Affichage des articles dont le libellé est Đời sống. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Đời sống. Afficher tous les articles

jeudi 24 octobre 2024

Ngô Nhân Dụng - Canada, Mỹ : Hai nước láng giềng tốt nhất

Năm nay tỉnh Québec, Canada, mất mùa lá đỏ! Mỗi năm vào Tháng Mười tôi đều trở lại Montréal coi “Rừng phong Thu đã nhuốm mùi quan san,” thơ Truyện Kiều.

Tôi đã sống ở đó 20 năm kể từ 1975 và mỗi lần trở về đều thấy đó là nơi đời sống ngoài phố xá bình an, vui, đẹp nhất, chưa kể cảnh tượng “Rừng Thu từng bước chen hồng” như Nguyễn Du tả. Nhưng năm nay vào đầu tháng Mười, tôi cùng mấy chục người bạn từ Mỹ về, sống ba bốn ngày trên một vùng đồi núi gọi là Làng Cây Phong mà không được thấy lá vàng, lá đỏ rực rỡ như các năm trước!

Các bạn tôi phần lớn ở California, nhiều người đến Làng Cây Phong lần đầu, có dịp thấy lối sống của người dân hai nước láng giềng khác hẳn nhau. Nói chung, dân Canada “hiền” hơn, người Việt tị nạn ở đó cũng vậy. Làm việc không hăng hái như người mình ở Mỹ, ít cạnh tranh nên vui vẻ, thanh nhàn. Họ ít mua súng, ít bắn súng. Nhưng họ cũng nghèo hơn; đi bộ cả ngày giờ thấy năm ba chiếc xe Mercedes hay Tesla, không nhiều bằng đi qua một quãng trên đường Bolsa! Phải công nhận hai xã hội giống nhau mà cũng khác nhau rất nhiều!

lundi 29 juillet 2024

Nguyễn Thông - Đội quân chủ lực bị bỏ rơi (1)

Ở nước ta, lâu nay nông dân được bộ máy tuyên truyền nhà nước tôn vinh, gọi là “đội quân chủ lực của cách mạng”. Những ông to bà nhớn khi đề cập tới nông dân đều dùng mấy chữ ấy. Cho sang mồm.

Tháng Bảy tây (chứ không phải tháng Bảy cô hồn) năm nay, đối với tôi sự kiện đáng nhớ nhất và ý nghĩa nhất là việc tăng lương, thực hiện ngay từ ngày đầu tháng. Cụ thể nhà nước điều chỉnh tăng lương cơ sở, người đang làm việc mà hưởng lương (cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, nhân viên) được thêm 30 %, còn người về hưu tăng 15 %, so với tháng Sáu. Đó mới là điều thực sự có ý nghĩa trong tháng Bảy, chứ những chuyện khác cũng thường thôi, chả đáng ồn ào.

Tất nhiên, trong vụ tăng lương này vẫn còn thứ cần bàn, chẳng hạn cách đối xử với người về hưu, nhưng phải nói, đó là tin vui, niềm vui, của cả dân lẫn chính phủ. Bà Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà còn hăng hái giải thích về niềm vui ấy cơ mà.

jeudi 28 mars 2024

Đặng Chương Ngạn - Cõi tạm hay cõi thật

Đạo Phật dạy cho phật tử: Cuộc đời này chỉ là cõi tạm, cõi vĩnh cữu của con người chính là niết bàn, là thế giới bên kia sau khi chết. Cha ông chúng ta hay nói: "Sống gửi, thác về..."

Trong văn chương, cụ Nguyễn Công Trứ cảm thán: “Ôi! Nhân sinh là thế, như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao…”.

