Affichage des articles dont le libellé est Bệnh hình thức. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Bệnh hình thức. Afficher tous les articles

dimanche 10 novembre 2024

Nguyễn Thông - Chống lãng phí: Có chống được không? (6)

 

Một nước luôn phải lo đối phó với kẻ ngoại bang xâm lược, phải chuẩn bị đối phó chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào bởi dã tâm của "bạn" lộ rất rõ, mà biện pháp cây tre chỉ mang tính nhất thời, phập phù. Thì việc tăng cường quân đội, trang bị vũ khí, chi phí tối đa cho quốc phòng để bảo vệ đất nước là cần thiết.

Để có tiền làm điều đó, đừng chỉ nghĩ đến chuyện tăng thêm các sắc thuế, tận thu nguồn lực từ dân chúng, doanh nghiệp, bán tài nguyên cạn kiệt... Mà còn phải giảm bớt triệt để những chi phí lãng phí, vô bổ, chặn đứng tình trạng tiền nghìn tỉ lọt vào túi bọn tham nhũng, tiêu xài hoang phí.

Điều cần làm ngay là siết lại chi phí cho bộ máy cầm quyền đang quá rườm rà, quá to nhưng ít hiệu quả.

samedi 9 novembre 2024

Nguyễn Văn Mỹ - Dân làng An Bằng giàu nhất ?

An Bằng, ngôi làng bình dị ven biển thuộc xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Vào Google, gõ từ “An Bằng”, không có thông tin về địa danh (làng) mà ra hàng loạt bài viết về nghĩa trang An Bằng; từ Wikipedia đến báo điện tử, trang mạng du lịch, Facebook...

An Bằng nổi tiếng với nghĩa trang hàng trăm lăng mộ bạc tỉ, được mệnh danh là "thành phố lăng mộ". Xưa, chỉ các quan lại, đại gia quyền thế mới có lăng mộ. Thời thế đổi thay, dân nghèo mấy vùng quê miền Trung, đua nhau xây mộ hoành tráng, thiên hạ gọi là lăng mộ.

Gần đây, báo chí và mạng xã hội đưa tin lăng mộ của vợ chồng ông Hồ Thiết (1937) và bà Văn Thị Thuận (1938) nguy nga, thu hút nhiều du khách đến tham quan. Khu mộ ở mặt tiền trong nghĩa trang An Bằng, hoành tráng hơn so với các khu mộ khác; xây dựng khi chủ nhân còn sống. Gia đình không phải đại gia hay hoàng tộc.

jeudi 7 novembre 2024

Nguyễn Thông - Chống lãng phí: Có chống được không? (5)


Điều thứ nhì, rất quan trọng trong công cuộc “chống lãng phí” là dẹp bệnh hình thức. Không thấy ông Tô Lâm nhắc tới.

Dân và doanh nghiệp làm ra tiền, nhà nước bán tài nguyên ra tiền, đem giao tiền ấy vào tay mấy ông miệng nói tiết kiệm, tay vung phung phí, khác nào gửi trứng cho ác.

Ở một nước còn nghèo, ngân sách eo hẹp cạn kiệt, phần lớn dân chúng dạng thu nhập thấp như xứ ta, thì tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Quan chức nhà nước, bộ máy nhà nước phải làm gương tiết kiệm để trước hết không lãng phí ngân sách, thứ hai là để dân noi theo.

lundi 4 novembre 2024

Nguyễn Thông - Chống lãng phí: Có chống được không? (2)

Đọc toàn bài “Chống lãng phí” của ông Tô Lâm, rà kính soi từng câu từng chữ, tôi không thấy ông ấy đề cập tới những thứ lãng phí đang diễn ra công khai, hằng ngày. Những lãng phí đã được luật hóa bằng nghị định này, chỉ thị nọ của đảng, nhà nước.

