Affichage des articles dont le libellé est Cù Mai Công. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Cù Mai Công. Afficher tous les articles

samedi 16 mars 2024

Cù Mai Công - Kèn hồng, bằng lăng tím, bò cạp vàng : Lãng mạn vô duyên, bất hợp lý trong nắng Sài Gòn

 

Tháng Ba, tháng Tư cao điểm mùa khô Sài Gòn: 35, 36, 37 độ.  Người đi đường nào cũng khủng hoảng với cái nắng cháy da khét thịt. Ai cũng thèm một bóng cây để thấy "nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát" (thơ Nguyên Sa).

Hàng cây kèn hồng trồng lỗ chỗ trên đường Điện Biên Phủ, đoạn gần cầu Điện Biên Phủ năm nay lác đác trổ hoa.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 16-3-2024, ông Lê Công Sơn - trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM - cho biết nguyên nhân: do năm nay nắng nóng dài, các đợt thời tiết mát mẻ trước Tết Nguyên đán cũng không xuất hiện nhiều, mưa cũng ít hơn. Dù là giống cây thích hợp khí hậu miền Nam nhưng cây vẫn cần điều kiện nắng và mưa đủ để cho năng suất tốt nhất.

mercredi 28 février 2024

Cù Mai Công - Không chỉ người Sài Gòn, người Việt cũng không nói tiếng Việt kiểu kỳ dị như vầy

 

Thiên hạ khắp nơi chứ không chỉ là người Sài Gòn, có cả những bậc trí giả, túc nho… đang nổi giận về cái cụm từ “Ga tàu thủy Bạch Đằng”.

Cơn giận có cơ sở vì đây là một cụm từ kỳ dị, kết hợp một mớ từ “hổ lốn”, “hằm bà lằng” gồm cả từ gốc tiếng Pháp (gare), tiếng Tàu (thủy ) lẫn tiếng Ta (tàu). Ai học, chú ý ngôn ngữ tiếng Việt đều biết có một nguyên tắc cơ bản trong tiếng Việt: từ gốc Việt đi với từ gốc Việt, từ gốc Hán Việt đi với từ gốc Hán Việt…

Trước 1975, ở miền Nam, người ta dùng từ Hán Việt, chưa phải đã hay nhưng ít ra từ Hán Việt đi với từ Hán Việt, không Tây - Tàu - Ta lẫn lộn và thống nhất cách gọi: hải cảng (cảng biển), giang cảng (cảng sông), xa cảng (cảng xe), phi cảng (cảng bay - dịch từ air port - ảnh). Không lung tung như hiện nay: bến xe, ga hành khách, ga hàng không, ga tàu hỏa, ga tàu thủy, cảng biển, cảng sông, sân bay...

lundi 19 février 2024

Cù Mai Công - Mùng 10 tháng Giêng Nam bộ cúng thần đất, thổ thần, ông Địa

(Truyền thông cần nắm rõ văn hóa tín ngưỡng Nam Bộ, không nên để các nhóm lợi ích điều khiển, khuynh loát, lợi dụng)

Gần đây, cứ dịp ngày 10 tháng Giêng, một số báo mạng ra rả chuyện ngày vía Thần Tài 10 tháng giêng, cùng với đó là chuyện mua bán vàng. Cứ như là thiệt với một “phong trào” mới rộ lên khoảng chục năm nay ở vài đô thị như TP.HCM, lan ra Hà Nội… 

Báo Tuổi Trẻ Online hôm qua 18-02-2024 (mùng 9 tháng giêng) đã có bài khác hẳn nhiều bài báo trên một số báo mạng lớn: Bỗng lù lù đâu ra ông Thần Tài? Nếu lậm quá lại thành ra mê tín.

mercredi 14 février 2024

Cù Mai Công - Tết qua như chưa Tết bao giờ…

An lành chắc hẳn chiếm tỉ lệ cao nhất trong các lời chúc Tết, chúc năm mới, nó bao hàm cả sức khỏe lẫn hạnh phúc.

