Affichage des articles dont le libellé est Đỗ Hoàng Diệu. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Đỗ Hoàng Diệu. Afficher tous les articles

dimanche 6 août 2023

Đỗ Hoàng Diệu - Bạn tôi ơi, đừng sợ !

 

Bạn học của tôi, nhiều người là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, vụ trưởng, cục trưởng này kia.

Đêm qua, tôi nhắn tin hỏi một bạn trong số họ về trường hợp tử tù Nguyễn Văn Chưởng, rằng tôi biết bạn rất giỏi nghiệp vụ, bạn nghĩ thế nào về bản án tử hình đang xôn xao? Người bạn đó trả lời tôi bằng một khuôn mặt mếu và một khuôn mặt có cái miệng bị bàn tay bịt kín.

Tôi thương người bạn học. Ăn cây nào rào cây ấy, bạn không dám mở miệng. Bạn nghĩ Nguyễn Văn Chưởng chết hay sống chẳng liên quan gì tới mình.

samedi 3 juin 2023

Đỗ Hoàng Diệu - Bà giám đốc và anh bán bún

Tôi có đọc về vụ giám đốc Lê Thị Dung bị tòa xử 5 năm tù nhưng không quan tâm đến mức phải cất công tìm hiểu.

Nếu tự gán cho mình "nghĩa vụ" phải viết gì đó, tôi sẽ viết về vụ người bán bún Bùi Tuấn Lâm mới bị kết án 5 năm 6 tháng tù.

Vì sao?

Bà Dung là cô giáo nhưng cũng là giám đốc, người có chức có quyền, đứng trong hàng ngũ của Đảng như ông bác sĩ Tuấn tim. "Tổ chức" cần bảo vệ người của họ. Còn anh Lâm chỉ là dân đen, như tôi, như mấy chục triệu người Việt thấp cổ bé họng khác.

mercredi 12 avril 2023

Đỗ Hoàng Diệu - Một giấc mơ

 

Nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp bảo: "Sống dễ lắm! Cứ nhìn vào mắt trẻ con mà sống."

Tôi không biết các nhà lãnh đạo Việt Nam nhìn thấy gì trong mắt hai đứa con của kỹ sư Nguyễn Lân Thắng. Trong veo, họ có biết soi mình? Biết soi mình, họ thấy trong gương loài dã thú ngậm công lý giữa bộ răng nanh hung ác, hay bộ dạng thiên thần lầm rầm kinh đạo đức?

Đêm qua tôi mơ giấc kỳ lạ. Tôi là thẩm phán trong phiên tòa xử kỹ sư Thắng hôm nay. Chiều muộn, tiết âm lịch tháng Ba lành lạnh xám, tôi gõ búa tuyên bị cáo vô tội. Rồi tôi bước khỏi bục, cởi áo choàng, cởi luôn công danh sự nghiệp...

dimanche 18 septembre 2022

Đỗ Hoàng Diệu - Hồ Chí Minh và Trường Chinh, ai đã muốn cải cách ruộng đất ngay ?

 

Tôi mới đọc Nguyễn Thị Từ Huy phỏng vấn nhà văn Vũ Thư Hiên. Bài phỏng vấn có đoạn:

"- Xin ông nói thêm về chủ trương cải cách ruộng đất, theo hiểu biết của ông?

Vũ Thư Hiên:

- Khi chủ trương cải cách ruộng đất được Trường Chinh đặt ra, ông Hồ có nói với cha tôi:

“Chuyện này tôi nghĩ mình chẳng cần làm ngay bây giờ, để kháng chiến xong mình làm cũng không muộn”.

dimanche 2 janvier 2022

Đỗ Hoàng Diệu - Quyền riêng tư không có nghĩa đèn nhà ai nấy rạng

Năm dương lịch 2021 kết thúc ở Việt Nam với một cái chết. Khác hàng trăm hàng ngàn người từ giã cõi đời mỗi ngày, thân thể nhỏ bé tím bầm của em không chỉ làm mẹ em đau ngất, mà chấn động rung lắc trái tim của triệu triệu người Việt.

Kẻ thủ ác rồi sẽ phải đền tội. Xót thương đến mấy, kêu gào đến đâu cũng không thể mang linh hồn em nhập vào thể xác, cũng không thể quay ngược thời gian để đến căn hộ đó, đập cửa xông vào giải cứu em.

