dimanche 30 octobre 2011

Những giờ phút cuối cùng của Kadhafi


(Dịch từ Paris Match)

Chỉ đến lúc những cơn mưa đạn trút xối xả lên các bức tường nhà, Kadhafi mới quyết định chạy trốn. Đến phút chót, ông vẫn còn muốn kháng cự. Trong « Khu số 2 » nằm ở trung tâm thành phố Syrte điêu tàn vì bom đạn, gần như không còn thức ăn và rất ít nước uống, trong nhiều tuần vị lãnh chúa thất thế vẫn tin là có thể tổ chức phản công. Nhưng giờ đây quân nổi dậy đã tiến sát bên. Phe Kadhafi chỉ còn lại có ba dãy nhà, và sống trong nỗi ám ảnh bị NATO không kích.

Được Moatassem - người con trai hăng hái nhất của Kadhafi - chỉ huy, họ chỉ còn lại chừng hơn trăm người, hợp nên vòng cố thủ cuối cùng. Đóng rải rác trong những đống đổ nát, núp trên mái những ngôi nhà còn đứng vững, họ là vòng đai bảo vệ trung thành cuối, chống lại  cơn say trả thù của người Libya.

Tối thứ Tư, Moatassem cho chất lên các xe tải nhẹ vũ khí và xăng nhớt để cố phá vòng vây. Mỗi chiếc xe được cho đậu trong sân hay giấu trong các đống gạch vụn. Sáng sớm thứ Năm 20/10, đoàn xe khoảng 40 chiếc bắt đầu chạy trốn. Trang bị vũ khí đến tận răng, các chiến binh hy vọng sẽ lách qua được các phòng tuyến, trong lúc quân nổi dậy còn say ngủ.

samedi 29 octobre 2011

Phóng viên Không biên giới cảnh giác du khách đến Việt Nam, Thái Lan và Mêhicô

Bài đăng : Thứ bảy 29 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 29 Tháng Mười 2011 
 

Tổ chức Phóng viên Không biên giới (Reporter Sans Frontières - RSF) hôm qua (28/10/2011) đã tung ra một chiến dịch truyền thông nhằm nhắc nhở khách du lịch đến các nước Việt Nam, Thái Lan và Mêhicô, đừng quên rằng tại ba nước này quyền tự do báo chí thường bị vi phạm.

Trong bản thông cáo, ông Jean-François Julliard, Tổng thư ký Phóng viên Không biên giới cho biết, mục đích của chiến dịch là nhằm cảnh tỉnh du khách trước khi lên đường đi nghỉ mát tại các vùng đất đầy nắng ấm trên đây. Ông nói : « Chúng tôi không kêu gọi tẩy chay việc đi du lịch tại các nước này, nhưng mong muốn du khách biết được mặt trái của vấn đề…Chúng tôi đã chọn ba quốc gia vừa được xem là thiên đường du lịch, nhưng cũng vừa là địa ngục đối với các nhà báo. Đó là Mêhicô, Việt Nam và Thái Lan ». 

Ông Julliard nhấn mạnh : « Đằng sau những hàng cây cọ, các bãi biển và đền đài, đôi khi ẩn giấu nạn đàn áp các nhà báo và những người viết blog. Chúng tôi cổ vũ cho một nền du lịch có trách nhiệm. Lựa chọn đi du lịch ở đâu là quyền của các bạn, nhưng bổn phận của chúng tôi là phải nói cho các bạn biết ».

Trong khuôn khổ chiến dịch truyền thông trên đây có ba áp-phích được tung ra. Trên nền phong cảnh của từng nước, hiện rõ lên những dòng chữ cảnh báo. « Merde à la liberté d’expression. Partez au Mexique ». Tạm dịch : « Nếu cóc cần đến quyền tự do ngôn luận, thì hãy đi Mêhicô ». «Merde à la démocratie. Partez en vacances en Thailande ». Tạm dịch « Nếu cóc cần đến dân chủ, hãy đi nghỉ hè ở Thái Lan ». Còn đối với Việt Nam, trên hình ảnh những thửa ruộng bậc thang xinh đẹp là dòng chữ « Merde aux Droits de l’homme. Partez en vacances au Vietnam ». Tạm dịch : « Nếu cóc cần nhân quyền, hãy đến Việt Nam ».

Một trang web cũng đã được thành lập, trong đó tập hợp những vụ vi phạm nhân quyền và tự do báo chí mà Phóng viên Không biên giới ghi nhận được ở mỗi nước. Địa chỉ trang này là : http://www.censorship-paradise.com/fr/.

tags: Pháp - Việt Nam
http://www.pagewash.com///nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/ivrg-anz/20111029-cubat-ivra-xubat-ovra-tvbv-pnau-tvnp-qh-xunpu-qra-ivrg-anz-gunv-yna-in-zruvpb 
 

Đài Loan trưng bày tác phẩm của nghệ sĩ Trung Quốc Ngải Vị Vị

Bài đăng : Thứ bảy 29 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 29 Tháng Mười 2011 

Hôm qua (28/10/2011), Viện bảo tàng Mỹ thuật Đài Bắc đã khai mạc cuộc triển lãm mới của nghệ sĩ Trung Quốc Ngải Vị Vị, mang tên « Ngải Vị Vị vắng mặt ». Cuộc triển lãm này trưng bày nhiều tác phẩm táo bạo của nhà nghệ sĩ ly khai nổi tiếng thế giới đang bị Bắc Kinh đàn áp.

Đặc biệt có thể kể một bức ảnh trong đó nhà ly khai dùng ngón giữa trỏ vào chân dung Mao Trạch Đông trưng trên quảng trường Thiên An Môn, một hành động được xem là sỉ nhục đối với phương Tây. Một trong số các tác phẩm gây tranh cãi nữa là chân dung ông Ngụy Kinh Sanh, một trong những nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng nhất của Trung Quốc, đã bị tù 15 năm trước khi sang Mỹ sống lưu vong.

Hoành tráng nhất là tác phẩm sắp đặt mang tên « Forever Bicycles », gồm 1.200 chiếc xe đạp được chồng chất lên nhau, biểu trưng cho sự thay đổi trong cộng đồng người Trung Quốc. Tác phẩm này vừa được Ngải Vị Vị hoàn tất sau khi được tạm trả tự do.

Ông Ngải Vị Vị, một nghệ sĩ nhiều lần mạnh dạn công khai chỉ trích đảng Cộng sản Trung Quốc, đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ hồi tháng Sáu, gây phẫn nộ cho dư luận thế giới. Sau ba tháng bị giam giữ ở một địa điểm bí mật, ông đã được tạm tha nhưng vẫn đang bị truy tố về tội trốn thuế, và bị quản thúc không cho ra khỏi Bắc Kinh.

Ngải Vị Vị tuyên bố : « Chính sự khiếm diện của tôi đã tạo cho cuộc triển lãm một ý nghĩa đặc biệt ». Ông cho rằng việc ông phải vắng mặt trong cuộc triển lãm riêng lớn nhất từ trước đến nay của mình trước một cộng đồng người Hoa, tự nó đã nói lên tất cả.

Hôm 13/10, tạp chí chuyên ngành nghệ thuật nổi tiếng của Anh, Art Review, đã tặng cho Ngải Vị Vị danh hiệu Nghệ sĩ gây ảnh hưởng nhiều nhất thế giới. Tổng biên tập tạp chí nhận định : « Ngải Vị Vị đã nhắc nhở cho giới nghệ thuật vai trò chính trị quan trọng của họ, như một nhân tố phản kháng, vượt ra khỏi lãnh vực đôi khi khép kín của các phòng triển lãm tranh và bảo tàng…Sự dấn thân của ông cho thấy nghệ thuật có thể tác động đến một lượng khán giả rộng rãi và gắn bó với thế giới thực ». Ngay sau đó Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối việc trao tặng danh hiệu này.

Triển lãm kéo dài ba tháng, giới thiệu nhiều tác phẩm của Ngải Vị Vị được sáng tác từ năm 1983 cho đến nay, kể cả các tác phẩm sắp đặt, ảnh nghệ thuật, điêu khắc và video. Một phát ngôn viên chính phủ Đài Loan cho hay, bà Lộ Thanh, vợ ông Ngải Vị Vị dự định sẽ đến Đài Bắc vào tháng tới để xem triển lãm.

tags: Châu Á - Trung Quốc - Đài Loan
http://www.pagewash.com////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111029-qnv-ybna-gehat-onl-gnp-cunz-phn-atur-fv-gehat-dhbp-atnv-iv-iv 

WTO bác đơn của Trung Quốc kiện châu Âu về thuế chống phá giá

Bài đăng : Thứ bảy 29 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 29 Tháng Mười 2011 
 

Hôm qua (28/10/2011) Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã công bố kết luận về vụ Bắc Kinh kiện Liên hiệp châu Âu đã áp đặt thuế chống phá giá lên giày Trung Quốc xuất khẩu qua thị trường này. Tuy cho rằng các quy định của châu Âu là không phù hợp, nhưng WTO cũng bác đơn kiện của Trung Quốc.

Tổ chức Thương mại Thế giới cho rằng các quy định của Liên hiệp châu Âu, theo đó quyền áp đặt thuế chống phá giá được thông báo cho quốc gia cung ứng nhưng không thông báo cho công ty sản xuất, là đi ngược lại với quy tắc quốc tế. Hơn nữa, Bruxelles đã không tôn trọng các nghĩa vụ liên quan đến việc xử lý các thông tin mật về các biện pháp chống phá giá.

Tuy nhiên Tổ chức Thương mại Thế giới cũng đã bác bỏ các đơn kiện Liên hiệp châu Âu của Trung Quốc, đặc biệt là các vụ liên quan đến những cuộc điều tra được tiến hành trước khi áp dụng các biện pháp chống phá giá, vốn đã kết thúc vào tháng 3/2011.

Chính quyền Bắc Kinh cho rằng việc Bruxelles quyết định gia hạn thêm 15 tháng việc đánh thuế chống phá giá lên giày mũ da có xuất xứ từ Trung Quốc và Việt Nam, là không phù hợp với các quy tắc thương mại quốc tế. Thuế này đánh vào giày mũ da xuất khẩu của Việt Nam ở mức 10%, còn giày Trung Quốc từ 9,7% đến 16,5%, bắt đầu được áp dụng từ tháng 10/2006 trong thời hạn hai năm.

Theo thống kê của châu Âu, các loại giày nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam bị áp thuế kể trên, chiếm khoảng 30% thị trường châu lục này. Liên hiệp châu Âu đã áp đặt hạn ngạch nhập khẩu lên giày Trung Quốc từ năm 1995 đến năm 2005. Sau đó EU đã bãi bỏ hạn ngạch, thay vào đó là một cuộc điều tra, và kết quả là việc áp đặt thuế chống bán phá giá từ tháng 10/2006. Hai bên có quyền kháng cáo trong vòng 60 ngày kể từ khi phán quyết được công bố.

tags: Châu Á - Kinh tế - Quốc tế
http://www.pagewash.com////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111029-jgb-onp-qba-xvra-punh-nh-phn-gehat-dhbp-ir-guhr-pubat-cun-tvn 
 

Nhật - Ấn quyết định cùng tăng tốc khai thác đất hiếm

Thứ bảy 29 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 29 Tháng Mười 2011

Trong cuộc gặp gỡ tại Tokyo hôm nay (29/10/2011), Ngoại trưởng Nhật Koichiro Genba và người đồng nhiệm Ấn Độ Somanahalli Mallaiah Krishna đồng ý sẽ đẩy mạnh tốc độ cùng khai thác các mỏ đất hiếm tại Ấn. Hai bên cũng khẳng định sẽ tiếp tục thương lượng về một hiệp ước hợp tác nguyên tử vì mục đích dân sự.

