lundi 19 août 2024

Phúc Lai - Về cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine ngày 19.08.2024

1. Câu hỏi về Nhà máy điện hạt nhân Kursk

Nhà máy điện hạt nhân Kursk hay còn gọi là nhà máy Kurchatov, nằm cách biên giới với Ukraine khoảng 70 ki-lô-mét. 

Hiện có ba tổ máy điện đang hoạt động tại nhà máy này, trong khi một tổ máy khác đã ngừng hoạt động vào năm 2021. Theo Rosenergoatom, nhà máy Kurchatov cung cấp năng lượng cho phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp ở vùng Kursk.

Trước cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine, nhà máy này còn cấp điện cho một khu vực miền bắc của Ukraine, thông qua một đường dây tải 330 kV. Từ khoảng trước khi chiến tranh bùng nổ hoặc đúng thời điểm đó, việc cung cấp này chấm dứt. Đồng thời điện của nhà máy này được cho là cung cấp cho Donbas bị Nga chiếm, đặc biệt là khu vực Luhansk thông qua lối từ Belgorod sang.

Không phải bây giờ mới có chuyện, mà trước đây chính quyền Nga đã nhiều lần cáo buộc Ukraine về các mối đe dọa đối với sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân. Đặc biệt, vào tháng 10/2022, Putox cung cấp cho truyền thông thông tin, cho biết lực lượng đặc nhiệm Ukraine đã thực hiện 3 vụ tấn công khủng bố nhằm vào nhà máy Kurchatov, làm nổ tung các đường dây điện dẫn vào nó. Theo hắn ta, thiệt hại được khắc phục ngay nên không để lại hậu quả nghiêm trọng.

Bình loạn : Một trong những lý luận của pro-Putox đưa ra, là “mục tiêu chiến dịch Kursk của Ukraine là nhà máy điện hạt nhân.” Đây cũng là lý lẽ của Nga đưa ra, chẳng hạn hôm 10/08, người đứng đầu Rosatom đã nói với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc rằng “Lực lượng vũ trang Ukraine tại khu vực phía tây Kursk của Nga gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với cơ sở hạt nhân.”

Ý đồ bôi nhọ này của Nga trở nên quá rõ ràng khi chúng đưa ra những chứng cứ dạng phi lý: Rosatom cho biết các mảnh vỡ từ tên lửa bị bắn hạ đã được tìm thấy vào thứ Năm gần cơ sở này, bao gồm cả khu vực lân cận khu phức hợp xử lý chất thải phóng xạ của cơ sở.

Theo tôi, đã chiếm, là chiếm, chứ không có chuyện người Ukraine bắn phá nhà máy này bằng tên lửa hoặc pháo binh, làm như vậy chỉ có gây ra thảm họa hạt nhân dẫn đến việc mất sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Người Nga vẫn vậy – chân mình còn lấm bê bê, nhưng vẫn cầm đuốc đi rê chân người. Để đáp trả, chúng… đốt lốp xe và dầu mazut trên tháp của nhà máy hạt nhân Zaporizhia. Hiện nay bọn chúng đang quản lý bọn chúng chịu trách nhiệm.

Đến câu hỏi: Ukraine có muốn chiếm nhà máy này hay không? Chiếm được thì tốt, có gì mà phải nghĩ. Tuy nhiên đó không phải lựa chọn hàng đầu và không phải cố sống, cố chết thực hiện bằng được. Hiện nay theo tôi Chiến dịch Kursk của Ukraine đang có những lựa chọn khác, xin phép sẽ quay lại với nó vào phần sau.

2. Nước Nga trên bờ vực sụp đổ

“Nga đang phải đối mặt với thảm họa kinh tế” – Theo Torbjörn Becker, một chuyên gia về kinh tế Nga, tổng thống nước này đang ở trong thế “khủng hoảng cái kéo” của nền kinh tế. Ông này chơi chữ, nó liên quan tới một thời kỳ trong lịch sử của Nga, à thời đó đã có Liên Xô rồi.

