dimanche 5 mai 2024

Phúc Lai - Vụ sách "nhạy cảm" ở trường quốc tế tại TPHCM: Vẽ đường cho hươu chạy?

 

Hôm qua có cô bạn nhắn: Vụ sách “nhạy cảm” ở trường quốc tế trong này hót hòn họt thế mà không thấy “dáo xư” có ý kiến gì? Tôi phải hỏi lại: vụ gì nhỉ?

Đang mải review toàn những ATACMS với đường tàu, xe tải với vòng bi, ai mà để ý được mấy chuyện… xẹc-xi của các cháu. Thế là mụ bạn phải gửi một số link và thấy... quả cũng thú vị.

Tôi lần mò đọc những ý kiến trái chiều trước. Chẳng hạn ngay một ông bạn Facebook của tôi viết - khi đó đọc bài này tôi chẳng hiểu đang có chuyện gì - anh này cho rằng phụ huynh 40 tuổi rồi đọc những dòng văn đó thấy “mắc cỡ” là một não trạng không phù hợp với trường quốc tế.

Xin trích đoạn đó về đây, và quả thực tôi cũng không hiểu rõ lắm về ý tác giả: “Phụ huynh có tiền cho con đi học, rồi tâm tư kiểu tui nay hơn 40 tuổi rồi mà đọc những dòng văn đó mà tui mắc cỡ, đỏ mặt, rợn người blah blah thì đúng là não trạng này nên cho con đi học trường Việt để không tiếp xúc, không phải đọc thể loại văn chương gì mà gớm ghiếc, xếch xiếc không phù hợp với lứa tuổi và đạo đức, văn hóa người Việt nha hơm quý phụ huynh ơi.”

Đầu tiên, tôi nghĩ chúng ta phải thừa nhận với nhau một điều rằng: Học ở đâu, trường quốc tế hay trường Việt Nam thì việc học sinh tìm hiểu về vấn đề tình dục, là không thể tránh khỏi. Với trường hợp “sách nhạy cảm ở nhà trường” này, thẳng thắn mà nói nếu cháu nào để đến lớp 11 mới tìm hiểu về những vấn đề tình dục, thì là muộn. Tuổi tò mò muốn tìm hiểu còn trước đó vài năm – khoảng 2 năm với nam sinh và 3 năm với nữ sinh.

Trong cuốn Bố bỉm sữa dạy con thành công dân toàn cầu tôi có kể chuyện vào năm lớp 8 ông con tự dưng thích xem bóng đá ngoại hạng Anh. Cậu mò mẫm tìm cách xem trên mạng các kiểu, và cuối cùng đề nghị cho lắp bộ K+. Tôi nói với mẹ hắn: Lắp ngay lập tức! Bà ấy hỏi lại: Thế không sợ nó xem bóng đá tối ngày khỏi học à? Tôi bảo là, nó không mê đến mức xem tất cả các giải đâu, ngoại hạng Anh thì một tuần có mấy trận, cho nó xem. Bây giờ ông con của chúng ta còn đang thích những thú vui lành mạnh đó thì phải để cho xem, phân tâm khỏi những cái độc hại chứ!

Trong sách, tôi đề nghị phụ huynh nên xây dựng cho con nếp sống lành mạnh từ nhỏ, đó là lấy thể thao và các hoạt động xã hội làm nền tảng. Con của chúng ta nếu có thể thao, những quan tâm đến chuyện giới tính, quan hệ tình dục… sẽ vẫn còn, đó là tự nhiên của con người nhưng sẽ giảm đi nhiều. Và kể cả trong cái sự quan tâm đó, chúng sẽ dễ kiềm chế hơn nhiều. Điều này đã được viết trong nhiều sách cả về giáo dục lẫn thể dục thể thao chứ không phải do tôi nghĩ ra.

Về quan niệm “vẽ đường cho hươu chạy” – tôi cũng viết trong cuốn sách đã dẫn: Không vẽ chúng cũng vẫn cứ chạy, mà khi đó thì chắc chắn là chạy ngu. Vừa rồi lớp con gái tôi xảy ra một chuyện: Hai cháu nữ “yêu nhau” đến cả năm, trưa nào cũng ôm ấp nhau làm chuyện gì đó trong chăn lục xà lục xục, mà không ai biết. Đó ! Có vẽ hay không vẽ, thì hươu đến lúc thích nó vẫn chứ chạy, không những thế còn chạy tít mù giời, chạy những con đường không ai lường được ấy. Hai cháu này không hẳn là đồng tính luyến ái, mà cho rằng việc hai bạn gái ôm ấp nhau, làm cho nhau thỏa mãn thì… chưa hại bằng quan hệ với bạn trai.