Đặc biệt, bài viết đứng tên ông Tô Lâm hoàn toàn không đả động gì tới bệnh hình thức mạn tính gây cực kỳ lãng phí đã thành thứ tệ nạn kinh khủng hết thuốc chữa ở xứ này. Cũng không chỉ ra sự duy trì quá nhiều tổ chức hội đoàn, ban bệ, cánh tay phải tay trái, cánh dài cánh ngắn rất vô tích sự ngốn ngân sách từ tiền thuế của dân.

Tới hôm 26.10, phát biểu tại Quốc hội với tư cách đại biểu quốc hội, Tổng bí thư Tô Lâm trăn trở: "Lãng phí xảy ra nhiều lắm. Tại sao mình lại vướng mình, làm khó mình đến vậy? Quy định làm sao mà để cuối cùng mình không thực hiện được? Nhà nước còn không làm được thì sao doanh nghiệp làm được?". Ông hàng xóm nhà tôi đọc xong cười bảo: Vẫn chung chung.

jeudi 31 octobre 2024

Nguyễn Thông - Ai phông ai bạt


Tôi cực lực phản đối việc trường Mạc Đĩnh Chi ở Sài Gòn ra đề kiểm tra Văn "Hãy viết bài văn nghị luận bàn về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay".

Đó không phải là thứ đưa vào đề Văn, mà nó chỉ là chủ đề của những cuộc nói chuyện tầm phào, rảnh rỗi, buôn chuyện khi trà lá, rỗi hơi.

Làm gì có thứ văn như thế. Vậy nhưng vẫn có những tờ báo xúm vào khen là sáng tạo, đổi mới, bắt kịp những thay đổi của cuộc sống. Báo cũng tầm phào luôn.

dimanche 20 octobre 2024

Huỳnh Chí Viễn - Bốn "món quà" quý nhất mà người đàn ông có thể tặng cho người phụ nữ của mình

 

Phụ nữ Việt Nam có thực sự “hạnh phúc” hơn phụ nữ trên thế giới khi có đến những hai ngày dành riêng cho mình một năm, là ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3 và ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10?

Nếu bạn là người quen biết tôi lâu năm hoặc thường xuyên theo dõi Facebook của tôi, bạn đều biết rằng tôi không hề cảm thấy hai ngày này là hai ngày quan trọng để mình “thể hiện” tình yêu với vợ hay tôn vinh phụ nữ. Vì đơn giản một nửa thế giới này là phụ nữ, nếu chỉ có 2 ngày để dành riêng cho họ thì đó là một sự bất công chứ không phải là một sự tôn vinh đúng nghĩa.

Tất nhiên, tôi cũng không phản đối nếu bạn cảm thấy rằng đây là hai ngày đặc biệt hoặc cần thiết. Mỗi người một suy nghĩ khác nhau, tôi không ăn mừng không có nghĩa là tôi không tôn trọng việc chúc tụng của bạn.

Nguyễn Thông - Ngày thừa

 

Hôm nay, theo lịch tây là 20.10 năm 2024. Năm nào cũng có ngày 20.10 nhưng ở Việt Nam nó được tham gia vào chuỗi ngày lễ lạt vốn đã "bội thực"

Thật lòng, tôi không ủng hộ cái ngày 20.10 phụ nữ này. Lý do: Đó chỉ là ngày thành lập của một hội đoàn (khá vô tích sự). Vả lại đã có ngày "mùng 8 tháng 3" rất chi là nặng... đô rồi.

Ở một xứ quanh năm suốt tháng đủ các thứ ngày, nếu hội đoàn nào (mà hội đoàn thì vô thiên khênh) cũng đòi ngày ngiếc thì còn đâu thời gian làm việc, nghỉ ngơi. Chỉ vui mừng, kỷ niệm, quà cáp, hoa hoét, chúc tụng cũng đủ mệt người.

samedi 7 septembre 2024

Nguyễn Thông - Rễ cái


Tôi để ý phần lớn cây đổ (nhìn thân nó thì đoán tuổi khoảng trên dưới 20 năm) trong cơn bão số 3 đều chỉ có rễ ngang mà không có rễ cái (còn gọi là rễ cọc).

