Affichage des articles dont le libellé est Lúa gạo. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Lúa gạo. Afficher tous les articles

mardi 5 mars 2024

Nguyễn Thông - Chuyện lương thực, gạo (5)

 

Con người ta để sống được phải có ăn. Ăn là “nhiệm vụ” hàng đầu.

Người đời đã tổng kết tứ khoái, thì ăn chiếm vị trí số 1. Các cụ xưa từng kết luận một cách rất triết học “dĩ thực vi tiên” (lấy ăn làm đầu, làm trước hết). Cũng có dị bản câu này là “dĩ thực vi thiên” (lấy ăn làm trời). Dân chỉ sợ trời chứ chả sợ đứa nào, ăn cũng ngang trời, không có ăn thì đói bỏ mẹ, rã họng, chết.

Ở một nước có truyền thống nông nghiệp, còn được ca tụng là “văn minh lúa nước”, trong những thứ bỏ vào mồm, gọi chung thành lương thực thực phẩm, thì gạo ở vị trí hàng đầu, số 1. Bữa cơm (nấu từ gạo) trở thành hình ảnh quen thuộc không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt.

lundi 12 février 2024

Lưu Trọng Văn - Gạo nào ngon nhất thế giới ?

 

1. Hôm qua gã lọt vào một quán cơm bình dân. Cơm nhạt thếch lại mạnh hạt nào hạt nấy rã rời trôi vào miệng. Một ông khách sửng cồ với bà chủ quán:

- Sao gạo dở vậy? Nuốt không trôi.

Bà chủ bảo:

- Gạo Việt Nam ngon nhất thế giới mà ông còn chê à?

- Gạo Việt Nam có nhiều loại, cũng như người Việt có con tốt, thằng xấu sao lại nói người Việt là tốt nhất thế giới được?

jeudi 8 février 2024

Nguyễn Văn Mỹ - Sài Gòn, hoa giả xô ngã hoa thật!

Bất chấp mọi khó khăn, không khí Tết vẫn rộn ràng tràn về khắp đất nước. Nhiều thứ kém năm trước nhưng cũng nhiều thứ hơn.

Sức mua kém, chợ truyền thống đìu hiu, doanh nghiệp tất bật xoay sở, dân nghèo xuôi ngược vất vả mưu sinh. Người về quê có vẻ ít hơn nhưng giao thông vẫn kẹt cứng. Du lịch nước ngoài lấn át du lịch trong nước vì giá cả và chất lượng dịch vụ. Du lịch Việt Nam tụt hậu vì quản lý chồng chéo, thiếu liên kết thực sự….

Có sự kém hơn đáng mừng là mức tiêu thụ rượu bia giảm mạnh, kéo theo nhiều hệ lụy từ rượu bia cũng giảm theo. Ngân sách thâm hụt vì doanh thu rượu bia nhưng bù lại, lợi gấp mấy lần vì tai nạn giao thông, đánh nhau và nhiều hệ quả tai hại có nguyên nhân từ ma men giảm mạnh.

mardi 6 février 2024

Nguyễn Thông - Chuyện lương thực, gạo (5)

 

Như đã nói trong bài trước, suốt thời gian dài mấy chục năm ở miền Bắc, bảng xếp hạng “ngũ cốc” (năm thứ được coi là lương thực chính chứ không hẳn chỉ là hạt) gồm có lúa, ngô, khoai, sắn, đỗ (đậu).

Có những đận, hai loại củ là khoai và sắn còn đánh bạt cả gạo trong bữa cơm gia đình. Bao nhiêu thóc gạo làm ra, chính quyền dồn hết cho chiến trường để nuôi lính, "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người".

Trên đài Tiếng nói Việt Nam ngày nào cũng ra rả "Hạt thóc là hạt thóc vàng, nuôi chiến sĩ, thóc lên đường. Thóc thêm nhiều, thêm chiến thắng. Đồng thâm canh, lúa ngô nhiều là ta thắng to. A, chuyển thóc về kho, xóm làng làm xong nghĩa vụ, thêm thắm tình tiền tuyến hậu phương. Thóc ra đi, ta thỏa tình hậu phương. Thóc lên xe, ta mở đường hành quân" (Đỗ Nhuận).

jeudi 1 février 2024

Nguyễn Thông - Chuyện lương thực, gạo (4)

Năm 1977, tôi vào miền Nam nhận việc. Nhiều lần ngang dọc miền Tây Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, thấy sự làm ruộng, trồng lúa, làm ra hạt gạo khác hẳn ngoài Bắc. Ruộng đồng bát ngát, phì nhiêu, thời tiết khí hậu cực kỳ thuận lợi, người trồng lúa làm ruộng cứ như chơi.

