Affichage des articles dont le libellé est Cù Mai Công. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Cù Mai Công. Afficher tous les articles

lundi 10 juin 2024

Cù Mai Công - Tết Mùng 5 ở Ông Tạ

 

Có một hình ảnh về dịp Tết mùng 5 (Đoan Ngọ) trong tôi từ thuở ấu thơ cho tới nay: đó là những ngày của cơm rượu, bánh ú tro và chôm chôm… trong mưa dầm ướt át.

Tết mùng 5 năm nay ít mưa. Tuy nhiên, những ngày này, cho tới hôm nay, đâu đâu trong vùng Ông Tạ cũng thấy đầy các quầy, sạp bán cơm rượu, bánh ú tro. Hàng trăm quầy rải khắp ngã ba Ông Tạ, chợ Nghĩa Hòa, chợ Nam Hòa, chợ Phạm Văn Hai… Cứ như đây là thủ phủ của cơm rượu, bánh ú tro.

Thật ra, bánh ú tro bán ở Ông Tạ dịp này không phải dân Ông Tạ làm - toàn từ miền Tây đưa lên. Các bà Bắc 54 xưa gọi là “bánh gio củ ấu”. Số lượng bao nhiêu tôi không rõ nhưng mỗi quầy sạp ít cũng vài trăm bánh, nhiều cả thiên (một ngàn).

mercredi 5 juin 2024

Cù Mai Công - Nhiêu Lộc – Thị Nghè là rạch không phải kênh

Ngôn ngữ tiếng Việt, tức từ ăn nói (ngôn) đến chữ viết (ngữ), phân biệt rất rõ: sông, suối, khe, ngòi, lũng, rạch… là dòng chảy tự nhiên; kinh/kênh, mương, cống, rãnh… là dòng chảy nhân tạo.

Từ xưa tới ít nhất đầu thập niên 1990, tức sau 1975 gần hai chục năm, ăn nói lẫn văn bản, bản đồ đều ghi rõ Nhiêu Lộc, Thị Nghè, Văn Thánh… này kia là rạch; Tẻ, Đôi, Hàng Bàng… này nọ là kinh. (Hai con rạch Nhiêu Lộc, Thị Nghè qua nơi nào có khi còn mang tên - không chính thức - nơi đó như rạch cầu Kiệu, rạch Trương Minh Giảng, rạch Ông Tạ…).

Ngay khi mới tới miền Nam, người Pháp đã nhận ra ngay việc phân định này của người Việt, đều gọi và ghi rõ trên các bản đồ: rạch là arroyo, kinh là canal.

mardi 28 mai 2024

Cù Mai Công - Lời một linh mục thưa với thầy Minh Đạo

Linh mục Vũ Quốc Thịnh là một vị tu hành rất bộc trực, thoải mái và kính trọng mọi bậc chân tu - bất kỳ tôn giáo nào.

Linh mục Vũ Quốc Thịnh và thượng tọa Thích Minh Đạo khi trao đổi đều xưng "con" với nhau, thưa với nhau là thầy, là cha; cùng dâng lời cầu nguyện cho nhau.

Vị linh mục này là chủ tế lễ tang mẹ tôi năm 2017. Năm đó, cha ở Bến Tre. Anh rể tôi là Kiên Nguyễn, ba ca sĩ TT, xin cha lên Sài Gòn làm lễ. Lễ xong, cha về lại ngay với giáo dân của mình, kiếu từ cúng lễ, không nhận một đồng. Tết rồi, cha về Sài Gòn chớp nhoáng, mời nữ tu trưởng một dòng tu lớn đã nghỉ hưu, bác sĩ Lê Phương, nhạc sĩ - ca sĩ Hoài Nam và tôi ăn một bữa trưa ngày Tết với đậu hủ, rau xào...

dimanche 26 mai 2024

Cù Mai Công - Tan Son Nhat International Terminal: Một cái tên sai cả lý lẫn tình trong mắt thiên hạ

 

1. Trước hết là sai ở cái tên.

Tân Sơn Nhứt vốn là tên gọi một làng xưa mấy trăm năm của đất Gia Định. Trong tất cả địa bạ, bản đồ từ thời nhà Nguyễn, thời Pháp, ở miền Nam trước 1975 và cho tới giữa thập niên 1980, tức sau 1975 cả chục năm đều ghi rõ: Tân Sơn Nhứt.

