jeudi 31 janvier 2019

Việt Nam : Những người nông dân đứng lên giữ đất

Một chỉ huy cảnh sát cảm ơn dân làng Đồng Tâm đã thả các con tin ngày 22/04/2017.

Mong muốn tăng trưởng, Việt Nam dựa vào đà tiến của kỹ nghệ với việc sử dụng nhiều nhân công và phát triển địa ốc, nhưng không quan tâm mấy đến hậu quả cho môi trường và đất nông nghiệp. Điều này gây phẫn nộ cho giới nông dân.
Cưỡng chế đất : Nguồn gốc gây căng thẳng trong xã hội Việt Nam 

Tác giả Pierre Daum trên Le Monde Diplomatique dẫn ra một trường hợp độc đáo tại làng Đồng Tâm ở ngoại ô Hà Nội hồi tháng 4/2017. Hàng trăm người dân biểu tình từ nhiều tháng chống lại việc lấy đất cho một dự án địa ốc. Họ đã dám bắt giữ 38 cảnh sát cơ động được điều đến để cưỡng chế. Thay vì dùng đến vũ lực, chính quyền Việt Nam đã gởi chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội Nguyễn Đức Chung đến thương lượng với những người bắt con tin. Cuối cùng dân làng đã thả các « tù nhân », đổi lấy lời hứa bồi thường thỏa đáng.
Đây không phải là trường hợp duy nhất. Tại Nam Ô ở miền trung vốn nổi tiếng về nước mắm, nhiều gia đình hiện đang từ chối rời bỏ nhà cửa để nhường chỗ cho dự án xây dựng một khu du lịch rất lớn. Khu vực này nuốt trọn diện tích bờ biển, khiến ngư dân không thể ra biển đánh cá cơm, nguyên liệu thiết yếu để làm món nước chấm truyền thống.

mercredi 30 janvier 2019

Cấm vận dầu lửa Venezuela : Vũ khí hạng nặng của Mỹ

Các thiết bị khoan dầu ở Cabimas, Venezuela. Ảnh chụp ngày 29/01/2019.

Venezuela, Hoa Vi, đó là hai hồ sơ chính của các báo Pháp hôm nay 30/01/2019, bên cạnh đó là việc đánh thuế GAFA. Le Figaro nhận định « Washington tìm cách bóp nghẹt Caracas » : Venezuela không còn có thể xuất khẩu dầu lửa qua khách hàng chính yếu và hầu như duy nhất, đó là Mỹ.

Cấm vận dầu lửa Venezuela : Mỹ đã tung đại pháo

Washington đã quyết định tung ra vũ khí hạng nặng để chống lại chế độ Nicolas Maduro. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin loan báo sẽ phong tỏa tất cả tài sản của tập đoàn dầu khí quốc doanh PDVSA, và mọi khoản tiền chi trả mua dầu từ nay sẽ chuyển vào một tài khoản được đóng băng. Số tiền mua dầu trong năm nay là khoảng 11 tỉ đô la, và tài sản của PDVSA tại Hoa Kỳ khoảng 7 tỉ đô la.

Tổng thống Maduro giận dữ tuyên bố quyết định của Mỹ là « bất hợp pháp, đơn phương, vô đạo đức, đáng lên án », « lời kêu gọi thẳng thừng làm đảo chính ». Về phía ông Juan Guaido loan báo sẽ bổ nhiệm một ban giám đốc mới cho tập đoàn dầu khí để « thu hồi một ngành kỹ nghệ đang trong tình trạng thê thảm. Mục đích là nhằm tránh một khi rời quyền lực, những kẻ đã vơ vét mọi thứ ở Venezuela có thể đánh cắp những đồng bạc cuối cùng ». 

Nguyễn Quang Duy - Quyền Bày Tỏ Chính Kiến Của Trẻ Em tại Úc



Diễu hành mừng Quốc khánh Úc. Ảnh Courrier Australien.

Đối với người Úc Quốc khánh, quốc kỳ và quốc ca chỉ là biểu tượng nên thường được mang ra tranh luận. Bởi thế ngay từ khi còn rất nhỏ trẻ em Úc đã được khuyến khích công khai bày tỏ chính kiến về ba biểu tượng kể trên. Nhân Quốc Khánh Úc 26/1/2019 xin được lấy vài dẫn chứng để thấy được việc giáo dục “chính trị” tại học đường Úc.

Kêu gọi đổi ngày Quốc khánh

Trước đây ít hôm, chương trình ABC Úc cho công bố một bức thư viết tay của 1 cô bé gởi cho chính giới Úc lời văn như sau:

“Chính giới kính mến,

“Tôi nghĩ rằng Quốc Khánh nên được tổ chức vào một ngày khác, vì ngày 26/1 là ngày chúng ta đánh cắp nước Úc từ tay những người thổ dân. Đó là một ngày người thổ dân cảm thấy rất buồn và tôi không nghĩ điều đó là đúng. Nó giống như chúng ta ăn mừng vì đã giết rất nhiều rất nhiều thổ dân."

lundi 28 janvier 2019

Venezuela và sự thức tỉnh của phương Tây


Thủ lãnh đối lập Juan Guaido và vợ trong vòng vây báo chí.

(Patrick Saint-Paul, Le Figaro 28/01/2019) Nay thì dường như không gì có thể chận lại cuộc chiến đấu cho tự do của người dân Venezuela. Sau nhiều năm chia rẽ trước một chế độ tham nhũng đã đưa đất nước đến bờ vực sụp đổ, đối lập rốt cuộc đã thành công trong việc tập hợp lại sau lưng một người, đó là thủ lãnh đối lập trẻ tuổi Juan Guaido.

Nhưng tại Venezuela còn một ván cờ nữa, vượt quá khát vọng chính đáng của một dân tộc : một thế giới bị chia làm hai khối.

Cuộc khủng hoảng đã đưa thế giới chúng ta vào sâu hơn trong một cuộc chiến tranh lạnh mới. Không còn là các nước dân chủ phương Tây chống lại các chế độ cộng sản, mà là hố sâu giữa mô hình tự do và các chế độ toàn trị do những nguyên thủ độc tài lãnh đạo.