Còn nhạc sĩ  Trịnh Công Sơn: "Hạt bụi nào hóa khiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi", coi sự tồn tại của chúng ta trên cõi đời này chỉ là "Ở trọ trần gian"...

dimanche 24 mars 2024

Phạm Công Luận - Những từ ngữ nổi trôi

 

(Chuyện nhỏ về lời nói hằng ngày của một thời)

Hồi tôi còn nhỏ, lúc vốn hiểu biết còn ít ỏi (giờ cũng vậy) và chưa có định kiến với bất cứ điều gì, tôi thích âm thầm quan sát thế giới chung quanh mình. Thế giới của tôi là cái xóm nhỏ gần một ngôi chùa, hai khu cư xá, hai ngôi chợ và một cái nhà thờ.

Ở đó, gia đình tôi sống chung với đa số là người Nam, vài nhà gốc Bắc, một nhà có gia chủ là người Quảng Ngãi và một nhà có cô con gái lai Ấn, một nhà có người con rể người Hoa. Bước ra đầu hẻm, tôi chạm mặt ngay một trường trung học của ngũ bang người Hoa lập nên. Đám trẻ chúng tôi lớn lên trong môi trường đô thị đa dạng, chơi với nhau không bao giờ phân biệt từ đâu tới, không bao giờ lôi gốc gác, ngôn ngữ hay nghề nghiệp cha mẹ ra nói.

Trong cuộc sống như vậy, chúng tôi dung nạp đủ thứ từ ngữ ngoài đời. Ở đây không phải là những từ chửi rủa thô tục, mà là từ ngữ để dùng hàng ngày, lạ tai, miễn sao có thể hiểu nhau.

lundi 11 mars 2024

Vương Trí Nhàn - Chuyện đời sống Hà Nội năm 1981

(Nhật ký hậu chiến)

17/1

Ý Nhi kể con ốm nhiều ngày vì thiếu ăn. Ban ngày, cả nhà muốn bán ti vi, ban đêm, lại muốn giữ lại để xem. Ân thì đau bụng đi ngoài. Sau hai tháng ăn rau, giờ mua được 2 cân cá dầu bé tí để ăn – có thể đó là lý do chăng?

Ông Kiên kể vợ vừa phải mang bán mảnh vải định may quần.

Ông Nhị Ca bảo đời phải có ân oán chứ. Mấy chục năm nay, dân cán bộ khinh dân buôn bán, bây giờ đến lúc bọn buôn bán nhỏ nó khinh lại.

samedi 9 mars 2024

Đoàn Nhã Văn - Người Việt

 

Hồi đó, vì công việc, tôi thường bay đi nhiều nơi. Trong một lần, đi công tác ở South Carolina, buổi chiều tôi lái xe ngang qua một thị trấn lạ, tìm một chỗ ăn.

Lái vào con đường chính của thị trấn, chạy vào một shopping nhỏ. Trên bảng ghi những cơ sở thương mại của khu này, tôi thấy có hai tiệm ăn: một Thái và một Tàu. Tôi đậu xe, đi vào hướng tiệm ăn Thái.

Khi đi ngang qua một tiệm sửa quần áo, thật bất ngờ tôi nghe tiếng một người đàn ông đang nói chuyện điện thoại. Nhìn vào, tiệm không có khách, chỉ mình ông. Tiếng của ông vang vang. Tôi ngừng lại, giả bộ cúi xuống cột dây giày, lắng nghe thử.

mercredi 28 février 2024

Vương Trí Nhàn - Chuyện đời sống Hà Nội năm 1980 (3)

 

(Nhật ký hậu chiến)

Hai tàu thủy chạy đường Quảng Ninh-Hải Phòng trốn sang Hồng Kông. Thủy thủ + công an thông đồng với nhau. Nhiều hành khách bất ngờ được di tản với giá vé 1,2 đồng.

Trận bão số 6 năm 1980 ở Thanh Hóa, 6 huyện bị lụt, nhà cửa mất 80 %. Một cái cầu nhỏ, cầu Tào Xuyên, bị nước đe dọa. Người ta phải cho cả một toa tàu chở đá đến để giữ cầu.