Một phi trường/sân bay được xây dựng hồi thập niên 1920-1930 trên đất thôn/làng Tân Sơn Nhứt nên lấy tên này.

vendredi 24 mai 2024

Cù Mai Công - Dự án thoát thủy cho Đô thành Sài Gòn và vùng phụ cận (2)

Sau khi đăng phần 1, vài chuyên gia, thân hữu đã bày tỏ quan tâm đến tập tài liệu nội bộ của chánh quyền Sài Gòn trước 1975 này.

Tiến sĩ Bùi Mẫn, từng là “dân Ông Tạ gốc”, hiện là giám đốc Phòng thí nghiệm GTC Soil Analysis Services, Dubai UAE); từng là giảng viên cầu đường tại Đại học Bách khoa TP.HCM và làm việc cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn của các công ty tư vấn hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh như Fugro, WS Atkins, Amec Foster Weller. Anh cho rằng đây là “tài liệu quý”.

Anh vừa có bài viết về chống ngập ở TP.HCM trên báo Dân Trí sáng nay 24-05-2024. Còn anh Nguyễn Leo Long (Calitech - Chuyên gia Xử lý nước từ Hoa Kỳ) cho biết: năm 1997, anh có đi với một phóng viên của Đài truyền hình Mỹ CBS đến Việt Nam tìm tập tài liệu này ở một số nhà sách cũ như Bố Già mà không tìm được.

jeudi 23 mai 2024

Cù Mai Công - Dự án thoát thủy cho Đô thành Sài Gòn và vùng phụ cận (1)

Đây là một dự án thoát nước năm 1972 của Sài Gòn và ngoại ô, với “hợp tác và yểm trợ của USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ)” có tầm nhìn đến năm 2000. Trong đó, ước tính mốc dân số Sài Gòn của dự án từ năm 1971, 1972 này gần như khớp với thực tế dân số TP.HCM 25-30 năm sau, cụ thể vào các năm 1995, 2000…

Đó là trình độ và tầm nhìn của nhà quy hoạch, điều mà lâu nay chúng ta luôn thiếu và yếu. Để cứ ngập lụt lại đổ cho mưa lớn, mưa quá thiết kế, hệ thống cũ, quy hoạch cũ (cũng của ta) không phù hợp... Gần đây thêm do biến đổi khí hậu. Tức toàn do khách quan, do ông Trời và do dân (đổ rác bậy) chứ không do trình độ, tầm nhìn của con người, của vô số cán bộ lẫn chuyên gia.

Việc chống ngập ở Sài Gòn và ngoại ô lúc ấy, ở giai đoạn đầu, tập trung cho thoát nước ra các kinh rạch. Giai đoạn 2 sẽ là xây dựng hai hệ thống thoát nước mưa và thoát nước dơ riêng biệt.

vendredi 10 mai 2024

Cù Mai Công – « Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ » là đây


“Cùng nghề” rất Việt có lẽ không hay, không sang, phải viết thành đồng nghiệp. Ra sức thành nỗ lực, cầu mong thành kỳ vọng, xe cộ thành phương tiện, đánh đập thành hành hung, đánh nhau thành ẩu đả, chết thành tử vong, dỡ bỏ thành hạ giải.

Đồng hành là cùng đi rồi vẫn viết đồng hành cùng, ông A bà B (cá nhân) thành đối tượng (tập thể), nêu ra một loạt dẫn chứng là đa cử nhưng lại viết đơn cử, rác là đồ bỏ (thải) rồi nhưng vẫn dùng rác thải, con gà con vịt con rùa thành cá thể…

Kể không xiết, cả ngàn hàng vạn ví dụ.

jeudi 2 mai 2024

Cù Mai Công - Cả Sài Gòn rực lửa hạ

Trưa 2-5-2024. Sài Gòn 38-39 độ, vỉa hè có nơi 51-53 độ !

