samedi 17 août 2024

Huỳnh Ngọc Chênh - Đất sống cho người bất đồng chính kiến (2)


Sau hiệp định Genève vào năm 1954, miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở ra giao cho chính quyền kháng chiến của ông Hồ Chí Minh quản lý. Khi chính phủ này vào tiếp thu, có cả triệu người miền Bắc bỏ quê hương lên tàu Pháp di cư vào Nam.

Nếu chỉ vài ngàn người ra đi thì còn cho rằng họ đã làm việc cho Pháp nay sợ bị trả thù nên phải trốn chạy. Ở đây có cả triệu người, phần lớn là người dân ở mọi tầng lớp, không tham gia vào chính quyền Pháp, tại sao phải rời nơi chôn nhau cắt rún mấy trăm đời để đành đoạn ra đi.

Vì sao thì mọi người đã rõ, họ là những người bất đồng chính kiến, họ không ưa thích cộng sản mà chính quyền mới là chính quyền theo thể chế cộng sản kiểu Nga Tàu.

Rồi sau năm 1975, cả triệu người khác ở miền Nam cũng ào ạt ra đi bằng mọi giá. Và chuyện ra đi này hầu như chưa có điểm dừng. Hiện nay vẫn có những người tìm cách này cách khác ra đi, có những người phải đào tị qua Thái Lan để sống chui nhủi tạm bợ để chờ ngày được cơ quan tị nạn quốc tế cứu giúp.

Dĩ nhiên đợt ra đi lần hai chưa hồi chấm dứt này cũng có số ít người vì lý do kinh tế hoặc này khác, nhưng hầu hết vẫn vì lý do bất đồng chính kiến. Họ không thích chế độ mới, họ không thích nhà cầm quyền của đảng cộng sản.

Những người di tản không thích nhà cầm quyền, ngược lại nhà cầm quyền cũng không ưa thích những người đấy. Đó là chuyện bình thường, nhưng chẳng lẽ vì chuyện không ưa thích nhau mà không thể sống cùng nhau trên một đất nước của cha ông để lại.

Thực tế đang diễn ra, những người bất đồng chính kiến đã không còn đất sống ngay trên chính quê hương. Họ bị đối xử phân biệt dù họ chỉ là người dân bình thường, ngoài cái suy nghĩ khác biệt dù có bộc lộ hoặc không bộc lộ ra.

Chúng ta, trong đó có cả nhà cầm quyền đương đại, luôn giương cao ngọn cờ chống phân biệt chủng tộc, chống phân biệt màu da, chống phân biệt giới tính, chống phân biệt vùng miền, chống phân biệt tín ngưỡng … Thế nhưng chúng ta câm lặng trước việc đối xử phân biệt đến tàn nhẫn những người khác chính kiến.

Chua xót khi chủ trương phân biệt chính kiến lại được chính nhà cầm quyền đặt ra và thực hiện một cách triệt để. Biến tướng của nó chính là chủ nghĩa lý lịch sai trái và đầy tính phản động. Anh có chính kiến khác với chính kiến của nhà cầm quyền, tuy nhiên anh không bộc lộ ra thì làm sao nhà cầm quyền biết để phân biệt đối xử với anh như: không cho anh thi đại học, không tuyển vào làm việc trong cơ quan nhà nước và ngay cả với các cơ sở kinh tế quốc doanh.

Không biết tư tưởng anh thế nào, nhưng nhà cầm quyền dùng biện pháp “suy đoán có tội” để truy ra anh. Anh có lý lịch dính dáng đến chế độ cũ nghĩa là anh là người có chính kiến khác biệt. Cha ông anh làm việc cho chế độ cũ, đi lính cho chế độ cũ dù là bị bắt lính, thì dù anh mới sinh ra chưa dính líu gì vẫn bị suy đoán là người bất đồng chính kiến, và thế là anh bị phân biệt đối xử.

Ngày nay chủ nghĩa lý lịch đã giảm đi sự tác hại cho dân chúng rất nhiều, không phải do chủ trương nới lỏng mà bởi ngoài khu vực nhà nước, người dân có thể tìm việc làm và cống hiến cho xã hội ở khu vực tư nhân, chưa kể là họ phải ra nước ngoài để cống hiến.