Nga lo sợ thay đổi chế độ ở Venezuela



Hai tổng thống Venezuela và Nga tại Matxcơva ngày 05/12/2018. Ảnh Maxim Shemetov
(Pierre Avril, LeFigaro 28/01/2019) Matxcơva tố cáo sự can thiệp của phương Tây vào chuyện nội bộ của Caracas, đồng minh chiến lược quan trọng duy nhất của Nga tại Nam Mỹ để chống lại ảnh hưởng của Washington.

Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng hôm 21/1, Matxcơva đã tập trung sức lực vào cuộc chiến chống lại mưu toan « đảo chính ở Caracas do Washington bảo trợ », theo quan điểm của điện Kremlin về cuộc so găng giữa người được bảo trợ là Nicolas Maduro và Juan Guaido, « một người bước ra từ đường phố » - như đánh giá của chủ tịch Quốc hội Nga Viatcheslav Volodine.

Cùng với đồng minh Trung Quốc, chính quyền Nga hôm thứ Bảy 25/1 cố gắng cản trở cuộc tranh luận tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, tố cáo « sự can thiệp » của phương Tây vào « chuyện nội bộ của Venezuela ». Theo Reuters, có ít nhất mấy chục lính đánh thuê liên quan đến công ty Wagner thân cận với Bộ Quốc phòng, trong những ngày gần đây đã bay từ La Habana đến Caracas để bảo đảm an ninh cho tổng thống Maduro.

dimanche 27 janvier 2019

Lính đánh thuê Nga sang Venezuela bảo vệ Maduro?

Một thủ lĩnh bán quân sự chuyên tuyển mộ người Nga đi đánh thuê tại Syria, chấp nhận trả lời phỏng vấn đài France 24 ngày 23/02/2018. Ảnh chụp màn hình.

Theo bản tin Reuters ngày 25/1, một số lính đánh thuê Nga đã bay sang Caracas để bảo vệ an ninh cho ông Nicolas Maduro. Thông tin này được một cựu vệ sĩ nay là người đứng đầu một nhóm cô-dắc chuyên bảo vệ yếu nhân, xác nhận với Le Monde hôm qua 26/01/2019.

Ông Evgueni Chabaiev khẳng định đã được một thành viên trong nhóm « viễn chinh » này thông báo. Cựu lính đánh thuê nói với tờ báo Pháp : « Hôm 21/1 (tức là ba ngày trước khi nhà đối lập Juan Guaido tuyên bố tổng thống lâm thời), một nhóm chuyên bảo vệ các nhân vật quan trọng mà tôi quen biết vì đã từng trợ giúp pháp lý cho họ, vừa từ Gabon trở về, đã nhận được một đơn đặt hàng khẩn cấp thuê 400 người ».

Chabaiev cho biết thêm chi tiết : « Trong đêm 22 rạng 23/1, một chuyến bay đặc biệt đã đưa họ đến Cuba. Họ không biết địa điểm lẫn thời điểm làm nhiệm vụ, nhưng một người trong nhóm gọi điện từ La Habana cho thân nhân, nói rằng sẽ đi trên một chuyến bay thương mại đến Caracas ».

Venezuela : Được quốc tế ủng hộ, Guaido gia tăng áp lực

Lãnh tụ đối lập, chủ tịch Quốc hội Venezuela, Juan Guaido phát biểu với những người ủng hộ tại Caracas ngày 26/01/2019.

Được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều nước trên thế giới, tổng thống Venezuela tự phong Juan Guaido hôm nay 27/01/2019 kêu gọi người dân tiếp tục xuống đường, đồng thời đề nghị ân xá cho tất cả các quân nhân quay lưng với chế độ Nicolas Maduro.

Từ hôm qua, ông Guaido đã khởi động các cuộc tham vấn nhân dân trên toàn quốc, nhằm phổ biến đường lối của đối lập trong khi toàn bộ báo chí đã bị chính quyền Nicolas Maduro khống chế. Thông tín viên RFI Benjamin Delille đã đến quảng trường Alfredo Sadell ở Caracas, nơi thủ lãnh đối lập thu thập ý kiến về luật ân xá, tường thuật :

Trong suốt buổi sáng, các dân biểu thay nhau lên diễn đàn để giải thích về nội dung luật ân xá. Đến trưa, luật này được công chúng bỏ phiếu tượng trưng. 

Tại Liên Hiệp Quốc, Mỹ và châu Âu ủng hộ thủ lãnh đối lập Venezuela

Phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về tình hình Venezuela, tại New York ngày 26/01/2019.

Sau năm tiếng đồng hồ tranh luận hôm qua 26/01/2019, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vẫn không tìm được tiếng nói chung cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại Venezuela. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi ủng hộ tổng thống tự phong Juan Guaido, trong bối cảnh châu Âu đưa ra tối hậu thư cho ông Maduro trong vòng 8 ngày phải tổ chức bầu cử tự do. Hai chủ nợ lớn của Venezuela là Nga và Trung Quốc ngăn trở việc đưa ra thông cáo chung.

Cuộc họp khẩn cấp này diễn ra theo yêu cầu của Hoa Kỳ, Peru và Cộng hòa Dominicana, Nga phản đối nhưng chỉ thu thập được 3/15 phiếu nên không ngăn cản được. Từ New York, thông tín viên Marie Bourreau cho biết thêm chi tiết :

Mike Pompeo không cần phải nghe phát biểu từ đồng nghiệp Venezuela, quốc gia mà Mỹ không còn công nhận tổng thống. Ông rời phòng họp Hội đồng Bảo an chẳng bao lâu sau khi đưa ra lời cảnh báo.

Đại sứ Canada tại Bắc Kinh mất chức vì các phát biểu về Hoa Vi

Thủ tướng Canada Justin Trudeau (phải) và ông John McCallum khi mới được bổ nhiệm làm đại sứ tại Trung Quốc. Ảnh chụp tại Ottawa ngày 31/01/2017.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 26/01/2019 yêu cầu đại sứ Canada tại Trung Quốc, ông John McCallum từ chức, do nhà ngoại giao này đã gây phẫn nộ ở Ottawa khi bình luận về việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính Hoa Vi.