Đột xuất kiểm tra xe ô tô Hà Nội-Hải Dương, khoảng 50 vé, thì 17 vé do nhà xe tuồn ra ngoài, bán lãi 15 đồng một vé.

lundi 26 février 2024

Vương Trí Nhàn - Chuyện đời sống Hà Nội năm 1980 (2)

(Nhật ký hậu chiến)

16/6

Phổ biến một nghị quyết mới, có các nhận định :

- Người ăn lương đã đến mức không thể chịu được nữa.

- Chống tiêu cực, không chống nổi.

- Ta đầu tư vào xây dựng cơ bản quá nhiều. Nhiều công trình đắp chiếu nằm đấy, khi xong cũng đã lạc hậu.

- Sẽ gần như không chiêu sinh đại học thời gian tới. Học sinh hết lớp 10 chuyển về nông thôn, vào vùng B2 cũ, đi xuất khẩu lao động.

dimanche 25 février 2024

Vương Trí Nhàn - Chuyện đời sống Hà Nội năm 1980 (1)

(Nhật ký hậu chiến)

8/1

Trứng 1 đồng một quả. Thịt 2,6 đồng. Tất cả các thứ đều lên giá. Giá vàng tăng từ 23,5 lên 30. Xe pơgiô khoảng 5,6 ngàn. Từ 1/1 nhà nước chỉ bán cho mỗi người trong gia đình một ký gạo một  tháng. Đầu năm chưa có phiếu, vợ Bằng Việt đẻ, con chưa được cấp phát gì hết.

Ở một khu phố ngoài bãi, điện đột ngột lên cao, hàng loạt nhà bị hỏng đồ điện. Không ai đặt vấn đề đòi bồi thường.

Đăng kể chuyện trên đơn vị: Cả B trưởng, A trưởng cũng trốn.

Vương Trí Nhàn - Chuyện đời sống Hà Nội năm 1979

 

(Nhật ký hậu chiến)

Lời dẫn : Mấy năm 1979-1982 quả là đặc biệt trong đời sống xã hội, nên mặc dù chỉ quen ghi chép về các sinh hoạt trong giới văn học, trong năm ấy, đôi lúc - nghĩa là tùy hứng -  tôi cũng thường “vào sổ” các sự kiện hàng ngày được nghe được biết trong sổ tay.

Tôi ghi một cách thật gọn và không kèm theo bình luận. Còn chính xác đến đâu thì quả thật không biét và đến nay lại càng không biết.

 Lọc lại một số đoạn ghi năm ấy như bạn đọc sẽ đọc dưới đây, tôi hiểu mình thực ra vẫn chỉ làm việc theo hướng suy nghĩ lâu nay - mong từ cái nhỏ hiểu ra cái lớn và lấy quá khứ để giải thích hiện tại. 

mardi 10 octobre 2023

Huỳnh Chí Viễn - “Bánh mì nóng giòn đây!”

Có lẽ không có tỉnh thành nào lại bán nhiều bánh mì như ở Sài Gòn. Trên khắp thành phố Sài Gòn tôi nghĩ ít nhất phải có trên ngàn lò bánh mì tư nhân lớn nhỏ khác nhau.

Trên đường Phan Đình Phùng thời tôi còn nhỏ, có nhiều lò bánh mì tư nhân tới giờ vẫn còn hoạt động. Đó là lò bánh mì ngay đầu đường Nguyễn Trọng Tuyển cắt với Phan Đình Phùng, ngay kế bên tiệm hủ tiếu mì Quảng Huê Viên ; và một lò nữa đối diện với trường Cao Đẳng Kinh Tế Đối Ngoại.

Tôi rất thích đi mua bánh mì ở tại lò vì tôi thích được ngửi mùi bánh mì nóng mới ra lò. Cũng như ngắm cảnh người thợ làm bánh mì đưa những ổ bột mì mới nhào trắng tinh vào trong lò nướng, để rồi một lúc sau lấy ra những ổ bánh mì vàng ươm thơm lừng. Đối với một đứa trẻ như tôi lúc đó, việc nướng bánh mì giống như một trò ảo thuật hấp dẫn. Và có lẽ vì thế mà bánh mì đối với tôi ngon đặc biệt.

vendredi 11 août 2023

Lưu Trọng Văn - Một cuộc khảo sát cần thiết

 

Theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, chỉ hơn 24 % người lao động có tiền lương và thu nhập vừa đủ đáp ứng chi tiêu cơ bản.