Hôm nay 14-2-2024, mùng 5 Tết Giáp Thìn. Không rõ nơi khác ra sao, nhưng với dân Sài Gòn và miền Tây, đây là một ngày kỵ húy khai trương, động thổ, mưu sự… này nọ. Vô tình mùng 5 năm nay lại trùng với Valentine’s day 14-2. Và cũng trùng với ngày thứ tư lễ Tro - ăn chay bên Công giáo 14-2-2024, khởi đầu mùa Chay 40 ngày.

Nghĩa là cả đạo - đời lẫn thông lệ ông bà, ngày này cần sự an lành, tịnh tâm. Cũng như Tết, chúng ta dễ nức nở, hào hứng nói về tưng bừng, náo nhiệt “người ta đông quá, giời ôi chen” mà quên rằng Tết là thời điểm dừng lại cần thiết sau một năm quay cuồng với cuộc mưu sinh.

lundi 12 février 2024

Cù Mai Công - “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt ”

 

(Phát mệt khi đang giữa ngày tư ngày tết)

Sau 1975, các cấp học gọi là phổ thông cấp I, II, III một thời, rồi cũng quay về với tiểu học, trung học. Bằng tốt nghiệp đại học mấy chục năm rồi cũng quay lại bằng cử nhân. Máy bay lên thẳng một hồi trả nó về trực thăng… Kể không sao xiết.

Năm rồi, Bộ Giáo dục - Đào tạo ra quyết định: Thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025: bắt buộc Toán + Văn và 2 môn tự chọn. Như 30 năm trước.

Cứ dắt dân đi loanh quanh như vầy mệt và tội dân lắm quý vị à.

vendredi 2 février 2024

Cù Mai Công - Ai nói phong tục Nam bộ không phải văn hóa Việt ?

 

Nhân 23 tháng Chạp, đưa ông bà Táo về chầu Ngọc Hoàng (không phải chầu Trời nha )

AI KÊU THÓI TỤC, NGÔN NGỮ NAM BỘ KHÔNG PHẢI VĂN HÓA VIỆT, TÔI COI LÀ PHẢN ĐỘNG, PHÂN BIỆT - KỲ THỊ VÙNG MIỀN

Ông Tạ là vùng nhiều bà con Bắc 54 nhưng là vùng Bắc 54 tự phát, tự mua nhà. Không phải toàn tòng Bắc 54 như các vùng định cư chính thức, được chính quyền cấp đất như Gia Kiệm, Hố Nai, Định Quán (Đồng Nai), Cái Sắn (miền Tây), Xóm Mới (Gò Vấp)…

Một nửa dân Ông Tạ vẫn là người miền Nam cố cựu cả trăm năm, người Huế trồng ngâu, lài… trước 1954. Sau này thêm vô số người Nam, người Quảng. Tất cả hòa hợp, chung sống “tưng bừng hoa lá hẹ”.

vendredi 19 janvier 2024

Cù Mai Công - Năm mươi năm Hải chiến Hoàng Sa (1974-2024) : Kỳ 4

 

HẦU CHUYỆN “NHỮNG TRAI HÙNG ĐI GIÚP NON SÔNG” NĂM XƯA

(Trích "Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó" tập 2 - đã phát hành)

Anh Vũ Hữu San, hạm trưởng khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư vẫn nóng tính như ngày nào tham chiến, chỉ huy hành quân Hải chiến Hoàng Sa 1974 khi “yêu cầu” lính cũ của mình là giám lộ tàu HQ-4 Lữ Công Bảy : “Bảy cố gắng mời bằng được CMC, hàng xóm vùng Ông Tạ của anh, cho anh được vui cuối đời".

Tôi mạo muội gọi anh San là anh vì cụ Soạn, ba anh và ba tôi cùng lứa ở Ông Tạ, dù cụ hơn tuổi ba tôi. Đúng ra về tuổi, anh San là bậc cha chú tôi. Nhưng vì anh là con trưởng trong nhà, tôi là con thứ, gần út nên kém anh San gần 30 tuổi.

Trong cuộc hải chiến bi hùng ấy, tàu HQ-4 vùng vẫy, tung hoành giữa vòng vây hai tàu lớn của TQ là 271, 274. Hải quân Trung Quốc tưởng HQ-4 là soái hạm nên tập trung hỏa lực tấn công, kèm chặt. 