Dân Sài Gòn tơi tả trong nắng hạn liên tục hơn một tháng nay, ngày nào cũng từ 36 độ trở lên. Suốt năm ngày lễ dịp 30-4, 1-5 cho tới nay, nhiệt độ 38, 39 độ. Một, hai giờ sáng, trời vẫn oi hầm 30, 31 độ. Cả Sài Gòn rực lửa hạ.

Đó là các mức nhiệt độ đo trong lều khí tượng. Thực tế, như 12 giờ 30-12 giờ 45 trưa 2-5, dù chưa cao điểm nắng nóng (13-16 giờ), trên đường Tôn Đức Thắng, tôi đặt nhiệt kế trên đá bó vỉa hè: 51-53 độ. Cả con đường nóng phừng phực. Hàng me trồng hai năm trước loi ngoi trong nắng hạ Sài Gòn.

mardi 30 avril 2024

Cù Mai Công - Mười sáu cái chết thảng thốt trong ngõ Con Mắt chiều 30-4-1975

Ngõ Con Mắt (nay là hẻm 766 Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, Tân Bình, TP.HCM) - khu trung tâm Ông Tạ là một con hẻm dài gần 300 mét, cách nhà tôi 200 mét. Xưa tôi hay đến ngõ này chơi, vớt cá ở ruộng rau muống An Lạc - nơi nhà thơ Đỗ Trung Quân thả diều thời thơ ấu.

Ngõ này như một khu làng nhỏ với nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi: Đỗ Trung Quân, Đàm Vĩnh Hưng, Tập “lùn” (đóng loạt phim “bất đắc dĩ” trước 1975 với Thẩm Thúy Hằng), MC Đại Nghĩa, Tóc Tiên, giáo sư Trần Đình Thọ (nhóm chủ biên tập san Sử Địa trước 1975), đào Múi (đoàn Kim Chung - Chuông Vàng Thủ Đô) …

Nhiều sĩ quan cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa cũng ở đây và cũng là những cây bút uyên thâm: Vũ Hữu San - hạm trưởng HQ 4 Trần Khánh Dư hiện đại nhất Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, tham chiến Hoàng Sa 19-1-1974, bắn cháy hai tàu Trung Cộng. Đại tá Trần Khắc Kính - phó tư lệnh Lực lượng đặc biệt tung biệt kích, gián điệp ra ra Bắc;  trung tá Nguyễn Văn Nhã; thiếu tá Nguyễn Công Luận…

mercredi 24 avril 2024

Cù Mai Công - Chặt bỏ hơn 400 cây làm Metro 2 ở TPHCM

 

NÓI “KHÔNG ĐÁNH ĐỔI MÔI TRƯỜNG” NHƯNG CHẶT THÌ CỨ CHẶT

Hè 2024, giữa cơn nắng hạn tơi tả suốt cả tháng chưa thấy chấm dứt, người Sài Gòn bần thần, bàng hoàng nghe tin hơn 450 cây xanh dọc tuyến Metro 2 sẽ bị chặt bỏ - một số ít trong đó người ta gọi là bứng dưỡng và… trồng nơi khác (!).

Số cây sẽ bị chặt để làm Metro 2 nhiều gần gấp ba số cây cổ thụ huyền thoại đẹp mê hồn bị chặt bỏ trên đường Tôn Đức Thắng. Hàng cây ấy “về sau và nhiều năm sau nữa”, nhiều thế hệ người Sài Gòn sẽ vẫn còn đau thắt ruột khi nhắc tới. Còn hiện nay con đường này trơ trọi, nắng chang chang; không có việc, không ai muốn qua lại.