Ngoại trưởng Nhật Koichira Genba tuyên bố, cả hai nước sẽ đẩy nhanh việc cùng khai thác đất hiếm tại Ấn Độ, trên tinh thần một thỏa thuận đã đạt đượ

Nhật Bản đang tìm kiếm các nguồn cung ứng đất hiếm khác để bớt lệ thuộc vào Trung Quốc, nước đang cung cấp trên 90% nhu cầu của toàn thế giới và hiện đang thu hẹp xuất khẩu. Các loại đất hiếm vốn là nguyên liệu tối cần thiết cho các sản phẩm kỹ thuật cao của Nhật, từ máy tính cá nhân cho đến xe hơi sử dụng cả xăng và điện.

Tờ báo Nhật Jiji Press trích lời Ngoại trưởng Genba cho biết thêm, Nhật Bản và Ấn Độ cũng sẽ xúc tiến thương lượng về hiệp ước hợp tác hạt nhân dân sự, có cân nhắc đến vấn đề giải trừ nguyên tử và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Hiệp ước này sẽ cho phép Tokyo có thể xuất khẩu kỹ thuật nguyên tử tiên tiến của Nhật sang quốc gia Nam Á đang thiếu thốn năng lượng, một thị trường hấp dẫn cho việc xây dựng các nhà máy điện nguyên tử. Nhưng việc thương thảo đã bế tắc từ sau thảm họa Fukushima ngày 11/3, tai nạn nhà máy điện nguyên tử tệ hại nhất kể từ sau thảm họa Chernobyl cách đây 25 năm.

Nhật Bản – quốc gia duy nhất phải hứng chịu bom nguyên tử - vốn là tiếng nói chủ chốt trong nỗ lực giải trừ hạt nhân trên toàn cầu. Tokyo đặc biệt quan ngại đến việc Ấn Độ là nước sở hữu vũ khí nguyên tử, nhưng lại chưa ký vào Hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân.

tags: Ấn Độ - Kinh tế - Nhật Bản - Theo dòng thời sự
http://www.pagewash.com//nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111029-aung-ona-in-na-qb-dhlrg-qvau-phat-gnat-gbp-xunv-gunp-qng-uvrz
 

jeudi 27 octobre 2011

Libya và luật Hồi giáo : Sẽ cho phép đa thê và cấm ly dị ?

Chủ nhật tuần rồi tại Benghazi, nơi khởi đầu cuộc nổi dậy, trước hàng chục ngàn người trong một rừng cờ ba màu xanh, đen, đỏ, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp Libya (CNT), Mahmoud Abdeljalil đã tuyên bố đất nước Libya hoàn toàn giải phóng. Trong niềm vui đó, ông nói về dân chủ, bình đẳng, nam nữ bình quyền…chăng ? Không. Ông loan báo : « Là một đất nước Hồi giáo, chúng ta áp dụng luật Hồi giáo (charia) là bộ luật cơ bản ». Bài diễn văn của ông được nhấn bằng những câu « Allah akbar ! » (Thượng đế vĩ đại).

Phải nói rằng, cái chết thảm khốc của ông Mouammar Kadhafi và bộ luật Hồi giáo là những bóng mây đen của cuộc cách mạng Libya.

Thật ra việc này không có gì mới, vì hồi giữa tháng 9, ông Abdeljalil cũng đã từng khẳng định như trên. Nhưng đáng chú ý là lần này, trong không khí hồ hởi của chiến thắng, chính quyền mới chưa chính thức được hình thành, Quốc hội chưa có để định ra Hiến pháp, mà ông đã tự ra tuyên bố áp dụng luật charia ! Ông Mahmoud Abdeljalil còn lấy ví dụ cụ thể là đạo luật thời ông Kadhafi hạn chế đa thê và cho phép ly dị, sẽ không còn hiệu lực nữa. Chủ tịch CNT cũng thông báo sẽ cho mở các ngân hàng Hồi giáo, vốn cấm cho vay nặng lãi.

Tuyên bố áp dụng luật Hồi giáo đã làm cho cộng đồng quốc tế lo ngại, và có phản ứng ngay lập tức. Người đứng đầu ngành ngoại giao của châu Âu, bà Catherine Ashton nói rằng : « Chúng tôi chờ đợi một nước Libya mới dựa trên việc tôn trọng nhân quyền và các nguyên tắc dân chủ ». Còn Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé cho biết : « Chúng tôi sẽ cảnh giác ngõ hầu các giá trị mà chúng tôi đã đấu tranh bên cạnh nhân dân Libya để bảo vệ phải được tôn trọng. Đó là dân chủ, tôn trọng con người, bình đẳng nam nữ ».Chủ tịch Liên hiệp quốc tế các liên đoàn nhân quyền (FIDH), bà Souhayr Benhassen nhấn mạnh : « Hàng ngàn người đã chết đi không phải để ngày nay thụt lùi trở lại như kiểu Iran ».

Có lẽ vì vậy nên hôm sau đó ông Mahmoud Abdeljalil đã « chữa cháy » bằng cách cam đoan : « Libya là những người Hồi giáo ôn hòa ». Ông vụng về giải thích rằng, hôm trước ông chỉ muốn đưa ra một ví dụ mà thôi, vì luật hiện hành chỉ cho phép đa thê với một số điều kiện, còn theo luật charia thì không đặt ra điều kiện nào cả.

Charia là bộ luật Hồi giáo quy định các quyền lợi và nghĩa vụ của các tín đồ đạo này, những điều cấm đoán và trừng phạt trong charia dựa theo truyền thống và các án lệ. Luật charia được áp dụng linh hoạt theo từng quốc gia Hồi giáo. Trong số các khung hình phạt có tử hình dành cho tội cố sát, đánh 100 gậy cho tội ngoại tình, chặt bàn tay phải nếu trộm cắp.

Luật Hồi giáo cho phép đa thê và chấp nhận ba hình thức chấm dứt cuộc sống vợ chồng. Hoặc được một giáo sĩ Hồi giáo cho phép, hoặc thuận tình ly dị, hoặc đơn phương bỏ người phối ngẫu nếu trước đó có ghi trong hợp đồng hôn nhân. Quyền ly dị trước hết thuộc về người chồng, và một vụ ly dị dân sự chỉ có giá trị theo luật Hồi giáo nếu do chính người chồng yêu cầu, hoặc được sự đồng ý từ phía người chồng.

Ông Mouammar Kadhafi đã đè bẹp tự do của đất nước Libya trong suốt 42 năm. Bốn mươi hai năm, thời gian đủ dài để một đứa trẻ lớn lên, trở thành cha mẹ và sinh con đẻ cái. Hậu quả của một thời kỳ độc tài quá dài lâu, không chỉ ở việc trấn áp, bỏ tù, tra tấn, tử hình, mất tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, nọc độc của nó còn tồn tại ngay chính trong các nạn nhân. Suốt quãng đời đi học, học sinh phải tụng cuốn « Sách xanh » - giáo điều của Kadhafi. Cả một lớp tuổi trẻ đành phải vùi đầu vào cuốn sách duy nhất được tự do đọc, đó là kinh Coran. Dân chủ ? Họ không hề biết đến. Ảnh hưởng có thể cảm nhận được trong suốt tám tháng đấu tranh vừa qua, trong lời tuyên bố và thái độ của các chiến binh, trận chiến cuối cùng ở Syrte, việc sát hại ông Kadhafi, và nhất là tuyên bố về luật Hồi giáo.

Đối với nhiều nhà quan sát tại chỗ thì không có mấy ngạc nhiên. Đứng trước đội ngũ cảnh sát của chế độ Kadhafi, những người biểu tình can đảm nhất chỉ hô mỗi một câu khẩu hiệu. Quân nổi dậy có mỗi một khẩu lệnh trong chiến đấu. Để chào nhau khi gặp mặt, lúc ra đi, cổ vũ, chúc mừng, xung phong, bày tỏ niềm hân hoan hay sự đau khổ, bắt đầu và kết thúc phát biểu, đều chỉ có mỗi một câu : « Allah akbar ! »

Tất cả các phóng viên nước ngoài từng xuôi ngược trên các con đường đất nước Libya đều có một nhận xét chung. Đó là, một nước Libya dù có cách mạng hay không, đều là thế giới của đàn ông. Phụ nữ tất nhiên không hề có mặt trong đội ngũ vũ trang, nhưng cũng không hiện diện trong số các nhân viên y tế, hậu cần, căng-tin, thậm chí trong văn phòng. Khi tiến gần những chiếc xe của thường dân đang trên đường đi sơ tán khỏi các thành phố đang bị bao vây như Beni Walid hay Syrte, các nhà báo thường bị chặn lại, để tránh hỏi chuyện những phụ nữ trong xe. Và cuối cùng, những người phụ nữ đến tham dự buổi mít-tinh mừng chiến thắng ở Benghazi được nghe thông báo là chấm dứt quyền ly dị, trở lại chế độ đa thê !

Đây chỉ mới là một vệt xám, còn nhiều những vệt xám khác.

Những ai đã xem các video clip về cái chết của Kadhafi có lẽ khó quên hình ảnh hàng chục người kéo nhà cựu độc tài quẳng xuống đất, gào thét « Allah akbar ! », những cú đánh, cú đá, máu chảy và hai phát súng…Cái xác đẫm máu mang đầy vết bầm, vết xước kể cả dấu giày đinh, được trưng bày như chiến lợi phẩm trong một kho lạnh chứa thịt gia súc cho hàng ngàn người đến xem, sỉ vả và chụp ảnh. Người con trai Mouatassim bị bắt sống cũng cùng chung số phận. Người ta tự hỏi, thế thì có bao nhiêu quân lính phe Kadhafi cũng bị bắt sống và giết chết như thế ? Nói chung là không ai quan tâm đến khái niệm tù binh chiến tranh cả.

Đất nước Libya cũng đang bị chia rẽ, trước hết là các vùng miền. Thành phố Misrata đương cự với quân Kadhafi suốt sáu tháng, cứ mười người đàn ông thì có một người đã hy sinh. Nhưng sau đó quân nổi dậy ở Misrata đã lên tàu đến thẳng thủ đô, tiến vào dinh Kadhafi, và họ cũng có mặt ở nơi cố thủ cuối cùng của nhà độc tài là Syrte. Công trạng của đội quân từ Benghazi cũng rất lớn, tuy nhiên hai nhóm quân này không chia sẻ thông tin và nghi kỵ lẫn nhau, bên cạnh đó còn có các nhóm quân khác. Vũ khí đang được lưu chuyển tự do tại Libya, và người ta có thói quen « nói chuyện » với khẩu kalachnikov trên tay.

Misrata chống lại Benghazi, địa phương không phục trung ương, thủ lĩnh quân đội đối chọi với chính khách, khuynh hướng tự do với chủ nghĩa Hồi giáo, chuyên chế chống lại dân chủ…Kadhafi đã gục ngã, nhưng như mọi nhà độc tài khác, ông ta để lại đằng sau một đất nước bị xâu xé. Và rất nhiều áng mây đen trên nền trời sa mạc Libya.


(Bài viết có tham khảo Le Nouvel Observateur)

Các đồng minh tìm cách hỗ trợ Libya trong thời kỳ quá độ

Bài đăng : Thứ năm 27 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 27 Tháng Mười 2011 
 

Các nước tham gia vào liên minh quân sự tại Libya đang bàn bạc với những người lãnh đạo mới của nước này phương cách đễ hỗ trợ CNT trong giai đoạn chuyển tiếp, trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc chấm dứt hoạt động của NATO tại đây.