Đây là hậu quả của kiểu trồng cây to, cứ chặt phăng rễ cái rồi bê đến trồng chỗ này chỗ khác.

Cây không rễ cái mặc dù trồng xuống vẫn phát triển, nhất là bây giờ có nhiều cách chăm sóc, nhưng không thể nào chịu được gió mạnh. Điều đó ai cũng biết. Người xưa đã dạy rất kỹ về việc trồng cây, luôn nhấn mạnh phải trồng cây nhỏ có rễ cái.

mercredi 8 mai 2024

Trần Thị Sánh - Lãnh đạo trồng cây : Xin bỏ ngay giùm !

Với tất cả lòng chân thành và trách nhiệm với đất nước, tôi xin các ông, các bà bỏ ngay trò trồng cây này đi ạ.

Khắp đất nước ta, từ Nam ra Bắc, rất nhiều nơi có cây cổ thụ ghi tên lãnh đạo to, lãnh đạo đất nước như thế này. Và cũng rất rất nhiều lãnh đạo to, lãnh đạo đất nước bị kỷ luật, mất chức, truy tố vào lò.

Ai có thể thống kế, nước ta có bao nhiêu cây như vậy?

mardi 30 avril 2024

Nguyễn Thông - Quan và dân (4)

Hôm nay 30.4 (ngày 30 tháng 4), trên phố xá, đường đi, nơi công cộng, và nhất là trên hệ thống báo chí truyền thông mậu dịch (báo, tivi, đài), cả bộ máy cai trị, cả “hệ thống chính trị” gần như vận hành hết công suất vào việc “kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Rồi sau đó vài ngày, tất cả lại bị cuốn vào cơn sóng còn dữ dội hơn, “kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”. Biết bao nhiêu thời gian, công sức, tiền của đổ vào đó, không ai có thể biết, đong đếm được. Ngân sách được sử dụng thế nào, chi vào việc gì, bao nhiêu… luôn là bí mật.

Suốt lâu nay, khi người cộng sản nắm quyền xứ này, họ áp dụng những trò hình thức của các đàn anh Liên Xô, Trung Quốc rất triệt để, thậm chí về mặt nào đó còn “sáng tạo” hơn, khiếp hơn. Thích diễu binh, khoái kỷ niệm này nọ, ham hố treo đèn kết hoa, chăng khẩu hiệu, treo cờ.

dimanche 21 avril 2024

Thái Vũ - Về cái gọi là bánh chưng

 

Hình trên là miếng bánh chưng.

Các hình tiếp theo là cái gì, để cho người hay vua Hùng ăn thì tôi xin để các bạn tự định nghĩa.

Học nấu ăn, trong phần Buffet sẽ có chương nói về Visual characteristics of food, bàn về màu sắc, hình ảnh kết cấu (texture), độ bóng (glossiness), cấu trúc bề mặt (surfce structure), kích thước (size) hình dáng (shape)... của một món ăn ảnh hưởng thế nào tới cảm giác, ấn tượng đầu tiên của thực khách.

Phan Đại - Giỡn mặt Tổ!

 

Bánh chưng khổng lồ giỗ Tổ - Kệch cỡm tư duy văn hóa ẩm thực

Lát sắn mốc hấp - Giá trị trị hoài niệm hơn một món ăn

1. Năm nay giỗ Tổ Hùng Vương người ta lại dâng bánh chưng 7 tấn, bánh dày 3 tấn. Cách đây cũng lâu rồi, khi đó cái bánh dày dâng vua hình như nặng chỉ 1 tấn. Tôi chen lấn giữa đoàn người chật cứng sán vào xin chút lộc bánh khổng lồ. Thề luôn, lúc chen được tới nơi trước mắt nó không phải cái bánh dầy mà là một đống bầy nhầy nát choét. Tôi không dám thụ lộc cũng ko dám chia sẻ ý kiến gì nhưng ám ảnh với cái đống không hình dung là đồ ăn đấy.