Có đến 75,5 % người lao động thu nhập không đáp ứng nhu cầu, có người thu nhập chỉ đáp ứng 45% nhu cầu. Khoảng 74 % người lao động và gia đình họ bữa cơm không có điều kiện ăn thịt, cá hàng ngày.

Đáng chú ý, có 17,3 % lao động phải thường xuyên vay nợ, dẫn đến 3,1% lao động thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2 % người vay nợ có tâm trạng lo lắng, bất an.

vendredi 19 mai 2023

Trần Tiến Dũng - Mùa hè Sài Gòn xưa và nay

 

Mùa hè là gọi chung, ở miền Nam là đầu mùa mưa. Thời nay người ta không còn tâm trạng lãng mạn về hoa phượng, tiếng ve, hàng me lá non, các cơn mưa rào...

Điệp khúc đầu tiên mà người đô thị Việt Nam là nghe đài về hồ thủy điện cạn nước, thiếu điện, lên giá tiền điện. Điệp khúc mà người ta nói cho nhau nghe từng giờ là trời nóng như lửa, đường ngập...

Đã 48 năm rồi, có người sinh sau 1975 đã có dâu, rể, có người đã ẵm nựng cháu ngoại nhưng điệp khúc cũ về vấn nạn mùa hè suốt 48 năm vẫn y vậy. Hay đó là thứ điệp khúc về "thành tựu" để họ thuộc lòng và hát, nói mỗi năm nhằm truyền lại cho đời con, cháu.

samedi 22 avril 2023

Đỗ Duy Ngọc - Nhận xét sơ lược về bối cảnh Sài Gòn trong phim The Sympathizer đang quay tại Thái Lan

 

The Sympathizer, cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn gốc Việt được Hollywood chuyển thể thành loạt phim truyền hình và đang được quay ở Hat Yai, Thái Lan.

Đây là tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã được giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 2016. Phim do Park Chan Wook đạo diễn cùng với sự góp mặt của nam tài tử Robert Downey Jr. Phim có mặt diễn viên Kim Lý cũng là giám đốc sản xuất, ngoài ra còn có sự tham gia của nữ diễn viên Châu Á khác là Sandra Oh.

Tiểu thuyết có nhiều phân đoạn lấy bối cảnh ở Sài Gòn trước năm 1975. Nhân vật chính là điệp viên hai mang cộng sản di tản sang Los Angeles, có nhiệm vụ theo dõi nhóm người miền Nam Việt Nam. Do đó khi dựng thành phim phải dựng lại bối cảnh Sài Gòn trước năm 1975 và những ngày cuối tháng 4.75 ở thành phố này.

dimanche 15 janvier 2023

Nguyễn Văn Tuấn - Vẫn còn những thân phận cơ cực

 

Anh ấy đi đâm chuột (cách nói phổ biến ở đây để chỉ ‘săn chuột’) trong đêm. Và sáng nay bà con thấy cái xuồng trôi dạt trên sông còn anh ấy thì biệt tăm, rất có thể đã mất mạng.

Người dân địa phương đoán rằng anh có thể bị ghe lớn đụng trong đêm, và anh ấy đã mất mạng vì cú đụng đó. Vẫn theo kinh nghiệm, khoảng 2 ngày sau thì xác sẽ nổi lên và bà con sẽ vớt thi thể anh ấy về an táng.