“Khủng hoảng cái kéo” là một sự cố xảy ra vào đầu năm 1923 trong lịch sử Liên Xô trong thời kỳ Chính sách kinh tế mới (NEP), khi có một khoảng cách ngày càng lớn (“kéo giá”) giữa giá công nghiệp và giá nông nghiệp. Giống như lưỡi kéo của một chiếc kéo hở, giá hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp phân kỳ, đạt đỉnh vào tháng 10 năm 1923 khi giá công nghiệp bằng 276 phần trăm so với mức năm 1913, trong khi giá nông nghiệp chỉ bằng 89 phần trăm. Tên này được Leon Trotsky đặt ra sau biểu đồ giá/thời gian hình kéo. Điều này có nghĩa là thu nhập của nông dân giảm và họ khó có thể mua hàng hóa sản xuất. Do đó, nông dân bắt đầu ngừng bán sản phẩm của mình và quay lại với nghề nông tự cung tự cấp, dẫn đến lo ngại về nạn đói.

Torbjörn Becker cho rằng, vấn đề của Putox là hắn ta đang “ngồi trong chiến hào” – trong khi quân Ukraine tiếp tục tiến vào vùng Kursk của Nga, Putox đang phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn ở trong nước. “Ông ta đang đặt cược tất cả vào cuộc chiến ở Ukraine và phải giành chiến thắng trước khi nền kinh tế của đất nước sụp đổ,” – Becker nói với Dagens industri (một chuyên san tài chính dạng tờ báo được xuất bản tại Stockholm, Thụy Điển).

Bài báo này viết thêm:

Nền kinh tế Nga đang chao đảo cùng lúc Ukraine hiện đã mở rộng cuộc chiến sang lãnh thổ nước này. Tờ Expressen (cũng của Thụy Điển) vừa viết rằng số liệu tăng trưởng GDP dường như đang hướng đến sự suy thoái mạnh ở nước Nga, và giờ đây các chuyên gia cho rằng nền kinh tế chiến tranh của Putox có thể sẽ bị diệt vong.

Điện Kẩm-linh đã cung cấp cho nền kinh tế Nga những biện pháp kích thích khổng lồ, điều này thực sự đã dẫn đến tăng trưởng cao, nhưng cũng dẫn đến lãi suất cao ngất ngưởng. Cũng theo Torbjörn Becker, một nửa ngân sách nhà nước hiện nay là chi tiêu cho quân sự.

“Đây là một số tiền khổng lồ và sẽ là điều hoàn toàn không thể ở một quốc gia dân chủ. Cho đến nay, Nga đã đốt 50 phần trăm, có lẽ còn hơn thế nữa, dự trữ tài chính của mình vào chiến tranh.” Ông bình luận với “Dagens industri” rằng điều này không bền vững về lâu dài.

Tuy nhiên, theo Becker việc đình chỉ nền kinh tế chiến tranh không phải là một lựa chọn của Putox, vì khi đó tăng trưởng sẽ giảm mạnh khi các lệnh trừng phạt của EU và Hoa Kỳ hạn chế dòng vốn và đầu tư chảy vào Nga. Đồng thời ông cũng tin rằng lạm phát cao hơn những gì chính quyền Nga tuyên bố. Ngoài ra, tình trạng thiếu nhân lực ngày càng trầm trọng do lực lượng lao động chủ lực của Nga bị đưa ra chiến trường hoặc bỏ trốn.

Vì vậy theo Becker, không thể xác định được nền kinh tế chiến tranh của Putox sẽ tồn tại được bao lâu. Ông nhìn nhận rằng các khoản chi trả khác như lương hưu, phúc lợi cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đầu tư hạ tầng phải được duy trì (*). Putox có thể chọn tiếp tục hy sinh dân số (**) và để người dân Nga hứng chịu mọi đòn knock-out, tức là biến Nga thành một Triều Tiên thứ hai, nhưng tình trạng này có thể mất 20 năm thì Nga mới thực sự kiệt quệ.

Có một thực tế là Putox sẽ tự mình dừng chiến tranh hoặc từ chức là điều không bao giờ có – Becker lưu ý. Becker tin rằng toàn bộ “nhân cách và hành động” của Putox là để củng cố vị thế quyền lực của chính mình. Vì thế sẽ không phải những khó khăn của người dân Nga bình thường có thể khiến Putox dừng cuộc chiến. Becker cho rằng vấn đề là giới tinh hoa Nga sẽ đồng ý với điều này trong bao lâu.

