Affichage des articles dont le libellé est Chợ Lớn. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Chợ Lớn. Afficher tous les articles

dimanche 17 décembre 2023

Huỳnh Chí Viễn - Ký ức lân sư rồng

 

I. Kỷ niệm về những đoàn lân

Ngày xưa khi còn bé, tôi rất sợ về sống ở nhà nội trên đường Nguyễn Chí Thanh quận 11. Vì đối với tôi, đó là một căn nhà tăm tối ảm đạm, luôn tỏa ra một thứ mùi ẩm mốc do rất nhiều thứ đồ đạc để dồn lại hàng chục năm không dọn dẹp nằm trên một con đường buồn tẻ.

Những hôm cúp điện, cả căn nhà như một cái hang sâu hun hút càng đáng sợ. Ngôi nhà u ám ấy là cơn ác mộng của những năm tháng tuổi thơ của tôi với rất nhiều kỷ niệm buồn. Tuy nhiên, đến dịp tết Nguyên Đán, tôi lại rất mong được về Chợ Lớn vì một lý do: xem múa lân.

jeudi 14 décembre 2023

Huỳnh Chí Viễn - Người Hoa ở Chợ Lớn

 

Tôi là người Việt gốc Hoa sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Bên nội tôi là người gốc Quảng Đông sống ở Chợ Lớn còn bà ngoại tôi là người lai Phúc Kiến.

Theo lời kể của bà ngoại tôi thì bà là hậu duệ của một nghĩa sĩ trong một tổ chức cách mạng chống lại Từ Hy Thái Hậu, do tránh truy bắt nên lưu lạc sang Việt Nam rồi lấy vợ sinh con định cư ở Bến Tre. Còn bên nội tôi thì sang Việt Nam từ khi nào, vì lý do gì chưa bao giờ tôi nghe ba tôi kể lại.

Khi tôi ra đời thì ông bà nội tôi đã mất từ lâu nên tôi chỉ biết mang máng rằng ông nội tôi từng coi sổ sách cho một hãng buôn của Pháp ở Sài Gòn, sau đó vì siêng năng nên được chủ người Pháp cho mượn vốn ra mở cửa hàng làm ăn riêng nhưng không may làm ăn thua lỗ nên buồn bực sinh bệnh mà chết.

lundi 27 novembre 2023

Huỳnh Chí Viễn - Hồn Chợ Lớn

Hầu như nơi nào trên thế giới có người Hoa là nơi đó sẽ có Chinatown, vì người Hoa thích sống cộng đồng để giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Nhưng hầu hết những Chinatown trên thế giới thường chỉ gói gọn trong phạm vi vài con đường chứ không có nơi nào chiếm gần 1/3 diện tích thành phố như Chợ Lớn của Sài Gòn, với diện tích bao gồm các quận 5, 6, 11 và một phần quận 8.

Những người sống ở Sài Gòn từ thập niên 1950-1960 vẫn thường gọi “Sài Gòn-Chợ Lớn” như hai thành phố riêng biệt, vì thời đó nằm giữa Sài Gòn và Chợ Lớn là con kênh Bến Nghé khiến Chợ Lớn trở nên tách biệt với Sài Gòn. Sau này con kênh được san lấp một phần để làm đường bộ nối Sài Gòn và Chợ Lớn nhưng dường như cách nghĩ Chợ Lớn là một “thành phố” trong tâm trí của người Sài Gòn xưa vẫn không thay đổi.

Từ thế kỷ thứ 17, Chợ Lớn là vùng đất mà người của “Ngũ đại bang phái”: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và Khách Gia (Hẹ) chọn làm nơi cư ngụ và phát triển khi họ đặt chân đến phương Nam.

mercredi 22 novembre 2023

Huỳnh Chí Viễn - Ẩm thực người Hoa ở Chợ Lớn có giống ẩm thực Hồng Kông ?

