|
Ông Tập Cận Bình trong tiệc chiêu đãi tối 15/02/2012 tại Iowa, Hoa Kỳ. |
(Le Nouvel Observateur) Việc ông Tập Cận Bình sẽ trở thành lãnh đạo số một Trung Quốc vào mùa thu tới chỉ còn là vấn đề thủ tục. Nhưng trong hậu trường, đấu đá giữa các phe phái đối địch vẫn đang quyết liệt. Phe các « hoàng tử đỏ » đấu với phe Đoàn Thanh niên Cộng sản, và có tin đồn là ông Bạc Hy Lai đã mưu toan đảo chính…
Người Hoa cho rằng năm Thìn hứa hẹn nhiều đảo lộn bất ngờ. Một ngạn ngữ Trung Hoa khẳng định, mọi rắc rối đều khởi đầu từ Tứ Xuyên ( « Thục đạo nan ư thượng thanh thiên » – Đường đến đất Thục còn khó hơn lên trời – ND). Thời sự chính trị chừng như đã cho thấy trí tuệ người xưa có vẻ đúng, khi chỉ còn vài tháng nữa là đến thời điểm chuyển giao quyền lực quan trọng ở thượng đỉnh lãnh đạo đảng Cộng sản. Một sự cố bất ngờ diễn ra tại thành phố Trùng Khánh vào đầu tháng 2 vừa gây nên một trận động đất kinh hồn, có thể làm chao đảo sự thăng bằng quyền lực trong nội bộ đảng.
Bối cảnh, trước hết, thuận lợi cho những cú sốc. Trong việc chuyển giao quyền lực diễn ra cứ mười năm một lần, bộ đôi nắm quyền hành cao nhất là Chủ tịch nước và Thủ tướng sẽ phải thay đổi, cũng như bảy người còn lại trong số chín ủy viên thường trực Bộ Chính trị, và 60% ủy viên trung ương đảng. Việc này dẫn đến một loạt các thay đổi nhân sự trong bộ máy lãnh đạo đất nước.
Trung Quốc muốn làm cho người ta tin rằng sự chuyển đổi này tuân theo các quy định đã được lập sẵn. Nhân vật số một tuơng lai là ông Tập Cận Bình, được đảng chọn lựa từ năm 2007, vừa hoàn tất chuyến công du mà điểm đến trước tiên là Hoa Kỳ, như ông Hồ Cẩm Đào đã thực hiện trước đó. Tương tự, Thủ tướng tương lai là ông Lý Khắc Cường, cũng đang hoàn tất tiến trình « khởi động » dưới sự giám sát của ông Ôn Gia Bảo. Như vậy, tất cả đang diễn ra một cách trật tự, trong ngôi nhà của các vị quan lại đỏ, và mùa thu tới, đảng sẽ trao ấn kiếm cho các tân lãnh đạo thuộc « thế hệ thứ năm ».
Tuy nhiên trong hậu trường, một sự ganh đua dữ dội giữa các phe nhóm đối địch đã nổ tung giữa thanh thiên bạch nhật, gây hoang mang thậm chí cả về khả năng lên ngôi của ông Tập Cận Bình.
|
Ông Vương Lập Quân tại một hội nghị của UBND Trùng Khánh. |
Tất cả bắt đầu bằng sự kiện « quả bom » Vương Lập Quân, Phó thị trưởng Trùng Khánh và là chỉ huy cảnh sát chống mafia nổi tiếng, đã trốn vào lãnh sự quán Mỹ gần nhất ở Thành Đô để xin tị nạn chính trị. Vương Lập Quân muốn tự vệ trước chính ông chủ của mình là Bạc Hy Lai, Bí thư nổi tiếng của Trùng Khánh, mà trong suốt ba năm qua đã được Vương phục vụ qua chiến dịch Bàn tay sạch nhằm chống lại bọn mafia. Chiến dịch này đã đưa cặp Vương Lập Quân - Bạc Hy Lai lên đỉnh cao danh tiếng, và đặt ông Bạc Hy Lai vào một vị trí tốt đẹp để có thể giành được một ghế ủy viên thường vụ Bộ Chính trị vào mùa thu này.
Tại sao ê-kíp huyền thoại của hai « Mr Trong Sạch » này lại bị tan vỡ ? Tại sao Vương Lập Quân lại chạy đến với người Mỹ ? Ông ta đã tiết lộ những gì trong khoảng thời gian 24 tiếng đồng hồ ẩn náu trong lãnh sứ quán Mỹ, trước khi được các sứ giả từ Bắc Kinh đến giải thoát khỏi số tay chân của Bạc Hy Lai đang vây hãm trước lãnh sự quán ? Các câu hỏi này đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Bí mật của sự cố trầm trọng này lại càng đè nặng thêm vào cuối tuần qua, sau khi có tin đồn về các thông tin mà Vương Lập Quân đã tiết lộ cho người Mỹ. Đó là Bạc Hy Lai đã mưu toan đảo chính, với sự trợ giúp của một trong số chín ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, mục đích là loại trừ nhân vật số một tương lai. Vụ này diễn ra ngay trước chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Tập Cận Bình.