Torbjörn Becker, một chuyên gia về kinh tế Nga và là người đứng đầu Viện Kinh tế Phương Đông tại Trường Kinh tế Stockholm

Bình loạn : Trên đây tôi có đánh dấu mấy điểm.

(*) Liên quan đến quỹ phúc lợi: Bài học xương máu của Liên Xô chính là đụng đến quỹ lương hưu. Vào giai đoạn cuối của Đế chế, đồng rúp mất giá không chỉ biến thành gần như giấy lộn, và nó cũng không thể mua gì khi các quầy hàng trống rỗng, mà chính quyền trung ương còn không thể trả lương hưu cho người hưu trí. Cán bộ công an, quân đội nhận lương khi sức mua đồng tiền giảm, và nhìn rõ tương lai của mình khi cầm sổ hưu, không muốn tiếp tục phục vụ để bảo vệ chế độ nữa. Việc cắt giảm các khoản đầu tư khác như y tế, giáo dục, hạ tầng gần như chắc chắn – mà thật ra quá trình đó của Nga đã diễn ra rồi, diễn ra từ trước cuộc chiến. 

Như tôi đã đoán từ năm 2007 rằng “15 năm nữa nước Nga sẽ gây ra cuộc chiến tranh” có lý do chính là điều này: Bọn cầm quyền chóp bu của đất nước mạnh dạn ăn cắp, hạ tầng và phúc lợi cho đất nước bị xà xẻo… sẽ đến lúc các vấn đề vỡ ra, và để khỏa lấp, Putox sẽ phải gây chiến. Một dạng của đốt nhà để đốt luôn cả sổ nợ. Nếu chiến thắng ở Ukraine “ngon như húp nước sweet” thì hắn vơ được một đống tài nguyên và cả con người của Ukraine, có thể vực dậy được tình hình bi đát chắc chắn sẽ đến.

Vì vậy, điều mà ông Torbjörn Becker đề cập là hoàn toàn đúng về lý thuyết nhưng cần hiểu chính xác là, phúc lợi của những khu vực “tủ kính” của Nga, chủ yếu là Vùng Mục-tư-khoa (dân số chính thức hơn 7 triệu nhưng chắc chắn là hơn 10 triệu dân) và sau đó là các thành phố lớn như Sankt Peterburg… sẽ bị cắt giảm, còn những vùng nông thôn đã bị cắt giảm từ lâu rồi.

Mùa đông năm nay, Nga sẽ đối mặt với “một mùa đông La Nina” – các ống nước sưởi lại tiếp tục vỡ, nhà cửa của dân chúng lại đóng băng như năm ngoái và chắc chắn còn tệ hơn năm ngoái. Không nổi loạn mới là lạ.

(**) Ngày hôm nay số “kiện hàng 200” đã vượt quá con số 600.000. Kinh khủng! Đúng là con quỷ Putox.

Thú thật, bây giờ đọc lại những gì đã viết, tôi ngờ rằng tôi chẳng kém gì cái lão Becker trên đây mấy tí. Bác nào nhìn thấy cái cặp paper clips đâu đưa tôi cặp cái mũi lại chút. Mời các bác đọc lại bài này. Hôm đó (01/02/2023) là hôm đầu tiên tôi nhắc đến cụm từ “gia tốc thua lỗ”. Tôi xin trích lại cả đoạn về đây:

Trích: (4) Kéo dài chiến tranh đến bao giờ? Đầu tiên Nga muốn kéo dài đến khi họ chuẩn bị xong cho một chiến dịch mới, mà dự kiến là sẽ tiến hành vào mùa xuân đến đầu hè năm nay – có thể là đến hè mới tấn công (khoảng tháng Năm hoặc Sáu). Các diễn biến nội bộ của Nga cho thấy họ đang ráo riết chuẩn bị cho một đợt động viên mới. Kế hoạch sẽ gọi 500.000 người với độ tuổi mở rộng đến 30. Như thế chiến dịch tấn công mới sẽ có khoảng 200.000 quân mới được động viên tham gia. Mọi chuyện sẽ phải kết thúc trong năm nay vì năm 2024 sẽ có bầu cử tổng thống ở Nga, họ sẽ cần phải có một năm “sạch sẽ” (ý là không đánh nhau) chứ không phải vừa đánh nhau vừa bầu cử được.