Số cây sẽ bị chặt dư để lấp đầy khu công viên 30-4 rộng 3,5 hecta trước Dinh Độc Lập hoặc công viên Lê Văn Tám gần 6 hecta mà chúng ta vẫn gọi là những “lá phổi xanh” giữa thành phố.

vendredi 5 avril 2024

Cù Mai Công - Nắng hè Sài Gòn bỗng nhớ thương những nếp nhà xưa

 

Từ nhà dân đến nhà trí thức, nhà quan đều là nếp nhà của bình yên, mát mẻ trong nắng Sài Gòn tháng Ba, tháng Tư - cao điểm mùa khô.

Ai không nhớ những ngôi nhà ngoại ô “một gian nhà xinh có hoa thơm trái hiền” một trệt, mái ngói dài, che mát đến cả nửa khoảnh sân nhà phía trước đầy cây cối.

Ai không nhớ những ngôi biệt thự “có hoa vàng trước ngõ”, “gió lùa vào hàng cây”, một trệt một lầu, lùi sâu sau mặt tiền. Thường trồng một, hai cây lớn, từ lúc một thành viên của ngôi nhà được sanh ra cho tới lúc lớn khôn vẫn là cây ấy, đã thành cổ thụ.

dimanche 31 mars 2024

Cù Mai Công - Đám “quân rữ” trẻ con mùa Phục Sinh

 

Dịp lễ Phục Sinh ở miền Nam, ở Ông Tạ rơi vào cuối tháng Ba, đầu tháng Tư, tháng nóng nhất trong năm. Khí giời oi bức ấy càng khiến không khí dịp lễ này nó “sầu thảm” như buổi lễ Tử nạn tối thứ Sáu.

Thuở ấy dù nhỏ, tôi vẫn nhờ mồn một cảnh ngắm (ngẫm) đàng Thánh giá 14 chặng xung quanh nhà thờ xứ Vinh Sơn - Ông Tạ của tôi. Giọng ngắm tha thiết, buồn thảm. Cứ đi một chặng lại dừng lại nghe ngắm. Các ông thì đứng, các bà và trẻ con thì quỳ trên chiếc chiếu cặp theo bên nách.

Ở Nghĩa Hòa, cha già cố Năng cho rước đàng Thánh Giá dọc đường Nghĩa Hòa. Trẻ con xúng xính mặc áo dài trắng, cầm theo cái chiếu con để trải ra quỳ mỗi khi đọc từng chặng thứ nhất, chặng thứ hai...

samedi 16 mars 2024

Cù Mai Công - Kèn hồng, bằng lăng tím, bò cạp vàng : Lãng mạn vô duyên, bất hợp lý trong nắng Sài Gòn

 

Tháng Ba, tháng Tư cao điểm mùa khô Sài Gòn: 35, 36, 37 độ.  Người đi đường nào cũng khủng hoảng với cái nắng cháy da khét thịt. Ai cũng thèm một bóng cây để thấy "nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát" (thơ Nguyên Sa).

Hàng cây kèn hồng trồng lỗ chỗ trên đường Điện Biên Phủ, đoạn gần cầu Điện Biên Phủ năm nay lác đác trổ hoa.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 16-3-2024, ông Lê Công Sơn - trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM - cho biết nguyên nhân: do năm nay nắng nóng dài, các đợt thời tiết mát mẻ trước Tết Nguyên đán cũng không xuất hiện nhiều, mưa cũng ít hơn. Dù là giống cây thích hợp khí hậu miền Nam nhưng cây vẫn cần điều kiện nắng và mưa đủ để cho năng suất tốt nhất.

mercredi 28 février 2024

Cù Mai Công - Không chỉ người Sài Gòn, người Việt cũng không nói tiếng Việt kiểu kỳ dị như vầy

 

Thiên hạ khắp nơi chứ không chỉ là người Sài Gòn, có cả những bậc trí giả, túc nho… đang nổi giận về cái cụm từ “Ga tàu thủy Bạch Đằng”.

