jeudi 1 août 2024

Phúc Lai - Về cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine ngày 01/08/2024

1. Kim Văn Ủn giúp gì được cho ông chú Putox?

Cách đây vài hôm, xuất hiện trên mạng video được cho là quân Ukraine quay lại một loại giàn tên lửa chống tăng có điều khiển tự hành – giàn 8 ống phóng ATGM Bulsae-4 M-2018 lắp trên xe bọc thép bánh lốp M-2010.

Đây là loại xe bọc thép 6x6 được cho là bản copy từ BTR-80 của Liên Xô, mặc dù một số tính năng có thể được lấy từ BTR-60PB cũ hơn. Về cơ bản, đây là một chiếc BTR-80 ngắn hơn một chút với bộ bánh xe thứ hai được lược bỏ. Lần đầu tiên nó được cho xuất hiện vào năm 2010 cùng với APC 8x8 của họ (tạo thành cơ sở cho một xe chở ATGM khác).

Triều Tiên là một đất nước bí ẩn. Do bịt kín thông tin, không ai biết năng lực quân sự của nước này đến đâu, có thể đối đầu được với ai và nếu chiến tranh tái nổ ra với người đồng bào miền nam thì họ có đánh ngang phân được không… Những cuộc duyệt binh mà các hình ảnh được chọn lọc kỹ của nó lọt ra truyền thông quốc tế, cho thấy nước này cũng trong một quá trình quân phiệt hóa lâu dài và riêng về mảng vũ khí, cũng có những nỗ lực nhất định trong hiện đại hóa hệ thống vũ khí nặng của mình.

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh khả năng công nghiệp của Triều Tiên, nhất là công nghiệp quốc phòng. Hôm qua tôi đã cố tình chuẩn bị sẵn một bài về nỗ lực của nước này trong sản xuất vải vinylon rồi từ đó phổ biến đại trà loại vải này trong dân chúng.

Những thông tin điều tra của Reuters, tôi nghĩ là đáng tin cậy. Theo báo cáo này, cho đến cuối Thế chiến thứ hai, miền Bắc Triều Tiên có trình độ phát triển công nghiệp cao hơn miền Nam sau này là Hàn quốc nhiều. Thực tế tính đến giai đoạn 1950 Triều Tiên là khu vực có mức độ công nghiệp hóa thứ hai ở Châu Á tính theo đầu người và sau khi hình thành quốc gia, họ đã nhận được viện trợ kinh tế và kỹ thuật khổng lồ từ Liên Xô trong suốt Chiến tranh Lạnh.

Câu chuyện sản xuất hàng dệt may của Bắc Triều Tiên từ vinalon là một ví dụ minh họa rất tốt. Sau khi lên bài được 19 giờ, bài này của tôi thu hút được… 220 like, xin phê bình quý vị bạn đọc. Thực ra rất nên đọc nó vì nó đưa ra một mạch tư duy rất logic và thú vị, nhưng tôi cũng xin phép được thông cảm với quý vị vì thông thường, người ta không bàn nhiều về vấn đề này như vũ khí (giống như tôi cứ lải nhải về chuyện vòng bi với xe tải của Nga vậy, thậm chí vấn đề thực phẩm, lương thực của Triều Tiên còn hấp dẫn hơn) …

Nhưng tự chủ được nguồn vải vóc trong nước thực sự là một thách thức lớn đối với Bắc Triều Tiên. Đáp ứng nhu cầu cho 26 triệu người “ai cũng có quần áo mặc” là một nhiệm vụ lớn. Quần áo là thứ hao mòn và Bắc Triều Tiên thì rõ là lạnh. Việc trang bị đủ quần áo cho quân đội vào mùa đông, thậm chí ở mức độ tối thiểu, yếu kém cũng đã rất khó khăn.

Việc có được nhiều vải như vậy là rất khó. Bắc Triều Tiên không thể trồng đủ bông hoặc sản xuất len và các lệnh trừng phạt – cấm vận đã ngăn chặn hầu hết các giao dịch nhập khẩu từ nước ngoài. Ngoài ra, Liên Xô không thể cung cấp những mặt hàng trên khi họ cực kỳ cần. Vinylon chính là một giải pháp như cái phao cứu sinh – dù chất lượng của nó rất tệ (ở đây không nói đến độ bền, nó rất bền).