Hôm nay (27/10), Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua một nghị quyết nhằm kết thúc các hoạt động của Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Libya vào ngày 31/10 tới. Ngày mai NATO sẽ họp tại Bruxelles để chính thức tuyên bố chấm dứt các hoạt động không kích, mặc dù giới lãnh đạo mới của Libya kêu gọi nên gia hạn.

Trước đó vào hôm qua, Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp Libya (CNT) đã yêu cầu duy trì các hoạt động của NATO ít nhất đến cuối năm 2011. Theo CNT, thì sau cái chết của Mouammar Kadhafi tuần qua, những người trung thành với nhà cựu độc tài vẫn là mối đe dọa cho đất nước.

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, đang có những cuộc thương thảo với CNT về một vai trò tương lai của NATO. Chẳng hạn như việc kiểm soát các biên giới, giúp giải ngũ các chiến binh, thu hồi các loại vũ khí đang tự do lưu hành. Hôm qua, Tổng tham mưu trưởng quân đội Qatar, tướng Hamad Ben Ali al-Attiya cho biết, có thể sẽ thành lập một liên minh mới gồm ít nhất 13 nước trong đó có Mỹ, Anh, Pháp. Nhiệm vụ của liên minh này là giám sát « việc huấn luyện các lực lượng quân sự, thu hồi vũ khí và giúp quân nổi dậy hòa nhập vào các định chế quân sự ».

Cộng đồng quốc tế hiện rất quan ngại về sự hiện diện của rất nhiều kho vũ khí, đạn dược tại Libya, sợ rằng sẽ bị rơi vào tay các mạng lưới khủng bố, làm mất ổn định khu vực. Trong một sa mạc cách thành phố Syrte 120 km, phóng viên AFP nhận thấy có một kho đạn chứa đến hàng chục ngàn tấn đạn dược hoàn toàn không có ai trông coi. Tổ chức Human Rights Watch tỏ ý thất vọng về « thất bại » của CNT trong vấn đề này dù đã có hàng loạt cảnh báo.

Về số phận những người thân cận của Mouammar Kadhafi, hôm qua Tòa án Hình sự Quốc tế đã kêu gọi Niger hợp tác trong việc bắt giữ Saif al-Islam, con trai của ông Kadhafi, và Abdallah al-Senoussi, giám đốc tình báo của chế độ Kadhafi, đang bị truy nã về tội ác chống nhân loại. Theo một tờ báo Nam Phi, thì Saif al-Islam vẫn đang ở tại Libya và được khoảng hai chục lính đánh thuê châu Phi bảo vệ. Còn Abdallah al-Senoussi từ Niger đã đến vùng sa mạc Mali cùng với một nhóm người, theo các nguồn tin từ hai nước trên.

Việc con trai Kadhafi đầu hàng gây lúng túng cho Tòa án Hình sự Quốc tế

Về số phận những người thân cận của Mouammar Kadhafi, hôm qua Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) đã kêu gọi Niger hợp tác trong việc bắt giữ Saif al-Islam, con trai của ông Kadhafi, và Abdallah al-Senoussi, giám đốc tình báo của chế độ Kadhafi, đang bị truy nã về tội ác chống nhân loại. Theo một tờ báo Nam Phi, thì Saif al-Islam vẫn đang ở tại Libya và được khoảng hai chục lính đánh thuê châu Phi bảo vệ. Còn Abdallah al-Senoussi từ Niger đã đến vùng sa mạc Mali cùng với một nhóm người, theo các nguồn tin từ hai nước trên.
Một nguồn tin thân cận với CNT cho biết, Saif al-Islam muốn đầu hàng và nộp mình cho CPI, đòi được một nước thứ ba đưa đi bằng máy bay để bảo đảm an toàn. Nhưng nếu đây là sự thật, thì sẽ đặt ra nhiều thử thách cho Tòa án Hình sự Quốc tế về mặt điều vận cũng như an ninh.

Do không có lực lượng cảnh sát riêng, Tòa án Hình sự Quốc tế lâu nay trông cậy vào sự hợp tác của các quốc gia thành viên để bắt giữ các can phạm. Nhưng vì Saif al-Islam đang lẩn trốn tại một vùng hẻo lánh trong sa mạc, nên một trong những giải pháp là phải nhờ đến Liên Hiệp Quốc vốn đã từng dùng trực thăng đưa một nghi can sang Soudan. Còn nếu đưa sang Niger, quốc gia thành viên của CPI, thì chính phủ nước này buộc phải bắt giam anh ta.

tags: Bắc Phi - Libya - Quốc tế - Theo dòng thời sự
 

Một tòa nhà chính phủ Trung Quốc ở Tây Tạng bị đánh bom

Bài đăng : Thứ năm 27 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 27 Tháng Mười 2011 
 

Hãng tin Pháp AFP hôm nay (27/10) trích thông tin từ tổ chức International Campaign for Tibet cho biết, một quả bom đã phát nổ tại một tòa nhà chính phủ Trung Quốc ở Tây Tạng hôm qua. Vụ nổ bom này gây ra nhiều thiệt hại vật chất, nhưng dường như không có ai bị thương hay bị chết.

Bà Kate Sounders, phát ngôn viên của tổ chức đấu tranh trên đây có trụ sở tại Luân Đôn loan báo, nhiều nguồn tin đã khẳng định là một quả bom đã phát nổ vào lúc 4 giờ sáng thứ Tư tại Karma, Xương Đô, thuộc khu tự trị Tây Tạng.

International Campaign for Tibet vẫn chưa biết được các chi tiết về các tác giả của vụ đặt bom cũng như động cơ của họ, tuy nhiên dường như không có ai bị thương.

Trang web thông tin về Tây Tạng www.TibetExpress.net cũng đưa tin này, và cho biết trên các bức tường đã bị hư hại của tòa nhà, người ta trông thấy dòng chữ sơn đỏ « Độc lập cho Tây Tạng ». Nhiều truyền đơn kêu gọi « Tây Tạng tự do » cũng được tìm thấy tại hiện trường.

Theo một nguồn tin được trang web trên đây trích dẫn, thì cho đến nay chưa có ai bị kết tội hoặc bị bắt. Tuy nhiên con đường dẫn đến Xương Đô đã hoàn toàn bị cắt đứt, kể cả đường đến tu viện Karma. Còn bà Kate Sounders cho rằng công an sẽ trả đũa hết sức nghiêm khắc, đặc biệt là trong tình hình căng thẳng hiện nay ở Tây Tạng.

Xin nhắc lại, trong tuần này đã có thêm nhà sư thứ mười tự thiêu tại vùng tây nam Trung Quốc, nơi mà trong những tháng gần đây đã có đến chín vụ tự thiêu của các nhà sư.

tags: Châu Á - Tây Tạng - Theo dòng thời sự - Trung Quốc
 

Liên đoàn Ả Rập đến Syria tìm giải pháp thoát khỏi khủng hoảng

Thứ năm 27 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 27 Tháng Mười 2011

Hôm qua (26/10) một phái đoàn cấp bộ của Liên đoàn Ả Rập do Qatar dẫn đầu đã đến Damas để họp bàn với Tổng thống Bachar al-Assad nhằm tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria. Cuộc họp được xem là có dấu hiệu tích cực, và hai bên sẽ tiếp tục hội đàm vào Chủ nhật tới.

Phái đoàn đến Syria nhằm mục đích hòa giải giữa chế độ Assad và phe đối lập, trong bối cảnh cùng ngày hôm qua, đã có thêm 27 người bị thiệt mạng trong đó có 11 quân nhân. Theo Liên Hiệp Quốc, các vụ trấn áp từ giữa tháng Ba đến nay đã làm cho trên ba ngàn người chết, chủ yếu là thường dân.

Ngoại trưởng Qatar, Hamad ben Jassem, trưởng phái đoàn Liên đoàn Ả Rập cho biết, cuộc gặp gỡ với Tổng thống Assad diễn ra một cách « thẳng thắn và thân hữu ». Còn truyền hình nhà nước Syria cho là « một không khí tích cực đã ngự trị trong cuộc họp này ».

Hôm 16/10, Liên đoàn Ả Rập đã kêu gọi tiến hành một hội nghị đối thoại quốc gia nhằm chấm dứt bạo lực và « tránh một cuộc can thiệp của nước ngoài ». Còn ông Burhan Ghalioun, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Syria (CNS) tập hợp hầu hết các đảng phái đối lập, đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế « bảo vệ dân tộc Syria » trước sự đàn áp của chế độ, và gởi các quan sát viên quốc tế đến Damas. Tổ chức Human Rights Watch cũng yêu cầu Liên đoàn Ả Rập đề nghị chính phủ Assad cho gởi đến các quan sát viên độc lập.

Nhân dịp phái đoàn Liên đoàn Ả Rập đến Damas, các cuộc biểu tình đòi chấm dứt chế độ Assad đã diễn ra tại năm thành phố. Song song đó lại có hàng chục ngàn người biểu tình tại trung tâm thủ đô ủng hộ Tổng thống Assad. Cũng trong hôm qua đã diễn ra các cuộc đình công tại nhiều thành phố theo lời kêu gọi trên các mạng xã hội của phe đối lập. CNS khẳng định chỉ chấp nhận giải pháp ông Assad từ chức và phải trả lời trước pháp luật.

tags: Khủng hoảng - Liên Đoàn Ả Rập - Quốc tế - Syria - Theo dòng thời sự

Unicef: Nhiều trẻ em Việt Nam bị chết đuối vì lũ lụt

Bài đăng : Thứ năm 27 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 27 Tháng Mười 2011 
 

Cơ quan Unicef tại Việt Nam hôm qua 26/10 đã lên tiếng cảnh báo về số trẻ em Việt Nam bị thiệt mạng do lũ lụt, lên đến 43 em trên tổng số 49 người chết do các trận lũ lụt vừa qua tại đồng bằng sông Cửu Long. Unicef kêu gọi có biện pháp bảo vệ cho trẻ, đồng thời tăng cường ý thức nơi các bậc phụ huynh.

Bản tin của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef) nhấn mạnh, các trận lũ lụt tại đồng bằng sông Cửu Long mới đây đã làm cho số trẻ em bị chết lên đến mức báo động, trong đó hầu hết là chết đuối.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa thuộc Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh An Giang nhận xét : « Trong những trường hợp khẩn cấp, trẻ em chịu nhiều rủi ro nhất. Nhà cửa bị nước bao vây, chỉ cần cha mẹ rời mắt khỏi các em một giây thôi là trẻ có thể bị rơi xuống nước. Dòng chảy của nước lũ rất mạnh, chỉ trong vài phút có thể cuốn trôi các em ra xa hàng cây số ».

Ông Jean Dupraz, Phó đại diện Unicef tại Việt Nam nói : « Việc thông tin về nguy cơ chết đuối của trẻ em là hết sức quan trọng, như thế các bậc cha mẹ sẽ cảnh giác hơn trước các rủi ro mà trẻ em phải đối mặt từng ngày ». Bên cạnh đó còn có các nguy cơ khác như lây nhiễm bệnh từ nước tù đọng, điều kiện vệ sinh không an toàn.

Tình hình này càng trầm trọng thêm nếu các em không nhanh chóng trở lại trường. Cũng theo ông Jean Dupraz: «Thời gian nghỉ học phải ở mức tối thiểu, trẻ em cần được giữ sức khỏe tốt trước và sau mùa lũ, đặc biệt cảnh giác về các bệnh truyền nhiễm qua nước và điều kiện vệ sinh thiếu thốn ».