Quay lại với “vẽ đường”, nhiều bố mẹ cũng nhắn tin hỏi tôi: Bác ơi, vẽ như thế nào hả bác? Tôi có nói rằng: Việc giáo dục giới tính là quan trọng, nhưng không nhất thiết bố mẹ phải làm giống như ở nhà trường đang làm, tức là có những tiết học về giáo dục giới tính. Việc tự tìm hiểu của các con trong thời internet là chắc chắn sẽ diễn ra, và không có người lớn nào kiểm soát được chuyện đó. Việc làm này với cha mẹ, phải làm sớm hơn.

Ví dụ như trong cuốn Chuyện con chuyện cha tôi có kể chuyện “cái chìa khóa”. Khi con trai còn nhỏ xíu mới bắt đầu đi học mầm non, đã quan sát thấy các bạn gái ở lớp có sự khác biệt về cơ thể và về… hỏi ngay. Đó là những cơ hội cực kỳ tốt để tìm cách kể cho con nghe những câu chuyện về giới tính, còn nội dung như thế nào thì… bố mẹ nên mua sách đọc, có nhiều sách về vấn đề này lắm.

Vì vậy, điều quan trọng hơn cả là thái độ của bố mẹ trong gia đình: Tranh thủ mọi cơ hội để nói chuyện, trao đổi với các con và không né tránh. Trong thời gian đó bố mẹ phải học hỏi không ngừng để biết phải nói với con những gì. Đó chính là vẽ. Trong Bố bỉm sữa dạy con thành công dân toàn cầu tôi có phê phán cách tiếp cận của thời cha mẹ chúng ta, hầu hết là “dập tắt từ trong trứng” làm cho chuyện tình dục trở nên vấn đề cấm kỵ, càng tò mò một cách thiếu hiểu biết, thì càng dễ sinh ra rắc rối. Thời tôi là học sinh – thế hệ sinh đầu những năm 1970 cũng đã đầy chuyện rồi, chứ không phải đến bây giờ mới nhiều. Chẳng qua hồi đó chưa có mạng xã hội nên… giấu diếm được mà thôi.

Đó là từ góc độ thông cảm. Nhưng nhìn chung tôi theo chủ nghĩa chắc chắn, chặt chẽ nên khi nhìn sự việc “giới thiệu sách,” là không ủng hộ. Cũng vẫn trong cuốn sách đã trích dẫn trên đây, tôi có viết nhiều đến “nhân sinh quan về hoạt động tình dục” của con người. Có lẽ vì tôi là người chặt chẽ, nên không có quan điểm thoải mái về tình dục cho lắm. Đặc biệt chia sẻ quan điểm với ông Các Mác: Bản thân tình dục không xấu khi nó là kết quả của tình yêu – nghĩa là việc đó phải diễn ra khi có tình cảm. Có những người hỏi tôi: Tình dục là nhu cầu tự nhiên của con người, với những người không có gia đình, thì làm sao? Cứ phải đi yêu lung tung lên để thỏa mãn nhu cầu xác thịt à? Đây là một câu hỏi khó.

Cá nhân tôi thì rất dị ứng với kiểu à ơi, nhiều bố lên mạng chơi cứ thấy phụ nữ “có vẻ đơn thân” là xông vào tán, nhắn tin gọi điện các kiểu, cứ như dụ người ta lên giường được đến nơi. Mà hầu hết các bố đó có gia đình rồi chứ. Họ cho rằng, phụ nữ cũng có nhu cầu về xác thịt và mình hoàn toàn có thể lợi dụng được – đây là một trong những sai lầm nghiêm trọng của mấy lão già dê. Tôi có thể tính ra cho các lão đó hàng chục cô bạn tôi, đơn thân sống mấy chục năm chẳng cần mấy con dê đực đó, mà rất lành mạnh. Họ có thể thao, có các hoạt động văn hóa, văn nghệ… cực kỳ cân bằng.

Nói những chuyện này để chúng ta cùng hiểu, dù tình dục là nhu cầu tự nhiên, nhưng chúng ta là con người. Mà con người thì có lý trí, có tâm hồn… nếu không thì chúng ta không còn là con người nữa. Vì vậy, cái câu “đó là nhu cầu tự nhiên, vì vậy phải có cách để giải quyết nó nếu không có điều kiện” là câu ngụy biện nghiêm trọng. Con người sống biết cách làm cho cuộc sống của mình nó đẹp đẽ hơn, có ý nghĩa hơn và lành mạnh hơn, thì sẽ không cần phải đặt vấn đề đó ra khi “không có điều kiện.”