Cù Mai Công - Năm mươi năm Hải chiến Hoàng Sa (1974-2024) : Kỳ 3

 

CHÍ KHÍ VIỆT LẪM LIỆT TRÊN SÓNG BIỂN HOÀNG SA

Sáu giờ sáng 19-1, hải đoàn Việt Nam Cộng Hòa chia hai phân đoàn. Phân đoàn Một gồm hai tàu tốt nhất HQ-4, HQ-5 đổ bộ các nhóm biệt hải, hải kích (tấn công biển) tái chiếm đảo Quang Hòa (HQ-4 chỉ huy). Phân đoàn Hai gồm HQ-10, HQ-16 yểm trợ hải pháo, ngăn chặn tàu địch (HQ-16 chỉ huy).

Theo thượng sĩ giám lộ tàu HQ-4 Lữ Công Bảy, “Khi đến gần đảo Quang Hòa, bằng ống dòm và mắt thường, chúng tôi phát hiện doanh trại mới toanh có cờ Trung Quốc. Ở phía bắc đảo, hàng trăm quân Trung Quốc đổ bộ ào ạt lên. Chúng núp sau các tảng đá chĩa súng vào các biệt đội... Và rồi quân Trung Quốc đã nổ súng. Lúc 8 giờ 30, đại liên và cối 82 bắn thẳng vào đội hình nhóm hải kích Việt Nam. Họ đang ở vị trí cực kỳ nguy hiểm. Hai  binh sĩ Việt Nam tử thương, hai bị thương”.

Hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San yêu cầu: Tất cả sĩ quan, binh lính sẵn sàng quân trang, quân dụng chiến đấu với nón sắt, áo giáp, áo phao, giày không cột dây...

jeudi 18 janvier 2024

Cù Mai Công - Năm mươi năm Hải chiến Hoàng Sa (1974-2024) : Kỳ 2

 

HOÀNG SA TRƯỚC 6 GIỜ SÁNG 19-1-1974

Quần đảo Hoàng Sa gồm 130 đảo san hô, mỏm đá ngầm và bãi cát nằm rải rác trên 5.800 dặm vuông trên Biển Đông, cách gần đều cảng Đà Nẵng của Việt Nam (200 hải lý) và đảo Hải Nam của Trung Quốc (162 hải lý).

Diện tích của toàn quần đảo (chỉ tính mặt đất) khoảng ba dặm vuông. Hầu hết các đảo hợp thành nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite Group) về phía đông bắc và nhóm đảo Nguyệt Thiềm/Lưỡi Liềm (Crescent Group) về phía tây, cách nhau khoảng 39 hải lý. Đảo Phú Lâm (Woody island) thuộc nhóm An Vĩnh lớn nhất trong các đảo thuộc Hoàng Sa, có diện tích khoảng hơn 5 km2 (530 hecta).

Việt Nam Cộng Hòa tiếp quản nhóm đảo Nguyệt Thiềm/Lưỡi Liềm từ năm 1954.  Trung Quốc kiểm soát nhóm đảo An Vĩnh và đảo Phú Lâm vào năm 1956. Năm 1959, với hỗ trợ của chính quyền Trung Quốc, ngư dân Trung Quốc từng đổ bộ lên đảo Quang Hòa (Duncan) nhưng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã xua đuổi họ đi.

Cù Mai Công - Năm mươi năm Hải chiến Hoàng Sa (1974-2024) : Kỳ 1

 

NGƯỜI ÔNG TẠ TRONG HẢI CHIẾN HOÀNG SA 

(Một phần được trích trong “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó” tập 2 - đã phát hành)

0 giờ đêm 16 rạng 17-01-1974, 25 tháng Chạp, còn vài ngày nữa là tết. Vùng Ông Tạ đang tràn ngập không khí đón tết Giáp Dần 1974 thì ít nhất bốn cư dân vùng Ông Tạ lặng lẽ cùng chiến hữu lướt sóng Biển Đông tiến ra Hoàng Sa.

