mình ngồi ôn lại những phút vui trôi qua mất rồi…”

Bè bạn đi lính về phép lại kéo nhau ra quán nhậu. Nhậu đã rồi tới quán cà phê Chiêu đường Cao Thắng. Ở quán nhậu thì tranh nhau nói, tới quán cà phê, chẳng thằng nào buồn nói. Cà phê và khói thuốc. Cà phê nhỏ giọt. Giọt có buồn không? Mờ quá không thấy giọt, nhưng nỗi buồn thì thấy.

Thằng bạn ở Thụy Sĩ về chơi Việt Nam, trên đường tới Hội An, ghé quán cà phê ven đường, Cho ly cà phê đá Sài Gòn đi bà chủ. Cà phê mang ra, chưa nếm, y đã lắc đầu, Không phải. Cà phê là cà phê kiểu Sài Gòn, có biết không? – Dạ, dạ… biết. Dân miền Trung nhẫn nại. Cái gì cũng biết, trừ những cái không biết. Ly cà phê khác mang ra. Cũng không phải!

jeudi 14 avril 2022

Dạ Ngân - Ở đó có trăng không?

 

Không phải vì khi ấy mình là thiếu nữ. Hay là vì thiếu nữ nên trăng trở nên huyền diệu?

Mùa khô, trăng ngà ngà tràn trên cỏ cháy ở những vạt đồng không một bóng cây. Mùa nước trăng chập chã trên lũ thực vật đua nhau sức sống. Ngày nắng đêm về trăng thanh thanh và ngày mưa, trăng thập thò trong mây không khi nào đúng hẹn.

Đầu súng trăng treo của Chính Hữu dài bảy năm. Bảy năm là bao nhiêu mùa trăng?

mardi 1 février 2022

Nguyễn Ngọc Tư - Khúc ba mươi


Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực không mà hôm đó cả nhà đều phải làm công chuyện tối mắt tối mũi. Đến nỗi, nhắc tới Tết là thấy chữ “Ba Mươi” chình ình, choán chật cả ký ức.

Đó là cái ngày duy nhất trong năm cả nhà sum họp mà không sum họp. Ai nấy túi bụi với chuyện của mình.

Cánh đàn ông con trai (nói cánh cho ham vậy, chỉ hai người thôi, chứ mấy), cánh này quan trọng, lãnh phần dọn dẹp, lau chùi, làm đẹp nhà. Nào là quét mạng nhện trên trần, lau cửa kính, tủ bàn, kỳ cọ mấy cái lư đồng, đem phơi nắng. Mệt phờ. Lúc dọn dẹp, bày biện bàn thờ thì mùi chiên xào dưới bếp bay lên, trời, lại phải bỏ ngang công việc đang làm dở, chuẩn bị mâm bàn cúng rước ông bà. Xế chiều rồi, chớ giỡn…

Nguyễn Tuấn Khoa - Đón xuân này, nhớ xuân xưa


Thời còn nhỏ tôi ở Cư Xá Đô Thành. Khu này có nhiều người nổi tiếng cư ngụ như nhạc sĩ Văn Phụng, ông Lê Văn Khoa, ca sĩ Thanh Thúy, ông Hoàng Mai đóng kịch, ông Tòng Sơn thổi kèn, ông Tam Lang đá banh, cải lương thì có chị em Hoài Dung- Hoài Mỹ...

Giới học thức cao cũng nhiều, gia đình quân nhân cũng nhiều nhưng nhiều nhất vẫn là giới lao động. Do vậy ngày Tết ở Cư Xá Đô Thành là hình ảnh thu nhỏ của miền Nam VN ngày đó.

Đối với con nít ở xóm lao động, không có ngày nào trong năm vui bằng những ngày trước Tết Nguyên Đán.