Về tài chính, các chuyên gia nhận định lượng tiền dự trữ và các nguồn thu chưa bị cấm vận kỳ cùng của Nga cho phép kéo dài đến năm 2025, nhưng điều này chưa tính đến cái gọi là “gia tốc mất giá trị” hay “gia tốc thua lỗ”, có nghĩa là càng về sau mọi hoạt động của xã hội sẽ tổn hao nhiều hơn. Do vậy kinh tế có thể cạn kiệt tiền nong vào cỡ giữa năm 2024 trở đi chứ không lâu hơn. Đó cũng là một lý do để Putox phải cố thủ thắng trong năm nay.

Đọc cái câu “Do vậy kinh tế có thể cạn kiệt tiền nong vào cỡ giữa năm 2024 trở đi chứ không lâu hơn” tôi viết đầu năm 2023 mà cũng khiếp, hóa ra ngay cả chuyện này tôi đoán mò cũng đúng. Vậy ngay lúc này, chiều ngày 19/08/2024 tôi đang hình dung ra điều gì?

Tôi hình dung ra một quả đạn pháo do Nga sản xuất ra – vẫn sản xuất ra được nhưng do nhiều nguyên nhân như khó khăn trong chuỗi cung ứng, máy móc hỏng hóc… giá thành không còn bằng 25 % so với đạn pháo của phương Tây sản xuất nữa, mà đã là 50 % thậm chí 75 %... mà là đạn ngu. Nghĩa là nhu cầu để đạt hiệu quả tương đương là gấp từ 10 đến 20 lần về số lượng.

Tôi cứ phải nói thẳng, không thể kiếm được bất cứ một trang, một kênh, một tài khoản của Dư Luận Viên pro-Putox nào nói những chuyện này, nhưng tôi thì cứ lải nhải vào tai quý vị, như một lão gàn. Tuy nhiên chính những kết quả tính toán đó củng cố niềm tin cho tôi. Như trong bài hôm trước, khi nhìn số lượng các hướng tấn công của Nga ở miền đông Ukraine, số lượng đợt dồn vào một hướng chính… tôi cho rằng, bọn này chắc chắn cạn kiệt nguồn lực, nếu không thì không bao giờ có sự phân bổ lực lượng kiểu như vậy cả.

3. Có thật là… Chính phủ Đức sắp vỡ nợ nên cắt viện trợ cho Ukraine?

Đây là một mẩu tin trên báo xứ Đông Vạn Tượng: “”Nguồn cung từ kho dự trữ của Đức không thể được đảm bảo như đã lên kế hoạch và hứa hẹn,” báo cáo của Bộ Quốc phòng cho biết và cảnh báo rằng hỗ trợ chung đang gặp rủi ro. Cũng theo tờ Bild, đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đã gửi một lá thư tới Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng về yêu cầu cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine trước chiến dịch thắt lưng buộc bụng. “Bữa tiệc đã kết thúc, cái nổi đã cạn,” báo Đức dẫn lời một quan chức chính phủ nước này cho biết khi nói về việc đóng băng viện trợ cho Ukraine.”

Và đây là sự thật:

Trong một lá thư gửi Bộ Quốc phòng Đức vào ngày 05/08, Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner nói rằng nguồn tài trợ trong tương lai sẽ không còn đến từ ngân sách liên bang Đức mà từ số tiền thu được từ các tài sản bị phong tỏa của Nga, theo tờ báo Đức.

Đức và các nước G7 khác vào tháng Sáu đã đạt được thỏa thuận sơ bộ sử dụng giá trị khoảng 300 tỷ USD tài sản chính phủ của Nga được cố định tại các tổ chức tài chính phương Tây để đảm bảo khoản vay 50 tỉ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, các chính phủ vẫn chưa nhất trí về chi tiết của kế hoạch này và các cuộc đàm phán kỹ thuật có thể kéo dài hàng tháng.

Chưa bao giờ chúng ta được chứng kiến thời của báo chí thổ tả lên ngôi, lộng hành, vô đạo đức đến bẩn thỉu cỡ như vậy.

