Mấy tuần trước có viết về một bạn Mỹ da đen trong toán, anh rất ngoan đạo, bên bàn làm việc có cuốn kinh thánh, và trước khi ăn luôn luôn cúi đầu đọc kinh vài giây. Anh ấy lại hát hay, đặc biệt bài ca đồng quê có tựa đề “Tự Do” của Zac Brown Band.
Hôm nay anh ấy về nước. Toán mình chỉ còn lại ba người nên cũng buồn buồn. Mọi người nhảy lên chiếc pick-up lái tới một nhà bàn gần sân bay, để sau khi ăn thì đưa anh ấy đến trạm đợi chuyến C130 chở về Bộ chỉ huy ở một quốc gia lân bang.
Khi chia tay, anh em ôm nhau vai kề vai, tay vỗ mạnh vào lưng nhau. Cảm thấy như vỗ vào một bức tường xi măng cứng, vì ai cũng mặc áo giáp và bên trong áo giáp có miếng sành rất nặng và cứng. Ôm và vỗ lưng là cách bày tỏ sự gắn bó của những người viễn chinh sống và làm việc bên nhau.
Ngày mới tới, vì vai vế nên mấy sĩ quan trẻ gọi xạ thủ là Sir rất nghiêm túc. Nhưng mình không thích zậy. Đã chạy trốn sự quan liêu cứng ngắc của Washington DC, thì không có lý do để khuyến khích một phong cách táo bón trầm trọng thứ hai. Nên mình yêu cầu mấy anh trẻ hãy gọi xạ thủ bằng tên “first name”. Mình gọi các bạn trẻ là “Brother” (người anh em), và rất zui khi họ bắt đầu gọi lại bằng tên gọi hay cũng Brother.
Khi ngồi ăn trưa với nhau, bốn anh em ngồi một bên dãy bàn để nhìn lên cái màn hình ti vi lớn treo trên bức tường đối diện đang chiếu cảnh tranh giải thể thao Olympic gì đó. Đang vừa ăn vừa coi ti vi thoải mái như ở quê nhà, thì một toán bộ binh súng ống tua tủa đi hàng một vào nhà bàn.
Vô tình họ kéo nhau đến ngồi trước mặt và bên cạnh toán mình. Họ là những binh sĩ rất trẻ, tuổi khoảng 20. Tuổi vừa xong trung học hay mới bước chân vào khung trời đại hoc. Nhưng họ đã rời xa mái ấm gia đình để đến đây.
Họ thấy toán bốn người mình có vẻ senior “niên trưởng” nên họ cúi đầu khép nép im lặng ăn. Thấy thương nên xạ thủ quay qua một anh trẻ bên cạnh bắt chuyện. Họ mặc quần short áo thun dân sự nên hỏng biết đơn vị nào. “Các bạn là Lục Quân, Army?”. Anh bạn trẻ gật đâu. Xạ thủ hỏi tiếp “Đơn vị nào?”. Bạn ấy cho biết thuộc một tiểu đoàn Bộ Binh.
Họ ăn vội vã rồi đứng dậy. Sau khi xạ thủ đã đập bể tảng băng quan liêu cứng ngắc thì các bạn trẻ đùa giỡn với nhau tự nhiên, để lộ ra họ chỉ là những cậu học trò thơ ngây chưa có hận thù. Xạ thủ xin phép chụp hình họ thì họ vui vẻ gật đầu, rồi hai binh sĩ da trắng da đen ôm nhau thân thiết giỡn cợt để mình chụp. Rồi họ đề nghị lấy điện thoại mình để chụp chung với anh toán viên da đen sắp sửa về nước. Khi chia tay anh em cụng nắm đấm với xạ thủ. Tình thân ấy như trong gia đình, không thể tìm thấy ở những thành phố bon chen vì tiền tài danh vọng.
Cũng buổi sáng hôm nay Chủ Nhật họp trực tuyến với ban chỉ huy đóng ở một quốc gia lân bang. Có sự tham dự của nhiều thành viên ở vài căn cứ xa xôi. Con số tham dự họp trực tuyến khoảng 35 – 40 người. Thông thường khi bật laptop để họp thì micro-phone tự động khóa “Mute”. Hỏng hiểu sao hôm nay nó hỏng khóa mà mình hỏng biết.
