Làm thế nào mà cổ phiếu của một tập đoàn được xem là sáng giá
nhất trong năm, lại có thể bị sụt giá đến 20% chỉ sau ba ngày niêm yết
trên sàn chứng khoán ? Sau khi chỉ trích ngân hàng Morgan Stanley và thị
trường chứng khoán điện tử Nasdaq, nay thì giám đốc tài chính Facebook
đang là đích nhắm.
Le Figaro cho biết theo tờ Wall Street Journal, thì chính ông David
Ebersman là người đã đưa ra mọi quyết định về việc niêm yết cổ phiếu,
trong khi các công ty khi lên sàn chứng khoán thường giao cho các ngân
hàng tư vấn. Cũng chính ông Ebersman, ba ngày trước khi lên sàn, đã
quyết định tăng 25% số lượng cổ phiếu tung ra thị trường. Ông đóng vai
trò chủ chốt trong việc ấn định giá cổ phiếu là 38 đô la, mức giá cao
nhất trong khi giá đưa ra ban đầu đã thuộc loại cao.
Số lượng cổ phiếu đưa ra bán quá nhiều, định giá quá cao, hai yếu tố
này đã làm cho cổ phiếu Facebook mất giá nhanh chóng. Nhưng trách nhiệm
của David Ebersman không dừng ở đó, mà còn do không thông tin cho các
nhà đầu tư về việc cả ba ngân hàng tư vấn cho Facebook đều hạ mức dự báo
tăng trưởng của mạng xã hội khổng lồ này.
Cơ quan giám sát thị trường chứng khoán Mỹ SEC loan báo mở cuộc điều
tra, và Financial Industry Regulatory Authority, cơ quan điều chỉnh thị
trường Wall Street cũng xem xét lại việc niêm yết của Facebook. Người
phụ trách ngoại giao của bang Massachussetts đã kiện ngân hàng Morgan
Stanley. Nhiều đơn kiện tập thể của các nhà đầu tư nhỏ nhắm vào
Facebook, ba ngân hàng tư vấn Goldman Sachs, JPMorgan, Morgan Stanley và
thị trường chứng khoán Nasdaq cũng đã được nộp cho tòa án hôm qua.
Iran và dầu lửa : Mối đe dọa thực sự
Bài viết của giáo sư Jean-Marie Chevalier đăng trên nhật báo kinh tế
Les Echos nhận định, hội nghị thượng đỉnh G8 mới đây tại Camp David lại
một lần nữa cho thấy sự lệ thuộc vào dầu lửa, và mọi chú ý đều tập trung
vào Iran.
Trước hết đó là vì đất nước rất có thể là sở hữu vũ khí hạt nhân này
là một cơn ác mộng đối với Israel, cũng như với Mỹ, trong trường hợp
Israel tấn công Iran để phá hủy các địa điểm nguyên tử. Bên cạnh các
khía cạnh quân sự và kỹ thuật, còn cần phải tính đến hậu quả trên thị
trường dầu lửa.
Tác giả bài báo cho rằng, vấn đề trung tâm nhưng lại ít được nêu ra
một cách công khai, đó là Iran vốn rất tự hào khi có được bom nguyên tử,
sẽ phản ứng như thế nào khi bị tấn công ? Liệu Teheran có trả đũa bằng
cách phong tỏa eo biển Ormuz, nơi vận chuyển 35% lượng dầu lửa và sản
phẩm từ dầu lửa của cả thế giới ?
Theo tác giả, thì giả thiết này khó thể xảy ra, tuy Iran có đủ phương
tiện để làm điều đó. Việc phong tỏa eo biển Ormuz sẽ gây hậu quả nặng
nề lên giá cả các sản phẩm dầu khí, phí vận chuyển hàng hải và phí bảo
hiểm tàu. Về ngắn hạn thì Cơ quan Năng lượng Quốc tế có thể huy động dự
trữ chiến lược về dầu thô và dầu lọc, như G8 đã đề nghị. Nhưng hành động
của Teheran sẽ bị cộng đồng quốc tế coi là một hành động chiến tranh.
Việc này cũng vi phạm luật quốc tế, làm thiệt hại về an ninh năng
lượng của các quốc gia nhập khẩu dầu, làm giảm thu nhập của các nước
xuất khẩu dầu lửa. Một loạt các quốc gia sẽ cùng chống đối : Hoa Kỳ,
châu Âu, các nước lớn ở châu Á, và các nước vùng Vịnh. Chỉ có Nga vốn
không liên quan trực tiếp với eo biển Ormuz và thân cận với Iran, là
bênh vực Teheran.