Gió to tạo sóng lớn, động đất sinh sóng thần. Cái chết của em như một trận động đất mạnh. Động đất tính bằng phút, sóng thần chỉ vài giờ. Đất đã động nhiều cơn, sóng đã chồm nhiều lần, chúng ta rung một lúc lắc vài ngày rồi quên dần quên đi... Bài học nào, đấu tranh nào, nhắc nhở nào cho chúng ta cho ngày mai?

samedi 30 octobre 2021

Đỗ Hoàng Diệu - Bác sĩ giỏi, xin đừng làm lãnh đạo

 

Ông Tuấn tim bị khởi tố, rất nhiều người giận - thương - tiếc. Nhưng có vẻ giận chỉ một chút, còn thương- tiếc trùng trùng dằng dặc.

Bà Đoan Trang nhà báo sắp bị đưa ra xét xử, không nhiều người (dám) bàn, trừ đơn vị hồng vệ binh được nhà nước trả lương để căm hờn và chửi rủa.

Dễ hiểu vì sao ông Tuấn được dân giận dân thương dân tiếc. Bởi nghề nghiệp của ông trực tiếp tác động đến sức khỏe, thậm chí tính mạng con người. Những việc bà Trang làm từ xưa đến giờ, tác động của chúng lên dân chúng có vẻ mơ hồ.

dimanche 8 août 2021

Đỗ Hoàng Diệu - Vaccin « ông ngoại », câu chuyện hàng ngày

 

Hôm 21 tháng 7, truyền thông đưa tin: người thân cận của tổng thống Hàn Quốc, thống đốc tỉnh Nam Gyeongsang là Kim Kyoung Soo phải vào tù vì "làm giả ý kiến trên mạng", hòng tạo ra lợi thế cho ứng viên Moon Jae In trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2017.

Cùng thời gian này, mạng xã hội Việt Nam xôn xao bàn tán về "vaccin ông ngoại". Sau mấy ngày, "vaccin ông ngoại" trở thành vở hài kịch lộng lẫy của chính quyền, mà cảnh cô hoa khôi nộp phạt mười mấy triệu đồng đã vội vàng khép lại tấm màn nhung dối trá. Màn khép lại, màu đỏ thẫm uy quyền hiện ra như ngáo ộp buộc dân ngậm miệng.

Bất cứ ai đang sống tại Việt Nam hay có một chút hiểu biết đúng đắn về Việt Nam đều biết "vaccin ông ngoại" là câu chuyện xảy ra hàng ngày khắp nơi trên dải đất hình chữ S, từ ông ngoại chủ tịch xã đến ông ngoại giáo sư, cho tới ông ngoại trung ương.

mardi 6 juillet 2021

Đỗ Hoàng Diệu - Nỗi đau mất nước khó mà buông bỏ…


Mười lăm năm trước, lần đầu tiên tôi nghe quốc ca của nước Việt Nam Cộng Hòa tại đại học Berkeley, trong một đêm văn nghệ của sinh viên gốc Việt.

Khi bản nhạc vang lên, dù có chút bỡ ngỡ,  tôi vẫn hiểu ngay đó là gì, bởi đã đọc không nhiều nhưng cũng không phải quá ít sách vở, tư liệu về lịch sử - chiến tranh Việt Nam. Những thứ sách giáo khoa phổ thông không đề cập, những thứ giáo trình đại học né tránh, những thứ báo chí chính thống vạch làn ranh đỏ. Chị T. thì ngây thơ nên ngơ ngác la lên : ơ, họ bỏ nhầm đĩa à, đây đâu phải quốc ca Việt Nam.

Hai mươi bảy năm trước, lần đầu tôi đến Saigon. Anh lễ tân khách sạn dễ thương thủ thỉ: "Ngoài bển mưa có nhiều như Sài gòn không em?" "Anh cũng tính lúc nào ra bển xem một chuyến cho biết mà má anh cấm".

dimanche 21 mars 2021

Đỗ Hoàng Diệu - Nguyễn Huy Thiệp và thần linh


 1. Tôi luôn phản đối việc thánh hóa người trần. Con người, dù anh có là ai, tài năng tới đâu, đức độ tới đâu, vẫn vô vàn khiếm khuyết.

Nhưng tôi tin thần linh, cùng những huyền hoặc.