Theo những mô tả lịch sử thời đó, dân Triều Tiên vốn dĩ cũng phần lớn sống về nông nghiệp, do đó việc áp dụng sản xuất vinylon vào thực tiễn trên quy mô lớn cho thấy nước này đã có được một quy trình công nghiệp thay thế cho quy trình nông nghiệp. Bắc Triều Tiên sẽ không còn là nước nông nghiệp nữa. Còn có một lý do “thú vị” nữa là công nghệ này cho phép họ biến than và đá vôi vốn rất dồi dào thành sản phẩm dệt may thông qua ứng dụng một thành tựu khoa học. Trên thực tế, đây là kết quả của một nghiên cứu từ nhà khoa học đào tẩu từ Hàn Quốc do bị từ chối.

Tuy thế vinylon không thể tạo ra quần áo đẹp và nếu để may quân phục thì nó càng tệ: nó ngấm nước thì cứng lại, cách điện kém và quá dễ cháy. Không những thế sau khi cháy nó nhũn ra, quánh lại và bám trên da, làm cho người lính đã bị thương còn trầm trọng hơn. Quy trình sản xuất tốn nhiều điện và dần trở thành yếu tố kinh tế gánh nặng của toàn bộ nền sản xuất đất nước.

Vì vậy, ngày nay, Triều Tiên sử dụng nó cho những sản phẩm khác: lưới đánh cá, dây thừng… Và chuyển sang mua hàng dệt may từ Trung Quốc. Với nguyên tắc “cứ mua thì bán, muốn có hàng thì phải mua” của Trung Quốc, nhu cầu vải vóc nhập khẩu sẽ làm cạn kiệt dự trữ ngoại tệ và mất đi khả năng độc lập của Triều Tiên.

Câu hỏi đặt ra là, khả năng của nền công nghiệp Triều Tiên đến đâu. Chúng ta cần khẳng định rằng, ngay cả sau khi kết thúc sự hỗ trợ của nước ngoài (Trung Quốc từ năm 1976, bắt đầu mở cửa đã hạn chế viện trợ không hoàn lại, Liên Xô từ sau 1991 thì Nga cắt hẳn luôn) bất chấp cả nạn đói, v.v…Triều Tiên vẫn là một quốc gia có trình độ kỹ thuật cao và cơ sở công nghiệp lớn.

Nói một cách khác, kỹ năng kỹ thuật và năng lực công nghiệp vẫn còn nguyên, các nhà máy được xây dựng vào những năm 1960 vẫn được bảo quản tốt, do vậy đưa vào sản xuất lớn là một ý tưởng hoàn toàn khả thi. Quá trình hiện đại hóa đã gặp sự cố nghiêm trọng, nhìn chung phải nói là dừng lại kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Cuối cùng, nguồn cấp điện là giới hạn khó có thể khắc phục được đối với sản lượng.

Phải thừa nhận một điều rằng, Bắc Triều Tiên rất giống Việt Nam xã hội chủ nghĩa ở chỗ, cả hai đều có một tư duy khá thực tế. Ngay cả khi không mua được (nhiều) vũ khí mới thì những vũ khí cũ hơn, vẫn bảo trì ở tình trạng tốt – điều này là thực tế trong quân đội cả hai nước.

Khí tài cũ của cả hai quân đội được đánh giá là được bảo quản ở tình trạng hoàn hảo, chỉ bị lạc hậu theo thời gian nhưng luôn ở tình trạng sẵn sàng hoạt động. Hơn thế nữa, cả hai đều nỗ lực duy trì năng lực tác chiến, kỹ năng của bộ đội trong những điều kiện lạc hậu đó. Các chuyên gia quân sự Hàn Quốc đã rất ngạc nhiên khi điều tra một pháo thủ Bắc Triều Tiên đào tẩu: Anh ta có kỹ năng rất tốt trong xạ kích pháo binh theo lối thủ công, mà không có sự hỗ trợ bằng công nghệ tiên tiến như chỉ thị mục tiêu GPS.