 

Người Sài Gòn trước giờ hay có câu “Hồng Kông bên hông Chợ Lớn” để nói về những món đồ giả đồ nhái dán mác “made in Hồng Kông” nhưng lại được sản xuất tại ... một cơ sở nào đó của người Hoa ở Chợ Lớn. 

Lúc tôi còn nhỏ, ngay sát nhà nội tôi trên đường Nguyễn Chí Thanh quận 11 là một tiệm hớt tóc nam tên là ... Hồng Kông lúc nào cũng đắt khách. Cứ tới dịp Tết, tiệm hớt tóc Hồng Kông lại mướn đội lân về múa để khai trương với đủ các màn leo mai hoa thung, giỡn pháo, giật bắp cải treo trên cao… rất náo nhiệt. Vì thế trong ký ức của tôi “Hồng Kông bên hông Chợ Lớn” luôn gắn liền với hình ảnh của tiệm hớt tóc Hồng Kông kế bên nhà.

Sau này khi phim xã hội đen Hồng Kông và phim truyền hình TVB làm mưa làm gió ở Việt Nam, tôi lại càng thấy Hồng Kông rất giống Chợ Lớn đến mức trong suốt những năm sống ở Mỹ, tôi thường lên YouTube để xem lại những phim Hồng Kông thập niên 90 nói tiếng Quảng Đông, để cảm thấy sự thân quen của những năm tháng thơ ấu khi còn sống ở Chợ Lớn.

dimanche 19 novembre 2023

Huỳnh Chí Viễn - Con đường thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông

 

Tôi về lại Việt Nam năm 2007 với sự ngỡ ngàng vì Sài Gòn thay đổi quá nhiều, với một số tuyến đường mới được đưa vào sử dụng.

Trong đó có hai tuyến đường lớn là hai con đường Hoàng Sa-Trường Sa chạy dọc kênh Nhiêu Lộc từ cầu Thị Nghè tới đường Hoàng Việt, Tân Bình ;  và đại lộ Đông Tây (đại lộ Võ Văn Kiệt) từ quận 2 chạy thẳng tới Chợ Lớn. Cả hai tuyến đường này khi tôi còn ở Việt Nam đều đang trong quá trình thi công, vì thế lúc về lại Sài Gòn, tôi rất háo hức muốn đi thử cho biết.

Lần đó tôi chạy xe dọc theo đại lộ Đông Tây từ hướng Sài Gòn xuống Chợ Lớn để xem điểm cuối của con đường này sẽ dẫn tới đâu. Hóa ra đoạn cuối của con đường lại là đường Hải Thượng Lãn Ông, nơi được mệnh danh là “chợ thuốc bắc” của Sài Gòn.

lundi 13 novembre 2023

Dương Quốc Chính - Quách Đàm và chợ Bình Tây

Chuyện Hoa kiều Quách Đàm tặng chợ Bình Tây cho chính quyền Chợ Lớn thì báo Dân Trí viết nhảm cái tít, cũng có mấy người nhắc rồi. Nhưng mình thấy mọi người tấn công bài báo đó hơi quá.

Tác giả bài báo ban đầu viết là ông Quách Đàm tặng TP HCM, đã buồn cười rồi, sau thấy bị chê thì sửa ra là tặng Saigon, lại sai lần nữa. Vì lúc đó Saigon và Chợ Lớn là hai thành phố riêng biệt. Chuyện này không lạ lắm, vì cơ bản dân Việt Nam cũng dốt sử, không mấy người rành được Saigon, Chợ Lớn, Gia Định, TP HCM khác nhau thế nào.

Tuy nhiên nội dung chính của bài báo thì cũng không sai.

mercredi 11 octobre 2023

Huỳnh Chí Viễn - « Wok hei », hồn của các món chiên xào Chợ Lớn

Ngoài hủ tíu mì và hoành thánh, có một loại quán ăn người Hoa nhưng lại rất được cộng đồng người Việt ở Sài Gòn ưu ái là các quán bán cơm chiên, cơm xào và hủ tíu mì xào.

