Hồi đi làm báo, tôi có làm loạt bài điều tra về một vị sư trụ trì một chùa ở quận 1 TP.HCM phá giới, lừa tình, lừa tiền, đội tóc giả, mặc quần jean, áo thun, cải trang làm người trần thế đi du hí với người yêu, “xả láng, sáng dậy sớm”… đăng trên báo Thanh Niên (loạt bài "Lợi dụng cửa thiền làm điều tà đạo").
Khi viết bài đó cách đây 30 năm, tiếp xúc với quá nhiều vị sư có chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Thành hội Phật giáo TPHCM để phỏng vấn, tôi đã tự nhủ với lòng mình là sẽ không đi chùa ở Việt Nam để cúng bái, cầu nguyện gì nữa. Trừ khi đi họp, dự lễ lạt để làm nhiệm vụ phóng viên, dù tôi là một Phật tử có pháp danh từ thời niên thiếu.
Trong tư cách một nhà báo, tôi cũng tránh “đụng” đến các đề tài về tôn giáo vì đã từng được khuyến cáo rằng đây lĩnh vực “nhạy cảm”. Tôi đã thực hiện điều này suốt mấy chục năm để “yên thân hành nghề”, không va chạm tới mức nguy hiểm, khó giải quyết cho cơ quan và cho bản thân.
Thời gian gần đây, chuyện về hành giả Minh Tuệ bộ hành khổ tu, tôi có viết vài bài ngắn gọn về hiện tượng xã hội này. Nhưng không đào sâu, bình luận về hành giả Minh Tuệ, chỉ phân tích góc độ xã hội của một hiện tượng xã hội.
Mấy hôm nay, đọc báo, lướt Facebook, đọc mạng xã hội, tôi có thấy tin một vị sư trụ trì một Thiền viện ở tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu bị kiểm điểm, bắt quỳ sám hối và giáng cấp, tước hết những chức vụ của ông trong GHPGVN. Chỉ vì đã bộc lộ vài lời tâm tình, những suy nghĩ thật của mình, về hiện tượng hành giả Minh Tuệ bộ hành khổ tu.
Nếu đây là sự thực, thì: Chẳng lẽ GHPGVN không cho những tu sĩ thuộc tổ chức của mình nói thật ! Không được bộc bạch nỗi lòng của mình một cách thành tâm thì phải nói làm sao? Nếu nói theo định hướng, theo những gì tổ chức muốn mà trong lòng không nghĩ, không tin là vậy thì đó chẳng phải là nói dối sao? Đã dối lòng thì tránh sao khỏi dối người.
Từ nói dối tới lừa đảo gây phương hại đến người khác gần như không có ranh giới rõ ràng. Một trong ngũ giới của nhà Phật là cấm nói dối! Phật giáo khuyên chúng sinh đừng nói dối, bớt nói dối… còn tu sĩ Phật giáo thì tuyệt đối cấm điều này!
Muốn không nói thật thì hoặc là “câm miệng” không nói, hoặc là phải học nói dối, buộc phải nói dối. Chẳng lẽ muốn tu hợp pháp, được công nhận ở Việt Nam, là…? Thế thì tu kiểu gì vậy? Làm sao tu, làm sao thành chánh quả? Chánh quả hay tà quả?
Hình như một trong những hình phạt về tội nói dối dưới địa ngục trong kinh Phật là cắt lưỡi, cho… câm vĩnh viễn luôn!
Ngậm miệng, không được nói thì khác gì câm?
Chưa bị đọa xuống địa ngục cắt lưỡi, tranh thủ lúc còn nói được, nói chơi vài câu.
HỮU PHÚ 31.05.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.