Bốn vị đó là Hạm trưởng HQ-4 Trần Khánh Dư, Vũ Hữu San, nhà ở ngõ Con Mắt (nay là hẻm 766 Cách Mạng Tháng Tám); thợ máy tàu HQ-800 (cơ xưởng hạm nổi chuyên sửa chữa tàu ngoài khơi) Nguyễn Xuân Hiển nhà gần ngã tư Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) - Trương Minh Ký (Lê Văn Sỹ); Hải quân trung úy Vũ Đình Huân của tàu HQ-10, có gia đình ở khu Cầu Sạn - Ông Tạ, sau đó riêng anh về khu nhà thờ Hầm ở Thăng Long, Phú Thọ  (anh Huân vừa đính hôn xong, chuẩn bị sau khi đi trận về sẽ làm lễ cưới); Hải quân trung sĩ điện tử HQ-10 Nguyễn Quang Xuân, trong nhà và hàng xóm gọi là Sinh. Hai anh sau cùng xứ Tân Chí Linh của tôi.

jeudi 4 janvier 2024

Cù Mai Công - « Tuyết dày ba tấc không phải do gió lạnh một đêm »

 

Tôi rất thích câu này của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn.

Nói theo danh ngôn, đại ý: Kẻ nào đã ăn cắp một con bò thì khả năng lớn trước đó đã từng ăn cắp một hột gà, một con gà. Ông bà thì bảo: "Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt", không phải chuyện tự dưng.

Một loạt bị can, bị cáo trước khi ra tòa nộp ngay lập tức hàng chục tỉ đồng khắc phục hậu quả. Tiền của họ nhiều như lá mít, có lẽ cũng là tích lũy từ đâu đó, tự thuở nảo thuở nào; không phải tự dưng một vụ mà có.

lundi 1 janvier 2024

Cù Mai Công - Mấy sợi quăn queo này ám chỉ gì ?

 

ĐỀ NGHỊ XỬ LÝ NGHIÊM, KHÔNG VÙNG CẤM, KHÔNG NGOẠI LỆ !

Avatar của Google cuối năm 2023 có hình mấy con giun, con sán lãi hay sợi gì đó quăn queo, cựa quậy. Không rõ ý gì, ám chỉ câu Kiều 2023 “nghĩ đi nghĩ lại quanh co” hay “sợi xá lợi Phật” ở chùa Ba Vàng?

Avatar của Google ngày đầu năm 1-1-2024 cũng vẫn mấy sợi đó mà... xìu xuống. Ám chỉ sợi "xá lợi Phật” ở chùa Ba Vàng cuối cùng xử lý... huề trớt, hay xuyên tạc bà con, anh em mình năm 2024 ăn mì gói chờ "tháo gỡ", "khởi sắc", "đột phá"...?

samedi 23 décembre 2023

Cù Mai Công - "Ngày xửa ngày xưa" có một ngôi thánh đường tên là Truyền Tin

 

Lại một Noel nữa - Mấy mùa Giáng sinh rồi - Anh ở đồn biên giới - Thương về một khung trời …” (Niềm tin – Thơ: Nhất Tuấn, nhạc: Anh Bằng)

Ngôi nhà thờ ấy nằm khá xa khu vực trung tâm Ông Tạ, trên một vùng đất trước 1975 hầu như không có dân: phạm vi phi trường Tân Sơn Nhứt.

Nhà thờ Truyền Tin do linh mục trung tá Tuyên úy Phan Phát Huồn (dòng Chúa Cứu Thế) xây dựng. Da dẻ cha hồng hào, tánh tình vui vẻ, năng động, cười tươi và phúc hậu lắm.

Cha phát hành vé số Tombola và vận động sự giúp đỡ của cơ quan MACV (The US Military Assistance Command, Vietnam - Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam - viết tắt là MACV cũng đóng gần đó từ 1962) để có kinh phí xây dựng thánh đường và trường học. Viên đá đầu tiên được đặt dịp Noel, ngày 23-12-1961. Hoàn thành ngày 13-8-1962. Đến nay hơn 60 năm.

samedi 9 décembre 2023

Cù Mai Công - Cà phê Thăng Long, Ông Tạ một thời đủ mặt văn nghệ sĩ Sài Gòn

 

Rất lạ khi nhiều ngôi nhà, khu vực Ông Tạ, kể cả chợ Ông Tạ, chợ Nghĩa Hòa, rạp Đại Lợi… từ 2021 trở về trước, hầu như không tìm ra ảnh. Cà phê Thăng Long trên đường Thánh Mẫu (nay là Bành Văn Trân) xưa là nơi tụ tập của nhiều nhà văn, nhà báo… tên tuổi cũng vậy.