Hôm thứ Tư 23/1, phát biểu trước các nhà báo Trung Quốc gần Toronto, ông John McCallum đã tuyên bố bên biện hộ cho bà Mạnh « có một hồ sơ vững chắc » để phản đối việc dẫn độ sang Mỹ, nhất là « sự can thiệp mang tính chính trị của tổng thống Donald Trump ».

Pháp : Đến lượt « Khăn Đỏ » xuống đường thách thức « Áo Vàng »

Trên 10.000 người với khăn quàng đỏ đã xuống đường tại Paris ngày 27/01/2019 phản đối bạo lực, bảo vệ dân chủ.

Những người quàng khăn đỏ, bức xúc trước những vụ bạo động từ những cuộc biểu tình « Áo Vàng » gây ra, hôm nay 27/01/2019 xuống đường lần đầu tiên tại Paris, nhằm « bảo vệ nền dân chủ và các định chế » của nước Pháp.
Người đưa ra sáng kiến « Tuần hành cộng hòa vì tự do », một kỹ sư 51 tuổi ở Toulouse cho biết : « Đó là lời kêu gọi hướng về đa số im lặng vẫn ở nhà từ 10 tuần qua ». Trang Facebook « STOP. Đã quá đủ! » của ông Laurent Soulié được sự hưởng ứng của tập thể « Khăn Đỏ » - xuất hiện từ cuối tháng 11/2018 nhằm phản đối nạn phong tỏa các giao lộ của « Áo Vàng » - với điều kiện đây không phải là biểu tình ủng hộ tổng thống Emmanuel Macron.

Tin vắn 27.01.2019




Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các thanh niên Công giáo tại Panama ngày 24/01/2019.
(AFP) – JMJ : Đức Giáo Hoàng đòi hỏi « một giải pháp ôn hòa » cho Venezuela

Nhân buổi lễ bế mạc Ngày Thanh niên Thế giới (JMJ) hôm nay 27/01/2019 tại Panama với 700.000 thanh niên Công giáo tham dự, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi « một giải pháp công bằng và ôn hòa » cho Venezuela để vượt qua khủng hoảng, đồng thời tôn trọng nhân quyền. 

Ngài cũng lên án vụ khủng bố một nhà thờ tại Philippines làm ít nhất 20 người thiệt mạng hôm nay. Ngày Thanh niên Thế giới lần tới sẽ diễn ra tại Lisboa vào năm 2022.

samedi 26 janvier 2019

Quân đội Venezuela : Chỗ dựa cho Maduro

Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela, Vladimir Padrino Lopez trong cuộc họp báo tại Caracas ngày 24/01/2019.

Mặc cho những náo động dữ dội, ông Nicolas Maduro vẫn luôn là người đứng đầu Venezuela, nhờ sự ủng hộ của một đồng minh hết sức quan trọng : quân đội. Hôm 24/01/2019, các tướng lãnh đã tái khẳng định sự trung thành với Maduro, sau khi chủ tịch Quốc hội Juan Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời. 

Tổng tư lệnh quân đội khẳng định Nicolas Maduro là « tổng thống hợp pháp » của Venezuela, cho rằng việc lãnh tụ đối lập Juan Guaido tuyên bố nhận chức vụ tổng thống là một « vụ đảo chính ». Bộ trưởng Quốc phòng, tướng Vladimir Padrino, bao quanh là những tướng lãnh cao cấp tố cáo trong cuộc họp báo : « Họ tìm cách thành lập một chính phủ thứ hai trên thực tế ».

Hôm thứ Tư 23/1, chủ tịch Quốc hội 35 tuổi Juan Guaido đã tự uyên bố là « tổng thống đương nhiệm » của Venezuela trước hàng chục ngàn người ủng hộ phe đối lập. Ngay lập tức ông nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ và khoảng 12 nước châu Mỹ la-tinh.

vendredi 25 janvier 2019

Tỉ phú Soros : Tập Cận Bình là kẻ thù nguy hiểm nhất của dân chủ

Tỉ phú George Soros.

Nhà tỉ phú George Soros trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Davos ngày 24/01/2019 đã phê phán Bắc Kinh và ông Tập Cận Bình, đánh giá chủ tịch Trung Quốc là « kẻ thù nguy hiểm nhất » của các xã hội tự do dân chủ. Bắc Kinh hôm nay (25/01) lên tiếng phản bác.

Trong buổi dạ tiệc thường niên bên lề Diễn đàn Davos, ông Soros tuyên bố : « Trung Quốc không phải là chế độ độc tài duy nhất trên thế giới, nhưng chắc chắn là giàu nhất, mạnh nhất, phát triển nhất về trí tuệ nhân tạo. Điều đó khiến Tập Cận Bình là kẻ thù nguy hiểm nhất cho những ai tin tưởng vào xã hội tự do ».

Venezuela : Được quân đội ủng hộ, Maduro tố cáo Mỹ xúi giục đảo chính

Ông Nicolas Maduro trong cuộc họp báo ở Caracas ngày 25/01/2019.

Từ hai ngày qua, Venezuela có hai tổng thống : ông Nicolas Maduro, bị phương Tây tố cáo là đắc cử nhiệm kỳ thứ hai nhờ gian lận ; và tổng thống tự phong Juan Guaido, nhà đối lập vừa lên làm chủ tịch Quốc hội. Có được sự ủng hộ của quân đội, hôm nay 25/01/2019 ông Maduro lớn tiếng tố cáo đối thủ làm đảo chính với sự trợ giúp của Mỹ.

Trước đó Nicolas Maduro đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Washington, hạn định cho các đại diện Mỹ 72 tiếng đồng hồ để rời khỏi Venezuela. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đáp trả là ông Maduro « không có quyền hạn hợp pháp » để ra lệnh như thế. Tuy nhiên hôm qua Washington đã yêu cầu những nhà ngoại giao giữ nhiệm vụ không thiết yếu về nước, đồng thời khuyến cáo công dân Mỹ không nên ở lại Venezuela. Hoa Kỳ cũng đề nghị đưa vấn đề Venezuela ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào ngày mai 26/1.

Canberra xác nhận một nhà hoạt động dân chủ Úc bị bắt tại Việt Nam

Ông Châu Văn Khảm

Chính phủ Úc hôm nay 25/01/2019 tìm cách tiếp xúc với một nhà đấu tranh dân chủ là công dân Úc gốc Việt, bị bắt cách đây gần hai tuần khi vào Thành phố Hồ Chí Minh qua ngả Cam Bốt.

