jeudi 6 mars 2025

Phó Đức An - Xin trả lại chiến bào!

Lão đang nằm ở một khách sạn cổ nhất Sài Gòn, khách sạn Continental Saigon ở đường Đồng Khởi, Bến Nghé, Quận 1, xây dựng từ năm 1880 và cảm nhận một luồng thôi thúc lão viết lên bài này. Có lẽ luồng thôi thúc này đến từ những hồn ma của khách sạn vãng lai chốn này, bởi “họ” quá yêu Sài Gòn, quá thích một Sài Gòn hào hoa, phong lưu và sầm uất năm xưa.

Lão đọc được một thông tin trên mạng rằng thành phố Hồ Chí Minh sẽ được trả lại cái tên Sài Gòn sau khi sáp nhập xong. Nếu quả thật như vậy, lão cho rằng sáng suốt vô cùng. Điều này đã làm lão đau đáu trong lòng mỗi khi trở lại thành phố này.

Cái tên thành phố Hồ Chí Minh rất hay, rất ý nghĩa. Để tưởng nhớ vị cha già của dân tộc, Người luôn yêu thương và hướng về miền Nam:

Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác nỗi mong cha

Nỗi mong chờ và ao ước của đồng bào miền Nam được Bác vào thăm không còn nữa! Người đã ra đi mãi mãi để lại bao niềm tiếc thương. Vậy thì đặt tên Bác cho thành phố là đúng vào thời điểm ấy. Nhưng đâu chỉ có Sài Gòn yêu quý Bác, mà cả đất nước đều yêu quý Bác! Vậy có nên đặt lại tên nước thành “Nước Hồ Chí Minh Dân chủ Cộng hoà” không? Lập luận như vậy để thấy rằng, tình yêu cho Người cha già là bao la rộng lớn, nó khắc sâu trong tim mỗi người con đất Việt, nó tồn tại trên từng tấc đất hình chữ S của tổ quốc. Nên không cần thiết phải đóng khung tình yêu thiêng liêng này ở một thành phố.

Không phải là hiếm khi đặt tên thành phố theo tên các chính trị gia trên thế giới. Những thành phố này thường được đặt tên cho thủ đô, chẳng hạn như "Washington" ở Hoa Kỳ và "Nur-Sultan" ở Kazakhstan (nay đổi lại thành Astana). Sài Gòn được vinh dự trao tặng cái tên "Hồ Chí Minh" danh giá thay vì thủ đô Hà Nội là một ân điển của các vị lãnh đạo thời bấy giờ.

Nhưng, vật đổi sao dời. Chúng ta đang trên con đường kỷ nguyên mới làm cho đất nước giàu có hơn, vĩ đại hơn và kinh tế đứng ở hàng đầu. Muốn thành phố Sài Gòn lại trở thành viên ngọc viễn đông thì xin hãy trả lại chiến bào cho Sài Gòn, để Sài Gòn xứng tầm thế giới, liên kết thế giới để gặt hái những chiến tích huy hoàng.

Tại sao lại là chiến bào? Khoác chiến bào ra trận, chinh phục mọi chiến trường, nhất là chiến trường kinh tế. Sài Gòn là cái tên tích tụ nhiều năng lượng nhất từ xa xưa bởi lịch sử của nó. Nếu nói “thành phố Hồ Chí Minh” là cái tên đẹp đẽ lộng lẫy mang nặng ý nghĩa chính trị. Thì “thành phố Sài Gòn” lại là một cái tên gọi huy hoàng, đậm chất hào hoa phú quý. Cái tên xếp vào loại “hàng hiệu” như Cartier, Louis Vuitton, Burberry... cho một thành phố trung tâm của thương mại, kinh tế và du lịch.

Trước khi thực dân Pháp đô hộ, tên chính thức của thành phố là Gia Định, do triều đình Việt Nam đặt ra và bắt nguồn từ chữ Hán cổ. Năm 1862, người Pháp quyết định xóa bỏ tên gọi "Gia Định" và sử dụng tên gọi nổi tiếng là “Saïgon".

Sài Gòn là trung tâm kinh tế, giáo dục và văn hóa của Đông Dương thuộc Pháp và là thành phố quan trọng của đế chế thực dân Pháp ở Viễn Đông. Thành phố này được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông" (la perle de l'Extrême-Orient) và "Paris nhỏ của Viễn Đông" (le petit Paris de l'Extrême-Orient).