Đứng trước tình hình khẩn thiết hiện nay, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc đã cung cấp một số phương tiện để phòng ngừa chết đuối, gồm 2.000 túi nhựa, 1.200 áo phao, 8 chiếc thuyền và 500 phao cứu sinh cho học sinh, cũng như nhiều dụng cụ học tập như sách giáo khoa và tập vở cho các vùng bị lũ lụt.

Ngoài ra Unicef còn cung ứng nước sạch và các phương tiện như thuốc khử trùng nước, xà bông, can nhựa và dụng cụ lọc nước đủ dùng cho 72.000 người trong vòng 15 ngày.

Các trận lũ lụt vừa qua đã làm cho nước sông Mêkông dâng cao ở mức kỷ lục, làm hư hại hàng trăm ngàn căn nhà, khiến cho 700.000 người bị ảnh hưởng. Về thiệt hại nhân mạng, trẻ em luôn chiếm tỉ lệ cao trong số nạn nhân. Chỉ riêng trong trận lũ năm 2000, tại tỉnh Đồng Tháp đã có đến 116 trẻ em trên tổng số 150 người chết.

Theo dự báo, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long còn tiếp tục duy  trì ở mức bằng và trên báo động 3 cho đến cuối tháng 10.

tags: Liên Hiệp Quốc - Thiên tai - Việt Nam
 

Thế giới thở phào sau khi châu Âu đạt thỏa thuận chống khủng hoảng

Bài đăng : Thứ năm 27 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 27 Tháng Mười 2011 
 

Các nhà lãnh đạo các nước và thị trường khắp nơi hôm nay (27/10) đã có phản ứng tích cực về kế hoạch chống khủng hoảng đạt được vào phút chót tại Bruxelles vào bốn giờ sáng nay, nhằm bảo đảm sự tồn tại của khu vực đồng euro.

Thị trường chứng khoán, đồng euro và dầu hỏa đều tăng giá vào trưa nay, chỉ vài giờ sau khi hội nghị thượng đỉnh khu vực đồng euro kết thúc qua một đêm dài tranh cãi đầy căng thẳng.

Các nhà lãnh đạo 17 nước khu vực đồng euro rời hội nghị với cảm giác đã làm tròn nhiệm vụ. Nhiều quốc gia đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của khối euro, nhằm giảm mạnh số nợ của Hy Lạp, và huy động 1.000 tỉ euro để tránh khủng hoảng lây lan sang nơi khác, nhất là Tây Ban Nha và Ý.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố : « Tôi tin rằng kết quả sẽ được chào mừng trên khắp thế giới, vốn đang chờ đợi một câu trả lời mạnh mẽ từ khu vực đồng euro ». Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định : « Chúng ta đã đáp ứng được những mong đợi, và đã làm những gì phải làm ».

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde hoan nghênh « những tiến bộ quan trọng » của hội nghị thượng đỉnh. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cho rằng thỏa thuận trên là « một giai đoạn quan trọng » cho phép rút ngắn được thời gian.

Bắc Kinh hoan nghênh « sự đồng thuận châu Âu », cho rằng thỏa thuận này sẽ « củng cố lòng tin của các thị trường ». Matxcơva bày tỏ một sự « lạc quan thận trọng ». Luân Đôn nhận định hội nghị thượng đỉnh đã đạt được « tiến triển rất tốt». Còn tại Athènes, Thủ tướng Hy Lạp hân hoan cho rằng thỏa thuận đã « mở ra một kỷ nguyên mới » cho dù còn phải tiếp tục nỗ lực.

Tuy vậy một số ý kiến cũng tỏ ra dè dặt về thành công bước đầu này, đặc biệt là ý định của Bắc Kinh tham gia vào Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (FESF). Nước Nga, bên cạnh băn khoăn về các biện pháp của châu Âu liệu có đủ mạnh, đã nhấn mạnh, hỗ trợ từ các quốc gia mới trỗi dậy không phải là vô điều kiện. Còn những người ủng hộ ý tưởng thành lập một liên bang châu Âu cho rằng nếu để Trung Quốc đóng góp vào quỹ FESF sẽ nguy hiểm về mặt chính trị.

tags: Khủng hoảng - Liên Hiệp Châu Âu - Quốc tế - Tài chính - Theo dòng thời sự
 

mardi 25 octobre 2011

Điều tra về cái chết của Kadhafi : Mission impossible


Nhà độc tài Libya vốn làm cho mọi người phải sợ hãi cho đến lúc chết, khi chết đi cũng không ngừng gây rắc rối. Mouammar Kadhafi, bị giết hôm 20/10 trong lúc đang định chạy trốn khỏi thành phố quê hương Syrte, đã được bí mật chôn cất tối qua 24/10. Quyết định này đi ngược với nguyện vọng của bộ tộc Kadhadhfa, muốn ông được chôn tại nơi chôn nhau cắt rốn như ý nguyện. Hãng AFP cho biết, một đoàn xe quân sự gồm bốn hay năm chiếc đã đến kho lạnh nơi xác của Moammar Kadhafi được « trưng bày » cho dân chúng xem từ hôm thứ Sáu, đem xác nhà độc tài đi đến nơi nào không rõ. Còn theo kênh truyền hình Al Jazira, thì ông Kadhafi được chôn trong một sa mạc.

Vỡ nợ dây chuyền từ tín dụng đen ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục

Thứ ba 25 Tháng Mười 2011 

Trong thời gian gần đây, báo chí Việt Nam liên tục đăng tải nhiều vụ vỡ nợ ở Việt Nam, mà con số của mỗi vụ lên đến nhiều trăm tỉ, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng. Không chỉ riêng ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội mà cả ở các tỉnh như Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Bình, Hà Tĩnh … Đặc biệt là tại Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ người vay bỏ trốn với số nợ hàng trăm tỉ. Còn tại Sài Gòn, cách đây khoảng hai tuần cũng rúng động về vụ một phụ nữ và đồng bọn lừa đảo số tiền được cho là lên đến 2.800 tỉ đồng, trong đó có doanh nghiệp bị mất đến hàng trăm tỉ !

Thật ra việc vay mượn với lãi suất cao ở bên ngoài hệ thống ngân hàng, thường được gọi là "tín dụng đen", rồi không trả được và bỏ trốn, là chuyện vẫn thường xảy ra, và không chỉ ở Việt Nam. Nhưng vỡ nợ hàng loạt như gần đây thì không còn là hiện tượng cá biệt, mà hết sức đáng lo ngại.

Trong tình hình nền kinh tế đang chững lại, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường chứng khoán xuống dốc, ngân hàng siết chặt tín dụng, nhiều người đã phải xoay sở vay bên ngoài bằng bất cứ giá nào. Không chỉ các cá nhân, những người buôn bán nhỏ, mà thậm chí các ngân hàng nhỏ thiếu vốn có khi cũng phải đi vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất đến 40%/năm cho các khoản vay kỳ hạn một tháng.

Nhưng không chỉ những người cần tiền chi xài, kinh doanh, người đầu tư mạo hiểm chẳng may bị thua lỗ phải xoay món vay khác để trả, mà còn có những người khi vay đã có mục đích lừa đảo ngay từ đầu.

Các chuyên gia nước ngoài vẫn lo ngại là nợ xấu của Việt Nam có thể cao hơn con số chính thức. Theo báo chí Việt Nam, thì đến cuối tháng 8/2011, dư nợ cho vay của các ngân hàng là 2.389 ngàn tỉ đồng, trong đó nợ xấu chiếm 76 ngàn tỉ, và tỉ lệ nợ xấu tăng liên tục từ đầu năm đến nay.

Dù tổng nợ vẫn nằm trong giới hạn an toàn, nhưng nợ có nguy cơ mất vốn luôn chiếm tỉ trọng cao nhất, đến trên 49%. Vì vậy, thời điểm cuối năm nay, khi nhu cầu về vốn tăng lên thì hệ thống ngân hàng thương mại có thể vấp phải vấn đề thanh khoản, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ. Cơ quan thẩm định tài chính Fitch, cách đây không lâu, đã nhận định, các ngân hàng Việt Nam - có mức độ tín nhiệm thấp trong khu vực - cần phải tăng vốn. Trong bối cảnh đó, nếu còn tiếp tục xảy ra hàng loạt các vụ vỡ nợ, nền kinh tế có thể sẽ gặp không ít khó khăn, đặc biệt vào dịp cuối năm.

Trong tạp chí kinh tế tuần này, tiến sĩ Nguyễn Quang A ở Hà Nội và tiến sĩ Lê Thẩm Dương, trưởng khoa Quản trị Kinh doanh trường đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra một số phân tích về các nguyên nhân và hệ quả của hiện tượng vỡ nợ tín dụng kể trên.

TỪ KHÓA : Kinh tế - Ngân hàng - Pháp luật - Tạp chí - Tiền tệ - Việt Nam
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20111025-vo-no-day-chuyen-do-tin-dung-den-o-viet-nam-se-con-tiep-tuc-0

lundi 24 octobre 2011

Trung Quốc sa vào bẫy của các phong trào nổi dậy Ả Rập

Bài đăng : Thứ hai 24 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 24 Tháng Mười 2011 
 

Liên quan đến châu Á, Le Monde có bài viết mang tựa đề « Trung Quốc bị sa vào bẫy của các phong trào nổi dậy Ả Rập ». Thông tín viên của tờ báo tại Bắc Kinh nhấn mạnh : từ khi có cuộc nổi dậy ở Tunisia, các lời kêu gọi biểu tình đã liên tiếp được đưa ra tại Trung Quốc.

Bài báo nêu ra trường hợp bình luận viên nổi tiếng của kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV về các vấn đề quân sự quốc tế, Đô đốc dự bị Trương Chiêu Trọng đã bị hố to. Ông này không ngừng tuyên bố trên đài là Kadhafi không thể nào bị lật đổ, và nay thì ông đã bị đả kích kịch liệt trên internet về các dự báo quá sai lệch. Ông biện hộ là đã bị người Libya lừa gạt : « Họ toàn là các kịch sĩ. Tự đáy lòng thì họ ghét Kadhafi, nhưng khi đứng trước ống kính thì lại nói sẽ ủng hộ ông ta cho đến chết ». 

Nhưng giải thích của ông Trương Chiêu Trọng không ngăn được những lời chế giễu. Ngược lại, một số blogger quan sát thấy rằng các kết luận của bình luận viên này chỉ dựa trên các hình ảnh được CCTV đưa, mà đài truyền hình nhà nước thì chỉ đưa những gì có lợi cho quân chính phủ Libya lúc đó.

Trong số các cuộc nổi dậy « Mùa xuân Ả Rập », Libya là trường hợp điển hình để giải thích tình trạng tiến thoái lưỡng nan và sự lúng túng của Bắc Kinh, do sự sụp đổ của chế độ Kadhafi. Tác động của việc lật đổ một chính quyền độc tài lại càng nặng nề hơn đối với đảng Cộng sản Trung Quốc, vì ê-kíp lãnh đạo sẽ được thay đổi vào năm 2012. Bên cạnh đó, là làn sóng bất mãn đang lan tràn trong xã hội. Một nhà chính trị học thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh nhận xét : « Cuộc khủng hoảng nội tại không ngừng dâng lên trầm trọng, do không hề có cải cách từ mười năm qua ».