Cơn giận có cơ sở vì đây là một cụm từ kỳ dị, kết hợp một mớ từ “hổ lốn”, “hằm bà lằng” gồm cả từ gốc tiếng Pháp (gare), tiếng Tàu (thủy ) lẫn tiếng Ta (tàu). Ai học, chú ý ngôn ngữ tiếng Việt đều biết có một nguyên tắc cơ bản trong tiếng Việt: từ gốc Việt đi với từ gốc Việt, từ gốc Hán Việt đi với từ gốc Hán Việt…

Trước 1975, ở miền Nam, người ta dùng từ Hán Việt, chưa phải đã hay nhưng ít ra từ Hán Việt đi với từ Hán Việt, không Tây - Tàu - Ta lẫn lộn và thống nhất cách gọi: hải cảng (cảng biển), giang cảng (cảng sông), xa cảng (cảng xe), phi cảng (cảng bay - dịch từ air port - ảnh). Không lung tung như hiện nay: bến xe, ga hành khách, ga hàng không, ga tàu hỏa, ga tàu thủy, cảng biển, cảng sông, sân bay...

lundi 19 février 2024

Cù Mai Công - Mùng 10 tháng Giêng Nam bộ cúng thần đất, thổ thần, ông Địa

(Truyền thông cần nắm rõ văn hóa tín ngưỡng Nam Bộ, không nên để các nhóm lợi ích điều khiển, khuynh loát, lợi dụng)

Gần đây, cứ dịp ngày 10 tháng Giêng, một số báo mạng ra rả chuyện ngày vía Thần Tài 10 tháng giêng, cùng với đó là chuyện mua bán vàng. Cứ như là thiệt với một “phong trào” mới rộ lên khoảng chục năm nay ở vài đô thị như TP.HCM, lan ra Hà Nội… 

Báo Tuổi Trẻ Online hôm qua 18-02-2024 (mùng 9 tháng giêng) đã có bài khác hẳn nhiều bài báo trên một số báo mạng lớn: Bỗng lù lù đâu ra ông Thần Tài? Nếu lậm quá lại thành ra mê tín.

mercredi 14 février 2024

Cù Mai Công - Tết qua như chưa Tết bao giờ…

An lành chắc hẳn chiếm tỉ lệ cao nhất trong các lời chúc Tết, chúc năm mới, nó bao hàm cả sức khỏe lẫn hạnh phúc.

Hôm nay 14-2-2024, mùng 5 Tết Giáp Thìn. Không rõ nơi khác ra sao, nhưng với dân Sài Gòn và miền Tây, đây là một ngày kỵ húy khai trương, động thổ, mưu sự… này nọ. Vô tình mùng 5 năm nay lại trùng với Valentine’s day 14-2. Và cũng trùng với ngày thứ tư lễ Tro - ăn chay bên Công giáo 14-2-2024, khởi đầu mùa Chay 40 ngày.

Nghĩa là cả đạo - đời lẫn thông lệ ông bà, ngày này cần sự an lành, tịnh tâm. Cũng như Tết, chúng ta dễ nức nở, hào hứng nói về tưng bừng, náo nhiệt “người ta đông quá, giời ôi chen” mà quên rằng Tết là thời điểm dừng lại cần thiết sau một năm quay cuồng với cuộc mưu sinh.

lundi 12 février 2024

Cù Mai Công - “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt ”

 

(Phát mệt khi đang giữa ngày tư ngày tết)

Sau 1975, các cấp học gọi là phổ thông cấp I, II, III một thời, rồi cũng quay về với tiểu học, trung học. Bằng tốt nghiệp đại học mấy chục năm rồi cũng quay lại bằng cử nhân. Máy bay lên thẳng một hồi trả nó về trực thăng… Kể không sao xiết.

Năm rồi, Bộ Giáo dục - Đào tạo ra quyết định: Thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025: bắt buộc Toán + Văn và 2 môn tự chọn. Như 30 năm trước.

Cứ dắt dân đi loanh quanh như vầy mệt và tội dân lắm quý vị à.

vendredi 2 février 2024

Cù Mai Công - Ai nói phong tục Nam bộ không phải văn hóa Việt ?