Lần này, xin mạn phép lần đầu xuất hiện vài tấm ảnh hiếm hoi và cà phê này. Nguồn cung cấp: Một khách hàng ruột xưa của quán, anh Đỗ Trung Quân.

(Lược trích “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!” tập 2)

mercredi 29 novembre 2023

Cù Mai Công - Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã ra đi

 

Ông ra đi lúc 19 giờ15 ngày 28-11-2023 theo giờ Mỹ (sáng 29-11-2023 theo giờ Việt Nam)  tại tư gia ở California, Mỹ.

(Trích “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!” tập 2):

"Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn người Bắc 54 Gia Lâm, tác giả "Căn nhà xưa", "Em còn yêu anh", "Quê hương thu nhỏ"... Xưa nhà trong cư xá Tự Do, Ông Tạ. Ông còn là nhà văn, nhà thơ; lấy bút hiệu Tô Hà Vân khi viết văn và Hồng Ngọc khi soạn nhạc.

dimanche 12 novembre 2023

Cù Mai Công - Ông Quách Đàm xây chợ Bình Tây tặng Chợ Lớn chớ không phải tặng Sài Gòn, càng không tặng TPHCM

 

Sài Gòn là địa danh có từ 1975 trở về trước. Đến 1975, Sài Gòn gồm 11 quận mang tên số: 1, 2, 3… 10, 11. Đó là ranh giới văn bản, hành chính.

Thực tế cho tới giờ, dân quận 4, 5, 6, 8… khi đến khu vực quận Nhứt cũ (nay là một phần quận 1) - khu trung tâm hành chính Sài Gòn đầu thời thuộc Pháp -  vẫn nói là “lên/ra Sài Gòn”. Có một Sài Gòn trung tâm và một Sài Gòn hành chính văn bản.

Xung quanh Sài Gòn là tỉnh Gia Định với các quận mang tên chữ: Tân Bình, Gò Vấp, Hóc Môn, Nhà Bè… Những xã thuộc các quận của tỉnh Gia Định nhưng sát bên Sài Gòn, tức vùng ngoại ô, ngoại vi (environ), vẫn có thể được coi là một phần của Sài Gòn. Sống bên nhau, cư dân vùng này vừa mang khí chất Gia Định vừa có tánh nết Sài Gòn.

vendredi 10 novembre 2023

Cù Mai Công - 60 năm Đảo chính 1-11-1963 lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm (6)

 

Kỳ 6 : SAU ĐẢO CHÍNH 1-11-1963

Sau cuộc đảo chính 1-11-1963, ai cũng biết là liên tục hơn một chục cuộc đảo chính, phản đảo chính khác của nhiều nhóm sĩ quan. Đó là những ngày Sài Gòn không yên ổn, cho tới khi nền Đệ nhị Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ngày 1-11-1967 được ra mắt - đúng bốn năm sau đảo chính 1-11-1963.

Nhưng dù thể chế nào, ai lãnh đạo, thông tin về cuộc đảo chính vẫn úp mở, không rõ khi các lãnh đạo miền Nam lúc ấy ít nhiều liên quan với đảo chính 1-11, và cả sự ràng buộc, kỵ húy của đề tài này khi các sĩ quan đảo chính vẫn cầm quyền. Sau đó là 30-4-1975, đây cũng vẫn là đề tài “nhạy cảm” với đủ mọi thông tin khác nhau, nhất là từ những quan chức, tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa ở nước ngoài chỏi nhau chan chát cho tới giờ. Thực hư khó xác định. Đó là chưa kể có thông tin không rõ ràng từ chính những “người trong cuộc”, có khi để bào chữa cho mình.