Tình hình này cũng đúng với toàn bộ nền sản xuất quốc phòng của Triều Tiên: Họ duy trì các nhà máy của mình rất tốt, dù chúng không có nhiều cơ hội để áp dụng một kế hoạch sản xuất lớn. Nhờ có kết quả tốt trong duy trì, bảo dưỡng các nhà máy mà khi nắm quyền, Kim Jong Un đã đặt nhiệm vụ hiện đại hóa lực lượng vũ trang của CHDCND Triều Tiên lên hàng đầu.

Kim Phì Lũ đã sớm đến thăm một trường đại học kỹ thuật quân sự của Triều Tiên (lần đầu tiên gã làm như vậy) và có bài phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của “nhóm chuyên gia khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng thứ hai trong ngành công nghiệp quốc phòng” (trích dẫn trực tiếp từ KCNA). Vì vậy, có lẽ giới lãnh đạo Triều Tiên đang ưu tiên hiện đại hóa công nghệ quân sự và chắc chắn nhắm tới các cuộc trao đổi kỹ thuật với Nga. Cuộc chiến tranh thất bại của Putox ở Ukraine là một cơ hội cho Kim Phì Lũ, nếu không có thất bại này thì chẳng bao giờ Putox quan tâm đến thằng cháu cả.

Quay lại với thời kỳ hậu chiến tranh Triều Tiên. “Quân đội CHDCND Triều Tiên thường bị coi là lực lượng lạc hậu, lỗi thời, đã mất khả năng tiến hành bất kỳ hoạt động lớn nào sau Chiến tranh Triều Tiên” – điều này có đúng không? Nhìn chung là không. CHDCND Triều Tiên giàu hơn Hàn Quốc cho đến cuối những năm 60 và quốc gia vẫn được vận hành tương đối tốt trong vị thế là một quốc gia cộng sản trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa cho đến cuối những năm 80.

Vì vậy, hồi đó chắc chắn là Bắc Triều Tiên giàu hơn nhiều so với các quốc gia như Việt Nam, Cuba… hoặc thậm chí so sánh với Trung Quốc nếu tính trên bình quân đầu người, ít nhất là cho đến giữa những năm 80. Cho đến những ngày cuối của Khối xã hội chủ nghĩa, họ có quân đội được cung cấp tốt vì được hỗ trợ bởi một nền kinh tế nhỏ nhưng công nghiệp hóa, mặc dù về cơ bản phụ thuộc vào trợ cấp của Liên Xô dưới hình thức năng lượng giá rẻ.

Sau khi hai miền tạm ngừng bắn vào năm 1953, Triều Tiên không còn nền công nghiệp vốn được đánh giá cao như trước nữa, vì nhìn chung nó đã bị phá hủy gần hết bởi bom đạn. Với số lượng lớn viện trợ nước ngoài từ Liên Xô và Trung Quốc, đặc biệt là nhờ thiết bị máy móc cho quá trình sản xuất từ cả hai quốc gia này, cho phép họ sao chép rất nhiều thiết kế tốt của Liên Xô hoặc Trung Quốc trong lĩnh vực cả dân sự và quân sự.

Lý do đó khiến chế độ Park Chung Hee ở miền nam cũng quyết tâm công nghiệp hóa. Khi người hàng xóm phía bắc của họ có một tổ hợp công nghiệp – quân sự và nguồn nhân lực gần bằng một quốc gia có thu nhập trung bình khá, miền nam trở nên tụt hậu.

Từ bối cảnh đó, chúng ta chứng kiến một Hàn quốc thần kỳ với Samsung, Hyundai và đủ các thứ khác. Trong khi đó, mỗi lần quân đội Bắc Triều Tiên duyệt binh, chúng ta thấy một bản sao thu nhỏ một chút của quân đội Nga, hoặc nói chính xác, là của quân đội xô-viết trước đây. Hồi đó Liên Xô kéo ICBM qua Quảng trường Đỏ, thì bây giờ Triều Tiên cũng làm như vậy. Những chiếc xe tăng T-62 cải tiến nhiều lần của họ – tức là các thế hệ của xe tăng Chonma, từ Chonma-92 đến Chonma-98, rồi Chonma-214 là phiên bản mới nhất.