Vẫn biết vẫn hiểu có được vậy là do điều kiện “trời cho”, nhưng càng thèm sự nhẹ nhàng, thong thả ấy, lại càng thương thày bu mình, bà con mình nông thôn ngoài quê mình. Ở đây chả gieo mạ nhổ mạ, cấy kiếc chi sất, cứ căn vào con nước mà sạ lúa, cũng chẳng phải tát nước làm cỏ gì.

Tôi hỏi ông cậu vợ, ở xã Bình Phước Xuân, cù lao Giêng (huyện Chợ Mới, An Giang), sao không gieo mạ mà cấy cho đỡ tốn thóc giống, ông cười, ai mà bày vẽ bây ơi, đờn bà trong này chỉ đi gặt thôi, đâu biết cấy, chẳng mạ miếc chi hết.

lundi 29 janvier 2024

Nguyễn Thông - Chuyện lương thực, gạo (3)

Nói gì thì nói, vùng đồng bằng sông Cửu Long, kể từ tỉnh Long An xuôi về phía tây nam, tới tận mép biển tây là Kiên Giang và biển tây nam là Cà Mau, gồm 12 tỉnh thành, là vựa lúa gạo không lồ đủ sức nuôi cả nước.

Đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng miền Trung chả là gì so với vựa gạo khổng lồ này. Vẫn biết phải duy trì vùng miền để thực hiện an ninh lương thực phòng khi xảy ra chuyện này chuyện nọ nhưng để có bát cơm, cả nước cần phải cảm ơn Đồng bằng sông Cửu Long.

Vậy mà có những năm dài, bên thắng cuộc nhìn miền Tây Nam Bộ xem như vùng sâu vùng xa, chỗ chỉ để khai thác, vơ vét (lương thực, thực phẩm, rau quả, sức lao động…), nơi thí cho thứ gì là ban ân huệ thứ ấy, chứ không quan tâm đầu tư phát triển.

lundi 22 janvier 2024

Nguyễn Thông - Chuyện lương thực, gạo (2)

 

Giờ thì khác, người ta sợ ăn mặn, dễ bị huyết áp cao, nên đài báo, tivi nhan nhản lời khuyên cần ăn nhạt để bảo vệ sức khỏe.

Tất nhiên kèm theo lời khuyên ấy thường là một vài thứ thực phẩm chức năng giá cực đắt rất cần cho người bị cao huyết áp hoặc bị bướu cổ, với lời đọc liến thoắng trên tivi, hay in chữ bé tí ti như con kiến trên báo, rằng “sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Chả hiểu sao đám báo chí truyền thông quốc doanh công khai thủ đoạn bịp bợm, lừa đảo, dối trá như thế mà nhà cai trị, cụ thể là Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin - Truyền thông vẫn cứ mặc nhiên chấp nhận, không xử lý.

mardi 26 décembre 2023

Đặng Sơn Duân - VinFuture, đế chế Phù Nam hay là tương lai của Việt Nam

(Mượn giật tít câu view thôi, chứ không có ý gì)

Tuần trước, VinFuture tổ chức lễ trao giải. Phần đông dư luận nếu không chú ý đến cô ca sĩ Kate Perry, thì cũng hân hoan với giải thưởng vinh danh một vị giáo sư người Việt.

Hoặc cơn lên đồng tự hào quen thuộc, như kiểu sự có mặt của các nhà khoa học lỗi lạc lập tức đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc khoa học tiên tiến. Tương tự chuyện anh Hoàng Nhân Huân sang đá tô phở vỉa hè, tợp ly chuối hột là Việt Nam một bước trở thành trung tâm vi mạch thế giới.

Tuy nhiên, nhìn những giải thưởng được trao ở VinFuture, tôi không khỏi có một sự liên tưởng nhất định đến một câu chuyện khác. Không may đó là một câu chuyện buồn!

mardi 23 mai 2023

Nguyễn Thông - Chuyện ăn độn (6)

 

Hồi ấy, một ký gạo được quy thành 3 ký đại mạch (bo bo), nhập từ Liên Xô. Người và lợn tranh nhau thứ đặc sản này.

Nó nhỏ hơn hạt đỗ đen, màu nâu nhạt, lõm giữa, cứng như đá. Đã không có điện đun nấu, thiếu cả than củi (đến nỗi thầy Võ Thanh Long dạy lý trong chuyến đi chơi thăm công trình thủy điện Trị An chả thiết ngắm nghía gì, cứ nhăm nhăm tìm mua củi, đem về chất đầy hành lang ký túc xá, còn nhà chú Thăng chỉ chẻ củi mà nát cả nền gạch phòng xép trên lầu 4).