Người ta cho rằng có thể diễn ra các hoạt động quân sự quy mô do Mỹ
cầm đầu, vì Hạm đội 5 Hoa Kỳ hiện diện trong vùng Vịnh có thể can thiệp
nhanh chóng để tái lập trật tự. Và đương nhiên sẽ có các thiệt hại nhân
mạng, và làm tăng tình trạng căng thẳng trong khu vực. Iran cũng sẽ bị
thiệt thòi khi đối đầu với cộng đồng quốc tế, trong cái thế không tương
sức.Tác giả kết luận, như vậy giải pháp thương lượng và trừng phạt kinh
tế vẫn tốt hơn can thiệp quân sự, có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng
cho toàn vùng.
Trung Quốc : Cường quốc rượu vang 2015 ?
Nhìn sang châu Á, phụ trang của Le Figaro nói về « Trung Quốc, một nước sản xuất rượu vang mới »,
và cho biết nếu lâu nay vẫn được xem như thị trường tiêu thụ, thì giờ
đây Bắc Kinh đang hy vọng sẽ trở thành một trong ba nước sản xuất rượu
vang lớn nhất thế giới trong vòng mười năm tới.
Với gần 128 triệu thùng rượu loại 9 lít, sản lượng này tương đương
hai phần ba sản lượng của nước Úc và toàn vùng Bordeaux của nước Pháp,
hiện nay Trung Quốc là nước sản xuất rượu vang đứng thứ 7 trên thế giới.
Nhưng trong vòng mười năm tới, lượng nho trồng tại đây sẽ tăng lên rất
nhiều, với trên 500 nhà sản xuất. Nhiều chuyên gia rượu vang được gởi
sang Pháp học, và chính quyền Bắc Kinh tài trợ cho việc nghiên cứu các
giống nho thích hợp với thổ nhưỡng.
Trung Quốc dự kiến tăng gấp đôi sản lượng rượu vang từ nay cho đến
năm 2015, và như vậy sẽ vượt lên hàng thứ 5 thế giới, sau Hoa Kỳ, Pháp, Ý
và Tây Ban Nha. Ưu tiên hàng đầu là thị trường nội địa khổng lồ, và
giai đoạn đầu tiên là tiến gần tiêu chuẩn quốc tế vì hiện nay chất lượng
nhiều loại rượu vang nội địa khá tồi. Le Figaro kết luận, chỉ trong
vòng vài năm Trung Quốc đã trở thành nước sản xuất bia hàng đầu thế
giới, và rượu vang có lẽ cũng sẽ không lâu.
Vụ án Erika và luật hàng hải quốc tế
Quay lại với nước Pháp, đề tài được nhiều tờ báo Paris chú ý là Tòa
Phá án Pháp hôm nay sẽ xem xét vụ tàu dầu Erika bị đắm, gây ra thảm họa
sinh thái nghiêm trọng vào cuối năm 1999. Tập đoàn Total đã bị kết án,
nhưng lần này tại Tòa Phá án, bản án có nguy cơ bị hủy vì những khác
biệt trong luật lệ hàng hải Pháp và quốc tế.
La Croix ghi nhận, lâu nay luật hàng hải chỉ nhắm vào một mục tiêu là
đảm bảo tự do lưu thông trên biển, và an toàn cho thương mại. Trong
trường hợp tàu bị đắm, thì chỉ cần bảo hiểm hàng hóa. Nhưng sự bùng nổ
nhu cầu dầu lửa trong thế kỷ 20, và việc chuyển dầu bằng đường hàng hải,
đã làm thay đổi hẳn tình thế. Các thiệt hại từ những vụ đắm tàu có tầm
mức hết sức to lớn so với bản thân giá trị hàng hóa trên tàu.
Vụ tàu dầu Torrey Canyon bị chìm làm ô nhiễm vùng duyên hải của cả
Anh và Pháp năm 1967, đã thúc đẩy sự ra đời của hiệp ước quốc tế đầu
tiên năm 1969, đưa ra các quy định về việc bồi thường cho các nạn nhân
của thủy triều đen. Chỉ có chủ tàu chịu trách nhiệm, và hãng bảo hiểm
của công ty chủ tàu sẽ tự động bồi thường một phần thiệt hại cho các
ngư dân, các địa phương hoặc tất cả những người bị ảnh hưởng. Còn nếu
tàu mang cờ các nước khác, thì Fipol, quỹ bồi thường do các tập đoàn dầu
lửa đóng góp sẽ là cơ quan chi trả.
Vấn đề là Fipol không bồi thường tất cả mọi thiệt hại, đặc biệt là
thiệt hại về uy tín, về tinh thần và về mặt đơn thuần sinh thái ; đồng
thời mức bồi thường cũng không thể vượt trần. Muốn được bồi thường nhiều
hơn thì các nạn nhân phải kiện ra tòa từ công ty tàu biển, công ty thuê
tàu cho đến công ty đăng kiểm. Đồng thời phải chứng minh được các đơn
vị này đã phạm lỗi nặng, và nhất là phải tìm ra được « thủ phạm » -
trong vô số tàu mang một rừng cờ của nhiều nước khác nhau.