Do chính sách quân sự là trên hết và các mối quan hệ với Trung Quốc/Liên Xô (nay là Nga), Bắc Triều Tiên có thể duy trì một quân đội lớn với các thành phần được hiện đại hóa bằng thiết bị “hiện đại” như chúng ta vừa lướt qua. Chắc chắn, đây không phải là một quốc gia không có khả năng thi hành chiến tranh. Nhưng cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine đã phơi bày những mặt trái của ngôi làng Potemkin: Quân đội Nga chỉ đẹp khi duyệt binh, những vũ khí hiện đại bóng loáng của họ, chỉ đủ cho một chiến dịch con con. Việc đem những đặc điểm đó áp sang cho quân đội Triều Tiên là một hành động liều lĩnh và không công bằng: Triều Tiên chắc chắn không bao giờ có dạng chủ nghĩa tư bản hoang dã làm giàu bằng tham nhũng và buôn chính sách của nhóm lợi ích.

Do có vẻ trong sạch hơn, Triều Tiên có một số điều mà bây giờ chính chúng lại là lý do làm Putox phải quỵ lụy Kim Phì Lũ: nền sản xuất công nghiệp không bị tàn phá. Trong khi đó ở Nga là “30 năm đại tàn phá nền sản xuất công nghiệp” (credit Igor Girkin). Yếu tố thứ hai, là các khí tài hệ Xô-viết truyền thống mà Triều Tiên vẫn giữ được trong kho, nếu có thể thì… chuyển hết cho Nga. Bước đầu là đạn pháo, sau đó nếu tháo được nòng pháo thì tốt… hay là xe tăng?

Muốn như vậy, đây là một kế hoạch lớn – vì Triều Tiên sẵn có một nền công nghiệp sản xuất, nhưng khả năng cao là lâu không chạy hết công suất (để làm gì, và cũng chẳng đủ điện mà chạy) … Vì thế, Nga chắc chắn phải kéo dây cấp điện cho Triều Tiên, đó là cách nhanh nhất.

Nếu so sánh với quân đội Hàn Quốc, tôi cho rằng – như trên đây đã viết, quân đội Triều Tiên giống như quân đội Liên Xô, còn không được quân đội Nga hồi… chưa thua. Còn quân đội Hàn Quốc, chắc chắn đạt tầm quân đội Israel. Giữa hai miền, thì lực lượng miền Nam vượt trội về không quân và trình độ ứng dụng công nghệ, cũng như được hỗ trợ về tình báo và giám sát từ không gian thời gian thực. Do vậy các vũ khí công nghệ cao, chắc chắn hơn Triều Tiên nhiều tầm. Còn Triều Tiên, thì nhìn quân đội Nga sẽ suy ra được, không thể có trình độ cao ở một nước bế quan tỏa cảng như vậy được.

Về nhân lực, quân số của Triều Tiên được đánh giá là với 1.280.000 quân, khả năng rất cao thực sự chỉ tồn tại trên giấy tờ, như một con số tuyên truyền. Số lượng thực tế của những người lính “sẵn sàng chiến đấu” có thể chỉ bằng một phần tư (hoặc thậm chí ít hơn) con số đó.

Sở dĩ các nhóm phân tích quân sự quốc tế đi đến nhận định như vậy là do vấn đề lương thực của nước này: Năng lực nông nghiệp nhỏ và phụ thuộc nhiều vào Nga/Trung Quốc về lương thực. Như thế yếu tố hạn chế chính của CHDCND Triều Tiên chính là mối quan hệ của nước này với hai ông kẹ kia. Do mức độ quân sự hóa của Triều Tiên, họ vẫn có thể có một đội quân vượt xa chỉ tiêu khả thi trên tương quan với GDP của họ, nhưng sẽ có những đặc điểm khác:

- Thứ nhất – hạn chế quân số thường trực, quân đội chính quy, các đơn vị chủ lực… và đẩy mạnh đưa phần lớn những đơn vị còn lại về các địa phương để tham gia sản xuất. Theo một điều tra của nước ngoài, phần lớn những người lính KPA “đang tại ngũ” vẫn được thể hiện trong báo cáo quân số, đang phục vụ những vai trò tương tự như quân dự bị ở các quốc gia khác, chủ yếu làm việc tại các trang trại tập thể và trong các nhà máy với huấn luyện quân sự lâu lâu có một đợt. Đúng kiểu “ngụ binh ư nông.”

