Affichage des articles dont le libellé est Phạm Công Luận. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Phạm Công Luận. Afficher tous les articles

dimanche 17 décembre 2023

Phạm Công Luận - Chợ Ga thân yêu và ông Mười chủ đất

 

Trước năm 1954, quanh khu vườn của ông Lê Tài Chí, nằm ngay góc hai con hẻm (một hẻm nay là đường Đỗ Tấn Phong và một nay là đường Trần Khắc Chân thuộc phường 9, Phú Nhuận) có những phụ nữ nghèo bày mấy rổ hàng dưới đất, buôn bán lặt vặt cho người dân quanh vùng.

Đến năm 1954, nhiều người Bắc di cư vào Nam. Vài người trong đó tìm đến khu đất này, chen chân vào bán hàng để tạm kiếm sống thời gian đầu mới vô.

Thấy bà con người Bắc mới vào Nam chưa có cuộc sống ổn định, chính quyền thời đó đến gặp ông Lê Tài Chí. Họ đề nghị ông cho mượn mảnh vườn nói trên để nhà nước xây lên một cái chợ cho đồng bào di cư có chỗ mua bán.

samedi 18 novembre 2023

Phạm Công Luận - Cơm « lâm vố » một thời nghèo khó

 

Ngày còn nhỏ, trước năm 1975, tôi đã nghe từ “lâm vố”. Ý nghĩa của từ đó, suy theo cách dùng, là tạp nhạp, rẻ tiền… Một món đồ được xem là “đồ lâm vố”, là loại xoàng xĩnh, xài được nhưng chất lượng tàm tạm thôi. Còn đứa nào đó bị gọi là “thằng lâm vố”, là có ý coi khinh.

Lớn lên, đọc sách của nhà văn Sơn Nam, tôi hiểu rõ hơn nguồn gốc của từ này. Trong cuốn Người Sài Gòn xuất bản năm 1992, ông viết:

"Cơm bình dân, thời trước 1945 mãi ghi dấu ấn trong lứa già 70 tuổi, còn gọi cơm ‘thất nghiệp’ hoặc cơm ‘lâm vố’ (rabiot) tiếng lóng của nhà binh Pháp, chỉ phần ăn bổ sung nếu người lính ăn hết phần tiêu chuẩn mà chưa no. Cũng có nghĩa ‘cơm thừa cá cặn’ do giới đấu thầu mua lại pha chế, thêm gia vị, nấu sôi để sát trùng, rồi bán, chất lượng còn khá cao, từng cục thịt bò. Cơm ‘lâm vố’ bày bán bên đường, ngang hông Đông Dương ngân hàng, người thất nghiệp thường hài hước: "Dạo này tôi ăn cơm lâm vố, làm việc Băng Anh-đô-sin".

dimanche 23 avril 2023

Phạm Công Luận - Đại lộ Trần Hưng Đạo cây cao bóng cả

 

Những năm đầu thập niên 1970, lần đầu tiên theo ba tôi đi từ Sài Gòn vô Chợ Lớn dọc theo đường Trần Hưng Đạo, tôi bị choáng ngợp bởi con đường đẹp và rộng lớn này.

Tuy cũng là “Đại lộ”, đường này sang trọng so với những đại lộ Võ Tánh, đại lộ Chi Lăng gần nhà tôi ở Phú Nhuận. Đường Trần Hưng Đạo với những hàng cây cao lớn, lề đường rộng rãi và san sát cửa hàng, tiệm quán, khách sạn và building to. Đó là những ngày trước tết, không khí nô nức đón xuân trên đường phía Chợ Lớn càng đậm đà với các cửa hàng bán đầu lân, những liễn đối chữ đỏ dán rực rỡ trước cả cửa tiệm và vài cô gái người Hoa bận áo xẩm da trắng đi trên lề đường.