Chẳng hạn cái chết của anh em đại tá Lê Quang Tung - thiếu tá Lê Quang Triệu, thông tin chủ yếu từ nước ngoài. Người nói bị đâm, kẻ nói bị bắn; thủ phạm có người nói đại úy Nguyễn Văn Nhung, có vị dẫn lời một tướng nói do một Quân cảnh gác phòng họp bắn… Ai cũng khăng khăng mình đúng.

lundi 6 novembre 2023

Cù Mai Công - 60 năm Đảo chính 1-11-1963 lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm (5)

 

Kỳ 5: CUỘC ĐẢO CHÍNH 20 TIẾNG VÀ “HẬU CỨ CHÍNH TRỊ” ÔNG TẠ

Sau khi phản đảo chính 1-11-1963 thất bại và bị Hội đồng Quân nhân Cách mạng của tướng Dương Văn Minh tước binh quyền, ông Dzinh đã từ dinh tư lệnh Sư đoàn ở Sa Đéc về ở cư xá Lữ Gia, Phú Thọ, cạnh nhà nữ tài tử Kiều Chinh.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Dzinh phản đảo chính cứu Tổng thống Ngô Đình Diệm, người đồng hương huyện Lệ Thủy, Quảng Bình của mình. 

Ba năm trước, ngày 11-11-1960, ông Dzinh, lúc ấy là trung tá, tư lệnh phó kiêm tham mưu trưởng của Sư đoàn 21 bộ binh cũng từ miền Tây mang một pháo đội 105 cùng đại úy Lưu Yểm, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1/33 của của Sư đoàn 21 bộ binh kéo về Sài Gòn nhổ chốt Phú Lâm do Tiểu đoàn 8 nhảy dù trấn giữ; thẳng đường về Dinh Độc Lập dẹp tan cuộc đảo chính do đại tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu.

samedi 4 novembre 2023

Cù Mai Công - 60 năm Đảo chính 1-11-1963 lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm (4)

 

Kỳ 4: SAU ĐẢO CHÍNH, PHẢN ĐẢO CHÍNH LẠI LIÊN TIẾP ĐẢO CHÍNH VÀ PHẢN ĐẢO CHÍNH

Cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm tạo ra hai luồng cảm xúc đối nghịch cả trong lẫn ngoài nước: một, vui mừng khi lật đổ chế độ “gia đình trị”; hai, bàng hoàng khi ông Diệm bị giết.

Người Mỹ đứng sau lưng, bật đèn xanh cho Hội đồng Quân nhân Cách mạng lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm thì ai cũng rõ rồi. Nhưng khi nghe tin ông Diệm bị giết, Tổng thống Mỹ Kennedy cũng bần thần. Đa số người Bắc di cư vốn hàm ơn ông Diệm đưa mình vào Nam thì bàng hoàng.

Khi nghe ba tôi nói ông Diệm bị giết, mẹ tôi thốt lên “Giêsu Maria, lạy Chúa tôi” rồi vào ngồi trong góc nhà, đầm đìa nước mắt, đấm ngực than: “Hết về Bắc lại rồi ông ạ”. Chả là nhiều người Bắc 54 đến lúc đó vẫn tin sẽ có ngày ông Diệm đưa mình về lại quê hương.

jeudi 2 novembre 2023

Cù Mai Công - 60 năm Đảo chính 1-11-1963 lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm (3)

 

Kỳ 3: TỔNG THỐNG VÀ BÀO ĐỆ BỊ SÁT HẠI TRONG NGÀY LỄ CÁC LINH HỒN 2-11

Có nhiều đánh giá khác nhau, tranh cãi về công, tội của nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm; đúng sai của cuộc đảo chính… Đó không phải là chủ đích của loạt bài này như đã nói từ đầu: “Tôi không viết sử mà chỉ ghi nhận thông tin từ góc người Ông Tạ”.

Nhưng có một thực tế khó ai phủ nhận: Đây là thời kỳ phát triển hoàng kim của miền Nam trước 1975, cả về kinh tế, văn hóa, giáo dục… lẫn nền nếp, trật tự xã hội. Những thành quả, hình ảnh, tư liệu… của miền Nam trước 1975 hay được nhắc tới hiện nay thường nằm trong thời kỳ này. Và nó kết thúc vào sáng 2-11-1963, ngày lễ Các linh hồn của Công giáo.

Sáng sớm ngày 2-11, Tổng thống Ngô Đình Diệm rời nơi mình tạm lánh từ tối 1-11: một ngôi nhà xây thời Pháp của ông Mã Tuyên (một bang trưởng người Hoa ở Chợ Lớn) ở số 36A Đốc Phủ Thoại (nay là Vũ Chí Hiếu) đi dự lễ ở nhà thờ Cha Tam cách đó vài trăm thước.