Ông Châu Văn Khảm, một doanh nhân về hưu 69 tuổi được cho là đã bị bắt giữ vào ngày 13/1. AFP dẫn lời đồng nghiệp của ông tại Úc là Nguyễn Đỗ Thanh Phong, cho biết như trên. Vợ con và gia đình của ông Khảm vẫn đang ở Úc.

Bộ Ngoại giao Úc khẳng định với hãng tin Pháp là «đang yêu cầu trợ giúp lãnh sự đối với một công dân Úc bị giữ tại Việt Nam, nhưng vì lý do riêng tư nên không thể cung cấp thêm chi tiết».

Davos : 75 nước thảo luận về quản lý thương mại điện tử

Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2019 tại Davos, Thụy Sĩ.

Trong một đồng thuận hiếm hoi, ngày 25/01/2019 bên lề Diễn đàn Kinh tế Davos các bộ trưởng thương mại của 75 quốc gia trong đó có Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu và Trung Quốc đã tiến hành các cuộc thảo luận nhằm quản lý thương mại điện tử trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới(WTO).

Thông cáo của ủy viên châu Âu phụ trách thương mại, bà Cecilia Malmström cho biết : « Thương mại điện tử là một thực tế tại nhiều nước trên thế giới, khiến chúng ta phải mang lại cho các công dân và doanh nghiệp một môi trường thương mại có thể dự kiến trước, hiệu quả và chắc chắn ».

Tin vắn 25.01.2019



(AFP) – Trung Quốc mua 60% một cảng của Peru

Tập đoàn Cosco Shipping Ports (CSP) của Trung Quốc hôm nay 25/01/2019 loan báo sẽ mua 60% cổ phần của công ty Peru quản lý cảng Chancay với giá 225 triệu đô la, trả trước 56 triệu. Đây là cảng đầu tiên Trung Quốc mua được tại Nam Mỹ. 

Hiện tập đoàn CSP đang sở hữu 282 bến tàu của 36 hải cảng tại châu Á, Cận Đông và châu Âu, trong đó có 192 cảng container.

jeudi 24 janvier 2019

Venezuela : Dầu lửa, hoa hậu, trộm cướp và tem phiếu

Nhiều triệu dân Venezuela đã phải tha phương cầu thực. Trong ảnh: Một phụ nữ mang tấm bảng xin việc làm hoặc trợ giúp để nuôi con, tại Manaus, Brazil, 14/01/2019.


Ngân hàng không còn tiền mặt để cướp

Cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng đã kéo dài từ nhiều năm qua - với lạm phát vượt mức một triệu phần trăm (1.000.000%) trong năm 2018, và theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là 10.000.000% năm 2019. Cộng với tình trạng khan hiếm tiền mặt, đã khiến tội phạm phải thích ứng. Xâm nhập vào ngân hàng để cướp tiền chỉ vô ích.

Không dễ rút được tiền mặt.
Theo Le Figaro, cách đây vài năm, nạn bắt cóc đòi tiền chuộc đã trở thành nạn dịch thực sự tại Venezuela, chẳng có ai thoát khỏi. Các vụ bắt cóc chớp nhoáng, được gọi là « paseao milonario » (đi dạo bạc triệu) đã trở thành đặc thù địa phương. Đó là bắt một ai đó, buộc họ phải đến máy ATM rút tiền đưa cho mình. 

mercredi 23 janvier 2019

Venezuela : Thủ lĩnh đối lập tự tuyên bố tổng thống, Mỹ và nhiều nước công nhận



Thủ lãnh đối lập Juan Guaido, tay cầm Hiến pháp Venezuela, trong cuộc biểu tình chống Maduro ngày 23/01/2019 tại Caracas.

(AFP, Reuters 23/01/2019) Ông Juan Guaido, chủ tịch Quốc hội do đối lập kiểm soát, hôm nay thứ Tư 23/01/2019 tuyên bố là tổng thống lâm thời, trước khoảng vài chục ngàn người tập hợp tại Caracas để phản đối tổng thống Nicolas Maduro.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức thông báo chính thức nhìn nhận nhà đối lập 35 tuổi là tổng thống lâm thời của Venezuela. Khi được hỏi liệu có gởi quân Mỹ đến Venezuela hay không, ông Trump trả lời : « Chúng tôi không hề biết trước (sự kiện này), nhưng mọi khả năng đều có thể được cân nhắc ».

Davos : Cuộc song đấu từ xa của Trump-Tập

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Davos, Thụy Sĩ. Ảnh tư liệu chụp ngày 26/01/2018.

Tại Davos, phía Mỹ tố cáo « mô hình tập trung vào Nhà nước, sự hung hăng đối với các láng giềng và chính sách đối nội độc đoán » của Trung Quốc.

Le Figaro hôm nay 23/01/2019chạy tựa « Người dân Pháp tham gia vào cuộc thảo luận toàn quốc ». Libération đặt câu hỏi « Phải chọn lựa giữa đóng thuế và dịch vụ công ? ». Les Echos phân tích « Renault lật sang trang mới sau thời kỳ ông Ghosn », còn La Croix dành trang nhất cho « Những thành phố chuyển sang xanh ». Le Monde nói về « Diễn đàn Davos vào lúc toàn cầu hóa đang bị nghi hoặc ».

Diễn đàn Davos tập hợp những nhân tố kinh tế chính trên thế giới, diễn ra từ ngày 22 đến 25/01/2019 tại Thụy Sĩ trong bối cảnh kém lạc quan. Le Monde tóm lược : xu hướng hiện nay tại một số nước là nghi ngờ toàn cầu hóa, co cụm lại. Không có nguyên thủ nào đến dự, trừ tân tổng thống Brazil. Quỹ Tiền tệ Quốc tế hạ mức dự báo tăng trưởng do cuộc thương chiến Mỹ-Trung và Brexit. Trung Quốc, Đức tăng chậm, còn Pháp có nguy cơ bị ảnh hưởng từ các cuộc biểu tình Áo Vàng.

mardi 22 janvier 2019

Chuyên gia Hứa Tùng Tộ : Kinh tế Trung Quốc đang khủng hoảng


Cổ phiếu sụt giảm, nhà đầu tư không còn tin tưởng vào thị trường chứng khoán Trung Quốc.
(Frédéric Lemaître, Le Monde 22/01/2019) Thị trường tài chính suy sụp, doanh nghiệp phá sản, nợ vay không trả được…Đối với nhà kinh tế Hứa Tùng Tộ (Xiang Songzuo) ở đại học Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc đang « chậm lại rất nhiều ».