- Thứ hai – hạn chế chính những nguồn lực phân bổ cho quân số thường trực, quân đội chính quy, các đơn vị chủ lực từ nhiều góc độ từ trang bị, vũ khí, mức độ hiện đại hóa, dinh dưỡng suất ăn, quân trang, quân phục… và bù lại bằng chất độn trong suất ăn và chế độ luyện tập hà khắc.

Nhưng chắc chắn họ phần lớn không có khả năng tiếp tục kế hoạch trên đây nếu không có sự hỗ trợ từ Trung Quốc và Nga. Vì vậy nhìn chung, lực lượng vũ trang chính của Triều Tiên tức quân đội, là một lực lượng ba cấp: cốt lõi trung tâm (tạm coi là “quân đội chính”) tức là lực lượng chiến đấu thực sự, “quân đội” chung (thực ra chỉ là lực lượng dự bị) và lực lượng dự bị thực sự (nôm na là lực lượng dân quân tự vệ có được trang bị vũ khí từ chính phủ).

Nếu có chiến tranh giữa hai miền và nó trở thành xung đột chỉ cần hơi kéo dài thôi, Bắc Triều Tiên sẽ là bên hụt hơi trước về nguồn lực chung của toàn xã hội: lương thực thực phẩm. Tình thế đó sẽ đặt Trung Quốc và Nga vào thế khó: có hỗ trợ hay không – và chắc là Trung Quốc sẽ đẩy chuyện đó cho Nga, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay hay con ma bùn của thế giới này đã ký hiệp ước đồng minh về quân sự. Một kịch bản của cuộc chiến tranh Nga – Ukraine sẽ tái hiện với một bên có trình độ công nghệ cao, và bên kia thi hành chiến tranh truyền thống kiểu mấy chục năm trước đây.

Đến đây, sẽ có ý kiến thắc mắc về vấn đề tên lửa của Triều Tiên. Tại sao họ cũng có thể nói là nghèo – chính xác là đói, chứ không nghèo, nói Triều Tiên nghèo là sai. Nước có tiền đổ vào quân sự hóa và chạy đua vũ trang, không thể nghèo. Chẳng qua là người ta phát triển lệch lạc, những vấn đề như lương thực không được coi trọng, đồng thời hệ thống phân phối bất công, phi lý thì sẽ dẫn đến tình trạng đói của dân chúng.

Tầng lớp cao của xã hội Triều Tiên không nghèo đói. Họ có iPhone và điện thoại Samsung hàng nhái do trong nước sản xuất, họ có mạng internet, hệ điều hành riêng dựa trên Linux và không phụ thuộc Windows (riêng vụ này đập chết Cộng hòa Tây Phi). Họ có chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo và chương trình không gian vũ trụ. Rõ ràng là, họ không bị kẹt ở những năm 1960. Trong khi đó, Tây Phi chỉ tài buôn đất, lấp biển xây nhà bán và vênh váo vì sờ được vào cái iPhone vuốt vuốt, bị đụng đến là chửi cả thế giới.

Về xe tăng và tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo… nhìn cái Lexus của Kim Phì Lũ thì biết. Họ sẵn sàng sản xuất đơn chiếc với tiêu chuẩn cao. Hãy nhìn giàn xe của Ủn sẽ thấy, cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng rất nhiều tiền. Triều Tiên có nhân công giá rẻ, sẵn sàng mua bán “đá viên” amphetamin, sản xuất thuốc lá Camel giả và in đô-la người Mỹ còn không nhận ra không phải tiền của nước mình sản xuất.

Nhưng làm ít tên lửa dễ hơn là sản xuất 1.000 cái xe tăng, còn sản xuất 100 cái máy bay chiến đấu thế hệ mới thì càng khó. Sản xuất tàu chiến tàng hình thế hệ mới cũng khó không kém. Vì vậy ta không thấy Su-57 phiên bản Triều Tiên ở đâu cả, T-14 Armata sản xuất tại Bình Nhưỡng cũng chưa có.