Đêm qua thức khuya nên rất mệt. Buổi sáng không ăn sáng nên rất đói. Họp trực tuyến hỏng bật camera nên hong ai biết hình thù của gã xạ thủ ra sao. Lại ngồi một mình trong phòng nên đâu cần phải giữ kẽ. Gắn ống nghe “headset” vào hai tai. Dĩ nhiên cần micro-phone chĩa ngay khóe miệng và mình đinh ninh nó đã khóa.
Vừa lắng nghe phiên họp trang trọng, có cả một vị sĩ quan Chỉ huy trưởng tham dự. Xạ thủ vừa bẻ một thẻ bánh năng lượng ra nhai ngồm ngoàm vừa lắng nghe phiên họp đang khai diễn. Ăn bánh xong thì bột dính đầy răng rất khó chịu. Xạ thủ quơ tay lấy chai nước uống cho bớt mắc nghẹn, xong hớp thêm một hớp rồi súc miệng. Chưa hết, vài phút sau cảm thấy mỏi lưng nên ngửa người ra ghế vươn tay ngáp dài miệng rú lên rền rĩ mệt mỏi.
Ngáp dài xong vô tình nhìn lên màn hình trực tuyến thì chết mẹ gồi. Giờ mới thấy cái nút khóa “mute” nó hỏng khóa. Tức là micre-phone “nóng”. “Hot Mike”. Xạ thủ bật qua chế độ khóa ngay và cảm thấy choáng váng mặt mày, tim đập mạnh. Lỡ rồi tính sao giờ? Phiên họp vẫn tiếp diễn, mọi người lạnh lùng “cool” không phản ứng hay nói gì, vì dù sao mình vẫn là ma mới đến từ thủ đô Washington DC, và họ vẫn chưa biết nhiều về mình.
Buổi trưa sau khi đưa anh toán viên ra sân bay. Quay về phòng làm ziệc thì thấy ông sếp ở Bộ chỉ huy ở nước lân bang nhắn tin “How are you?” Anh mạnh giỏi hong? Mình trả lời ngắn gọn “Tui tốt. Ông cần tui chiện gì”. Sếp lúng túng “Hỏng có gì cả, “Nothing”. Thấy hơi lạ nên xạ thủ gắn ống nghe gọi sếp và nói “Tui muốn nói chiện với ông chút xíu được hong”. Sếp nói đang bận ráng chờ đi. Đến gần chiều tối sếp gọi lại và nói chiện rất lâu.
Sếp lịch sự hỏng nhắc chiện micro-phone nóng nhưng bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc”. Mọi chiện OK chớ? Có vấn đề trở ngại nào không? Mày có bạn ở đó không? Mình nói quen với mấy anh lính cũng đỡ buồn. Sếp ân cần nhắc bất cứ lúc nào cần nói chiện tâm sự thì cứ gọi sếp.
Sếp đề nghị nếu có vấn đề không ổn ở đó thì sếp sẽ đưa về làm việc ở Bộ chỉ huy an toàn hơn. Xạ thủ hết hồn. Thôi ông à, tui không thích sự cứng ngắc nơi sân cờ, ông đi qua bà đi lại, nườm nượp hỗn độn làm tui rối trí hơn. Tui thích ở đây, tuy hơi cô độc nhưng ít bị ai làm phiền. Lâu lâu bị pháo kích chút xíu thì cũng quen thôi. Khả năng hỏa tiễn rớt trúng miệng hầm thì khó bao giờ xảy ra. Sếp cũng thú nhận tao cũng hỏng thích không khí rối rắm ở Bộ chỉ huy ha ha.
Nơi đây buồn, gian nan hiểm nguy, nhưng có tình cảm chân thật của con người. Nơi đây đâu còn gì để đóng kịch để gian dối. Mình cũng đã bỏ thói quen đi đâu cũng phải khóa cửa như ở quê nhà. Mỗi lần đi ăn là gặp lính quen, chỉ gật đầu mỉm cười chào nhau là như quên bớt nhọc nhằn lo âu trong cuộc sống.
BÔNG LAU 05.08.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.