Bà con chòm xóm nghe hung tin bèn ‘triển khai’ thuyền bè khắp các ngã sông và rạch để tìm xác anh ấy. Cho đến nay, đã qua 48 giờ, chỉ thấy cái xuồng và công cụ săn chuột, nhưng vẫn chưa phát hiện thi thể anh ấy.

dimanche 28 août 2022

Hà Phan - "Đừng đẩy họ ra khỏi trung tâm để mời gọi người giàu"

 

Tôi cũng như nhiều anh chị ở đây, từng đi đến những thành phố hoa lệ bậc nhất hành tinh như Paris, New York đều thấy rõ vẫn đầy những hàng rong.

Không ít người trong chúng ta thường coi đó như một nét văn hóa bản địa với nhiều điều thú vị.

Nhưng tại Sài Gòn, nơi tứ xứ tụ về và vì không dẹp được một số kẻ bán rong chèn ép du khách mà ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch UBND quận 1, cho rằng cần “chặt đứt mắc xích này để bà con chọn những dịch vụ khác”!

Nguyễn Kiều Hưng - Có nên dẹp hàng rong?

 

Người bán hàng rong là những ai ?

Họ thuộc tầng lớp lao động phổ thông hoặc thấp hơn. Chấp nhận một công việc vất vả, đủ thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày.

Dẹp hàng rong được không? Thưa là không, bởi lý do mưu sinh cao hơn mọi thứ. Do đó, muốn dẹp hàng rong phải có chính sách, cơ chế đảm bảo mưu sinh cho họ. Việc này thì quá khó thực hiện, vì tìm một nghề phù hợp để chuyển đổi là bất khả thi.

mardi 12 avril 2022

Lê Minh Đức - Lòng tốt và tính thực dụng

 

Tôi sống và làm việc ở Úc 30 năm, hội nhập tốt và thích văn hóa của người Úc nói riêng và người phương Tây nói chung. Từ đó có thể nói là hiểu về căn bản cách suy nghĩ của người Úc và người phương Tây.

Trước hết người phương Tây họ có lòng nhân ái và tốt bụng thật sự, chứ không có đạo đức giả, làm màu, khoe mẽ…Với những người có đời sống gia đình, tiền bạc ổn định thì họ càng rộng lượng và càng làm nhiều điều tốt hơn cho những người chung quanh.

Có thể nói xã hội phương Tây không thể tốt đẹp như mọi người thấy, nếu họ không có một bộ phận lớn dân chúng làm việc thiện nguyện trong mọi lĩnh vực mà không mưu cầu bất cứ quyền lợi riêng cho mình. Cái này hầu như không thấy trong xã hội Việt Nam.

jeudi 24 mars 2022

Kim Văn Chinh - Cần gì phải bom rơi đạn nổ ?


(Bài từ The Guardian)

Nga đang trở lại thời Liên Xô!

Người Nga phải xếp hàng dài chờ mua hàng, khi các lệnh trừng phạt của Phương Tây có hiệu lực.

Sau một giờ rưỡi xếp hàng chờ mua đường, hoặc tệ hơn là vẫn đang giành nhau trong siêu thị, người Nga đang cảm thấy ảnh hưởng của sự thiếu hụt do lệnh trừng phạt chưa từng có.

samedi 12 mars 2022

Bông Lau - Vĩnh biệt Victoria’s Secret

 

Phụ nữ và đàn ông Nga tràn ngập các cửa hàng thương hiệu Victoria’s Secret để càn quét. Họ mua sạch những bộ đồ lót, áo tắm, bikini sexy rẻ và đẹp, trước khi các cửa hàng của Mỹ Đế đóng cửa khăn gói ra đi để tẩy chay cuộc xâm lược của Liên Bang Nga ở Ukraine.

Victoria’s Secret chỉ là một phần nhỏ của hàng trăm công ty của các nước tư bản dân chủ văn minh, lũ lượt bỏ chạy khỏi một Liên Xô mới đang thành hình.

Người Nga cũng xếp hàng dài ngoằng ở các gian hàng Ikea của Thụy Điển chuyên bán đồ đạc bàn ghế trang nhã, trước khi các tiệm này đóng cửa.