Theo Le Monde, tấm gương méo mó và tiếng vọng từ những vụ sụp đổ của các chế độ Ả Rập là một « chiếc bẫy » mà Bắc Kinh luôn lo sợ sẽ bị lôi cuốn theo. Những lời kêu gọi biểu tình theo kiểu « Cách mạng Hoa Lài » ở Tunisia, được đưa ra tại các thành phố lớn hồi tháng 2 và tháng 3, đã bị dập vùi bởi một làn sóng trấn áp dữ dội nhất trong những năm gần đây : hơn một trăm người bị bắt, trong đó có cả nghệ sĩ nổi tiếng Ngải Vị Vị.

Bà Valérie Niquet, giám đốc phụ trách châu Á của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Paris giải thích : « Bắc Kinh tuyên truyền là các cuộc nổi dậy tại thế giới Ả Rập là do Mỹ xúi giục, như đã xúi giục các cuộc « cách mạng màu » hồi đầu những năm 2000. Thế nhưng bối cảnh bây giờ không phải như hồi đó. Chế độ ngày càng khó kiểm soát được thông tin. Xã hội công dân hiện diện song song với quyền lực, và phải sống chung với nó, chưa kể việc ngay trong nội bộ những người cầm quyền cũng chia rẽ ».

Người Trung Quốc đặc biệt chú ý đến Libya do hồi tháng Giêng, 35.000 lao động xuất khẩu đã phải bỏ chạy sang các nước lân cận. Bắc Kinh vắng mặt tại Hội đồng Bảo an trong cuộc bỏ phiếu nghị quyết cho phép không kích Libya, nhưng không ngớt chỉ trích phương Tây và « hội chứng Kosovo », tức sự can thiệp của NATO.

Libya, Syria và Trung Quốc : Những điểm tương đồng

Khi tình hình Tripoli thay đổi hồi mùa hè, ngay trước khi Trung Quốc công nhận CNT ngày 12/10 – một cách trễ tràng và gần như lén lút, vì đây là ngày nghỉ - các tờ báo cấp tiến nhất đã tranh thủ để nói về các khuyết điểm của chính chế độ Bắc Kinh. Qua phóng sự về Tripoli giải phóng, tuần báo Nam Phương Chu Mạt đưa lời kể của các thanh niên Libya về việc phải học thuộc lòng luận thuyết của Kadhafi, khiến người đọc không khỏi liên tưởng đến thực tế Trung Quốc. Các nhà báo Trung Quốc nhận định, người Libya có tiền, thế mà họ lại nổi dậy chống đại tá Kadhafi, chống lại kiểm duyệt, tham nhũng, sùng bái cá nhân.

Cũng chuyên gia Valérie Niquet nhận định : « Giữa Trung Quốc và một số nước « Mùa xuân Ả Rập » có nhiều điểm giống nhau hơn người ta tưởng. Chẳng hạn như Tunisia, kinh tế đã tăng trưởng rất nhanh nhờ xuất khẩu và hiện đại hóa…Bắc Kinh cho rằng một mô hình cai trị độc đoán có thể vẫn thu hút vì đem lại sự phát triển, nhưng những diễn biến ở Zambia hay Miến Điện là cả một sự trái khoáy đối với những gì Bắc Kinh hy vọng ».

Trường hợp Syria tuy ít được đưa tin hơn, cũng làm cho Trung Nam Hải bị ám ảnh. Những người biểu tình bị cảnh sát giết chết, các thành phố bị xe tăng bao vây và những lời dối trá thô bỉ của chế độ, đã gợi lại các sự kiện ở Thiên An Môn. Tuy bị cấm nhắc đến, nhưng vụ thảm sát này vẫn đè nặng trong tiềm thức.

Le Monde trích nhận xét của một nhà chính trị học : Về đối ngoại, Bắc Kinh khoe rằng các quyết định của mình không mang tính chính trị nhưng trên thực tế thì ngược lại. Trung Quốc luôn bênh vực các chế độ độc đoán, thế nhưng đứng về phía các nhà độc tài không phải lúc nào cũng có lợi về mặt kinh tế, thậm chí còn bị phiền phức như với Bắc Triều Tiên. Chuyên gia này nói : « Đảng Cộng sản Trung Quốc đang độc quyền điều hành đất nước, cho rằng mối đe dọa lớn nhất về ý thức hệ là từ các chế độ dân chủ tự do phương Tây. Bắc Kinh luôn đề cao cảnh giác trước một phương Tây dân chủ, trong lúc vẫn lợi dụng hệ thống kinh tế quốc tế ». 

Le Monde kết luận, Trung Quốc đang đứng giữa mở cửa kinh tế và đóng cửa chính trị. Các thành thị Trung Quốc giống như ở phương Tây nhưng nông thôn thì không khác các nước thế giới thứ ba, và tất cả đều có nguy cơ khủng hoảng. Ngọn lửa tự thiêu của các nhà sư Tây Tạng, rồi lại xuất hiện một làn sóng phản kháng toàn cầu hóa, khó thể nói rằng đại đa số người Trung Quốc không đồng cảm với « Những người nổi giận » phương Tây.

Văn hóa Trung Quốc : Những nghịch lý

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Les Echos có bài viết mang tựa đề « Văn hóa : Nghịch lý Trung Quốc ».
Hội nghị trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc vừa kết thúc đã quyết định sẽ ưu tiên cho phát triển văn hóa. Tân Hoa Xã trích diễn văn bế mạc : « Giữ gìn an ninh và mở rộng ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc ». Tác giả bài báo cho rằng cách nói mập mờ này chứa đựng hai cụm từ biểu thị cả tình thế tiến thoái lưỡng nan của Bắc Kinh hiện nay.

Trước hết là từ « ảnh hưởng ». Nếu Trung Quốc xuất khẩu ồ ạt các mặt hàng công nghiệp, thì sản phẩm văn chương hay nghệ thuật – mà tờ Nhân dân Nhật báo cho rằng mức độ sáng tạo bằng 0 – thì không có may mắn này, ngoại trừ phim ảnh Hồng Kông. Các tiểu thuyết được dịch ở nước ngoài hầu hết được sáng tác trước thế kỷ 19.

Nhưng còn cụm từ « giữ gìn an ninh », thì theo Les Echos, rõ ràng là với mục đích tăng cường kiểm soát báo chí, các mạng xã hội và việc sáng tạo văn chương, trong một đất nước có đến trên 500 triệu người sử dụng internet và 200 triệu người viết blog.

Tờ báo đặt câu hỏi, liệu ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài có phù hợp với chính sách an ninh nội địa, và các tác phẩm « đúng đắn » về chính trị có xuất khẩu nổi hay không ?

Thượng đỉnh châu Âu : Cơ hội cuối cùng

Không hẹn mà nên, tựa chính của tất cả các báo Paris hôm nay đều dành cho cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro. Nhật báo cánh hữu Le Figaro chạy tựa « Khủng hoảng euro : Merkel và Sarkozy có bước tiến », với nhận xét, Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp đã đạt được một số tiến triển hôm qua tại Bruxelles. Tương tự, tựa trang nhất của nhật báo công giáo La Croix là « Châu Âu tiến về phía một thỏa thuận ». Tờ báo nhắc lại rằng trong suốt những ngày cuối tuần, các nhà lãnh đạo châu Âu tiếp tục thương lượng ngõ hầu thứ Tư tới có thể đạt đến một thỏa thuận có thể cứu vãn được khu vực đồng euro. Nhật báo Les Echos băn khoăn « Khủng hoảng euro : Các ngân hàng phải tìm cho được 100 tỉ ». Đề cập đến hai chủ đề chính của hội nghị thượng đỉnh châu Âu lần này là việc tái cấp vốn cho các ngân hàng và giải quyết nợ công Hy Lạp, tờ báo kinh tế cũng nhắc đến áp lực tối đa đang đè nặng lên Ý để buộc nước này tiếp tục các biện pháp khắc khổ.

Còn theo cách nhìn của nhật báo cánh tả Libération thì « Ông Sarkozy đã bị mất tín nhiệm » trong hồ sơ này. Theo thăm dò của Libération, thì hai phần ba người Pháp không còn tin Tổng thống Sarkozy sẽ giải quyết được tình trạng đình đốn hiện nay. Nhật báo cộng sản L’Humanité chạy tựa trang nhất « Sarkozy – Merkel lúng túng trước cuộc khủng hoảng ». Theo tờ báo, thì hai nhà lãnh đạo châu Âu tiếp tục chủ trương thắt lưng buộc bụng, và hướng về một hiệp ước phản dân chủ. Nhật báo Le Monde thì dành hẳn ba trang báo khổ lớn để trả lời câu hỏi « Vì sao Pháp và Đức chia rẽ trong vấn đề euro ? » 

Les Echos cho rằng hội nghị thượng đỉnh lần này là « Cơ hội cuối cùng của châu Âu ».

Tờ báo nhắc lại, trong những ngày gần đây các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, IMF đều bày tỏ sự quan ngại về khả năng tìm được một lối thoát. Nếu Paris và Berlin không đạt được đồng thuận, thì hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới sẽ trở thành phiên tòa đối với khu vực đồng euro.

Từ 18 tháng qua, những lời hứa hẹn về « một giải pháp toàn bộ và bền vững » đã không còn được tin tưởng nữa. Trong hậu trường, các bất đồng giữa Berlin và Paris rất khó vượt qua. Cho đến nay, chỉ mới thỏa thuận được về việc tái cấp vốn các ngân hàng, xóa một phần nợ cho Hy Lạp, và mới nhất là cùng gây áp lực lên Roma.

Les Echos kết luận, tối thứ Tư tới đây châu Âu sẽ phải trả lời trước thế giới là có khả năng giải quyết được khủng hoảng hay không. Đây sẽ là thử thách to lớn, sau các công cuộc hòa giải Pháp – Đức, xây dựng thị trường chung, đồng euro và mở rộng Liên hiệp châu Âu.

Pháp : Cưới hỏi ít hơn, nhưng trang trọng hơn

Trên lãnh vực xã hội, Libération đề cập đến hiện tượng người Pháp cưới nhau ít hơn, nhưng tổ chức lễ cưới trang trọng hơn.

Trong năm qua, đã có 249.000 đám cưới được tổ chức, so với con số 297.000 của năm 2000. Hơn phân nửa số trẻ em sinh ra có cha mẹ vẫn chưa chính thức cưới nhau. Theo Libération, tuy người Pháp ít làm đám cưới hơn, nhưng các đám cưới theo thủ tục hành chính tại địa phương đang có xu hướng quy mô hơn và mang dấu ấn cá nhân. Thậm chí có đám cưới mời đến 500 khách, đây là điều ít thấy ở Pháp. Một bằng chứng là chỉ trong vòng giữa tháng 10 đến đầu tháng 11, đã có đến ba hội chợ chuyên đề về cưới hỏi được tổ chức tại Paris, mỗi hội chợ thu hút hàng trăm đơn vị tham gia triển lãm.

Khuynh hướng này được Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề gia đình, bà Claude Greff ủng hộ. Theo một cuộc thăm dò, thì có đến 89% người Pháp từ 25 đến 34 tuổi muốn bước lên xe hoa chỉ một lần trong đời, và sống chung với một người duy nhất mà thôi. Bà Greff cho rằng : « Cần tổ chức đám cưới hành chính một cách trang trọng, để không cảm thấy đó là một sự cam kết được quyết định trong vòng năm phút, và hủy bỏ cũng chỉ trong vòng năm phút đồng hồ ».

tags: Châu Á - Libya - Nổi dậy - Quốc tế - Syria - Trung Quốc - Điểm báo
 

Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi ưu tiên chống lạm phát

Bài đăng : Chủ nhật 23 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 23 Tháng Mười 2011 
 

Báo chí chính thức Trung Quốc hôm nay 23/10/2011 cho biết, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã kêu gọi tăng cường đấu tranh chống lạm phát. Theo ông thì nạn lạm phát đã làm cho giá cả thực phẩm và địa ốc tăng cao, đe dọa đến sự ổn định xã hội tại nước này.