Hiện thật khó kiểm chứng được thông tin này…Nhưng đây là lần đầu tiên kể từ vụ Lâm Bưu mưu sát Mao Trạch Đông hơn bốn chục năm trước, tin đồn về vụ đào thoát và đảo chính đã khuấy động cả Trung Quốc.
|
Ông Bạc Hy Lai (trước) và ông Vương Lập Quân (sau, bên phải). |
Cho dù có âm mưu tạo phản hay không, thì dù sao đi nữa tương lai của ông Bạc Hy Lai cũng không còn sáng sủa như trước. Điều này gây ảnh hưởng đến sự thăng bằng đầy tế nhị giữa các phe phái cạnh tranh đang chia đều quyền lực.
Đó là vì Bạc Hy Lai là ngôi sao sáng trong « đảng của các hoàng tử », một liên minh tập hợp con cái của các nhà cách mạng lão thành. Thế hệ thứ hai này - như một người trong số họ muốn giấu tên đã mô tả - « muốn là người canh gác cho sự nghiệp cộng sản, và cho rằng họ đương nhiên có quyền lãnh đạo đất nước ».
Bạc Hy Lai đã thu hút được cảm tình của phe mình qua việc lãnh đạo thành phố khổng lồ 30 triệu dân một cách quyết đoán, chú trọng phúc lợi của người dân như nhà ở xã hội, giáo dục, y tế…nhưng không hề nhượng bộ mảy may trước một xã hội công dân vừa được khai sinh. Điều làm các cán bộ kỳ cựu hài lòng nhất là cái cách ông Bạc Hy Lai lăng-xê việc hợp xướng các « bài hát cách mạng ». Một làn sóng hoài cổ mạnh mẽ đã tràn ngập đất nước, khiến cho nhóm « Tân Mao », một thiểu số cổ hũ nhất trong « đảng của các hoàng tử » có ấn tượng là thời hoàng kim đã trở lại.
Không phải tất cả các « hoàng tử » đều hoài cổ. Nhiều người trong số họ đã từng theo học tại các trường đại học danh tiếng nhất ở Mỹ, hiện đang lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước quan trọng nhất, và lợi dụng cái chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Hoa này để tích tụ quyền lực cũng như tài sản. Những người này nhận ra nhau trong một phe khác : nhóm Thượng Hải, băng đảng đã nắm quyền suốt mười năm dưới thời ông Giang Trạch Dân. Luôn dưới sự chỉ đạo của nhân vật một thời quyền lực này, phe Thượng Hải - những « hoàng tử », hay tựa như là thế - chủ trương dành ưu tiên cho các tầng lớp thượng lưu, cho các địa phương giàu có nhất.
|
Ông Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh, ngày 15/02/2012. |
Hai nhóm đồng minh này có một đối thủ, đó là băng nhóm được mệnh danh là Liên đoàn Thanh niên Cộng sản, do Hồ Cẩm Đào cầm đầu. Hiện đang là phe mạnh nhất, liên minh này tập hợp các cán bộ xuất thân từ các gia đình bình dân, được những « người đỡ đầu » tuyển mộ và giám sát. Nhóm này còn được gọi là nhóm dân túy, vì họ nhạy cảm hơn với các vấn đề của khu vực nông thôn hay các vùng kém phát triển. Nhưng ngược với nhóm Tân Mao, họ không vin vào quá khứ, tỏ ra cảnh giác với các « hoàng tử » và thái độ ngạo mạn của nhóm này.
Mỗi phe phái đều có những người đỡ đầu và các ngôi sao đang lên. Bộ máy lãnh đạo hiện nay được phân bố một cách gần như là cân bằng giữa các « hoàng tử » và « liên đoàn ». Các nhà lãnh đạo sắp tới được chọn lựa sao cho duy trì sự thăng bằng đó. Thay đổi đình đám nhất liên quan đến nhân vật số một : Hồ Cẩm Đào, lãnh tụ của « liên đoàn », sẽ được thay thế bởi Tập Cận Bình, một vị « hoàng tử ».
