samedi 17 août 2024

Huỳnh Ngọc Chênh - Đất sống cho người bất đồng chính kiến (1)

Sau khi đẻ ra 100 quả trứng và nở ra 100 người con, tổ tiên chúng ta là Lạc Long Quân và Âu Cơ sống rất hạnh phúc và hòa thuận cùng nhau nuôi dưỡng 100 đứa con.

Nhưng khi 100 đứa con đó khôn lớn, bắt đầu có nhận thức thì mỗi đứa có mỗi ý, chín người mười ý mà, huống chi có cả trăm đứa. Ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề cốt lõi là làm sao phát triển lên giàu mạnh để nuôi được 102 miệng ăn và rồi sẽ lên vài triệu miệng ăn trong tương lai.

Có ý kiến nên bám vào rừng làm kinh tế, rừng giàu có sẽ nuôi cả triệu miệng ăn. Tuy nhiên cũng có ý kiến nên xuống biển, lòng biển bao la dư sức nuôi bao nhiêu người cũng được.

Thế là phát sinh bất đồng ý kiến, nhiều người con muốn xuống biển làm ăn, nhiều người con muốn lên núi kiếm sống, lại có một số ít không muốn lên rừng hay xuống biển làm ăn chỉ muốn ngồi đó làm thơ ca ngợi đất trời. Chưa kể phương thức làm ăn, mỗi đứa mỗi khác. Cha Lạc và mẹ Âu cũng có ý kiến riêng của mình nhưng lại biết tôn trọng ý kiến của các con nên không dùng quyền cha mẹ ép buộc các con phải nghe theo.

Vào cái thời mông muội ấy hai ông bà vẫn biết lẽ đa nguyên là thuận theo sự đa dạng của đất trời, chấp nhận ý kiến khác biệt để tồn tại và phát triển. Không cưỡng bức con cái phải răm rắp nghe theo ý mình, lại càng không cho phép phe này dùng bạo lực cưỡng bức phe kia phục tùng. Do vậy hai ông bà họp các con lại để bàn bạc tìm ra phương thức sống.

Cuối cùng hội nghị gia đình đi đến chỗ thống nhất như sau:

- Ai muốn xuống biển mò tôm bắt cá thì đi theo bố Lạc.

- Ai muốn lên rừng săn thú hái trái thì theo mẹ Âu.

- Ai muốn việc khác hoặc không muốn làm gì thì thích ở đâu thì ở.

- Đất nước bao gồm rừng và biển, chia theo khu vực sống để thuận theo ngành nghề chứ không chia rẽ, vẫn luôn là đồng bào ruột thịt của nhau.

Sau đó thì có gần 49 người con theo mẹ Âu lên núi, 48 người theo bố Lạc xuống biển và còn ba người lang thang sống lúc biển lúc rừng. Dưới sự dìu dắt của bố Lạc mẹ Âu, 100 con người đó tuy cách sống khác nhau, suy nghĩ khác nhau nhưng luôn luôn hoà thuận tôn trọng và thương yêu nhau.

Có kẻ xuống biển, lâu ngày không thấy thích hợp lại quay lên rừng, ngược lại cũng có kẻ đang làm rừng thấy chán quá lại xuống biển. Tất cả đều tự do thay đổi, đi lại và sinh sống bất cứ chỗ nào trên đất nước mình, không ai nhân danh này nọ đuổi cá nhân này hay cá nhân khác ra khỏi đất nước của mình.

Nhờ theo tôn chỉ dân chủ tự do và đa nguyên sáng suốt đó mà dân tộc Âu Lạc phát triển nhanh chóng. Từ 102 người sinh sôi ra hàng triệu người rồi lập ra đất nước Việt tồn tại đến ngày hôm nay.

Tuy nhiên, người Việt con cháu của Âu Lạc chỉ gọi là tồn tại chưa bị tiêu diệt như những dân tộc xấu số khác, chứ cuộc sống vẫn chẳng ra gì. Vẫn sống trong ách khổ ải, nhục nhằn trong suốt mấy ngàn năm cho đến tận bây giờ.

Phải chịu hậu quả thảm hại đó là do những đời sau đánh mất đi tinh thần đa nguyên tôn trọng sự khác biệt của Âu Lạc. Ai có cơ hội chiếm được quyền lực, lên làm vua cũng cho đất nước này là của mình, của gia đình mình. Và tệ hại nhất là bắt toàn dân phải nghe theo một ý kiến của mình dù đúng hay sai, ai có ý kiến khác đều cho là phản nghịch phải giết chết hết cả giòng họ đến ba đời, không cho những kẻ đó có đất sống ngay cả trên quê hương mình.

Chuyện ngu muội u ám ấy kéo dài suốt mấy ngàn năm, đưa cả dân tộc hàng triệu người vào cõi tăm tối, dốt nát. Dẫn đến suy yếu tồi tệ, luôn bị ngoại bang xâm chiếm tàn hại không ngóc đầu lên nổi.

Đau đớn nhất là cho mãi đến thế kỷ 21, cả thế giới chung quanh đang bừng sáng thì đất nước và dân tộc Việt vẫn đắm chìm trong bóng đêm của thể chế nhất nguyên độc tôn tư duy, không chấp nhận sự khác biệt. Những ai có tư tưởng khác, có chính kiến khác với chính kiến của giới cầm quyền đều cho là phản động, bị tiêu diệt, bị tù tội hoặc bị đày ải ra khỏi nước.

Tôn chỉ đa nguyên chấp nhận sự khác biệt của thời tổ tiên Âu Lạc tiếp tục bị phản bội.

Tại sao lại như vậy nhỉ? Đâu là đất sống cho những đồng bào ruột thịt bất đồng chính kiến? Tổ quốc nào phải của riêng ai, tổ quốc cũng của họ mà.

(Còn tiếp)

HUỲNH NGỌC CHÊNH 16.08.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.