Trong chuyến đi thăm Quảng Tây, ông Ôn Gia Bảo đã tuyên bố là việc bảo đảm nguồn sống cho người dân có thể giúp giữ được bình ổn xã hội, và các biện pháp kiểm soát giá cả cần phải nhắm vào các mặt hàng thiết yếu. Thủ tướng Trung Quốc nói thêm, chính quyền sẽ kiểm soát giá thực phẩm qua việc bảo đảm mức cung, tăng dự trữ các mặt hàng thiết yếu, và giảm chi phí vận tải từ nơi sản xuất cho đến các chợ.

Giá cả tiêu dùng tại Trung Quốc đã tăng 6,1% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, tỉ lệ này là cao nhất kể từ ba năm qua. Thực phẩm vốn chiếm một phần ba số tiền chi tiêu hàng tháng của các hộ gia đình Trung Quốc. Trong tháng 9, chỉ riêng chi tiêu cho thực phẩm đã tăng đến 13,4%, trong khi giới phân tích chờ đợi lạm phát sẽ giảm do nguồn cung thịt heo tăng lên, và được mùa về ngũ cốc.

Chính quyền Bắc Kinh đã sử dụng nhiều biện pháp để kìm lại nạn vật giá gia tăng, trong đó có việc hạn chế số tiền cho vay từ ngân hàng, cũng như đã tăng lãi suất năm lần kể từ đầu năm.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng cho biết sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp nhằm kiểm soát giá cả địa ốc. Từ đầu năm nay, chính quyền đã cấm mua thêm căn nhà thứ hai tại một số thành phố, đặt ra thuế thổ trạch ở Thượng Hải và Trùng Khánh, đồng thời tăng số tiền tối thiểu phải đóng khi mua một căn hộ.

tags: Châu Á - Kinh tế - Theo dòng thời sự - Trung Quốc
 

Châu Âu họp Thượng đỉnh để giải quyết khủng hoảng

  Bài đăng : Chủ nhật 23 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 23 Tháng Mười 2011

Hôm nay 23/10/2011, các nhà lãnh đạo châu Âu họp lại tại Bruxelles để cố gắng tìm ra một phương cách giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công. Trong cuộc họp này, nước Ý đang chịu áp lực phải bảo đảm các cam kết về ngân sách để tránh lây lan cho toàn khu vực đồng euro.

Đây là một trong những hội nghị thượng đỉnh khó khăn nhất trong lịch sử của lục địa già, nhằm tìm kiếm giải pháp thoát ra khỏi khủng hoảng. Sau Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, cuộc khủng hoảng nợ công đang đe dọa Ý và Tây Ban Nha, mà nguy cơ lây lan đang làm cả thế giới lo ngại, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu, Herman Van Rompuy, đã nhấn mạnh, các biện pháp phải được đưa ra từ nay cho đến thứ Tư, có thể sẽ là các quyết định quan trọng nhất từ trước đến nay của châu lục này.

Các nguyên thủ 27 nước Liên Hiệp Châu Âu đã ngồi vào bàn hội nghị hôm nay, và cuộc họp tối nay được dành riêng cho 17 nhà lãnh đạo các nước thuộc khu vực đồng euro. Trước đó hai nhân tố quan trọng là tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và thủ tướng Đức Angela Merkel đã gặp gỡ tối qua để cố gắng thu hẹp các bất đồng. Từ nhiều ngày qua, Paris và Berlin tranh cãi về thể thức củng cố Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu - FESF - trợ giúp các nước khu vực đồng euro gặp khó khăn.

Hãng Reuters nhận định, chưa có tiến bộ mấy về cách thức hỗ trợ Hy Lạp vốn đang chịu gánh nặng của số nợ khổng lồ 350 tỉ euro. Theo dự kiến thì các ngân hàng châu Âu chủ nợ của Hy Lạp sẽ xóa nợ ít nhất là 50% thay vì 21% như thỏa thuận hồi tháng 7, để đổi lại, sẽ được tái cấp vốn khoảng trên 100 tỉ euro.

Hội nghị Thượng đỉnh này cũng đặc biệt khó khăn đối với thủ tướng Ý Silvio Berlusconi. Nước Ý hiện đang là trung tâm của cuộc thảo luận, vì các công cụ hỗ trợ đồng euro hiện nay không đủ mạnh để cứu vãn một nền kinh tế lớn như Ý. Hồi tháng 7, Ý đã thông qua một loạt các biện pháp khắc khổ nhằm đạt đến cân bằng ngân sách vào năm 2013, giảm bớt số nợ lên đến 1.900 tỉ euro, tương đương 120% ngân sách.

Nhưng từ khi được Ngân hàng Trung ương châu Âu trợ giúp bằng cách mua lại trái phiếu Ý trên thị trường hồi tháng 8, các nước châu Âu cảm thấy Roma bắt đầu lơ là nỗ lực. Trước khi bước vào hội nghị, chủ tịch châu Âu và lần lượt hai thủ tướng Đức và Pháp đã gặp gỡ ông Berlusconi, nhằm tạo thêm áp lực lên buộc chính phủ Ý phải giữ lời hứa, tránh nguy cơ Roma mất khả năng chi trả, làm ảnh hưởng đến toàn khối.

tags: Châu Âu - Khủng hoảng - Kinh tế - Tài chính

Pháp - Nhật hợp tác tẩy độc cho Fukushima

Bài đăng : Chủ nhật 23 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 23 Tháng Mười 2011 
 

Hai thủ tướng Pháp và Nhật Bản, trong một thông cáo chung từ Tokyo hôm nay 23/10/2011, khẳng định sẽ tăng cường hợp tác trong việc giải độc các vùng bị nhiễm phóng xạ do thảm họa nguyên tử Fukushima.

Trong chuyến viếng thăm Nhật Bản lần này, thủ tướng Pháp François Fillon và thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda tập trung thảo luận việc hợp tác song phương sau tai nạn hạt nhân xảy ra tại Fukushima vào tháng 3, và về Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ tổ chức tại Pháp vào tháng 11 tới.

Hai vị thủ tướng cho biết Pháp-Nhật quyết định « củng cố việc hợp tác trong các lãnh vực như tẩy độc các khu vực bị ảnh hưởng bởi tai nạn nguyên tử », và khẳng định sự cần thiết phải « hoàn toàn minh bạch trong vấn đề này ».

Ông Fillon và ông Noda đặc biệt nhấn mạnh đến « tầm quan trọng sống còn của việc vận dụng các mức an toàn cao nhất trong lãnh vực nguyên tử ». Hai thủ tướng Pháp và Nhật đều cho rằng cần phải chú trọng đến tính độc lập của các cơ quan chịu trách nhiệm về an ninh hạt nhân, cũng như việc kiểm tra an ninh có hệ thống, theo chu kỳ tại các nhà máy nguyên tử.

Bên cạnh đó, còn cần phải áp dụng các mức độ an toàn cao nhất tại khắp nơi trên thế giới, qua việc tăng cường hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn và biện pháp an ninh, cũng như trong vấn đề quản lý khủng hoảng, đào tạo và tính minh bạch. Ngoài ra, Tokyo còn có thể áp dụng các kinh nghiệm của Paris về kỹ thuật đánh giá mức độ an toàn.

Lãnh đạo hai nước cũng đề cập đến Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới, tập trung 20 nước công nghiệp hóa mạnh nhất trên thế giới để bàn về việc cải thiện hợp tác trong chính sách tiền tệ và chống lại tình trạng nguyên vật liệu tăng giá. Ông François cho rằng thành công của hội nghị này còn tùy thuộc vào việc Liên Hiệp Châu Âu có đạt đến một thỏa thuận trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ hay không.

Thủ tướng Pháp cám ơn Nhật Bản đã tham gia 20% vào Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (FESF), và nhấn mạnh đến thỏa thuận giữa Paris và Tokyo nhằm chống lại các xu hướng bảo hộ và dân tộc chủ nghĩa tại một số quốc gia đang bị cuộc khủng hoảng nợ làm ảnh hưởng.

tags: Châu Á - Môi trường - Nguyên tử - Nhật Bản - Pháp
 

Phó thủ tướng Trung Quốc thăm Bắc Triều Tiên

Bài đăng : Chủ nhật 23 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 23 Tháng Mười 2011 
 

Hôm nay, 23/10/2011, phó thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã lên đường đến Bình Nhưỡng, trong nỗ lực tái lập cuộc thương lượng sáu bên về hồ sơ nguyên tử Bắc Triều Tiên, đã bị bế tắc từ năm 2009.

Kênh truyền hình chính thức của Trung Quốc cho biết, ông Lý Khắc Cường, người được xem là sẽ kế nhiệm thủ tướng Ôn Gia Bảo trong tương lai, được tháp tùng bởi nhiều viên chức cao cấp của bộ Ngoại giao cũng như bộ Thương mại Trung Quốc. Ông Lý Khắc Cường sẽ lưu lại Bắc Triều Tiên đến thứ Ba tới, sau đó sẽ đến thăm Hàn Quốc hai ngày.

Bắc Kinh muốn thuyết phục Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán sáu bên, vốn được tiến hành tại Trung Quốc. Cuộc thương lượng này có sáu nước tham gia là hai nước Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hoa Kỳ, với mục đích bàn bạc về việc Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình nguyên tử để đổi lấy viện trợ quốc tế.

Xin nhắc lại, Bắc Triều Tiên chính thức rút khỏi cuộc đàm phán từ tháng 4/2009, một tháng trước khi tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ hai. Đến năm 2010, Bình Nhưỡng bị Seoul lên án là đã bắn chìm chiếc tàu Cheonan, và sau đó đã tấn công hòn đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc bằng bom và đạn pháo.

Trung Quốc là đồng minh chủ yếu của Bắc Triều Tiên, và là chiếc phao cứu vãn cho nền kinh tế của chế độ Bình Nhưỡng vốn đang ngắc ngoải. Bắc Triều Tiên hiện hoàn toàn lệ thuộc vào nguồn dầu lửa và thực phẩm từ Trung Quốc. Tân Hoa Xã trích lời đại sứ Trung Quốc tại Bình Nhưỡng cho biết, trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng 87% trong 7 tháng đầu năm nay, đạt trên 3 tỉ đô la.

Về phía Hoa Kỳ, vào ngày mai, một phái đoàn Mỹ sẽ gặp gỡ phái đoàn Bắc Triều Tiên do phó thủ tướng Kim Kye Gwan dẫn đầu, tại Genève, trong hai ngày, cũng nhằm tái lập lại cuộc đàm phán sáu bên. Washington hy vọng Bình Nhưỡng sẽ cam kết không tiếp tục thử nghiệm hạt nhân, và không tấn công vào Hàn Quốc.

Các nhà quan sát không chờ đợi cuộc hội đàm này mang lại những kết quả cụ thể, nhưng cho rằng sự kiện Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên tiếp xúc tay đôi đã là một dấu hiệu tốt. Hai bên đã trực tiếp gặp gỡ lần đầu tiên vào tháng 7/2011 tại New York. Một viên chức ngoại giao Mỹ không muốn nói tên cho biết, cần mở cửa cho đối thoại, để tránh các hành động nguy hiểm từ phía Bình Nhưỡng.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Nguyên tử - Trung Quốc
 

Trung Quốc từ chối đối thoại : dân Tây Tạng tuyệt vọng

Bài đăng : Thứ tư 19 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 19 Tháng Mười 2011 
 

Việc Bắc Kinh từ chối mở lại đối thoại với Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng là nguyên nhân chính khiến phong trào tự thiêu bùng lên tại Tứ Xuyên trong thời gian vừa qua. Theo các tổ chức phi chính phủ, đây là những hành động tuyệt vọng của những người Tây Tạng bị áp bức, bị thống trị về mặt văn hóa cũng như trong đời sống tinh thần.