Hôm trước có một cụ đang sinh sống ở Ukraine hẳn hoi, chia sẻ lên mạng một bức ảnh chiếc xe bọc thép có những xác lính ở trên, một người khác nằm dưới đất… được cho là lính Ukraine và đã chết. Bức ảnh nhận được rất nhiều lời thổn thức và chia buồn. Tôi khá sửng sốt vì chính bức ảnh đó tôi xem hôm trước đó, được một nguồn bình luận rất nổi tiếng, mời chuyên gia đồ họa phân tích cho thấy đó là một sản phẩm giả mạo ở mức khá, nhưng vẫn không qua mắt được giới chuyên môn.

Phàm là khi Nga thua, chúng sẽ tung cực kỳ nhiều tin giả. Như khi đang chuẩn bị bài trước sát bài này, tôi nhận được vài tin nhắn sốt ruột. Tôi trả lời một người và copy cho tất cả những người còn lại luôn: Không đọc tin giả!

4. Tạm nhận xét và kết luận

Cho đến hôm nay, thiếu một ngày thì chiến dịch Kursk của người Ukraine được hai tuần, chúng ta có thể đưa ra một số nhận xét và kết luận như sau.

Những hình dung của chúng ta tỏ ra đã đúng:

- Bọn Nga này thực sự cạn kiệt cả lực lượng và nguồn lực, không thể tổ chức phản công được. Điều này đã được tay bình luận người Nga Anatoly Nesmiyan xác nhận trên X. Và như vậy, nó cũng gián tiếp khẳng định luôn, tất cả những tin “Nga phản công thắng như chẻ tre ở Kursk” là bốc phét, bịa hết. Có thể có chỗ này chỗ khác đánh thiệt hại được người Ukraine một chút, nhưng đó không phải là xu thế chung, chắc chắn và tất yếu.

- Người Ukraine không hề có ý định đi sang mấy ngày rồi về, mà tôi ngờ phải là chiếm phứt lấy từ 1/3 đến một nửa diện tích của tỉnh. Trước mắt phần phía tây của tỉnh gồm các huyện (Raion) này là nằm trong diện bị đe dọa chiếm: Sudzhansky (gần như đã xong), Korenevskiy, Rylskiy, Glushkovskiy… tương lai hai huyện phía đông Bolshesoldatskiy và Belovskyi cũng sẽ vào diện bị… sáp nhập, he he. Ý đồ đã trở nên rất rõ khi Ukraine phá cả 3 cây cầu bắc qua sông Seym. Quân Nga ở phía tây sông này chính thức nằm trong nồi hầm.

- Do “không có ý định đánh nhanh rồi rút,” nó cũng gián tiếp loại bỏ luôn những ý nghĩ cho rằng, “đi xa thế không đảm bảo hậu cần sợ lắm.” Hôm qua để trả lời một comment dạng này, tôi viết: Bây giờ người ta đã biến thành đất của mình rồi, thì sợ gì chuyện hậu cần.

- Ngay từ hôm đầu tiên diễn ra chiến dịch Kursk, tôi đã viết ý như trên đây, là người Ukraine sẽ không cần tiến nhanh, mà sẽ chờ cho Nga phản ứng, và biến vùng ở giữa chỗ họ chiếm được với thủ phủ của tỉnh, thành phố Kursk thành bãi chiến trường. Tại sao tôi lại hình dung như vậy? Vì làm như thế họ sẽ thi hành được sở trường, là sử dụng các đơn vị mới được huấn luyện chiến thuật hiện đại, đánh nhau với một đội quân kiệt quệ và thiếu kinh nghiệm, đúng kiểu “lấy quân mạnh khỏe đánh quân mỏi mệt.” Không những thế các cánh đồng của Kursk cũng dễ dàng thi triển đấu pháp cho cả hai bên, và phần lợi thế sẽ thuộc về bên nào chuẩn bị tốt hơn. Tình hình sắp tới vẫn sẽ là như vậy.

Vậy chúng ta có thể kết luận gì được?

- Thời gian không ủng hộ Putox. Đã 2 tuần đất nước của hắn bị xâm phạm lãnh thổ. Chưa thấy ai vùng lên đi bảo vệ Tổ Quốc, một cái tát trời giáng vào mặt bọn Dư Luận Viên Pro-Putox (tát luôn cả vào mặt mấy chuyên gia xứ Đông Vạn Tượng cho rằng đụng vào uy tín của Putox và uy thế của Nga, thì… Nga không thể thua và không thể để yên – đấy, có giỏi làm gì làm đi! Đập cả bãi shit vào mặt Putox mà vẫn chỉ to mồm, chứ đã làm gì được người Ukraine đâu!).