Lúc đầu các quán kiểu này chỉ chủ yếu tập trung ở đường Nguyễn Tri Phương, đoạn từ đường An Dương Vương tới ngã ba Nguyễn Tri Phương-Trần Hưng Đạo, khúc đối diện với bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Về sau này, các quán ăn kiểu này xuất hiện gần như khắp nơi từ quận 3 quận 1 đến quận ngoại thành như Hóc Môn, quận 12 đều có.

Ăn nên làm ra nhất có thể nói đến Tâm Ký với gần 20 chi nhánh. Món chủ đạo của quán là các loại cơm chiên (Dương Châu, cá mặn, gà xối mỡ), cơm xào (thịt bò xào cải, hải sản xào thập cẩm...) và hủ tiếu mì xào (xào dòn và xào mềm).

jeudi 28 septembre 2023

Huỳnh Chí Viễn - Câu chuyện bánh trung thu

 

Cứ khoảng từ đầu tháng 8 âm lịch cho tới Trung Thu, tôi lại nhận được khá nhiều bánh trung thu của các học viên tặng với lời nhắn là: “Bánh nhà làm không có chất bảo quản, thầy ăn liền đừng để lâu nhé!”

Thật lòng là tôi rất cảm kích tình cảm của các bạn dành cho tôi và bản thân cũng thích ăn bánh trung thu, nhưng vì đang trong chế độ ăn kiêng giảm cân nên tôi không dám ăn bánh trung thu thả ga như trước nữa.

Bây giờ cầm miếng bánh trung thu lên, trước khi bỏ vào miệng là tôi lại phải đắn đo suy nghĩ rất nhiều. Đôi khi phải tự nhủ lòng rằng ăn bánh trung thu chỉ cần 1/4 cái bánh là đủ, coi như là ăn “có hương có hoa” vậy thôi. Chứ nếu như cách đây vài năm, tôi có thể một mình ăn hết một cái bánh trung thu với bình trà nóng.

dimanche 13 août 2023

Viên Huỳnh - Cùng nhau vào Chợ Lớn "dẩm chà"

 

Khi người Hoa mời bạn đi “dẩm chà” (uống trà) thì bạn nên chuẩn bị cái bụng, vì “đi uống trà” ở đây không có nghĩa là chỉ đi uống nước trà suông hay uống trà ăn bánh ngọt kiểu người Anh.

“Dẩm chà” trên thực tế, chính là đi ăn “tỉm xấm” (điểm tâm/dim sum) ở các tiệm nước mà người Hoa gọi là “chà thỏi” (trà đài-bàn uống trà), một dạng ăn sáng có thể kéo dài suốt cả buổi. Khu nào có nhiều người Quảng Đông, khu đó sẽ có nhiều “chà thỏi” cũng giống nơi nào có người Việt là nơi đó có các quán phở, cơm tấm hay bún.

Chỉ cần đi một vòng các quận 5, 6, 10, 11 thôi thì bạn ít nhất cũng đếm được trên trăm “chà thỏi” là ít. Thường thì một “chà thỏi” sẽ có một xe hủ tiếu mì trước cửa với người nấu luôn mặc áo thun trắng, quần đen vắt một chiếc khăn trên vai. Bên trong có độ từ 5-10 cái bàn bằng gỗ tạp hoặc inox với bộ gia vị (sa tế, xì dầu, dấm đỏ) đựng trong những chiếc bình thủy tinh nhỏ và ống để chén đũa. Phần lớn trên tường của các quán điểm tâm như vậy đều treo một tấm gương khá lớn chiếm gần hết diện tích của bức tường, có lẽ là vì hình ảnh phản chiếu trong tấm gương vừa giúp tạo cảm giác tiệm rộng và thực khách đông hơn gấp đôi, vừa vì phong thủy.