Như vậy chỉ còn một giải pháp cho vấn đề an ninh hàng hải về dầu khí :
các tập đoàn dầu lửa phải là sở hữu chủ các tàu dầu, tức là chịu trách
nhiệm về chiếc tàu cũng như hàng hóa. Các tập đoàn dầu khí cho rằng việc
này là bất khả thi, vì không thể quản lý hàng ngàn con tàu. Nhưng theo
một chuyên gia, thì những người khổng lồ dầu khí là các nhân tố quyết
định trên thị trường, và chính họ phải xem lại vấn đề đạo đức kinh
doanh.
Tham quan phim trường Harry Potter huyền thoại
Trên lãnh vực văn hóa, Le Monde đưa người đọc đến một địa điểm du
lịch thú vị. Đó là phim trường ở Leavesden, Anh quốc, nơi đã quay loạt
phim Harry Potter dựng theo bộ tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng thế giới
của nhà văn Anh J.K.Rowling.
Khách tham quan sẽ kinh ngạc với không gian huyền thoại của ngôi
trường phù thủy trong Harry Potter bỗng chốc hiển hiện trước mắt. Gian
triển lãm thứ hai tập trung các con vật, các vật dụng và đồ đạc trong
suốt 8 tập phim, được các nghệ nhân Anh thực hiện một cách tỉ mỉ, khéo
léo. Sau ba giờ viếng cảnh, khách du lịch sẽ học hỏi được rẩt nhiều về
nghệ thuật điện ảnh, mà Harry Potter vẫn giữ nguyên sự quyến rũ.
Tình hình chính trị và xã hội trong nước : Tựa chính báo Pháp
Le Monde hôm nay quan tâm đến « Vụ Bettencourt : Cuộc điều tra đụng chạm đến ông Sarkozy ».
Theo các tài liệu mà tờ báo có được, thì điều tra về « lạm dụng đối với
người không đủ năng lực phán đoán » liên quan đến nữ tỉ phú giàu nhất
nước Pháp Liliane Bettencourt, hiện đang nhắm vào cựu Tổng thống. Thẩm
phán phụ trách hồ sơ này cho rằng ít nhất 150.000 euro tiền mặt đã được
bà Bettencourt tặng cho đảng cánh hữu UMP trong chiến dịch tranh cử tổng
thống năm 2007. Nhật báo thiên hữu Le Figaro thì nêu ra « Trường hợp ông Montebourg : Bị lãnh án vì tội mạ lỵ » và nhấn mạnh, Bộ trưởng Bộ Phục hưng Sinh lợi vẫn ở lại trong tân chính phủ cho dù cánh hữu kêu gọi từ chức.
Nhật báo cộng sản L’Humanité chạy tựa « Bước đầu quay lại với tuổi về hưu 60 »
và nhận xét, cuộc tranh luận về hạn tuổi về hưu theo luật định mà phe
hữu ngỡ rằng đã khép lại, bây giờ lại được đưa ra bàn bạc. Khuynh hướng
kéo dài tuổi về hưu ở châu Âu trong những năm gần đây như vậy là đã bị
đảo ngược. Tương tự, nhật báo cánh tả Libération chạy tít trang nhất « Tuổi về hưu : Những bước đầu khó khăn ».
Khi loan báo ý định lại cho phép về hưu ở tuổi 60 đối với những người
bắt đầu làm việc từ năm 18 tuổi, chính phủ mới đã làm cho cánh hữu giận
dữ. Trong bài xã luận, Libération nhận định, trước một chủ đề cũng đã
từng làm phân hóa ngay trong cánh tả, vấn đề ở đây là khả năng của ông
François Hollande – thực hiện những gì đã hứa, và thử nghiệm ảnh hưởng
của phe đa số.
Về mặt giáo dục, nhật báo La Croix nói về việc « Các trường công giáo muốn cải cách »,
đăng bài phỏng vấn Tổng thư ký các trường học công giáo, cho biết sẵn
sàng ủng hộ kế hoạch cải tổ giáo dục do ông François Hollande đề xướng.
Trên lãnh vực kinh tế, nhật báo Les Echos cho biết « Renault muốn đưa ra hai nhãn hiệu hạng sang », để cạnh tranh với tập đoàn Volkswagen vốn có đến 12 nhãn hiệu.
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120524-facebook-tu-that-bai-trong-niem-yet-co-phieu-den-kien-tung