Thời gian càng kéo dài, bọn bộ sậu tinh hoa ngồi quanh hắn càng bị thôi thúc bởi ý định lật đổ. Càng ngoan cố tỏ ra không thể thuyết phục được, thì càng phải dứt khoát. Tự nhiên tôi nghĩ đến cái can xăng dành cho Beria mà lạnh cả người.

- Hôm trước trong bài phân tích “mổ băng” đoạn lảm nhảm của ông Lê Văn Cương và bà Luận Thùy Dương, có một ý tôi cố tình để lại sang bài này: Tôi đồng ý với bọn họ về một điểm, khi họ cho rằng “chỉ một hai tuần thôi” – họ nói ngày 17/08, nghĩa là 24/08 hoặc cùng lắm, 31/08 là sẽ “xong”, nhưng tôi không cho là xong theo kiểu của họ tức là Nga đuổi được quân Ukraine về bên kia biên giới. Xong ở đây, là đóng xong nồi hầm, xử lý xong một số trung đoàn và lữ đoàn của Nga đang đóng trên mấy huyện phía tây của Kursk. Thậm chí, số phận của mấy cái huyện này cũng… xong luôn.

- Cái sự xong này cũng có lý của nó. Có những điểm BMZ nói có lý của chúng chứ không phải cái gì cũng sổ toẹt đi được. Ví dụ như người Ukraine không có nhiều quân và nhiều nguồn lực, điều đó đúng – như tôi viết trong bài trước là “không sản xuất được xe tăng” ấy, điều đó đúng mà. Vì vậy khi quyết chiến, thì phải tính đánh nhanh. Tất nhiên, không nhất thiết phải quá nhanh, nhưng cũng không “cà dầm cà dề” được.

- Như tôi đã viết, cú này là để đánh vào uy tín của Putox, cung cấp cho bọn muốn lật đổ cái cớ, còn nguyên nhân chủ yếu của lật đổ là sự suy sụp – cái sự đó đã được thấy rõ vào thời điểm mùa thu năm 2024. Nếu tiếp tục kéo dài, thì không ai trong số bọn chúng có thể hình dung được tương lai của chính mình và của nước Nga, một nước Nga vẫn còn Putox cố bám lấy ngai Sa hoàng, nhưng kiệt quệ và sau đó, sụp đổ vì chắc chắn là các lệnh cấm vận sẽ không bao giờ được dỡ bỏ.

Putox bây giờ chỉ còn một mục đích duy nhất là giữ cái mạng cùi của hắn, vì nếu thất bại bây giờ thì mất mạng luôn. Điều này dẫn đến việc người Ukraine chỉ còn một lựa chọn duy nhất, là đánh cho Putox thất bại hoàn toàn, và như thế thì cũng dẫn đến việc tước đi sinh mạng của hắn. Không có lựa chọn nào khác cho Putox cả. Chỉ là chúng ta chờ xem bao giờ thì bọn bậu sậu xung quanh hắn ra quyết định mà thôi.

- Và những điều chúng ta chờ đợi cũng xuất hiện cả. Tin Nga rút mấy lữ đoàn thủy quân lục chiến từ Zaporizhia về Kursk. Tin rút một sư đoàn từ Kaliningrad về Kursk, và mới nhất là rút chính bọn đang tấn công ở Vovchansk (Kharkiv) sang Kursk. Rồi bọn này sẽ bị tiêu diệt hết. Chúng ta đã có thừa tự tin vào khả năng của lực lượng vũ trang Ukraine rồi.

Có người hỏi tôi, nếu Putox đã ở tình thế tuyệt vọng như vậy, thì hắn có thể toan tính gì? Một câu hỏi rất khó, nhưng thú vị. Lúc này, Putox giống như Hitler đầu năm 1945, vẫn đang điều binh khiển tướng với những binh đoàn tưởng tượng. Để hình dung rõ hơn về một câu hỏi có thể được đặt ra, rằng tại sao bây giờ Putox đang có cả nửa triệu quân ở Ukraine (như ông Lê Văn Cương nói hú họa, là 400.000, 500.000, 700.000 quân Nga... đúng là miệng như trôn trẻ) mà vẫn coi như là kiệt quệ?