Sau khi đã có tám nhà sư tự thiêu, hôm thứ Hai 17/10/2011, lần đầu tiên một ni cô 20 tuổi tên Tenzin Wangmo cũng đã biến mình thành ngọn đuốc sống, sau khi hô các khẩu hiệu đòi Đức Đạt Lai Lạt Ma phải được quay về Tây Tạng, và tự do tín ngưỡng. Một số nhà sư tự thiêu trước đó cũng đã hô các khẩu hiệu tương tự.

Trung Quốc đã tiến hành chín vòng đàm phán với các đặc sứ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng đã rơi vào ngõ cụt từ tháng Giêng năm 2010. Các nhà sư tại một tu viện ở huyện Hồng Nguyên nằm gần A Bá cho AFP biết : « Người dân Tây Tạng luôn mơ ước được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, và nhiều người lo rằng điều này sẽ không bao giờ thành sự thật ».

Đức Đạt Lai Lạt Ma, hiện đang sống tại Dharamsala, Ấn Độ, nơi ngài thành lập chính phủ lưu vong, vẫn luôn được người dân Tây Tạng tôn sùng như vị thánh sống. Nhiều người Tây Tạng lo sợ Bắc Kinh đang đợi cho « nhà ly khai nguy hiểm » này qua đời, để các lời kêu gọi tự do cũng bị dập tắt.

Cho dù trước đây không cổ vũ cho việc tự thiêu vì cho là không phù hợp với giáo lý nhà Phật, hôm nay Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bắt đầu tuyệt thực trong vòng một ngày, trước khi tiến hành một loại buổi cầu nguyện với hàng trăm nhà sư và người dân Tây Tạng khác. Các buổi tụng kinh do Đức Đạt Lai Lạt Ma chủ trì diễn ra vào ngày thứ Tư cùng với phong trào văn hóa được gọi là « Lhakar » đang lan rộng khắp Tây Tạng.

Mỗi ngày thứ Tư hàng tuần, người dân Tây Tạng tại đây lại mặc trang phục cổ truyền, nói tiếng Tây Tạng, ăn những món ăn truyền thống, nói chung là làm mọi cách để bảo tồn văn hóa dân tộc.

tags: Châu Á - Tây Tạng - Theo dòng thời sự - Trung Quốc
 

Uy tín Đảng Xã hội Pháp gia tăng sau bầu cử sơ bộ

Bài đăng : Thứ tư 19 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 19 Tháng Mười 2011 
 

Theo một cuộc thăm dò mới nhất được công bố hôm nay (19/10/2011), thì có đến 59% người Pháp cho rằng đảng Xã hội đã được củng cố thêm sau vòng bầu cử sơ bộ chọn ứng viên tranh cử tổng thống vừa qua. Còn người thắng cuộc là ông François Hollande cũng dẫn đầu về tỉ lệ dự kiến được bầu chọn trong kỳ bầu cử tổng thống năm tới.

Cơ quan thăm dò dư luận CSA cho biết, qua thăm dò 859 người có tên trong danh sách cử tri, có 59% số người được hỏi đã nhận định là đảng Xã hội đã tập hợp được đông đảo người hơn, và mạnh mẽ hơn. Chỉ có 25% cho rằng đảng này bị chia rẽ và đang yếu thế.

Đối với ông François Hollande, ứng viên về đầu sau cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng viên tổng thống của đảng Xã hội, thì 65% số người được thăm dò cho rằng chương trình hành động của ông là « trung tả », chỉ có 19% cho là thuộc « cánh tả ».

Còn nếu cuộc bầu cử tổng thống Pháp được tổ chức ngay Chủ nhật tới, thì 35% sẽ bỏ phiếu cho ông François Hollande, 25% bầu cho đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy, và 16% bầu cho bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia. Bước vào vòng hai, ông Hollande sẽ thắng cử với 62% số phiếu bầu, so với ông Sarkozy là 38%.

tags: Chính trị - Pháp - Theo dòng thời sự
 

Trung Quốc tố cáo các vụ tự thiêu ở Tây Tạng là khủng bố trá hình

Bài đăng : Thứ tư 19 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 19 Tháng Mười 2011 
 

Hôm nay (19/10/2011), chính quyền Bắc Kinh lên án « tập đoàn Đạt Lai Lạt Ma » đã khuyến khích các nhà sư Tây Tạng tự thiêu, cho đây là « bạo lực và khủng bố trá hình ». Một lực lượng an ninh khổng lồ đã được triển khai xung quanh tu viện Kirti ở A Bá, nơi xảy ra hầu hết các vụ tự thiêu.

Bà Khương Du, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay tuyên bố : « Các hành động ly khai phải trả giá bằng sinh mạng chính là bạo lực và khủng bố trá hình. Các trường hợp tự thiêu đi ngược lại với đạo đức, lương tâm và đáng bị lên án ». Bà cũng kết tội Đức Đạt Lai Lạt Ma và các nhà ly khai Tây Tạng là đã « Ca ngợi việc này để cổ vũ cho nhiều người khác làm theo ».

Trong khi đó, Thủ tướng Tây Tạng lưu vong Lobsang Sangay từ Dharamsala, miền bắc Ấn Độ, đã lên tiếng vinh danh lòng can đảm của các nhà sư đã tự thiêu. Ông tuyên bố tổ chức một ngày cầu nguyện nhằm « Bày tỏ sự ủng hộ đối với những người Tây Tạng đã hy sinh mạng sống để đấu tranh cho Tổ quốc, đặc biệt là đối với những người tự thiêu, gia đình của họ, cũng như những người Tây Tạng đang bị áp bức ».

Kể từ tháng Ba đến nay, đã có tám nhà sư và một ni cô đã tự thiêu, hầu hết tại huyện A Bá thuộc Tứ Xuyên, nơi đa số dân cư là người Tây Tạng. Sau vụ mới nhất, ni cô tự thiêu đã qua đời hôm thứ Hai, hai phóng viên hãng thông tấn Pháp AFP đã đến được khu vực tu viện Kirti đang được canh giữ nghiêm ngặt, nhưng đã bị công an tịch thu máy ảnh và xóa hết tất cả các tấm ảnh đã chụp được.

Theo ghi nhận của AFP, một lực lượng an ninh hết sức hùng hậu đã được triển khai trước tu viện Kirti. Cảnh sát chống bạo động trang bị súng liên thanh và thanh sắt canh giữ tu viện, không cho phóng viên ngoại quốc đến gần. Những toán lính mặc đồ rằn ri, vác theo các khẩu súng tự động, các thanh sắt mài nhọn và bình chữa lửa liên tục tuần tra tại tất cả các khu vực của thành phố chỉ có 20.000 dân này. Trên các đường phố, có đông đảo các xe buýt và xe tải của công an đi tuần, cũng như các loại xe chở các đơn vị thiết giáp. Các ngả tư thường bị phong tỏa, người dân thường xuyên bị kiểm tra giấy tờ.

Người đứng đầu tu viện Kirti, hiện đang sống lưu vong ở Dharamsala cho biết, tu viện này đã trở thành một « nhà tù vô hình » đối với các nhà sư tại đây. Còn theo tổ chức Free Tibet, thì số tu sĩ ở tu viện Kirti từ 2.500 người nay chỉ còn có 600 người, do nhiều nhà sư đã bị bắt đi “ cải tạo giáo dục lòng yêu nước”.

tags: Châu Á - Tây Tạng - Trung Quốc
 

Ngoại trưởng Mỹ bất ngờ đến thăm Tripoli

Bài đăng : Thứ tư 19 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 19 Tháng Mười 2011 
 

Trong cuộc viếng thăm Tripoli không hề được loan báo trước vào hôm qua 18/10/2011, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã hoan nghênh « chiến thắng của Libya » và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thống nhất các lực lượng hiện nay nhằm tránh các nguy cơ của một cuộc nội chiến.

Đây là lần đầu tiên một một nhân vật cao cấp của Mỹ đến thăm thủ đô Libya kể từ năm 2008 đến nay. Bà Clinton tuyên bố là Hoa Kỳ rất hãnh diện được sát cánh người dân với Libya trong cuộc chiến đấu, và khẳng định tương lai đang thuộc về dân tộc Libya.

Bà nói, do cuộc chiến đẫm máu còn tiếp diễn, nên NATO và đồng minh sẽ tiếp tục bảo vệ thường dân Libya cho đến khi nào đe dọa từ phía Mouammar Kadhafi chấm dứt.

Bà Hillary Clinton cũng nhấn mạnh, một trong những vấn đề cần giải quyết là việc hợp nhất nhiều lực lượng dân quân vào trong một quân đội duy nhất đại diện cho nhân dân Libya. Quân đội và cảnh sát phải do chính quyền dân sự điều khiển.

Chiến trận dữ dội tại nơi cố thủ cuối cùng của phe Kadhafi ởSyrte

Trong khi đó, chiến sự vẫn tiếp diễn dữ dội tại Syrte, thành trì cuối cùng của lực lượng thân Kadhafi. Lực lượng này hôm nay đang phải cố thủ trong khu vực duy nhất còn lại mang tên « Số hai » có diện tích chưa đầy một cây số vuông, sau khi đã bị đánh bật ra khỏi khu vực được gọi là « Đô-la » vào hôm qua.
Phía Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp (CNT) cho biết đã bắt sống được nhiều tay bắn tỉa phe Kadhafi trong đó có cả phụ nữ. Thiệt hại của CNT cũng rất đáng kể, chỉ trong ngày thứ Ba, đã có 21 người tử trận, và 135 bị thương.

Thành phố Syrte, quê hương của nhà cựu độc tài Kadhafi có 100.000 dân, sau một tháng trời giao tranh đã gần như biến thành bình địa. Sau khi chinh phục được Bani Walid hôm thứ Hai, Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp Phe CNT đang chờ đợi chiếm được toàn bộ thành phố Syrte để có thể tuyên bố hoàn toàn giải phóng Libya, tiến hành thương lượng thành lập một chính phủ lâm thời.

Phong trào nổi dậy ở Libya khởi đầu từ ngày 15/2 đã nhanh chóng biến thành nội chiến, đến nay đã làm cho trên 25.000 người chết, hàng trăm ngàn người phải chạy ra nước ngoài.

tags: Hoa Kỳ (Mỹ) - Libya - Quốc tế
 

Bùn đỏ vẫn là nguy cơ đe dọa Hungary

Bài đăng : Thứ tư 19 Tháng Mười 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 19 Tháng Mười 2011 
 

Tuần qua, một chuyên gia Áo đã lên tiếng báo động là một hồ trữ bùn đỏ độc hại ở bên bờ sông Danube đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Giáo sư Karl E.Lorber, cố vấn chính phủ Áo về môi trường, cho rằng hồ trữ bùn được xây theo kỹ thuật lạc hậu và nhất thiết phải được hiện đại hoá.

 
 
Không chỉ có việc đáy hồ bị thẩm thấu có nguy cơ làm ô nhiễm nước ở đáy sông Danube, mà các phần tử bùn đỏ đã khô trên mặt hồ cũng có thể làm ô nhiễm cả không khí. Thông tín viên RFI Hoàng Nguyễn từ Budapest điểm lại tình hình tại chỗ, một năm sau thảm họa bùn đỏ, và cho biết vấn đề trả lại cho đất đai tình trạng ban đầu sau khi khai thác bauxite, là một quá trình hết sức lâu dài. Nói chung, công nghệ chế biến bauxite là nguy hiểm, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao.