 

Nhân 23 tháng Chạp, đưa ông bà Táo về chầu Ngọc Hoàng (không phải chầu Trời nha )

AI KÊU THÓI TỤC, NGÔN NGỮ NAM BỘ KHÔNG PHẢI VĂN HÓA VIỆT, TÔI COI LÀ PHẢN ĐỘNG, PHÂN BIỆT - KỲ THỊ VÙNG MIỀN

Ông Tạ là vùng nhiều bà con Bắc 54 nhưng là vùng Bắc 54 tự phát, tự mua nhà. Không phải toàn tòng Bắc 54 như các vùng định cư chính thức, được chính quyền cấp đất như Gia Kiệm, Hố Nai, Định Quán (Đồng Nai), Cái Sắn (miền Tây), Xóm Mới (Gò Vấp)…

Một nửa dân Ông Tạ vẫn là người miền Nam cố cựu cả trăm năm, người Huế trồng ngâu, lài… trước 1954. Sau này thêm vô số người Nam, người Quảng. Tất cả hòa hợp, chung sống “tưng bừng hoa lá hẹ”.

vendredi 19 janvier 2024

Cù Mai Công - Năm mươi năm Hải chiến Hoàng Sa (1974-2024) : Kỳ 4

 

HẦU CHUYỆN “NHỮNG TRAI HÙNG ĐI GIÚP NON SÔNG” NĂM XƯA

(Trích "Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó" tập 2 - đã phát hành)

Anh Vũ Hữu San, hạm trưởng khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư vẫn nóng tính như ngày nào tham chiến, chỉ huy hành quân Hải chiến Hoàng Sa 1974 khi “yêu cầu” lính cũ của mình là giám lộ tàu HQ-4 Lữ Công Bảy : “Bảy cố gắng mời bằng được CMC, hàng xóm vùng Ông Tạ của anh, cho anh được vui cuối đời".

Tôi mạo muội gọi anh San là anh vì cụ Soạn, ba anh và ba tôi cùng lứa ở Ông Tạ, dù cụ hơn tuổi ba tôi. Đúng ra về tuổi, anh San là bậc cha chú tôi. Nhưng vì anh là con trưởng trong nhà, tôi là con thứ, gần út nên kém anh San gần 30 tuổi.

Trong cuộc hải chiến bi hùng ấy, tàu HQ-4 vùng vẫy, tung hoành giữa vòng vây hai tàu lớn của TQ là 271, 274. Hải quân Trung Quốc tưởng HQ-4 là soái hạm nên tập trung hỏa lực tấn công, kèm chặt. 

Cù Mai Công - Năm mươi năm Hải chiến Hoàng Sa (1974-2024) : Kỳ 3

 

CHÍ KHÍ VIỆT LẪM LIỆT TRÊN SÓNG BIỂN HOÀNG SA

Sáu giờ sáng 19-1, hải đoàn Việt Nam Cộng Hòa chia hai phân đoàn. Phân đoàn Một gồm hai tàu tốt nhất HQ-4, HQ-5 đổ bộ các nhóm biệt hải, hải kích (tấn công biển) tái chiếm đảo Quang Hòa (HQ-4 chỉ huy). Phân đoàn Hai gồm HQ-10, HQ-16 yểm trợ hải pháo, ngăn chặn tàu địch (HQ-16 chỉ huy).

Theo thượng sĩ giám lộ tàu HQ-4 Lữ Công Bảy, “Khi đến gần đảo Quang Hòa, bằng ống dòm và mắt thường, chúng tôi phát hiện doanh trại mới toanh có cờ Trung Quốc. Ở phía bắc đảo, hàng trăm quân Trung Quốc đổ bộ ào ạt lên. Chúng núp sau các tảng đá chĩa súng vào các biệt đội... Và rồi quân Trung Quốc đã nổ súng. Lúc 8 giờ 30, đại liên và cối 82 bắn thẳng vào đội hình nhóm hải kích Việt Nam. Họ đang ở vị trí cực kỳ nguy hiểm. Hai  binh sĩ Việt Nam tử thương, hai bị thương”.

Hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San yêu cầu: Tất cả sĩ quan, binh lính sẵn sàng quân trang, quân dụng chiến đấu với nón sắt, áo giáp, áo phao, giày không cột dây...