Một người mẹ “run lên vì tức giận” khi cô giáo cho con gái 17 tuổi của mình đọc “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” của tác giả Ocean Vương.
Như thường lệ, những cuộc chiến khốc liệt về ngôn ngữ đã diễn ra. Một bên ủng hộ cuốn sách hữu ích trên con đường học làm người của các bạn nhỏ, và một bên phản đối chuyện trường giới thiệu các cuốn sách đề cập đến chuyện “nhạy cảm”, mà lại là LGBT, cho các bạn nhỏ tuổi 17.
Như thường lệ, trước áp lực của dư luận, cơ quan quản lý vào cuộc, cuối cùng thì Sở Giáo dục & Đào tạo yêu cầu nhà trường thu hồi sách, đồng thời còn yêu cầu nhà trường kiểm điểm cô giáo. Sau đó, Sở còn yêu cầu các trường rà soát các tài liệu, sách không phải sách giáo khoa trong nhà trường.
Những vấn đề liên quan đến xã hội kiểu này vô cùng phức tạp, và cuộc chiến về ngôn ngữ sẽ không bao giờ có hồi kết, không bao giờ. Điều mình quan tâm nhất, là sao người ta không hỏi hoặc ít hỏi ý kiến của nhân vật chính, để xem các bạn nhỏ tuổi 17 thật sự nghĩ gì về chuyện này!
Bỗng nhiên mình nhớ đến bài báo viết rằng trung bình mỗi năm cả nước đang có gần 300 ngàn ca nạo hút thai, chủ yếu ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70 % là học sinh, sinh viên. Gần 300 ngàn sinh linh vô tội bị tước đoạt mạng sống khi chưa kịp mở mắt chào đời. Đau.
Mình ưu tư về việc dạy kiến thức về chuyện được xem là “nhạy cảm” cho các bạn nhỏ ở các trường cấp 3, và con số gần 300 ngàn kia chắc cũng có liên quan đến việc này. Ở đây mình không nói đến các kiến thức khoa học trong các môn Sinh vật, đó là chuyện khác.
Thời mình đi học, không có những giờ học bàn về chuyện được xem là “nhạy cảm”. Ngày đầu vô ký túc xá Bách Khoa, bước vô nhà vệ sinh, cấm thì cấm, nhưng vẫn thấy chằng chịt những câu về chuyện “nhạy cảm”. Mình vẫn còn nhớ bài thơ về “cô gái lên núi hái chè” mà ai đó viết lên tường.
Mình cũng ưu tư về việc dạy kiến thức về chuyện được xem là “nhạy cảm” cho các bạn nhỏ LGBT nữa. Mình nghĩ rằng các bạn ấy cũng cần phải được dạy dỗ về những vấn đề “nhạy cảm” này của riêng giới LGBT, nhà trường không nên đối xử bất công với các bạn nhỏ LGBT.
Dù không được dạy ở trường, hoặc được dạy mà dạy chưa tới, thì các bạn nhỏ ấy, kể cả những bạn nhỏ LGBT, cũng sẽ tìm cách tự học. Bản chất của tuổi trẻ luôn luôn là tìm tòi khám phá. Khi tự học, nếu không may mà học sai đường là sẽ khổ cả một đời, không có gì bù đắp được.
Mình rất trân trọng nỗ lực của trường quốc tế cũng như của cô giáo kia trong việc đổi mới táo bạo này. Tuy nhiên, như mình nói ở trên, những vấn đề liên quan đến xã hội kiểu này vô cùng phức tạp. Mình hy vọng không vì sự cố lần này mà trường và cô giáo ngừng lại. Chỉ là điều chỉnh cách làm một chút cho phù hợp hơn.
Ví dụ, trước khi đưa sách có vấn đề nhạy cảm cho học sinh, không chỉ là “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”, trường chỉ cần thông báo cho ba mẹ, kèm theo đó là thông tin thật chi tiết và một phiếu yêu cầu, ba mẹ có quyền đồng ý hoặc không đồng ý cho con mình nhận sách. Tương tự như vậy, về các giờ dạy liên quan đến chuyện được cho là “nhạy cảm”, kể cả chuyện “nhạy cảm” của giới LGBT, ba mẹ cần được thông báo rõ ràng trước, và dĩ nhiên ba mẹ có quyền đồng ý hoặc không đồng ý cho con mình tham gia.
Thế giới biến động không ngừng. Người lớn, kể cả thầy cô và ba mẹ, ai cũng phải thay đổi để có thể dạy cho các bạn nhỏ. Ai cũng cần phải học hết, trên đời này đâu có ai không học mà tự nhiên giỏi đâu.
PHAN THANH SƠN NAM 05.05.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.