Ngày còn nhỏ, trước năm 1975, tôi đã nghe từ “lâm vố”. Ý nghĩa của từ đó, suy theo cách dùng, là tạp nhạp, rẻ tiền… Một món đồ được xem là “đồ lâm vố”, là loại xoàng xĩnh, xài được nhưng chất lượng tàm tạm thôi. Còn đứa nào đó bị gọi là “thằng lâm vố”, là có ý coi khinh.
Lớn lên, đọc sách của nhà văn Sơn Nam, tôi hiểu rõ hơn nguồn gốc của từ này. Trong cuốn Người Sài Gòn xuất bản năm 1992, ông viết:
"Cơm bình dân, thời trước 1945 mãi ghi dấu ấn trong lứa già 70 tuổi, còn gọi cơm ‘thất nghiệp’ hoặc cơm ‘lâm vố’ (rabiot) tiếng lóng của nhà binh Pháp, chỉ phần ăn bổ sung nếu người lính ăn hết phần tiêu chuẩn mà chưa no. Cũng có nghĩa ‘cơm thừa cá cặn’ do giới đấu thầu mua lại pha chế, thêm gia vị, nấu sôi để sát trùng, rồi bán, chất lượng còn khá cao, từng cục thịt bò. Cơm ‘lâm vố’ bày bán bên đường, ngang hông Đông Dương ngân hàng, người thất nghiệp thường hài hước: "Dạo này tôi ăn cơm lâm vố, làm việc Băng Anh-đô-sin".