Năm nay lại dâng bánh khổng lồ, tôi tin rằng nếu vua Hùng có thiêng thì kiểu gì cũng có đứa gẫy răng cho xem.

dimanche 14 avril 2024

Lưu Trọng Văn - Xót tiền dân quá dân ơi !

 

Đọc tin trên báo Hà Tĩnh lúc 13 giờ 30 ngày 10.04.2024:

“Đến thời điểm này, huyện Đức Thọ đã triển khai treo 332 băng rôn, khẩu hiệu, 48.913 cờ Đảng và cờ Tổ quốc, 16.530 hồng kỳ, 218 phướn, 19 bảng pano khổ lớn, 852 bảng áp phích. Làm 26 cổng chào trên các tuyến đường trục chính; 122 công trình phần việc với tổng kinh phí trên 200 tỉ đồng để chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú (01/05/1904 - 01/05/2024).”

Gã cứ tưởng đùa. Nhưng báo của tỉnh đảng bộ Hà Tĩnh đăng thì sao đùa được?

mercredi 10 avril 2024

Nguyễn Thông - Tháng Tư

 

Năm nay cờ quạt băng rôn dường như ít hơn, chứ cứ mọi năm vào tháng này tầm này đỏ lòe nhức con mắt.

Ông hàng xóm nhà tôi bảo bệnh hình thức, thích cờ quạt băng rôn khẩu hiệu đã ăn vào lục phủ ngũ tạng đám cầm quyền rồi, mạn tính rồi. Họ chả bỏ được đâu, chỉ là chưa xòe ra đó thôi.

Lại sực nhớ, chính cái ông đầu đảng bây giờ, lúc mới tại vị đã ra chỉ thị các địa phương, cơ quan đơn vị cấm bày vẽ khẩu hiệu, cấm tổ chức đón rước cán bộ lãnh đạo tới làm việc, nhưng chỉ được dăm bữa nửa tháng, rồi chả đứa nào tuân chỉ. Mà buồn cười nhất là chính ông ấy cũng xé lệnh, lại tiền hô hậu ủng, chữ nghĩa giăng đầy, cờ quạt rợp trời.

dimanche 17 mars 2024

Nguyễn Thông - Chuyện chả có gì

 

Ông hàng xóm nhà tôi rút cái tăm ra khỏi mồm vứt tạch vào thùng rác, hỏi pha trà chưa. Rồi cười bảo hay là nhân cơ hội này vứt mẹ nó cái ghế xôi thịt, biểu tượng, làm vì, có cũng như không... ấy đi.

Cả ghế phó được cơ cấu cho đàn bà nữa, vừa đỡ vướng mắt, đỡ tốn tiền trả lương, vừa đỡ phải dăm bữa nửa tháng lại lôi ra kỷ luật.

Rồi lại còn cằn nhằn, không đâu như cái xứ này, vùng sâu vùng xa của thế giới văn minh mà lắm chuyện.

mardi 20 février 2024

Lưu Trọng Văn - Đổi mới

 

Gã từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Gia Lai. Đi 2.000 kilomet đường quốc lộ, đường xuyên tỉnh: không cổng chào, không khẩu hiệu, không trạm thu phí, không ổ gà, không xóc tưng tưng.

Gã ngạc nhiên những biển báo mà không con đường Việt Nam nào có được: Đi chậm, cấm còi-nai qua đường. Chú ý thú rừng. Bò qua đường.

Về Việt Nam, từ cửa khẩu Lệ Thanh đến Pleiku 75 kilomet hết 2 giờ. Còn từ Siêm Riệp đến Lệ Thanh 570 kilomet hết 7 giờ. Tự nó nói lên điều gì?

lundi 5 février 2024

Nguyễn Thông - Rồng và trò hình thức

 

Đua nhau làm rồng (dù chỉ bôi ma bôi mèo), năm khỉ làm khỉ, năm chó làm chó, năm rắn làm rắn... đổ vào đó cả mớ tiền chứ không ít. Thực ra đó cũng là hệ lụy của bệnh hình thức đang được chính quyền cổ vũ, chủ trương, tràn lan xứ này.