Là cựu kinh tế gia trưởng Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, ông Hứa Tùng Tộ, sinh năm 1965, là giáo sư trường đại học Nhân Dân Bắc Kinh. Trong một hội nghị tháng 12/2018 tại Bắc Kinh ông đã đưa ra tỉ lệ tăng trưởng Trung Quốc chỉ có 1,67%, video này đã được xem hơn một triệu lần trên internet.

Hồi tháng 12/2018, ông đã đặt lại vấn đề về con số thống kê chính thức tăng trưởng của Trung Quốc. Theo ông, thì ở mức nào ?

Những người vượt biên



(VnExpress 29/12/2018) Soi 4 Sukhumvit, Bangkok, Thái Lan là một địa điểm du lịch nổi tiếng toàn cầu: từ đầu soi (hẻm) đi vào vài mươi mét là Nana Plaza - nơi mà các nhà thầu đã tự hào viết lên dòng chữ “Trung tâm giải trí người lớn to nhất thế giới” bằng đèn neon.

Ở đó, bạn sẽ tìm thấy nhiều hình ảnh mà các nhà quảng bá du lịch Thái Lan không muốn khoe ra. Sặc sụa hơi người, hơi nước hoa và hơi bia. Bước chân vào đó, với tất cả sự suồng sã của nó, nhiều khách du lịch đoan chính sẽ phải đỏ mặt.

Nhưng câu chuyện của chúng ta cách cái tụ điểm hấp dẫn ấy vài mươi mét: đầu soi 4, phía bên kia đường, bạn sẽ bắt gặp một người bán nước hoa quả. Tôi không biết bạn, trong trải nghiệm của mình, sẽ gặp chính xác người bán nước hoa quả nào, họ thay đổi vị trí liên tục. Nhưng tôi có thể thông báo cho bạn chính xác một điều: Cô ta hoặc anh ta, đến từ một xã ở Thanh Hóa.

Mạnh Kim - Người nghèo ở đâu trên bản đồ phát triển ?



Khoảng cách giàu nghèo và những bất công xã hội đang diễn ra có lẽ cần cả một quyển sách mổ xẻ chi tiết. Bài viết này chỉ đề cập vài nét nhỏ của bức tranh mà bất cứ ai cũng thấy nhưng có khi cố tình lờ đi…

Một trong những “tội” lớn nhất của người dân Lộc Hưng (Tân Bình, TP. HCM) là nghèo! Quá nghèo! “Nghèo thấy thảm!” – như người ta thường nói. Khu đất của họ sẽ được tránh xa nếu họ là thành phần “cán bộ” hoặc những kẻ đủ giàu để “chạy thuốc” nhằm biến những căn biệt thự xây trái phép thành hợp pháp. Người nghèo là vấn đề xã hội không quốc gia nào không đối diện, nhưng người nghèo Việt Nam không chỉ là những thân phận thiếu ăn thiếu mặc. Họ còn là tấm thảm để những bàn chân XHCN chùi xuống không thương tiếc cùng với vẻ mặt dối trá ma mãnh hất lên: “Đảng và Nhà nước luôn chăm lo cho người nghèo”!

lundi 21 janvier 2019

Điềm xấu cho Trung Quốc : Tăng trưởng chỉ 1,67%


(CourrierInternational 17/01/2019) Hôm 16/12/2018, ông Hứa Tùng Tộ (Xiang Songzuo), phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tiền tệ Quốc tế thuộc trường đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, cựu kinh tế gia trưởng Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc đã khuấy động dư luận. Bài diễn văn của ông đọc tại đại học Nhân Dân đã được trang web Hồng Kông Tân Thế Kỷ (Xinshiji) ghi lại.

Ông Hứa Tùng Tộ nói : « Sự kiện quan trọng nhất tại Trung Quốc năm 2018 là kinh tế bị chậm lại. Với mức độ trầm trọng như thế nào ? Tổng cục Thống kê thông báo GDP tăng trưởng 6,5%, nhưng một báo cáo nội bộ được một nhóm nghiên cứu của một định chế hàng đầu đưa ra hôm qua lại cho hai con số khác hẳn. Theo ước tính thứ nhất, tăng trưởng chỉ có 1,67%. Còn theo ước tính thứ hai, tăng trưởng là âm ! »

Lê Thành Văn - Tiếng chim cuốc trên đảo Hoàng Sa



Ta phải về Hoàng Sa
Tiếng chim cuốc chiều nay kêu não ruột
Tiếng chim cuốc vọng về thê thiết
Đất liền ơi, ai nỡ lìa xa!


Ta phải về Hoàng Sa
Một trăm năm, một ngàn năm đi nữa
Sóng dẫu vỗ trắng trời Đông Hải
Hoàng Sa - giọt máu Tiên Rồng.

dimanche 20 janvier 2019

Hải chiến Hoàng Sa 1974 - Âm mưu của Trung Quốc đã có từ lâu



Bài viết rất mạnh dạn của Infonet, mô tả khách quan các hoạt động khẳng định chủ quyền của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và sự hy sinh quả cảm của các chiến sĩ VNCH (mà lâu nay bị gọi là « ngụy ») trong trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 với quân xâm lược Trung Quốc.

(Infonet 18/01/2019) Sau cuộc gặp lịch sử giữa Mao Trạch Đông với Nixon vào đầu năm 1972, và sự kiện Mỹ rút ra khỏi Việt Nam sau Hiệp định Paris đầu năm 1973, Bắc Kinh đã thấy trước một khả năng mới: Họ có thể loại trừ khả năng can thiệp của Hải quân Mỹ nếu cưỡng chiếm các hòn đảo do Việt Nam Cộng Hòa quản lý.