Một nước trên bán đảo hai bên là biển, mà cũng không sản xuất được tàu chiến thế hệ mới… Hãy nhìn những tàu cá trôi dạt của Triều Tiên vào bờ biển Nhật Bản – chúng thảm hại như thế nào và trên đó là những ngư dân đã chết khô – chỉ vì ngư dân Trung Quốc xâm chiếm vùng đánh bắt và với tàu hiện đại hơn, mạnh mẽ hơn… chúng không dành cho ngư dân Triều Tiên cơ hội nào cả.

Nôm na là cứ cái gì dính đến chuỗi cung ứng, thì đến Nga còn chịu nữa là Triều Tiên. Câu chuyện nó cũng tương tự như bọn Dư Luận Viên xứ phía đông nước Lào hay nói: Mỹ còn phải nhờ tên lửa của Nga. Điều này đúng – với những sứ mệnh như lên trạm không gian quốc tế, thì dùng tên lửa Nga là quá hợp lý vì… rẻ, “trăm hay không bằng tay quen.” Nhưng chỉ cần hạ quả tên lửa xuống cái xà lan giữa biển như Space X đang làm, thì Nga của lũ Dư Luận Viên còn lâu mới làm được.  

Trong cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine, Nga cần rất nhiều thứ, nhiều nhất là… người. Nhưng những người lính đó không thể cởi truồng đi ra chiến trường, cũng như không thể nhịn đói. Triều Tiên có thể cung cấp cho Nga được 100.000 lính không? Chắc chắn là được, mà còn là lính thiện chiến. Nhưng để cung cấp cho 100.000 lính đó đủ điều kiện chiến đấu tốt, Nga không làm được. Sẽ phải mua tối thiểu 200.000 cái quần đùi vải cotton từ Trung Quốc, chưa nói đến áo giáp chống đạn. Kể cả lính có ăn kim chi trừ bữa, cũng phải cả trăm tấn một ngày.

Đạn pháo, thì Ủn đưa rồi. Nó nổ trong nòng và phá hỏng nòng pháo, thứ Nga đang rất thiếu. Tên lửa, Ủn cũng đưa rồi. Như thường lệ, nó lệch mục tiêu đến cả trăm mét, nhiều quả nổ ngay sau khi rời bệ phóng chục giây đồng hồ. Xe tăng, mang sang cháy bình thường.

Vì vậy cái xe bọc thép lắp tên lửa chống tăng ở trên, chắc Ủn nhờ Putox thử hộ mà thôi. Vô nghĩa.

2. Vài nét về chiến trường

Nga vẫn thắng như chẻ tre. Báo chí xứ phía Đông nước Lào giật tít “tiến như vũ bão” (chiếm hai làng, he he).

Đã có con số thống kê số pháo binh của Nga bị tiêu hủy, đúng tháng Bảy là cao nhất cuộc chiến luôn: 1.520 cỗ. Xe tải và xe bồn cũng đạt kỷ lục của cuộc chiến: 2.103 cái. Đến giữa tháng Tám là chúng ta có thể khẳng định sắp hết hay chưa rồi. Xin xem biểu đồ kèm theo. Nhân lực: số kiện hàng 200 hôm qua tăng vọt.

Hóng tin các diễn đàn Nga, trong những thành viên khách quan thì tâm lý bi quan đã bắt đầu phổ biến: lính Nga tại các đơn vị trên chiến trường bắt đầu suy sụp. Đầu tiên, là không nhận được những khoản tiền đã được Bộ Quốc phòng hứa. Sau đó, là đói: đói cả thức ăn, nước uống và đạn dược. Sau đó nữa, là không đủ xe cộ, người bị thương không đưa về tuyến sau được, chết rất nhiều. Tinh thần xuống thê thảm mà vẫn bị xua lên tấn công, khi không đủ đạn. Đã có những đợt tấn công không pháo hỗ trợ, và đi bộ không có xe bọc thép chở quân.

Thê thảm !

Trong khi đó thì tin F-16 về Ukraine xuất hiện không đúng lúc chút nào. Kèm theo nó là đủ thứ… option đi kèm: nào là túi khí, nào là ESP, ABS… ấy nhầm; là bom GBU, JDAM, AGM-88… Ngay lập tức, Konashenkov bắn cháy luôn 21 chiếc F-16.