Những cờ đèn kèn trống, băng rôn khẩu hiệu, giăng chữ nơi này, trương ảnh nơi nọ, dựng tượng chỗ kia. Rồi cả những hội nghị, giải thưởng, danh hiệu kiểu liềm vàng dao bầu vàng được tổ chức, ban phát tràn lan... đều do nhà nước cả.

Tất cả những trò rởm đó đã được nhà cai trị coi như quốc sách. Họ luôn có lý do để giải thích cho thuận tai thiên hạ (chẳng hạn để cuộc sống rực rỡ tươi vui, để người dân ngắm nghía giải trí).

dimanche 17 décembre 2023

Nguyễn Thông - Bệnh ngáo thành tích

 

Ở xứ này, những trò giả dối, lừa mị đã thấm vào máu vào não đám cầm quyền, không chỉ bây giờ mà gần thế kỷ rồi. Tồn tại được chừng ấy thời gian, kể cũng ghê. Dân nước Nam ta, trước khi lề thói cộng sản xâm nhập vào, đâu đến nỗi vậy.

Ông bạn tôi bảo giả dối lừa mị xứ ta thời cộng sản đã ăn thua gì, so với Liên Xô, Tàu, Cuba, Triều Tiên vẫn xách dép cho chúng nó. Chỉ riêng cái chuyện sống ngập trong nghèo đói, thích đánh nhau nhưng vẫn nhét vào tai dân chủ nghĩa xã hội là thiên đường, tương lai nhân loại, là yêu hòa bình thì đủ biết bụng dạ nhau.

Tôi không hung hăng như họ nhưng rất ghét những trò giả dối, lừa đảo, hình thức. Khi đánh nhau mà gian dối đã đi một nhẽ, bởi phải chấp nhận “binh bất yếm trá” (việc binh cho phép lừa dối). Chứ đã hòa bình, làm kinh tế mà cũng gian dối thì không thể chấp nhận. Tự lừa mình, cứ thoải mái. Dối ai, lại đi dối dân.

mardi 12 décembre 2023

Nguyễn Thông - Sĩ

 

Coi cái cảnh vòng trong vòng ngoài đưa rước bảo vệ vị khách Tàu với xe cộ rình rang, đèn nháy, hú còi, chặn lối đi, cấm dân qua lại (nhìn cái cầu Nhật Tân và một số đường vắng tanh vắng teo xe dân cả mấy chục phút), gây tốn kém không biết bao nhiêu mà kể.

Bất giác liên tưởng tới những cuộc duyệt binh hoành tráng của anh cu Ủn bên Triều Tiên...

Đó là căn bệnh mạn tính của những nước phe cộng sản.

mercredi 6 décembre 2023

Võ Khánh Tuyên - Khi những chuẩn mực chỉ là hình thức

 

Nếu so sánh các thế hệ học sinh bây giờ với đời trước, sẽ thấy mọi việc có vẻ chỉn chu, quy củ, chuẩn mực hơn nhiều. Đồng phục tối đa từ quần áo, ba lô, giày dép, bao tập vở...thậm chí cả áo lót của nữ sinh.

Hoặc đơn giản chỉ là hành động dong tay xin phát biểu thôi cũng đã thấy rõ sự tiêu chuẩn hóa rồi. Nó phải là cánh tay trái với khuỷu tay tì trên mặt bàn, phải vuông một góc 90 độ so với mặt bàn, năm ngón tay xòe đưa thẳng.

Hehe, đôi khi bàn tay chỉ được cụp xuống trong những tiết có dự giờ, là tín hiệu để giáo viên nhận biết được là "em không biết câu trả lời, cô đừng kêu em", dù 100 % học sinh dong tay cho xôm tụ.