Làm thế nào phe đoàn thanh niên lại có thể chấp nhận được sự chuyển đổi này ? Câu trả lời bất ngờ đến từ các bức điện mật ngoại giao được WikiLeaks tiết lộ. Những người đã thông tin cho các nhà ngoại giao Mỹ - bản thân họ cũng là những viên chức cao cấp trong chính quyền - giải thích rằng Tập Cận Bình không phải là ứng viên được ông Hồ Cẩm Đào đề nghị. Chủ tịch nước đã giới thiệu một trong số các khuôn mặt thuộc cánh mình. Nhưng năm 2007, trong hội nghị các nhà cách mạng lão thành - có nghĩa là những cán bộ về hưu và cao cấp - một cuộc thăm dò nhiều phe phái khác nhau đã cho ra kết quả là ông Tập Cận Bình được ủng hộ nhiều nhất, khiến Hồ Cẩm Đào đành phải nhượng bộ.
|
Ông Tập Cận Huân, cha của Tập Cận Bình. |
Các chuyên gia mô tả chi tiết về nhân vật số một tương lai : Đó là một « hoàng tử », con của cố Phó thủ tướng Trung Quốc Tập Cận Huân, nhà cách mạng lão thành nổi tiếng của Thiểm Tây. Tuy nhiên sau khi ông Tập Cận Huân bị thất thế, ông Tập Cận Bình đã phải trải qua tuổi thiếu niên trong một làng quê, nơi ông được người dân quê đánh giá cao. Trong khi người cha vẫn đang bị tù, ông Tập Cận Bình đã làm đơn xin vào đảng cả chục lần, và sau đó leo dần lên các bậc thang quyền lực. Tại những nơi công tác, ông được tiếng là người làm việc hăng say, khiêm tốn, biết lắng nghe.
Tóm lại, Tập Cận Bình là viên ngọc quý - ông không chống đối ai cả, và có thể dàn xếp giữa các nhóm lợi ích khác biệt. Từ các nông dân vùng Sơn Tây cho đến chủ nhân các xí nghiệp vừa và nhỏ ở Chiết Giang, từ các tổ chức phi chính phủ đến các ngân hàng quốc doanh, từ các đảng viên lão thành đến các chuyên gia tài chính trẻ tuổi được đào tạo từ Havard…
Như vậy khuôn mặt Tập Cận Bình là thích hợp nhất để san lấp sự thù địch đang ngự trị giữa hai phe. Nhưng đó là còn quên tính đến tham vọng to lớn của Bạc Hy Lai. Ngay cả khi tin đồn về mưu toan đảo chính là sai lạc đi nữa, thì sự kiện cánh tay phải của ông Bạc Hy Lai phải trốn vào cơ quan ngoại giao Mỹ, cũng đủ để cho thấy cán bộ cao cấp cộng sản vẫn đối xử với nhau như chó sói. Số phần của các phe nhóm vẫn luôn đè nặng lên các « vị quan lại đỏ » của Trung Quốc.
|
Con tem kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Bạc Nhất Ba, cha của Bạc Hy Lai. |
Sự gian truân của những người cha…
Cha của ông Tập Cận Bình là Tập Cận Huân, từng là Phó thủ tướng trước khi trở thành nạn nhân bị thanh trừng. Ông bị giam giữ suốt 16 năm, hầu hết là bị biệt giam. Năm 14 tuổi, Tập Cận Bình bị gởi đến một làng quê ở Sơn Tây, trong bảy năm trời ông đã chia sẻ cuộc sống đơn sơ của người dân quê.
Còn ông Bạc Hy Lai cũng đã phải chịu đựng nghịch cảnh khi cha ông là Bạc Nhất Ba - một trong « Bát đại nguyên lão » của Trung Quốc, và cũng là một Phó thủ tướng - bị thất thế. Nhưng với nhà họ Bạc thì khốn khổ hơn : các con ông Bạc Nhất Ba bị tống vào tù năm năm rồi năm năm tiếp theo đó bị cho đi cải tạo lao động. Người mẹ ông Bạc Hy Lai bị đánh đập cho đến chết, còn cha ông thì trải qua mười năm trong nhà tù, bị bọn Hồng vệ binh tra tấn dã man.
Đến khi được phục chức, cả hai ông Tập Cận Huân và Bạc Nhất Ba đều nâng đỡ hai người con lên nối nghiệp. Nhưng trong khi ông Tập Cận Bình được lòng nhiều người, thì ông Bạc Hy Lai lại bị nghi kỵ, thậm chí chối từ. Vì ông ngạo nghễ quá hay nhiều tham vọng quá ?
Các bức điện mật do WikiLeaks công bố đã tiết lộ rằng các cán bộ về hưu không quên văn bản mà ông Bạc Hy Lai công bố trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, tố cáo cha mình và từ luôn người cha. Ông Bạc Nhất Ba đã tha thứ cho con, với những nỗ lực sau khi được phục hồi danh dự để cho con trai mình được thăng tiến trên đường công danh. Nhưng các vị lão thành thì vẫn hoài nghi về nhân vật đầy tham vọng này, và vụ Vương Lập Quân chắc hẳn sẽ không làm cải thiện hình ảnh của ông Bạc Hy Lai chút nào cả.