Vậy mà thứ của khỉ này đổ vào nồi nhôm đặt lên bếp than tổ ong hầm đến lụi bếp mới chịu nở mềm. Nhai nó nhạt nhẽo, như trâu trệu trạo nhai rơm trong chuồng.

dimanche 21 mai 2023

Nguyễn Thông - Chuyện ăn độn (5)

 

Tốt nghiệp đại học tháng 12.1976, tháng 4.1977 tôi khăn gói quả mướp xuống tàu biển Thống Nhất ở bến Chùa Vẽ, Hải Phòng vào Nam, hành nghề dạy học.

Mấy tháng chờ việc ở quê nhà, thày bu tôi thương thằng con gần 4 năm đói dài đói rạc nên bồi dưỡng chút thức ăn có chất đạm bù lại. Tôi 4 tháng được ăn cơm trắng, rau cỏ vườn nhà, cá mú vùng quê lúc ấy cũng khá rẻ, nên trông đã ra cái hồn người, đã có tí da tí thịt. Khi biết tôi phải vào Nam, thày tôi động viên, bảo miền Nam lúa gạo tôm cá nhiều, vào trong ấy chắc đỡ hơn ngoài bắc mình, con ạ.

Cầm tờ "công vụ lệnh" (quyết định phân công công tác), tôi ra trụ sở ngân hàng nhà nước gần bến Bính đổi tiền được 90 đồng tiền miền Nam, ra tiếp bến Chùa Vẽ xếp hàng mua được cái vé tàu khách Thống Nhất hạng 90 đồng (có 3 hạng: 60, 90, 120, loại 60 bao giờ cũng hết trước). Nhờ trình công vụ lệnh nên được ưu tiên, chứ có nhiều người xếp hàng mấy ngày vẫn không mua nổi, nhỡ chuyến thì phải chờ hơn chục ngày sau mới xếp hàng tiếp.

samedi 20 mai 2023

Nguyễn Thông - Chuyện ăn độn (4)

Khoai lang ăn nhiều bị nóng cổ, nhãi ruột, mà không ăn thì đói. Những nhà nghèo còn ăn luôn cả củ khoai bé tí (vốn để nuôi lợn), quê tôi gọi là khoai rãi, chả cần gọt vỏ, bỏ vào rổ tre chà xát cho vỏ mỏng ra rồi ghế chung với gạo.

Ăn khoai rãi cũng có nguyên do, bởi củ khoai lang to đem bán mua gạo, cả chục ký khoai mới được ký gạo. Củ nhơ nhỡ thì rửa sạch thái phơi khô bỏ vào chum chờ ngày giáp hạt. Nông thôn miền Bắc những năm trước và sau 1975 nhà nào cũng phải thủ sẵn chum khoai khô.

Tôi nhớ năm 1972, cơn bão số 7 vật vã quăng quật suốt một ngày, rồi tiếp đến mưa tầm tã thêm ngày nữa, nhà tôi phen ấy mà không có chum khoai khô có lẽ đổ đói cả nhà. Hết gạo không còn hột nào, chả thể chợ búa gì, bu tôi lấy khoai lang khô bung với đỗ đen, ăn cầm cự qua được cơn bão.

vendredi 19 mai 2023

Nguyễn Thông - Chuyện ăn độn (3)

 

Nhiều khi cơm độn cũng chả đủ cho nhà đông miệng ăn, nhiều gia đình phải dùng đến cách độn gián tiếp là ăn thật nhiều rau củ. Độn vào bữa ăn chứ không phải chỉ riêng nồi cơm.

Nhà tôi sau khi đã vào hợp tác xã cũng thiếu gạo như những nhà xã viên khác, cơm chỉ hai lưng bát mỗi người nên rau thành món độn. Có những bữa, rửa rau muống cả rổ sề, chỉ luộc chấm mắm cáy thôi, thế mà cũng ăn hết.