Những bước chuẩn bị dài lâu

Cách đây vừa tròn 45 năm, ngày 19/1/1974, Hải quân Trung Quốc đã có trận đấu súng chóng vánh với Hải quân Việt Nam Cộng Hòa để rồi sau đó chính thức chiếm đóng hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa một cách phi pháp. Tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc vẫn không nhận được bất kỳ sự công nhận nào của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề chủ quyền của quần đảo này. Như vậy, Hoàng Sa vẫn là vùng lãnh thổ đang tranh chấp.

Nguyễn Đăng Trình - Thắp nhang & nói hộ cho 74 người lính Hoàng Sa



cả mấy trăm nghìn chiến sĩ vô danh
chứ đâu chỉ bảy tư người lính ấy
mỗi tấc biển tấc rừng thân thể Mẹ
đổi bao nhiêu xương máu giữ màu xanh


họ cầm súng chẳng đặng đừng chả lẽ
nhìn mồ cha mả tổ nát tan hoang
tuyệt chẳng phải bởi ngô triều nguyễn đại
và càng không vì đế quốc ngoại bang!

Nắm cát vàng từ Hoàng Sa



Cha con ông Mai Phụng Lưu đang lấy cát ở Hoàng Sa.

(Thanh Niên 19/01/2019) Năm 2011, ngư dân Mai Phụng Lưu ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã khiến không ít nhà báo ngỡ ngàng khi tung một loạt ảnh do hai cha con ông chụp tại đảo Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Có thể nói, đó là những bức ảnh hiếm hoi của một người Việt Nam chụp được kể từ khi Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa vào ngày 19.1.1974.

Bối cảnh và diễn biến Hải chiến Hoàng Sa 1974



(Nghiên Cứu Quốc Tế 17/01/2019) Ngày 11/01/1974, các sĩ quan Nam Việt Nam nhận được báo cáo về những động thái của Trung Quốc trên hai hòn đảo của Nam Việt Nam thuộc quần đảo Hoàng Sa. Hai ngày sau, Bộ tư lệnh Hải quân Sài Gòn phái hai tàu khu trục Lý Thường Kiệt HQ-16 và Trần Khánh Dư HQ-4 tới thám sát.

HQ-16 tới đảo Hữu Nhật (Robert Island) vào 16/1 và nhận thấy đảo này đã bị “ngư dân” Trung Quốc, từ hai thuyền đang neo tại bãi ven đảo, chiếm đóng. Chỉ huy tàu HQ-16 lệnh cho những người Trung Quốc rời đảo và bắn thị uy để họ hiểu ý định của ông. Sau đó họ bắn và phá hủy các lá cờ Trung Quốc và một khu vực chế biến cá mà những “người đánh cá” triển khai 6 ngày trước đó.

HQ-4 tới Hoàng Sa ngày 17/1 và phái một đơn vị đặc nhiệm SEAL của Nam Việt Nam lên đảo Hữu Nhật và đảo Quang Ảnh (Money Island) gần đó để nhổ những cờ Trung Quốc. Ngày 18/1, hai tàu chiến của Nam Việt Nam đuổi một tàu đánh cá bằng lưới rà của Trung Quốc, buộc con tàu bị phá hủy nặng nề này phải rời vùng biển. Sau đó các tàu khu trục Trần Bình Trọng HQ-5 và tàu quét mìn Nhật Tảo HQ-10 tới Hoàng Sa.

Ngô Nhân Dụng - Dám viết Trung Cộng ‘cưỡng chiếm,’ chưa đủ



(Người Việt 18/01/2019) Hôm nay là đúng 45 năm sau Ngày Tang Hoàng Sa, 19 Tháng Giêng, 1974. Hôm qua, mấy tờ báo của đảng Cộng Sản, Tuổi Trẻ, Thanh Niên và Sài Gòn Giải Phóng, đã dám nói thẳng rằng Hoàng Sa bị quân Trung Cộng “cưỡng chiếm;” hoặc “dùng vũ lực cưỡng chiếm….”

Những tờ báo nêu trên đều nằm ở Sài Gòn. Mặc dù khắp nước có thể đọc những trang mạng của ba tờ báo trên nhưng các bức thư phản ứng được đăng tải với lời khen tờ báo Thanh Niên cũng chỉ xuất phát từ độc giả ở Sài Gòn; với lời lẽ mơ hồ như, “Cám ơn báo Thanh Niên đã viết về các sự kiện tại Biển Đông.”

Những ký giả bị đảng Cộng Sản khóa miệng và xỏ mũi được nới lỏng dây thừng, nhưng chỉ nới lỏng thôi. Họ vẫn tránh không nhắc đến tên họ các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa và tên các chiến hạm anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa. Tờ Sài Gòn Giải Phóng chỉ nhắc qua, “Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng kháng cự với bao chiến sĩ đã hy sinh.”

Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa thăm và tặng quà các nhân chứng


Đoàn công tác của UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) thăm và tặng quà các nhân chứng Hoàng Sa.

(SGGPO18/01/2019) Gặp gỡ và chuyện trò các nhân chứng, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) đã bày tỏ lòng biết ơn và tri ân đến các nhân chứng lịch sử, những người đã từng sống, làm việc và chứng kiến quân Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa.

Chiều 17-1, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) dẫn đầu đoàn công tác đến thăm hỏi và tặng quà cho 4 gia đình nhân chứng từng sinh sống, làm việc tại quần đảo Hoàng Sa, nhân 45 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa, 19-1-1974 – 19-1-2019.

Gặp gỡ và chuyện trò các nhân chứng, ông Võ Ngọc Đồng đã bày tỏ lòng biết ơn và tri ân đến các nhân chứng lịch sử, những người đã từng sống, làm việc và chứng kiến quân Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa.

Hoàng Sa luôn là máu thịt của đất mẹ Việt Nam



Hình ảnh những nhân chứng Hoàng Sa tại Nhà trưng bày Hoàng Sa.
(TTO 19/01/2019) - Cứ đến gần ngày 19-1, những cán bộ đang công tác ở UBND huyện Hoàng Sa lại ngược xuôi tìm thăm các nhân chứng một thời làm việc, đấu tranh bảo vệ Hoàng Sa. Những nhân chứng người còn người mất nhưng không ai bị quên lãng.

19-1 năm nay là đúng 45 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (19-1-1974).