Nhiều thành phố có cả tên cũ và tên mới. Do những thay đổi lịch sử hoặc thay đổi triều đại, chế độ mới thường háo hức đốt cháy những tên cũ thành tro tàn lịch sử và sử dụng tên mới để mang lại cho các thành phố những biểu tượng hoặc ý nghĩa mới. Tuy nhiên, những tên cũ mang những câu chuyện cảm động và được lưu hành rộng rãi trên thế giới thường ấn tượng và quyến rũ hơn, giống như Trường An thành Tây An, Ba Tư thành Iran và Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh. Cái tên cũ ấy, đã trải qua những năm tháng huy hoàng và chứng kiến ​​biết bao thăng trầm của thế giới, vẫn luôn toát lên sức quyến rũ không gì có thể thay thế được.

May mắn thay, hơn 40 năm sau, thành phố này vẫn lưu giữ nhiều kỷ niệm về Sài Gòn. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn sử dụng tên viết tắt tiếng Anh SGN của Sài Gòn trong thời kỳ Nam Việt Nam. Sông Sài Gòn, Cảng Sài Gòn và Ga Sài Gòn cũng giữ nguyên tên gốc. Chưa kể nhiều khách sạn, nhà hàng và cửa hàng thích được đặt tên là Sài Gòn. Tuy nhiên, thời đại thực sự thuộc về Sài Gòn còn có thể quay trở lại không, còn nhờ vào trí tuệ và lòng quả cảm của các vị lãnh đạo trong kỷ nguyên mới.

Nhiều người có ấn tượng tốt về cái tên Saigon, có thể liên quan đến cách miêu tả trong phim ảnh và văn học, hoặc có thể bị ảnh hưởng bởi vở nhạc kịch "Miss Saigon". Hồng Kông có một con phố có tên là “Sài Gòn” để kỷ niệm viên ngọc viễn đông một thời! Nhiều người Hồng Kông đều lưu luyến với cái tên Sài Gòn hào hoa và sáng lạn năm xưa. Trong mọi trường hợp, cái tên Sài Gòn chắc chắn có nhiều chỗ cho trí tưởng tượng hơn là một cái tên cá nhân nghiêm túc.

Mặc dù Hồ Chí Minh và Sài Gòn gần như đề cập đến cùng một địa điểm, nhưng tình cảm dân tộc hoặc mức độ tâm lý mà chúng ta thể hiện lại rất khác nhau. Lão đã đọc một bài viết phân biệt giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Sài Gòn như sau: “Phần ồn ào, hài hước, đông đúc và thịnh vượng thuộc về Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi phần yên tĩnh, tự do, lười biếng, nhàn nhã và ấm cúng là Sài Gòn. Không còn nghi ngờ gì nữa, với tư cách là một du khách, tôi muốn tận hưởng sự lãng mạn và tự do của Sài Gòn và cố gắng phớt lờ sự ồn ào và hỗn loạn của Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù không dễ dàng, nhưng sau cùng tôi vẫn có thể tìm thấy sự cân bằng ở thành phố này”.

Cái tên Hồ Chí Minh thực sự tượng trưng cho độc lập, thống nhất và tái sinh. Nhưng cái tên Sài Gòn mới là một phần máu thịt của thành phố. Sài Gòn mang trên mình một năng lượng tuyệt với để chinh phục thế giới. Xét từ Âm Dương Ngũ hành và kinh Dịch, thì cái tên Sài Gòn có nhiều vượng khí, may mắn, và cát tường hơn.

Đổi lại tên Sài Gòn, trả lại cho thành phố cái chiến bào năm xưa sẽ mở ra một thời kỳ hoàng kim mới. Sài Gòn chắc chắn sẽ tự tin hơn, dũng mãnh hơn, cool hơn và sẽ tỏa ánh hào quang rực rỡ như viên ngọc viễn đông năm xưa!

Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui

Nhưng riêng một người tâm tư sầu vắng đi trong bùi ngùi

Sài Gòn ơi! Mộng với tay cao hơn trời

Tôi hái hoa tiên cho đời để ước mơ nên đẹp đôi

PHÓ ĐỨC AN

Đêm Sài Gòn, tháng 3, năm 2025

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.