Ba tôi ghé chợ La Kai mua ít hồng khô, quýt Tiều và mua vịt quay ở khu Đèn Năm Ngọn để về ăn tết. Trên đường về, đi ngang đường Khổng Tử (nay là Hải Thượng Lãn Ông), nghe thơm nức mùi thuốc Bắc. Đó là chuyến đi đầy ấn tượng của tôi về khu Chợ Lớn và con đường cây cao bóng cả này.

samedi 4 mars 2023

Phạm Công Luận - Những quán cà phê quen

 

Nhớ những buổi sáng Chủ nhật cuối thập niên 1990, tôi thường ngồi ở quán Friendship, một quán cà phê thuộc một khách sạn nằm trong hẻm cụt 271 Nguyễn Trọng Tuyển, rộng và yên tĩnh ở phường 10, Phú Nhuận.

Quán nhỏ, có hai không gian, bên trong có vài bộ bàn ghế nệm lớn nhỏ để rải rác, ngoài sân có đôi ba bộ bàn ghế đá gọn nhỏ đặt dưới gốc một cây tùng. Không gian nào cũng trang nhã. Tôi thường ngồi bên cái bàn sát vách kính bên trong quán đọc sách, nhấm nháp ly cà phê đen và thỉnh thoảng nhìn ra ngoài, xuyên qua những cành cây khô trang trí đặt sát vách kính.

Bên trong quán hơi tối, thỉnh thoảng tôi thấy vài khuôn mặt quen thuộc của giới điện ảnh, giới viết lách từng lên báo nói về hạnh phúc gia đình… Họ đi theo cặp, không vào quán mà đi thẳng lên khách sạn bên cạnh.

jeudi 29 décembre 2022

Phạm Công Luận - Nơi đầm ấm với sách & cà phê

 

Hơn ba mươi năm trước, đường Nguyễn Hậu bên hông Bưu điện thành phố có quầy nhận bưu phẩm phát nhanh. Hằng tuần, tôi đến đó nhận đồ gửi từ Hà Nội vào, là một valy kẽm chứa những xấp giấy can để in báo, mà người trong cơ quan gọi là “hòm kẽm”.

Con đường Nguyễn Hậu đó, sau này mang tên đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình, luôn ẩm ướt vào mùa mưa vì những tán lá cây bên lề đường đọng nhiều nước, thả xuống mặt đường. Mùa khô, đi xuyên đường này từ Bưu điện thành phố để qua phía đường Hai Bà Trưng, thấy có nhiều xe hơi đậu la liệt.

Con đường như bị bỏ quên, dù nằm ngay trung tâm thành phố. Trên xe máy của tôi, cái va ly kẽm nảy lên kêu lục cục vì mặt đường bị tróc nhựa nhiều chỗ, để lâu không tu sửa.

mercredi 4 mai 2022

Phạm Công Luận - Trăm năm gặm ổ bánh mì

 

Bánh mì đến xứ Đông Dương theo chân người Pháp khi tiến chiếm thuộc điạ. Họ ăn bánh mì hằng ngày như người Việt ăn cơm. Giả thuyết cho là bánh mì đã xuất hiện theo chân các cha cố truyền đạo chưa đủ thuyết phục.

Người Việt ghét Tây xâm lược nên cũng không ưa những phong tục do Tây mang đến, dễ thấy nhất là đồ ăn thức uống. “Chia rượu lạt, gặm bánh mì”, thích ăn uống kiểu Tây là nhục, đáng xấu hổ. Chí sĩ Phan Bội Châu viết hẳn một bài thơ về “Chiếc bánh mì”:

Mi kia có phải giống mình không

Nghe tiếng mi rao luống chạnh lòng

mercredi 5 mai 2021

Phạm Công Luận - Xóm Gà tan giấc…


Năm 2016, lần về quê hương cuối cùng trước khi mất, nhà văn Nhật Tiến hỏi tôi: “Xóm Gà bây giờ ra sao? Sáu mươi năm trước gia đình tôi sống ở đó!”.