Thì đây: Để tiến hành chiến dịch “rừng Ardennes”, Hitler đã sử dụng một lực lượng 200.000 quân và 1.000 xe tăng, đánh cho quân Đồng minh cũng phải nói rằng có những lúc thất điên bát đảo. Nhưng sau đó, mặc dù Wehrmacht vẫn còn gần 8 triệu quân (7.830.000 người theo Wikipedia tiếng Anh) nhưng là ở tình thế không rút chỗ nào đi hỗ trợ chỗ nào được cả, vì đã bắt đầu thất bại về chiến lược. Nga của Putox hiện nay ở tình thế đúng như vậy.

Rất may, để trả lời câu hỏi nhận được, đã có… Nghệ An TV giúp với video mới lên hôm nay: “Thời sự quốc tế 19/08: Kiev bị “nhấn chìm” ở Kursk, thảm kịch ập đến quá nhanh tại Ukraine”. Và nội dung của nó nói rất rõ một ý: “Trong lúc quân đội Ukraine giành ưu thế tại Kursk, Nga tiếp tục tiến nhanh vào thành phố Pokrovsk có ý nghĩa then chốt về mặt quân sự ở miền Đông Ukraine.” Chuyện này không phải mình kênh này đề cập, mà mấy hôm nay rất nhiều phương tiện mass-media của Đông Vạn Tượng nói, thậm chí hôm qua có tờ báo nào tung tin “Nga tiến thần tốc chỉ còn cách Pokrovsk 10 ki-lô-mét” (lại “thần tốc”!).

Tôi đã có lời giải thích với một vài người bạn, và đã viết sơ sơ: Pokrovsk nằm ở vị trí ngã ba đường, do vậy với Nga, có thể coi nó là chiến lược. Thực chất khi nhìn trên bản đồ, chúng ta thấy có chiếm được nó, thì cũng chẳng đem lại được tác động gì đáng kể đến cục diện chiến trường cả, bản đồ đây.

Nhưng chắc chắn nó có ý nghĩa về mặt tuyên truyền. Do vậy, cả báo chí Nga lẫn Đông Vạn Tượng đồng loạt tung hô nó là… chiến lược. Hóa ra “chiến lược” của Putox khá đơn giản: Tăng tốc chiếm được Pokrovsk trong thời gian ngắn nhất, rồi một phần lực lượng để phòng thủ chỗ đó, còn bao nhiêu quân rút được đưa về cứu Kursk. Hóa ra thằng phải chạy đua với thời gian bây giờ, là Putox.

Chúng ta có thể tạm hình dung, thế trận suốt từ đông Kharkiv qua Luhansk, Donetsk, xuống Zaporizhia và Kherson, là giằng co. Nga cũng không đủ nguồn lực để tấn công mạnh ngõ hầu kiếm được kết quả, mà tấn công kiểu dùng sức người, bia thịt… dẫn đến việc tổn thất rất lớn. Với người Ukraine, việc sử dụng các đơn vị cũ đã có kinh nghiệm để chống trả trên suốt chiều dài chiến tuyến trong suốt cả năm qua, cũng mệt mỏi và vất vả, nhưng rõ ràng đạt được hai mục tiêu rất thích đáng: (1) Cầm chân Nga cho nó sa lầy và (2) Tiêu hao lực lượng, nguồn lực của quân Nga một cách hết sức đa dạng: nhân sự, xe tăng, pháo binh, máy bay và các hệ thống phòng không.

Tương quan hiện nay, chúng ta không thể biết được người Ukraine đang có dự trữ bao nhiêu lữ đoàn, đã bao nhiêu lữ đoàn được tung vào Kharkiv (có nguồn chính thống Đông Vạn Tượng nói mới dùng 10.000 quân) nhưng chắc chắn là với họ, đây mới chỉ là điểm khởi đầu. Có các trận đánh “gài thế” nhỏ trong chiến dịch Kursk. Chiến dịch Kursk lại là một chiến dịch có tính gài thế cho một thế trận lớn hơn nhiều.

Nhưng ông Cương và bà Dương kia cũng có lý, tôi tán thành: Chắc chỉ trong tháng Chín này mọi chuyện sẽ an bài, để chiến tranh kết thúc, lập lại hòa bình vào đầu năm 2025.

PHÚC LAI 19.08.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.