Có vẻ như các dự đoán của tôi đang tỏ ra là đúng, kể cả là về thời điểm. Hôm 27/07, The Telegraph đã có bài báo: “Cuộc tấn công mùa hè của Nga đang thất bại như thế nào – và điều đó có ý nghĩa gì đối với Ukraine”. Họ khẳng định, đòn tấn công lớn của Điện Kremlin được cho là sẽ chấm dứt chiến tranh – nhưng không có bước đột phá lớn nào hoặc sự sụp đổ của Ukraine.

Nhận xét. Điều này sẽ làm suy giảm nghiêm trọng sức mạnh của bộ máy quân sự Nga và mở ra cơ hội cho Ukraine.

Thứ nhất. Tôi đã khẳng định với quý vị vào ngày 10/05 rằng, cuộc tấn công của Nga vào bắc tỉnh Kharkiv chắc chắn sẽ không đi đến đâu, vì nguồn lực của chúng không đủ, bất chấp gần như tất cả các KOL, kể cả ông ghét Nga nhất, hung hăng nhất cũng tỏ ra bi quan và dọa mọi người bằng những lời lẽ rùng rợn. Thậm chí, tôi còn thấy hơi tiếc vì Nga không thể đánh mạnh hơn (và tiêu tốn nhiều hơn) – nhưng cái tiếc này là liều, vì chính khi đó Ukraine cũng có những vấn đề và những khó khăn nghiêm trọng.

Thứ hai. Dựa trên những tính toán và phân tích thông tin công khai, tôi đi đến kết luận cùng một số chuyên gia nước ngoài khác, cho rằng nguồn lực của Nga về xe tăng, xe bọc thép và pháo binh sẽ cạn kiệt trong vài tháng tới – thời điểm tôi có kết quả tính toán là khoảng tháng Sáu. Gợi ý từ những người bạn nước ngoài từ tháng Hai năm nay.

Thứ ba. Những vấn đề về nhân lực – Putox rất muốn làm một đợt động viên nữa, nhưng vấn đề nhân khẩu học là rào cản lớn nhất. Tiếp theo là những vấn đề về tài chính và cuối cùng là văn hóa: không dám đụng đến thành phần người Nga ở các thành phố lớn – đây là những rào cản không cho hắn động viên thêm. Nếu bây giờ thêm một đợt động viên, sẽ lại có một trận di cư nữa tiếp theo trận tháng 9/2022. Nhóm những người đáng nhẽ ra phải có con trong thời điểm hiện tại, thì lại phải ra mặt trận hoặc bỏ trốn ra nước ngoài.

Do vậy, với câu hỏi rằng liệu Nga có tổ chức một chiến dịch mùa thu nữa hay không – tôi thường trả lời: đến chiến dịch mùa hè còn chưa xong, đã vội nói mùa thu! Để chuẩn bị một chiến dịch như vậy sẽ đòi hỏi nguồn lực rất lớn, chẳng hạn từ ba cái thứ đang cạn kiệt trên đây, và nhân lực.

Trong khi đó, chiến lược của người Ukraine vẫn tiếp tục và dù nó được thể hiện rất rõ, bọn Nga không có cách gì chống được: Một ngày đốt 60, 70, thậm chí 100 cái xe tải và xe bồn. Không có xăng, xe tăng không chạy được. Không có đạn, pháo không bắn được. Không có ăn, lính chỉ có chạy, càng đông, càng chạy.

Bài trước tôi có viết: Nga không có mục tiêu chiến lược cụ thể. Bây giờ chúng cố có kết quả ở chỗ nguy nan nhất cho Ukraine là Pokrovsk, cứ cho là kết thúc chiến dịch này tức là hết mùa hè, một tháng rưỡi nữa tiến được đến và chiếm được Pokrovsk đi, thì cũng chẳng đem lại thay đổi gì cho cục diện chiến tranh cả. Trong thời gian sa đà đó, mất quá nhiều quân và lại bị bào mòn như hiện nay vẫn đang bị, thì chiến tuyến của chúng có thể vỡ bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào.

Tôi vẫn tin là tháng Tám này có diễn biến đáng kể.

PHÚC LAI 01.08.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.