Những người bộc lộ chính kiến (dù là ôn hòa) thì dễ dàng bị xếp loại để phân biệt đối xử. Những người này nhẹ thì bị gọi là thành phần bất đồng chính kiến, nặng hơn là thành phần chống đối, là bọn phản động.

Họ sẽ bị theo dõi, bị cấm xuất cảnh, bị cô lập, bị mời làm việc, bị hành hung như thú vật mà không ai được phép can thiệp, và có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Nhiều người chịu không nổi sự phân biệt đối xử khắc nghiệt đó phải trốn ra nước ngoài. Hiện nay có hàng trăm người bất đồng chính kiến đang sống chui rúc tạm bợ bên Thái Lan. May mà có đất Thái nhân đạo chứa chấp họ.

Đơn cử về một trường hợp bị phân biệt đối xử đến tàn nhẫn nhưng không mấy ai lên tiếng bênh vực.

Đó là anh Nguyễn Chí Tuyến mà mới đây tòa án Hà Nội xử anh 5 năm tù giam.  Anh là một trí thức trẻ tài năng và hiền lành ở Hà Nội. Anh làm biên tập cho một tờ báo của nhà nước. Anh biên dịch nhiều sách báo nước ngoài ra tiếng Việt. Anh bộc lộ chính kiến về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, anh chống đối quyết liệt về tuyên bố đường lưỡi bò của trung cộng trên Biển Đông, anh tham gia vài lần biểu tình chống Trung cộng quậy phá ức hiếp ngư dân trên biển Đông. Anh viết bài trên mạng xã hội bộc lộ chính kiến đó một cách ôn hòa.

Thế nhưng anh đã bị phân biệt đối xử, bị đuổi ra khỏi báo, bị cô lập không xin được việc làm, rồi một lần đi đường bị “bọn côn đồ” giả danh phục đánh cho thừa chết thiếu sống. Cách đây hơn ba tháng anh bất ngờ bị bắt theo điều 117, rồi mới đây bị tòa xử 5 năm tù giam.

Nếu một người dân bị hành hung như vậy sẽ được luật pháp quan tâm, sẽ điều tra ra kẻ đánh người để xử phạt. Nhưng với một công dân bị cho là bất đồng chính kiến như anh Tuyến, thì không cơ quan nào quan tâm hỏi han đến việc anh bị hành hung. Hàng trăm người bất đồng chính kiến đã từng bị hành hung nghiêm trọng như vậy, trong đó có cả người viết bài này, nhưng đều không được pháp luật quan tâm, không hề được các tổ chức xã hội lên tiếng bênh vực. Người bất đồng chính kiến bị phân biệt đối xử đến tồi tệ như vậy, dù trong trường hợp anh Nguyễn Chí Tuyến chỉ khác chính kiến trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Không có đất sống cho người bất đồng chính kiến ư?

Dù sao thì mọi việc đã qua, đã xảy ra rồi. Nhưng trong tương lai thì sao, vẫn cứ để tiếp diễn như vậy sao? Vẫn người trong nước bất đồng chính kiến bị phân biệt đối xử, bị đàn áp, người ở hải ngoại cũng bị phân biệt đối xử, cũng bị ngăn cấm trở về thăm quê hương?

Gần nửa thế kỷ xa rời chiến tranh vì xung đột chính kiến, phe thắng đã thắng rồi, đất nước đang sống trong hòa bình. Không còn lý do gì để phân biệt đối xử với những người không đồng suy nghĩ, không đồng ý kiến nhưng là đồng bào ruột thịt của nhau.

Có lẽ đã đến lúc phục hồi lại tinh thần bao dung hòa đồng, chấp nhận sự khác biệt của thời Âu Cơ - Lạc Long Quân để người làm biển sống chung thân thiện với người làm rừng, để cùng nhau chung sức xây dựng một nước Việt giàu mạnh.

Hãy dành đất sống cho tất cả mọi người dân Việt ngay trên chính quê hương mình.

HUỲNH NGỌC CHÊNH 17.08.2024

Huỳnh Ngọc Chênh - Đất sống cho người bất đồng chính kiến (1)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.