Không bao giờ quên

Trước đó, trong hai ngày 17 và 18-1, UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) do ông Võ Ngọc Đồng, chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, dẫn đầu đã đến thăm hỏi gia đình các nhân chứng.

Đoàn đã đến thăm hỏi, tặng quà gia đình các nhân chứng còn sống, đồng thời đến thắp hương tri ân, thăm hỏi gia đình nhân chứng Lê Điều (đã mất).

Những người kể chuyện Hoàng Sa



Thuyết minh viên Nhà trưng bày Hoàng Sa giới thiệu chủ quyền quần đảo thân yêu đến du khách.

(TTO 19/01/2019) - Nhà trưng bày Hoàng Sa được xem là điểm hành hương của lòng yêu nước. Sau hơn 7 tháng đi vào hoạt động, đến nay nơi đây đã đón gần 20.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Những nhân viên của Nhà trưng bày Hoàng Sa được ví như những "công dân Hoàng Sa". Mỗi ngày họ giới thiệu đến du khách về chủ quyền, giá trị pháp lý, chân lý của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Những "công dân Hoàng Sa"

Theo chân đoàn du khách đến từ TP.HCM thăm Nhà trưng bày Hoàng Sa vào một buổi sáng cuối năm, chúng tôi bắt gặp giọng nói trầm ấm dịu dàng của thuyết minh viên Trần Thị Lê Na (26 tuổi) trong tà áo dài nhuộm màu xanh của biển.

Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa: Hành động phi nghĩa



Triển lãm những chứng cứ lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại TP Đà Nẵng. Ảnh: Bích Vân

(Ký tên một nhà nghiên cứu, bài viết này ghi nhận việc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đánh trả, gởi Công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối và dự định tái chiếm Hoàng Sa – TM)

(Soha 19/01/2019) Hành động cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 19-1-1974 được xem như một cuộc xâm lược phi nghĩa của Trung Quốc, bị cộng đồng quốc tế lên án.

Nhìn xuyên suốt lịch sử, đặc biệt là từ thế kỷ XVII, các nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đã chiếm hữu, thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần đảo này chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào.

Nhăm nhe quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam

Trung Quốc bắt đầu chú ý đến quần đảo Hoàng Sa từ năm 1909. Từ đó cho đến năm 1945, chính quyền Trung Quốc nhiều lần ra tuyên bố về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa nhưng bị chính quyền Pháp ở Đông Dương phản đối.

45 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam: Mưu đồ độc chiếm Biển Đông


Tàu cảnh sát biển Việt Nam tuần tra tại vùng biển Hoàng Sa. Ảnh Mai Thanh Hải

Đôi lời : Đúng 45 năm sau trận Hải chiến Hoàng Sa bi hùng ngày 19.01.1974, nhiều người chờ đợi xem báo chí nhà nước có dám đề cập đến hay không. Tờ Thanh Niên đã gây ngạc nhiên khi « bắn phát súng đầu tiên », đăng bài sớm nhất với việc mạnh dạn dùng từ Trung Quốc « cưỡng chiếm » Hoàng Sa ngay trên tựa đề, tuy không nói về trận đánh của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Thụy My đăng lại vài bài viết hiếm hoi về Hoàng Sa trên báo chí chính thức.

(Thanh Niên 17/01/2019) Trung Quốc đã có hàng loạt hành động phi pháp để phục vụ mục tiêu độc chiếm Biển Đông kể từ khi ngang ngược chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Cách đây 45 năm, Trung Quốc đưa quân cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 19.1.1974 sau khi đã chiếm cụm phía đông hồi thập niên 1950.

Từ đó đến nay, nước này liên tục ngang ngược tiến hành hàng loạt biện pháp nhằm củng cố hiện diện dân sự lẫn quân sự phi pháp tại Hoàng Sa, nhất là trong những năm gần đây, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Việt Nam và làn sóng lên án từ cộng đồng quốc tế.

Lê Mạnh Hùng -Trung Quốc, đối thủ nguy hiểm của Hoa Kỳ



Bắc Kinh phô trương hỏa tiễn đạn đạo chống hạm DF-21D trên quảng trường Thiên An Môn, 03/09/2015.

(Người Việt 16/01/2019) Năm 1999, Giáo Sư Paul Bracken của Đại Học Yale cho xuất bản cuốn sách “Fire in the East: The Rise of Asian Military Power and the Second Nuclear Age,” trong đó ông viết: “Cuộc đấu tranh giữa Mỹ và Trung Quốc… sẽ là sự kiện định nghĩa của thế kỷ thứ 21. Và Trung Quốc sẽ là đối thủ nguy hiểm hơn nhiều so với Liên Xô cũ.”

Và điều đó nay đã xảy ra, không phải là một cuộc tranh chấp thương mại bình thường mà là một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới. Việc xâm nhập liên tục vào các hệ thống điện toán quân sự và dân sự của Mỹ của những tay “hacker” người Hoa có liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với các cơ quan an ninh tình báo của Trung Cộng chính là một cuộc chiến không tuyên bố.

Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm và chắc chắn sẽ còn kéo dài thêm cả nhiều chục năm nữa, bất kể rằng một thỏa thuận về thương mại có đạt được hay không vào lần này với những tấm hình ông tổng thống Mỹ cười sung sướng bắt tay ông chủ tịch Trung Quốc trong một tấm hình quảng cáo khiến cho giá cổ phần trên thế giới tăng vọt lên.

samedi 19 janvier 2019

Trần Trung Đạo - Giành lại Hoàng Sa chỉ là ảo tưởng ?



Một trong những điều kiện tiên quyết để một dân tộc tồn tại và phục hưng những giá trị vật chất và tinh thần đã bị cưỡng đoạt bởi một nước mạnh láng giềng, là niềm tin vào sự trường tồn của lịch sử dân tộc, và xây dựng nội lực chờ cơ hội quốc tế thuận tiện để giành lại chủ quyền.

Đó không phải lời an ủi suông mà là yếu tố quyết đinh. 

