lundi 27 mai 2024

Dương Quốc Chính - Cơ quan siêu quyền lực của Trung Quốc

Anh Osin đang có tút đại ý cần giảm quyền lực của Bộ Công an, theo mô hình Trung Quốc, ý là Bộ trưởng không nên là ủy viên Bộ Chính trị.

Anh Hiếu gió lập tức lên tút chửi, như thông lệ, kèm các thuyết âm mưu về anh Osin và bổ sung thông tin mà anh Osin không viết, đó là Bộ Quốc phòng cũng như Bộ Công an Trung Quốc đều có bộ trưởng không phải ủy viên Bộ Chính trị. Một số anh khác cũng lên tút bình luận lọ chai về đề tài này, chủ yếu bàn về tương lai số phận quyền lực của Bộ Công an, trong tình huống đang còn đang chờ bộ trưởng mới.

Chuyện này mình đã viết sơ sơ ở các bình luận, nhân dịp này viết thành bài bổ sung ý của hai anh nói trên, để mọi người hiểu rõ về quyền bắt bớ ở Trung Quốc.

Đúng là hai bộ có súng của Trung Quốc đều không có bộ trưởng là ủy viên Bộ Chính trị. Nhưng Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương Trung Quốc lại có chức năng điều tra, tạm giữ, gọi là song quy, trong khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Việt Nam không có khả năng bắt giữ, chỉ điều tra và đề nghị kỷ luật đảng.

Bộ Chính trị của Trung Quốc khác Việt Nam ở chỗ còn có thêm Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 anh, mới là những kẻ quyết định chính cùng với chủ tịch Trung Quốc và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương là ủy viên thường vụ Bộ Chính trị. Tức là còn to hơn hai anh có súng kia.

Về lý thuyết, Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương Trung Quốc có thể bắt luôn cả hai bộ trưởng kia. Việc chống tham nhũng, bắt bớ quan chức, sẽ do Ủy ban này quản lý, chứ không phải Bộ Công an. Điều đó hạn chế quyền lực của Bộ Công an trong việc chống tham nhũng, thay vào đó là đảng trực tiếp làm. Tức là tăng quyền lực của đảng, mà hiện tại là do ông Tập quyết, chứ các ông có súng không là gì. Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương song quy, lập hồ sơ đầy đủ rồi mới chuyển qua Bộ Công an xử lý tiếp, tức là Bộ Công an là cơ quan thực thi pháp luật về chống tham nhũng theo sau Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương.

Việc bắt các ông Chu Vĩnh Khang (nguyên bộ trưởng Bộ Công an), Bạc Hy Lai (đối thủ cạnh tranh của Tập Cận Bình) ...đều do Ủy ban này thực hiện.

Trích dẫn:

“Song quy” thường dùng để điều tra, xử lý những phần tử tham nhũng hủ bại là đảng viên, nhưng cũng có trường hợp áp dụng cho quan chức là người ngoài đảng. Quan chức bị “song quy” thường bị áp giải từ nhà riêng hoặc cơ quan, thậm chí bị đọc lệnh, áp giải ngay tại hội nghị mà người này đang tham dự. Tuy nói là “trong thời gian quy định”, nhưng thường không có quy định rõ ràng về thời gian bị cách ly, tạm giữ. Địa điểm để cách ly điều tra thường là tại khách sạn. Trước khi làm rõ mọi vấn đề, đối tượng không được rời đi, thực chất đây là hình thức giam lỏng biến tướng. Thông tin về quan chức bị “song quy” không được thông báo công khai với báo chí, nhưng với sự nhạy bén nghề nghiệp, báo chí thường biết và đưa tin về những trường hợp quan chức bị “song quy”.

(Hết trích)

Hiện tại mình thấy Bộ Công an đang thực hiện nhiều vụ kiểu song quy này. Như gần đây có tin đồn về ông Hai Nhựt bị hốt, nhưng báo chí không đăng tin, chờ tin từ Bộ Công an. Trước đây còn nhiều vụ khác tương tự và người cấp tin là các anh Hiếu gió và/hoặc anh Khoa, chị Trà...

Trong khi đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhiều khi lại đi sau Bộ Công an. Tức là Bộ Công an "song quy" chán chê rồi thì đố tượng mới bị kỷ luật đảng, mà theo thông lệ thì thường bên đảng sẽ phải làm trước.

Với siêu quyền lực chuyên bắt quan này, mình đoán là Trung Quốc đã học tập mô hình của lực lượng SS của Đức Quốc xã. Lực lượng này cũng siêu quyền lực, có thể bắt tất, kể cả thanh trừng quan chức Quốc xã...Nhưng SS không phải là cảnh sát. Tất nhiên SS mạnh hơn Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương nhiều.

Ở Việt Nam, Bộ Công an không thể xử lý các quân nhân, đó là nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng. Thế nên có những vụ án hai tòa đều xử một (vài) bị cáo như vụ Việt Á. Tòa quân sự và tòa dân sự đều xử một hành vi của Phan Quốc Việt, nhưng lại có đánh giá bản chất hành vi khác nhau! Tòa quân sự xử theo hồ sơ điều tra từ cơ quan điều tra quân đội và cáo trạng của Viện Kiểm sát Quân sự, đều thuộc Bộ Quốc phòng. Còn tòa dân sự xử theo hồ sơ điều tra từ Bộ Công an và cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân.

Tòa quân sự có xử vụ này do có liên quan đến quân nhân ở Học viện Quân y.

Nhiều người đang hiểu nhầm rằng Bộ Quốc phòng có thể xử Bộ Công an! Thực ra không phải, Bộ Quốc phòng chỉ có thể tham gia nếu vụ án có liên quan đến quân đội. Ví dụ nếu một ông công an có hành vi vi phạm pháp luật mà liên quan tới quân đội là Bộ Quốc phòng có thể vào cuộc điều tra. Còn nếu không liên quan thì thua.

Vừa rồi có tin đồn bên An ninh Quân đội đang điều tra anh lọ anh chai, liên quan tới sân sau, tham nhũng gì đó, nhưng là vì vụ án đó phải liên quan tới quân đội thì mới được làm. Lưu ý là an ninh quân đội là cơ quan độc lập với cơ quan điều tra hình sự quân đội. Chắc kiểu như an ninh điều tra và cảnh sát điều tra của bên Bộ Công an?

Thế có nghĩa là các vụ án thuần dân sự thì bên Bộ Quốc phòng cũng thua, không được đụng tới. Dù bên Tổng cục 2 có thể âm thầm lập hồ sơ báo cáo các cụ, nhưng không thể tự xuống tay xử lý.

Hồi xưa đánh vụ Năm Cam (thuần dân sự), nghe đồn là Tổng cục 2 lập hồ sơ báo cáo thẳng cụ Kiệt. Vì thứ trưởng Bộ Công an là Bùi Quốc Huy nguyên giám đốc Công an TP HCM đã ăn lương của Năm Cam rồi! Sau đó cụ Kiệt mới chỉ đạo tướng Thành đánh án, có lẽ không hoàn toàn thông qua lãnh đạo Bộ Công an, vì ông thứ trưởng sau đó bị bắt! Như vậy có nghĩa là bên Bộ Quốc phòng có muốn can thiệp thì cũng chỉ là ngầm vậy thôi.

Còn bên Tàu nó khác bọt, chuyện bắt bớ quan là chuyển sang Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương. Đầu đuôi nó là vậy, không anh em lại hiểu kiểu thày bói xem voi.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 27.05.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.