lundi 27 mai 2024

Hà Phan - Hơn thua để làm gì khi con trẻ bị tổn thương ?

Ai chẳng cay mắt khi biết đứa bé lớp 1 nhìn chúng bạn ăn uống vui vầy ngày cuối năm rồi về hỏi mẹ “ "Sau này lên lớp 2 con có được ăn liên hoan không"? Đại đa số cũng đều bức xúc với thông tin từ mẹ bé cho rằng chỉ vì không đóng quỹ phụ huynh mà con mình phải ngồi “nhìn mồm” chúng bạn và tủi thân như thế!

Rồi gạch đá, phẫn nộ trút xuống đầu giáo viên, các phụ huynh cùng lớp, nhà trường và cả nền giáo dục nước nhà. Tiếc thay thông tin một chiều như vậy không chỉ từ người mẹ cố chấp mà còn được một vài báo loan tải rõ ràng!

Từng nuôi mấy đứa con rồi đưa cả cháu đến trường, nhìn chúng vui vẻ với nhau tôi băn khoăn khi đọc câu chuyện này.

Một nhà văn viết trên trang của ông “Tôi chả tin cháu bé lại bị ngồi nhìn các bạn ăn liên hoan khi mẹ không đóng quỹ. Cháu nhà tôi đi sinh nhật bạn còn hân hoan thổi nến cứ như sinh nhật mình nữa là. Tuổi lớp 1 các cháu chả phân biệt gì đâu, và chắc chắn cô giáo dù " giận trách" phụ huynh không đóng quỹ thì cũng không bao giờ để cháu bé ngồi nhìn các bạn liên hoan. Tôi có niềm tin như vậy”.

Nhiều người khác lại thở dài dù đúng sai thế nào, mẹ hay cô, trường hay ban đai điện phụ huynh ai có lý thì tổn thương nhiều nhất vẫn là con trẻ!

Người lớn chúng ta cứ mải mê tranh cãi giành giật lẽ phải về mình và đổ lỗi cho đối phương. Để thỏa cái tôi, để chứng minh mình luôn sáng suốt, để kéo đám đông vào hùa với mình, để thỏa uẩn ức và cả những thứ không thể trút đi nơi khác. Nhưng như hòn đá ném vào bức tường, đôi khi bật lại trúng ngay vào những đứa trẻ mỏng manh, non dại cần được che chở dưới lời lẽ yêu thương, tấm lòng bao dung.

Trẻ con nhìn vào gì để sống và lớn lên, đem theo vào đời? Từ lâu chúng ta đều biết các con nhìn vào chúng mình, ông bà cha mẹ thầy cô người lớn khắp mọi nơi chúng gặp. Nhân quả chẳng đâu xa và cũng không có gì cao siêu, huyền bí. Tính cách sau này và đối nhân xử thế khi trưởng thành ảnh hưởng rất lớn từ ngôn từ người lớn tuôn ra lúc ấu thơ, từ hành xử xung quanh đối đãi với nhau khi tâm hồn vẫn còn non nớt.

Đừng vội bảo trẻ không biết gì hay chúng sẽ quên ngay, khi mà vết hằn quá sâu! Đúng sai để làm gì khi con cháu chúng ta chịu đựng?

HÀ PHAN 27.05.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.