Mùa nào thức ấy, canh rau cải, rau tập tàng (tập tàng là tên chỉ nhóm rau gồm những loại rau dại như rau sam, rau dền, rau muối… nấu chung với nhau), mướp, rau ngót, ngọn khoai lang, ngọn bí, đọt bầu, mùng tơi… chiếm lĩnh mâm cơm, cứ xanh ngăn ngắt. May mà ăn rau nhiều không chán, lại sẵn nữa, không thì chết đói. Thày tôi động viên “cơm không rau, ốm đau không thuốc”.

jeudi 18 mai 2023

Nguyễn Thông - Chuyện ăn độn (2)

 

Đầu thập niên 60, sau một thời gian ngắn thí điểm làm ăn theo hình thức tổ đổi công (cứ 5 - 10 nhà ghép lại với nhau, ruộng đất vẫn riêng nhưng trâu bò nông cụ thì chung, lao động vần công), nông dân miền Bắc bị đảng và nhà nước ép vào hợp tác.

Hợp tác tước đoạt hết ruộng đất và công cụ sản xuất, làm việc tính điểm, 10 điểm được gọi là 1 công. Cuối vụ chiêm hoặc mùa, mỗi nhân khẩu một vụ được chia vài chục cân thóc, quy thành gạo chỉ vài ký/tháng, thế là bắt đầu cuộc trường kỳ ăn độn.

Trước đó, còn riêng lẻ, nồi cơm vừa mới hôm nào bắc lên mở vung ra cơm trắng thơm phưng phức. Đến nỗi mấy bà người thôn Du Lễ, Tú Đôi xã Kiến Quốc bên cạnh đi chợ huyện ngang qua, thường vào nhà tôi xin nước mưa uống cho đỡ khát giữa độ đường, các bà hỏi “Ông ơi, nhà ta nấu gạo gì mà thơm thế?”.

Nguyễn Thông - Chuyện ăn độn (1)

 

Cách đây mấy hôm, trên phây cô nhà văn Phan Thúy Hà (tác giả những cuốn sách lừng danh như Gia đình, Đừng kể tên tôi, Tôi là con gái của cha tôi, Qua khỏi dốc là nhà...) kể chuyện một anh bộ đội sau khi đánh nhau ở miền Nam, hết chiến tranh trở về quê nhà Nghệ Tĩnh, anh không ngờ người quê mình đang tiến lên chủ nghĩa xã hội mà đói đến thế. Có chi tiết buồn thảm kinh lắm, tôi không tiện biên ra đây.

Chợt nghĩ, mình chính là chứng nhân lịch sử của thời đen tối đói kém ấy, sao không ghi lại để góp vào cái bảo tàng đói kém mà thể chế này đã tạo nên, dù họ cố tình lờ đi.

Mới chỉ vài chục năm thôi nhưng chuyện này đã xưa như cổ tích. Bọn trẻ bây giờ, ngay cả những đứa sống ở vùng nông thôn nghèo cũng chả biết "ăn độn" là gì. Chúng không hình dung ăn mà lại độn, đâm ra thắc mắc độn thế nào, độn cái gì, sao lại phải độn…

mardi 8 novembre 2022

Lưu Trọng Văn - Cần nghiêm trị kẻ gian dối

 

Nhà nông học Hồ Quang Cua, tác giả của hai giống lúa ST24 và ST25 lừng danh Việt Nam và thế giới rất tức giận khi Ban tổ chức cuộc thi “Gạo ngon nhất Việt Nam” có biểu hiện gian dối.

Ông Cua đã trả lại danh hiệu và phần thưởng của mình vì sự gian dối này.

Người anh hùng của nhà nông cho rằng: Ban tổ chức không giữ bí mật mã số của từng loại gạo dự thi, điều này dẫn đến không khách quan khi chấm điểm.

vendredi 23 avril 2021

Hoàng Hải Vân - Không hiểu lúa gạo, chớ lên mặt làm mẹ thiên hạ !

Năm 2019, gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới trong cuộc thi quốc tế cùng tên. Đó là điều mừng vui của cả nước.

Năm 2020, kỹ sư Cua tiếp tục đưa gạo ST25 đi thi và đoạt giải nhì. Anh Cua rất vui mừng với thành quả này, vì Việt Nam tiếp tục nằm trong Top 3 gạo ngon thế giới.

Nhưng anh Cua và mọi người chưa kịp thể hiện niềm vui thì bị một số người chửi như tát nước bẩn vào mặt. Đám lâu la vô công rồi nghề chửi không tính, đằng này cầm đầu cuộc chửi là một đại nương rất có số má trong ngành truyền thông và thương hiệu.

samedi 25 avril 2020

Nguyễn Tập - Kẻ cướp niềm tin



“Có rất nhiều người nhận gạo chuyên nghiệp. Một ngày nhận đến mười mấy lần. Nếu một, hai lần thì tôi không nói nhưng nhận quá nhiều lại còn có đường dây, tổ chức. Họ chuẩn bị cả quần áo để thay, đi một nhóm từ 4-5 người lần lượt vào lấy. Khoảng 5-10 phút sau, họ quay lại với quần áo khác”.