Từ những tâm sự trên, tôi muốn nói rằng ngay từ tấm bé, các con của chúng ta nên được giáo dục về một thái độ đúng đắn trong vấn đề tình dục: Quan tâm đến nó là đúng, nhưng nó phải được đặt lên nền tảng của cái đẹp của tình cảm giữa con người với con người. Trong tương quan đó, không có chỗ cho những nhục dục của việc đi mua dâm, hay những trò hiện nay nam thanh niên lên mạng khoe thân để đi tìm các chị sồn sồn có khả năng tài chính “bao” họ ăn chơi. Lại càng không có chỗ cho những lão già râu tóc bạc phơ còn cố đóng vai trai lơ đi tán gái online.

Với xuất phát điểm là các nhãn quan này, tôi cũng cố gắng xây dựng cho các con thái độ như vậy. Nhờ bà xã mua vé online cho con trai để đi xem phim cùng một bạn nữ, nhưng vẫn dặn: Con rủ được bạn đi xem, đã là một sự tin cậy của cả bạn lẫn gia đình bạn đặt lên con rồi. Có rất nhiều tò mò, cám dỗ dẫn đến thách thức, nhưng chẳng có gì quan trọng bằng thể diện, tôn nghiêm của mình cả, nhất là khi mình là đàn ông. Vì vậy, con hãy cố gắng để cho bạn tôn trọng mình, dù sau này các con có đi đến quan hệ nào cao hơn, thì bạn nghĩ về con bằng những tình cảm tốt đẹp nhất.

Đó là với con trai – tôi mong cháu cư xử tôn trọng với các bạn khác giới, ngay cả khi đã có tình yêu thì, giữ được cho nhau càng được nhiều thì càng tốt, và luôn luôn phải cư xử có trách nhiệm. Còn với con gái, khi chưa có gia đình mọi hành động dại dột phần hậu quả nghiêm trọng đều phản gánh chịu đầu tiên, thì càng phải giữ.

Vì thế, câu chuyện của cuốn sách được giới thiệu trong cái trường quốc tế kia không phải là vấn đề của giáo dục giới tính hay vẽ đường cho hươu chạy. Mà ai cũng có thể đọc được những đoạn văn trong đó, hoàn toàn là chuyện mô tả các nhục cảm có được từ quan hệ xác thịt, điều theo tôi là có hại. Như vậy vấn đề ở đây đâu là giới hạn sẽ được đặt ra: Bức tranh khỏa thân nghệ thuật nó hoàn toàn khác với cuốn phim khiêu dâm. Ngay cả bức tranh “Khởi nguồn của thế giới” vẽ bộ phận sinh dục nữ một cách trực diện, nhưng với người khác không biết thế nào, với tôi khi nhìn thấy nó hoàn toàn không có một cảm xúc nào về mặt xác thịt, khi biết nó là một bức tranh vẽ. Trong khi đó những hình vẽ tục tĩu do những kẻ bệnh hoạn vẽ bậy trên tường thì thường lại đem lại cảm giác khó chịu.

Đến đây phải viết đôi dòng về “học đàn, học vẽ”. Nhiều phụ huynh cứ biết ép con đi học đàn với họa từ bé, chỉ để cho có, tức là thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào, mà không biết mục tiêu của việc đó là để làm gì. Mục tiêu của những hoạt động này không phải là để con mình trở thành nhạc công hay nhạc sĩ, mà trước hết là giáo dục thẩm mỹ, tức là con các bố các mẹ phải biết như thế nào là cái đẹp. Rất nhiều bố ngồi hàng bia khuya mới về, ợ ầm ầm lên rồi quát con: Mày tập đàn chưa ? Thật là phỉ báng nghệ thuật.

Chính những xúc cảm thẩm mỹ sẽ giúp con chúng ta giữ được cái trung dung trong vấn đề xác thịt. Khi chúng muốn hướng tới cái đẹp, cũng có nghĩa là muốn có những cảm xúc đẹp, mà cái đẹp đó còn phải tồn tại cho đến tận khi về già. Đó mới chính là cái đích hướng tới của giáo dục.

Vì vậy việc giới thiệu những cuốn sách như vậy khi chưa rõ có làm được việc làm cho học sinh hiểu được giữ cho mình đẹp đẽ trong mắt lẫn nhau và cuộc đời, thì đúng thật là rất dễ gây băn khoăn.

PHÚC LAI 05.05.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.