Tôi nghĩ Nguyễn Huy Thiệp đã viết văn như thần viết. Truyện ông hay không phải do học tập cần cù rèn luyện. Thượng đế đã chọn ông.

lundi 23 novembre 2020

Đỗ Hoàng Diệu - Thư nước Mỹ: Những tiếng nói chân thật


(TP 23/11/2020)  - Tôi chỉ là thường trú nhân ở Mỹ, không có quyền bầu cử, cũng không am hiểu tường tận nền chính trị Mỹ để có thể bàn luận chuyện chính trường. Bài viết này chỉ ghi lại trung thực ý kiến của những người tôi quen biết giải thích tại sao họ chọn ông Biden, hoặc ông Trump.

Nơi tôi sống là một thị trấn nhỏ thuộc tiểu bang Ohio, vốn được xem là một trong các tiểu bang chiến địa quyết định thắng thua trong cuộc đua tổng thống. Trước bầu cử, người Mỹ thường cắm bảng hiệu đề tên ứng viên mình ủng hộ trước cửa nhà. Những con đường sạch sẽ, đẹp đẽ nhất của trị trấn rợp màu xanh dương với tên Biden nắn nót màu trắng.

Cử tri bang chiến địa Pennsylvania phân hóa giữa hai lựa chọn

Ngày nào cũng dạo bộ hay lái xe quanh quanh, tôi chỉ thấy mỗi hai tấm bảng không xanh dương. Một dành cho ca sĩ Kanye West, một dành cho đương kim Tổng thống Trump. Ai đi qua cũng quay đầu nhìn lại hai tấm bảng này, như thể quái vật. Không dừng lại ở ngoái nhìn, tôi bí mật điều tra chủ nhân của chúng. Bên trong ngôi nhà khắc tên Kanye là cặp vợ chồng trẻ da màu, anh chồng đang theo học chương trình tiến sĩ hóa học tại Đại học Ohio. Và người dũng cảm chôn cọc tấm biển ủng hộ ông Trump giữa bạt ngàn biển xanh ủng hộ ông Biden là quản lý nhóm của một công ty bảo hiểm, có vợ dạy mẫu giáo.

mardi 13 octobre 2020

Đỗ Hoàng Diệu - Người ta có bớt xây tượng đài để cứu những đứa trẻ sắp ra đời ?

 


Lúc những thuyền viên gặp nạn trên biển Quảng Trị, chắc họ đã nghĩ mình sẽ được cứu sớm.

Vì bờ biển ngay kia, chính quyền ngay kia, gia đình ngay kia, trách nhiệm ngay kia, tình thương ngay kia. Không phải giữa trùng khơi mênh mông, bốn bề chỉ là đường viền của chân trời hay hố đen vũ trụ.

Chắc người thân của họ đã nhủ thầm, bao nhiêu lực lượng ở đây, chắc chỉ vài giờ là kéo được chồng cha anh mình vào bờ. Ừ, thì gió to sóng lớn, nhưng phải có cách chứ. Đến Mỹ ngụy chúng ta còn đánh thắng được cơ mà.

dimanche 16 février 2020

Đỗ Hoàng Diệu - Hạ cánh ở Đồng Tâm



Địa chỉ nhà cụ Lê Đình Kình đã có trên Google Maps!
Không bức tường nào sập. Không có bức tường nào của nhà ông Lê Đình Kình bị công an nổ mìn đánh sập cả. Ngôi nhà gần như nguyên vẹn, trừ các vết đạn. Có một lối đi thông giữa nhà ông Kình với nhà con trai Lê Đình Chức, do ai đó đã đập vỡ một phần tường ngăn cách, bà Dư Thị Thành nói người nhà tự làm, khi chúng tôi thắc mắc.

Cũng không có hầm chông nào. Đảng viên trung kiên Lê Đình Kình, người đã kinh qua hai cuộc chiến tranh lẫy lừng do Cộng sản chỉ đạo, kinh qua quan trường, kinh qua đấu tranh với quân đội – công an, trí tuệ còn minh mẫn, không phải anh du kích không biết viết biết đọc mặc khố ăn lá cây giữa rừng năm xưa. Làng Đồng Tâm gần như phố thị, nhà nối nhà cửa hiệu nối cửa hiệu, bê tông cốt thép ngạo nghễ mọc trên gốc hồn làng.

Nhà ông Kình rất nhỏ. Tôi đoán ông đã chia mảnh đất làm ba để chia cho hai người con trai, như hàng triệu người cha Việt Nam đã làm, cưới vợ dựng nhà chăm cháu cho con. Nhà ông Kình nghèo. Bàn ghế, giường chiếu, bếp núc đơn sơ, lạc hậu.