Câu chuyện ứng xử thiếu nhân văn với cậu (cô) bé áo đen tại cây ATM gạo mấy ngày trước thiết nghĩ không có gì để bào chữa. Nhưng lời trần tình trên báo Thanh Niên sáng nay của anh Hoàng Tuấn Anh- người làm ra ATM gạo đầu tiên đáng để suy ngẫm về một thực tế buồn. 

Quán cơm Nụ Cười do đặc thù là ăn tại chỗ, không được mang về (trừ một số trường hợp đặc biệt như quá nghèo khổ, già yếu, bệnh tật mà quán đã xác minh) nên ít xảy ra trục lợi. 

mardi 21 avril 2020

Cù Mai Công - Sài Gòn của em, Sài Gòn là em, Hà ơi, Có ơi…



Hà (áo đen) xếp hàng chờ nhận gạo.

* Người Sài Gòn không có thói quen xúc phạm người khác.

Có lẽ cũng như tôi, nhiều người nhói tim khi coi clip một em gái gầy nhom bị tiếng loa đặt ATM gạo từ chối phát lớn, đầy uy lực cho mọi người ở đó cùng nghe: "Em áo đen, mời em ra khỏi vị trí nhận gạo giùm chị".

"Em áo đen" ấy là một em gái tên Hà 17 tuổi, quê An Giang, "từ Tết giờ công ty cho nghỉ, em cũng đi phụ hồ. Nhưng em kéo cát lên sàn không nổi, nên chủ không cho làm, phòng trọ ở chung 5 người, hết gạo, hết tiền".
 
Bị từ chối có lẽ vì người ta thấy Hà ăn mặc tươm tất. Ông bà dạy: "Đói cho sạch, rách cho thơm". Bất ngờ. Hụt hẫng. Hà bối rối. Hà ngẩn người. Hà mắc cỡ... Bao nhiêu cảm giác trộn lẫn trong Hà lúc đó: "Cuộc đời, Sài Gòn đã không chìa tay ra với mình?".

Đỗ Duy Ngọc – Suy nghĩ về ATM gạo



Cả tuần nay tui suy nghĩ về cái ATM gạo cho người khó khăn trong mùa đại dịch. Đúng là rất hoan nghênh sáng kiến của người sinh ra nó, phải có tấm lòng với người hoạn nạn mới làm được thế. 

Một ký rưỡi một ngày cho một gia đình cũng là tạm ổn trong thời kỳ con virus Vũ Hán tác oai tác quái. Người Việt nghèo ăn uống cũng dễ, chỉ cần có chai nước tương, hay chén nước mắm, hoặc hũ chao với mớ rau là cả nhà cũng xong bữa cơm. Lúc nào khá thì có thịt, có cá, chẳng sao cả. 

Thế nhưng tui vẫn áy náy chuyện không phát gạo cho người đi xe có vẻ đẹp, áo quần tươm tất, có vẻ có tiền, có vẻ sang, có vẻ giàu. Mấy cái có vẻ đó đã hại họ. Và các anh, chị nhà báo nông cạn được dịp dùng những từ rất khó nghe dành cho những người này. Tít báo gọi họ là "vô liêm sỉ", "không biết nhục", "cướp cơm của người nghèo", "bất lương"...Nghe nặng nề quá! 

Hoàng Nguyên Vũ - Cậu bé nghèo bị đuổi khi đi xin gạo và có một loại người đang đánh rơi hết nhân phẩm



Hôm nay, câu chuyện của một cậu bé (xin phép được gọi như vậy) bị đuổi khỏi máy ATM gạo sau đó từ một clip, em bị cả cộng đồng rủa xả cho đến khi sự thật cảnh ngộ của em hiện ra, bẽ bàng và mất mát. Có lẽ, không ít kẻ trong chúng ta đã biết mình ác đến mức nào dù là ác cố ý, hay ác hồn nhiên.

Cậu bé thất nghiệp từ Tết tới nay, thuê trọ ở Sài Gòn xin việc phụ hồ, nhưng vì hình thể bé nhỏ không thể làm nổi nên cuộc sống đang rất bấp bênh. Mấy con người trong phòng trọ, thiếu tiền, thiếu gạo nên mới rủ nhau ra máy ATM xin gạo.

Rồi cái loa trên máy ATM phát ra là cậu bé không nằm trong đối tượng được cứu trợ, không rõ lý do. Cậu bé thơ thẩn đi về và phải trả cái túi không lại cho ê kíp ATM.