dimanche 26 mai 2024

Nguyễn Dân - Hành giả Thích Minh Tuệ và con đường thỉnh kinh

 

Cứ mỗi lần nghĩ đến sư – hành giả Thích Minh Tuệ, tôi đều không khỏi liên tưởng đến con đường thỉnh kinh của thầy trò Đường Tam Tạng.

Thật vậy, con đường thiên lý đi thỉnh kinh của 5 (5 nhé, không phải 4) thầy trò chính là con đường đi thỉnh “chân tâm” của chính bản thân, mà Đường Tam Tạng và bốn đồ đệ đại diện cho một con người đang đi tu với những đức tính của một người đi tu.

Đường Tăng: Đại diện cho thân xác con người. Vốn là Kim Thuyền Tử, một La Hán tái sinh nên biết bao yêu ma thèm khát ăn thịt. Điều đó cũng như thân xác con người chúng ta vậy. Qua bao nhân duyên của hàng tỉ tỉ chủng tử để tạo thành chúng ta ngày nay, nên trở thành con người là một điều vô vô cùng quý giá

Tôn Ngộ Không: Đại diện cho tâm của chúng ta. Trên con đường thỉnh kinh – tu tập của con người, cần phải có cái tâm hướng Phật là điều kiện tiên quyết, chính vì vậy mà Tôn Ngộ Không phải là đồ đệ đầu tiên của Đường Tăng. Đi tu có phải chăng quá trình tu tâm, chăn cái tâm của mình lại.

Cái tâm không bao giờ ở yên, luôn nhảy nhót như vượn, luôn nghĩ xa vời như một cân đẩu vân lộn được 10 vạn 8 ngàn dặm, bằng quảng đường Đường Tăng thỉnh kinh gặp Phật Tổ. Chỉ một nhích thay đổi của tâm thôi là sẽ đạt thành chánh quả, nhưng vẫn phải đi bộ qua bao nẻo hiểm nguy dặm trường thiên lý. Cái tâm hùng tráng hàng yêu phục ma nhưng cũng đại náo thiên đình không sợ ai hết.

Chính vì vậy mà phải cần một ý chí sắt đá, một kỷ luật mạnh mẽ để khắc chế cái tâm. Vòng kim cô vì thế mà xuất hiện để kìm hãm sự tự do của Tôn Ngộ Không. Nhưng thành Phật rồi,  Đấu Chiến Thắng Phật là đã chiến thắng bản thân trở thành Phật, vòng kim cô không cần thiết nữa, tự động biến mất.

Con ngựa-rồng Bạch Long Mã: Có lẽ nhiều người ngạc nhiên vì sao con ngựa-rồng lại đứng thứ hai chứ không phải là Trư Bát Giới. Nhiều người cũng chỉ nói đến bốn thầy trò mà quên vai trò của con rồng-ngựa vô cùng quan trọng. Bạch Long Mã tượng trưng cho sức khỏe của một người muốn đi tu.

Thật vậy, không có sức khỏe, chúng ta khó có thể đi tu được. Hãy nhớ lại những lần bạn bị bệnh xem, có lúc nào bạn nghĩ được những điều lạc quan tươi sáng không hay chỉ toàn những suy nghĩ ủ dột, xám xịt. Vì vậy, để đi tu cần phải có sức khỏe. Có sức khỏe mới suy nghĩ thông thoáng được (chứ chưa cần nói đến tu). Nên con ngựa thường của Đường Tăng do vua Đường ban phải bị thay thế bởi sức mạnh của rồng.

Có sức khỏe mới có thể bước đi trên con đường tu hành khó khăn. Sức khỏe và ý chí thường đi chung với nhau. Có sức khỏe nên tâm mới thỏa chí tang bồng. Không có sức khỏe bao nhiêu hùng tâm tráng khí đi mất. Nên Tôn Ngộ Không mới trở thành Bật Mã Ôn đi chăn ngựa. Tâm và Ý phải tương thông.

(Bạch Long Mã trở thành Thiên Long Bát Bộ (cũng là tên của bộ truyện Kim Dung – một bộ truyện mang nhiều triết lý Phật Giáo) – một hộ pháp hộ vệ những người đi tu)

Trư Bát Giới: Bản Năng của con người: ăn uống, ngủ nghỉ, chơi bời. Bản năng giúp con người sống còn nhưng dễ đưa con người rời xa con đường tu hành. Chính vì vậy Trư Bát Giới luôn đòi tan chợ chia hành lý về quê, Đường Tam Tạng chiều theo Trư Bát Giới hắt hủi Tôn Ngộ Không - như con người chúng ta thích nuông chiều những sở thích bản năng. Chiến đấu chống lại yêu ma nhưng cũng phải chiến đấu với Trư Bát Giới trong bản thân mình (chính vì vậy Đường Tăng và Trư Bát Giới rất dễ sa vào tay yêu quái hay haingười này uống nước sông ở Tây Lương Nữ Quốc).

Sa Tăng-Ngộ Tịnh: Ngộ ra điều tịnh, sự chịu đựng, cần mẫn, bền bỉ. Trong tác phẩm Tây Du Ký, Sa Tăng có lẽ là nhân vật mờ nhạt, ít thể hiện nhất. Nhưng đó là nhân vật gần nhất của người đi tu: âm thầm, mạnh mẽ, kham nhẫn. Trải qua bao nhiêu khó khăn gian khổ nhưng Sa Tăng luôn âm thầm quẩy hành lý, một lòng hướng về Tây Thiên.

Sự xuất hiện của sư Minh Tuệ đã làm nảy nở trong tôi những đó hoa về Phật Pháp. Tôi nghĩ đến cuộc hành trình của sư Tuệ như một cuộc thỉnh kinh gian khổ đầy thử thách mà sự hiếu kỳ, sự hâm mộ của chúng ta cũng chính là một thử thách, một “yêu quái” mà sư đang phải chiến đấu.

Tôi nghĩ đến những ngày đầu tiên sư bước đi trên hành trình của mình, chắc hẳn sư đã phải chiến đấu với một “Trư Bát Giới” trong sư. Tôi nhớ đến lời sư nói đi để rèn luyện sức khỏe. Nhìn đôi chân của sư tôi nghĩ đến con ngựa Bạch Long Mã. Tôi nghe sư kể về chuyện ngủ trong nghĩa trang, về chuyện ngồi thiền bị muỗi đốt và sư phải chống chọi ra sao (chính tôi trong quá trình học tu cũng bị trải qua điều đó), nghĩ đến một Ngộ Không dũng mãnh, một Sa Tăng kham nhẫn trong sư.

Và cũng từ sư tôi giờ nhìn những nhà sư khác, mà không chỉ nhà sư mà mọi người khác, tôi nghĩ đến họ biết đâu là những “sư Minh Tuệ” sau này để tôn trọng, yêu quý họ hơn. Đó không phải là những điều thiện lành mà sư Minh Tuệ đã mang đến cho mình (và tôi tin cả những người khác nữa) hay sao?

NGUYỄN DÂN 25.05.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.