Thảm kịch sinh thái lớn nhất trong lịch sử Hungary

Cách đây một năm, vào hồi 12 giờ 30 phút ngày 04/10/2010, một trong số mười bể chứa bùn đỏ của nhà máy luyện bauxite trực thuộc tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Zrt.) đã bị tràn bùn tại khoảng giữa TP Ajka và làng Kolontár, tạo nên một cơn lũ bùn đỏ ào xuống 3 vùng dân cư từ độ cao 20-25m.

Theo các con số thống kê, đã có chừng 1m3 (chừng 1,876 triệu tấn) dung dịch chứa bùn đỏ với nồng độ kiềm rất đậm đặc đã tàn phá và gây nên thiệt hại khủng khiếp về người và của. 10 người thiệt mạng, 120 người phải vào viện cấp cứu vì bỏng nặng, một phần đáng kể hệ thống sinh thái những vùng mà lũ bùn đỏ đi qua cũng bị hủy hoại, thiệt hại ước tính lên tới 10 tỉ Ft.

Chỉ ít ngày sau khi thảm họa xảy ra, Tập đoàn Nhôm Hungary đã bị đặt dưới sự quản lý và giám sát của nhà nước và trạng thái này chỉ được chấm dứt vào ngày 30/6 năm nay. Có tới 30 vụ kiện dân sự đã được tiến hành đối với MAL Zrt. đòi bồi thường với tổng trị giá 6 tỉ Ft - gần đây nhất, doanh nghiệp này đã bị tuyên phạt khoản tiền kỷ lục 135 tỉ Ft với tội danh “tàn phá thiên nhiên” trong vụ bùn đỏ.

Cục Ðiều tra Quốc gia Hungary cũng đã mở cuộc điều tra hình sự để truy tìm các thủ phạm trong tai nạn và cho tới nay vụ án đã có 15 nghi can, trong đó có Tổng giám đốc MAL Zrt. Bákonyi Zoltán, người từng bị bắt tạm giam trong những ngày đầu. Một ủy ban chuyên trách trực thuộc Quốc hội cũng đã được thành lập để tìm hiểu lý do và trách nhiệm trong thảm kịch tràn bùn.

Nguyên nhân vẫn chưa được sáng tỏ

Cho dù vào cuối tháng 10, ủy ban này sẽ công bố báo cáo tổng kết, nhưng cho đến hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa trả lời được câu hỏi, tại sao vách ngăn bùn đỏ tại bể chứa số 10 của MAL Zrt. lại bị bể. Về phần MAL Zrt., doanh nghiệp nay, đến nay, vẫn khẳng định là họ đã làm tất cả để tai nạn không xảy ra, và cho rằng thảm kịch bùn đỏ là một sự cố ngoài ý muốn, không thể tính trước được.

Nhắc lại, vách chắn bùn đỏ tại TP Ajka - có độ dày 40-50m, những nơi dày nhất là 65m – từng được Tổng giám đốc MAL Zrt. Bákonyi Zoltán gọi với cái tên “là biểu tượng, là định nghĩa của sức mạnh” khi ông này nhấn mạnh rằng, việc nó bị vỡ tại bể chứa số 10 định mệnh là điều “đi ngược lại mọi định luật vật lý”.

Nhiều ý kiến cho rằng, thảm họa sinh thái xảy ra tại Hungary là kết quả của một chuỗi những rủi ro, trong đó có nguyên nhân kỹ thuật và yếu tố con người. Bùn đỏ đã không bị coi là rác thải nguy hiểm và vấn đề môi trường đã không được cả doanh nghiệp lẫn nhà chức trách để tâm đúng mức. Bể chứa bùn đỏ được xây dựng gần khu dân cư, ở vùng có cấu trúc đất không thật bền vững.

Lượng dung dịch chứa trong bể gấp nhiều lần mức cho phép và doanh nghiệp đã không xây các lớp vách bảo hộ, đề phòng bể chứa bị tràn. Nồng độ kiềm trong dung dịch bùn đỏ cũng cao hơn mức cho phép rất nhiều. Bên cạnh đó, trước khi tai nạn xảy ra, MAL Zrt. đã không nghĩ đến việc chuyển sang công nghệ thải bùn khô, an toàn và đảm bảo hơn về mặt môi sinh.

Sự nguy hiểm của công nghệ chế biến bauxite

Truyền thông Hungary đã nhiều lần bình luận, bản chất vấn đề ở đây, bên cạnh yếu tố kỹ thuật và con người, có lẽ là bởi chính quá trình sản xuất và chế biến từ bauxite ra alumin, cũng như công nghệ cất giữ bùn đỏ - với trình độ và khả năng kỹ thuật hiện tại - luôn hàm chứa những hiểm họa khôn lường cho tính mạng con người và hệ sinh thái.

Đó là còn chưa nói tới chuyện, tầm nhìn đương thời - cả trên bình diện chính sách, quản lý lẫn khoa học - vẫn chưa thể vượt quá được tầm thời gian 40-50 năm, những nguy hại khôn lường của bùn đỏ và chất thải công nghiệp còn đó, không ai dám đoan chắc được tương lai. Ðây là lý do mà sau khi tai nạn xảy ra, không ít ý kiến trong công luận Hungary đề xuất việc đình chỉ hoàn toàn chế biến bauxite.

Là có lẽ, đây cũng là nguyên nhân khiến các tổ chức và chuyên gia hoạt động bảo vệ môi trường không chỉ cảnh báo về tình trạng nguy hiểm của các bể chứa bùn đỏ đang hoạt động, mà họ còn lưu ý đến những hiểm họa sinh thái có thể xảy ra đối với những vùng hồ chứa đã hoàn thổ, sau khi việc chế biến quặng bauxite và alumin đã chấm dứt.

Gần đây nhất, tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) và giáo sư người Áo Karl E. Lorber, một chuyên gia trên lĩnh vực xử lý rác thải đã đưa ra những ý kiến quan ngại liên quan tới bể chứa số 7 tại vùng Almásfüzitő. Theo họ, việc chuyên chở, chứa và ủ rác thải nguy hiểm cũng như không nguy hiểm trong bể chứa bùn đỏ ở Almásfüzitő là đáng lo ngại, vì công nghệ này đã lỗi thời.

Hơn thế nữa, do không được cách ly với bên ngoài nên những chất độc hại trong bể sẽ ngấm xuống nước ngầm và có thể gây ô nhiễm trầm trọng dòng sông Danube ở ngay sát cạnh. Cần biết, bể chứa này có diện tích 1km2 và vách chắn của nó chính là đê chống lũ của sông Danube.

Thông tin đáng ngại nói trên được đưa ra từ cuối tháng 9 và nhắc lại nhiều lần trong nửa tháng qua, càng gây nên sự lo lắng về mặt môi trường, nhân 1 năm sự cố tràn bùn ở Hungary!

Vấn đề hoàn thổ

Ðể hiểu rõ hơn về vấn đề đang bàn, cần nói thêm rằng với thời gian, đã có ít nhất 50 triệu tấn bùn đỏ tích tụ lại trong quá trình chế biến quặng bauxite ở Hungary, trong số đó, vùng Almásfüzitő chứa hơn 12 triệu tấn bùn đỏ trong 7 bể tại một diện tích gần 200 héc-ta, ngay cạnh con sông Danube. Trong các bể chứa này, bùn đỏ chỉ được lưu giữ chứ không xử lý, nên chúng luôn là những trái bom hẹn giờ đe dọa hệ sinh thái và đời sống cư dân.

Tại Almásfüzitő, trong thời gian 1950-1997 từng vận hành một nhà máy alumin thuộc hàng lớn nhất nhì Hungary và cả vùng Trung Âu, vào thời hoàng kim từng là nơi làm việc của 2.300 nhân công trong khu vực. 11 năm trước khi nhà máy này đóng cửa, công việc hoàn thổ mảnh đất được coi là hết sức giá trị này đã bắt đầu được thực hiện.

Hoàn thổ được định nghĩa là việc đưa mặt đất bị biến đổi sau quá trình khai thác về trạng thái gần như nguyên thủy với tất cả các yếu tố của hệ sinh thái tự nhiên vốn có trước khi khai thác. Theo nghĩa đó, sự hoàn thổ ở vùng Almásfüzitő đã được tiến hành từ 25 năm nay - hiện tại, đang ở bước cuối với sự hoàn thổ bể chứa số 7, khởi đầu từ năm 1996, và có thể còn kéo dài 5-7 năm.

Không những thế, sau khi hoàn thành việc phủ kín các bể chứa bùn đỏ, doanh nghiệp còn có bổn phận kiểm tra chúng trong vòng 30 năm: nếu nhận ra bất cứ sự bất thường gì trong chất lượng và thành phần của nước và không khí, họ phải lập tức có biện pháp. Như vậy, trên nguyên tắc, thảm sinh học trên mảnh đất đã được khai thác có thể được hoàn trả với tỉ lệ cao.

Riêng trong trường hợp bể chứa số 7 ở Almásfüzitő, doanh nghiệp phụ trách ở đây (Tatai Zrt.) được phép ủ 161 loại rác thải nguy hiểm cũng như một số loại rác thải không nguy hiểm khác, và họ đã thực hiện công nghệ ủ đó ngay trên lớp bùn đỏ đã khô trong bể - đây là điều khiến các tổ chức và chuyên gia bảo vệ môi trường tỏ ra quan ngại trong những ngày qua.

Tuy nhiên, trái với khẳng định của tổ chức Greenpeace, theo Tatai Zrt., công nghệ ủ mà họ thực hiện hoàn toàn tuân thủ mọi yêu cầu về mặt kỹ thuật, và rác thải (nguy hiểm và không nguy hiểm) sau khi được ủ tạo thành một lớp che trên mặt bùn đỏ, ngăn chặn việc bụi bùn đỏ bị gió cuốn gây hại cho môi trường và hệ hô hấp con người.

Ngoài ra, Tatai Zrt. cũng nhấn mạnh rằng, trái với trường hợp bể chứa số 10 ở TP Ajka vào năm ngoái, bể bứa số 7 tại Almásfüzitő không thể bị tràn vì bùn đỏ ở đây hoàn toàn khô, thậm chí có thể đi lại được trên bề mặt. Vách chắn của bể - đồng thời cũng là đê chống lũ của sông Danube chảy qua vùng - cũng được xây rất cao (ngay trong “cơn lũ thế kỷ” lần gần đây nhất cũng vẫn cao hơn mực nước Danube 2m), nên không sợ khả năng nước tràn.

Cả doanh nghiệp lẫn chính quyền đều cho hay, tại Almásfüzitő, mọi công nghệ và biện pháp kỹ thuật, cũng như trạng thái bể chứa đều được kiểm tra nghiêm ngặt và mọi quy trình đều được thực thi đúng với yêu cầu kỹ thuật và luật định. Tuy nhiên, đường như đây cũng là điều đã diễn ra đối với bể chứa số 10 ở TP Ajka, trước khi nó bị vỡ vách chắn, gây nên thảm họa sinh thái trong năm ngoái.

Như vậy, trong một vấn đề mà hậu quả có thể không lường trước nổi như chế biến quặng bauxite và xử lý bùn đỏ, mọi quan ngại đều phải được nghiêm túc xem xét ...

tags: Hungary - Môi trường - Phỏng vấn - Quốc tế
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20111019-bun-do-van-la-nguy-co-de-doa-hungary