Nhờ nuôi dưỡng ý chí và đấu tranh cho lý tưởng phục hưng mà thế giới ngày nay có thêm những nước thịnh vượng như Ba Lan, Tiệp Khắc, Latvia, Estonia, Lithuania, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và khá nhiều quốc gia khác. Những quốc gia này thoạt nghe tưởng đã có mặt từ xa xưa lắm, không, họ chỉ chính thức hiện diện như những nước cộng hòa sau khi Đế quốc Nga, Đế quốc Đức và Đế quốc Ottoman tan rã. 

Nguyễn Quang Duy - Chiến Lược Mỹ Thay Đổi Như Thế Nào Ở Biển Đông?



Theo Hồi ký của Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, người trực tiếp chỉ huy hải chiến Hoàng Sa 19/1/1974: “… việc tấn công lực lượng Trung Cộng là hoàn toàn do tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lịnh, không có sự đồng ý của Hoa Kỳ và không có sự giúp đỡ của Hoa Kỳ dù là nhân đạo tối thiểu như vớt người trôi trên biển cả.”

Sau 45 năm, chiến lược Á Châu -Thái Bình Dương của Mỹ đã hoàn toàn thay đổi. Tưởng niệm 45 năm cuộc hải chiến Hoàng Sa là cơ hội tìm hiểu về chiến lược Biển Đông của Mỹ để từ đó rút ra bài học.

Vì sao Trung Cộng không chiếm được Trường Sa?

Theo Phó Đề Đốc Thoại, thiệt hại phía Việt Nam Cộng Hòa đã nặng, nhưng phía Trung Cộng vì bị tấn công nên thiệt hại nặng hơn. Soái hạm Kronstad 274 bị chìm. Đô đốc Phương Quang Kính, tư lịnh phó Hạm Đội Nam Hải và hầu hết bộ tham mưu đều tử trận. Hộ tống hạm Kronstad 271 và hai Trục lôi hạm 389 và 396 bị hư hại nặng.

Hoàng Hải Vân - Hoàng Sa, nỗi uất hận 45 năm



19-1 năm nay, Hoàng Sa của chúng ta đã mất vào tay Trung Quốc 45 năm. Với tư cách từng là chiến sĩ QĐNDVN tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc chống Trung Quốc xâm lược, xin thắp nén hương tưởng nhớ các chiến sĩ VNCH đã anh dũng chiến đấu hy sinh để bảo vệ quần đảo này, dù sức của các anh không bảo vệ được.

Trong lịch sử thủy chiến giữa Việt Nam và Trung Quốc từ thời Hai Bà Trưng đến năm 1974, chúng ta chưa hề thua Trung Quốc một trận nào. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã lợi dụng bối cảnh phức tạp của chiến tranh Việt Nam, khi lực lượng bảo vệ quần đảo không đủ sức và không có bất kỳ sự tiếp viện nào, đã đem quân cướp Hoàng Sa của ta bằng thủ đoạn đê tiện. Mất Hoàng Sa, lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta thua Trung Quốc một trận thủy chiến, đó là nỗi uất hận của toàn dân tộc.

Tạ Duy Anh - Hoàng Sa trong trí nhớ người Việt



Vào ngày này của 45 năm về trước, Trung Quốc đưa quân đánh chiếm phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa, do Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa quản lý hợp pháp, trước sự làm ngơ của Hoa Kỳ. Miền Bắc giữ im lặng, vì há miệng mắc quai. 

Trong thời kỳ căng thẳng sau chiến tranh biên giới đẫm máu 1979, sự kiện Hoàng Sa được đưa vào sách trắng của Bộ Ngoại giao, tố cáo việc Trung Quốc lợi dụng Việt Nam đang có chiến tranh, đánh chiếm Hoàng Sa như một bước đệm trong âm mưu thôn tính và nô dịch toàn cõi Đông Dương. 

Sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, danh từ Hoàng Sa hoàn toàn biến mất trên báo chí chính thống của Việt Nam. Cho đến trước khi vấn đề Hoàng Sa được rụt rè đưa trở lại, hầu như người dân Việt Nam không hay biết gì mấy về phần lãnh thổ này. 

Lưu Trọng Văn - Ba ơi, ba đón nhận nghen!



Sáng nay, ngày 74 chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh bảo vệ Hoàng Sa. 

Gã theo một con tàu của Trần Song Hải, con trai đại tá Trần Văn Tâm - hạm trưởng Hải quân VNCH - phối hợp với Nhịp cầu Hoàng Sa-Trường Sa đưa nhiều chiến sĩ của hạm chiến HQ 16, HQ 10, HQ 4 cùng bà Nguyễn Thị Sinh, vợ trung tá Ngụy Văn Thà và vợ con các liệt sĩ đã hy sinh ở Hoàng Sa 45 năm trước, thả vòng hoa tưởng niệm trên sông Sài Gòn.

Đỗ Trung Quân - Tết của Lộc Hưng



Tuần sau là vào chương trình nấu bánh chưng cho tết của đồng bào Vườn rau Lộc Hưng. 

Tôi đã đọc những bài báo viết về Lộc Hưng nôi dung tóm gọn đại loại :

- Nơi có bọn tệ nạn
- Noi có thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa
- Nơi có bọn cất nhà trái phép
- Nơi có tài liệu tuyên truyền chống nhà nước
- Nơi vân vân vân và vân vân…

Liệu đến Noël nước Anh còn giấy vệ sinh không ?

Tình trạng thiếu giấy vệ sinh đã từng xẩy ra tại Venezuela

Tương lai biên giới Bắc Ailen ? Nguy cơ bị mất thị trường tài chính ? Không phải những chủ đề nhạt nhẽo này đang làm cho cựu bộ trưởng Anh phụ trách về châu Âu, ông Denis MacShane phải đau đầu, trong trường hợp Anh quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà không có thỏa thuận.

« Người Anh tiêu thụ giấy vệ sinh nhiều nhất châu Âu » - cựu dân biểu Công Đảng nhấn mạnh khi trả lời đài truyền hình France 5 hôm thứ Tư 16/01/2019. Với vẻ rất nghiêm túc, ông MacShane tỏ ra lo lắng trước nguy cơ mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày này bị thiếu hụt, nếu những hàng rào thuế quan bỗng dưng được dựng lại, khiến các xe tải phải xếp hàng dài dằng dặc ở biên giới. Ông nhắc nhở : « Trữ lượng hiện nay của chúng tôi chỉ đủ dùng trong một ngày ».