Ông kể, năm 1954, vợ chồng ông còn rất trẻ di cư từ Hà Nội vào miền Nam và sống ở Đà Lạt. Một năm sau, ông về Gia Định, lần đến xóm Gà để cư ngụ. Đó là cái xóm ngoại ô, giá thuê nhà rẻ. Lúc đó vì không quen biết ai nên kiếm việc làm rất khó khăn. Trong gần hai năm liền, gia đình ông sống rất nghèo ở xóm Gà, chui rúc dưới mái nhà lá mà ông gọi là “tồi tàn”.

Ngoài ông và vợ là nhà văn Đỗ Phương Khanh, ở đó còn có nhà thơ Song Hồ và nhà văn Nguyễn Đình Toàn, tác giả tiểu thuyết "Áo mơ phai" và hai bài thơ phổ nhạc rất hay “Anh đến thăm em đêm Ba mươi” “Tình khúc thứ nhất”. Dù khó khăn, mọi người sống vẫn hồn nhiên, Nguyễn Đình Toàn ôm đàn ca hát suốt ngày, khi viết văn chỉ dùng mặt sau của bản tin Việt Tấn Xã làm giấy viết, lấy bút hiệu là Tô Hà Vân.

dimanche 14 février 2021

Phạm Công Luận - Mùi…chạp phô


Trong những khu xóm nhỏ, tiệm chạp phô báo hiệu Tết đến sớm khi bắt đầu đưa hàng về bán càng lúc càng nhiều. Trong đó, có nước mắm tĩn, cải xá bấu, khô cá và có cả đầu ông Địa. Hàng hóa của ông tạo thành một thứ mùi riêng, đó là…

MÙI... CHẠP PHÔ

Cuối tuần mấy ông bạn già ngồi cà phê với nhau. Sau khi nói hết chuyện thời sự, một ông cắc cớ hỏi: “Nghề tui là lái xe cho ông chủ. Có lúc ngồi đợi chủ ngoài bãi xe, tôi chợt nghĩ: người ta hay nói... mùi quê hương. Nghe cũng hay hay, nhưng theo mấy ông, mùi quê hương là mùi gì?”

Một ông buông tờ báo nói: “Đó là mùi sữa mẹ!”.

“Thôi đi, nghe nói hồi ông còn nhỏ, má ông đứt sữa sớm, ông phải uống sữa Guigoz. Không có bú sữa mẹ thì làm sao ông nhớ được tới giờ?”

dimanche 27 septembre 2020

Phạm Công Luận - Lời tiễn biệt thầy Nhật Tiến

 


Tin buồn lại đến khi biết tin nhà văn Nhật Tiến giã biệt cõi đời, chỉ sau cô Đỗ Phương Khanh hơn hai tuần. Riêng tôi, cảm thấy mình như vừa mất đi người thân. 

Thế hệ 6X ở miền Nam sẽ không quên bộ tuần báo Thiếu Nhi do thầy chủ biên, in ấn đẹp, bài vở thiết thực và tính giáo dục đậm đà. Cũng không quên cuốn sách “Thềm hoang” của thầy mà học trò trung học Đệ nhất cấp đã phải thuyết trình trước lớp. 

Tôi vẫn nhớ nhiều chi tiết cuốn sách đặc sắc “Thuở mơ làm văn sĩ”, gần như là hồi ký mà thầy kể về thời học trò tập tành làm báo ở Hà Nội. Cuốn sách này đã thúc giục tôi đi vào con đường làm báo sau này. Những cuốn sách đó, cùng cuốn “Những người áo trắng”, vở kịch “Người kéo màn”, khi gặp nhau, thầy đều tặng cho vợ chồng tôi, luôn ghi trang trọng: “Tặng cô chú….”, dù chúng tôi chỉ ở tuổi con của thầy.