Affichage des articles dont le libellé est Thương phế binh. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Thương phế binh. Afficher tous les articles

mardi 3 décembre 2024

Trần Trung Đạo - Ai « ăn mày dĩ vãng » ?

Giới thiệu: Trong một bài viết ngắn trước đây trên Facebook, tôi giải thích lý do viết khá nhiều cho các thế hệ Việt Nam sinh ra sau cuộc chiến.

Tôi viết để hy vọng sáng mai đây khi bước ra đường, các em sinh ra và lớn lên ở miền Nam sẽ nhìn người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đang lê lết chuỗi ngày tàn bằng cặp mắt khác hơn.

Các em, thay vì bước nhanh như hôm qua, sẽ ngồi xuống bên cạnh người lính miền Nam tàn phế kia và nghe ông kể lại những chặng đường bi tráng mà ông và đồng đội đã trải qua. Từ đó các em sẽ hiểu ra rằng cha chú các em đã sống và chiến đấu trong cuộc chiến tự vệ đầy chính nghĩa mà họ không có chọn lựa nào khác. Các em sẽ lớn lên trong tự tin và hy vọng thay vì mặc cảm “tội ác ba đời” mỗi khi đọc lại lý lịch mình.

Ong Thế Quyên - Bài mới nhất của bác Mạc Văn Trang làm rất nhiều người phẫn nộ

Ngay ở tiêu đề bác đã đặt là "Ăn mày dĩ vãng", và sau đó bác kể ra câu chuyện một người ăn xin tự xưng là lính Việt Nam Cộng Hòa cũ bị cụt chân trong chiến tranh.

Điều này vô tình xát muối vào nỗi đau mất nước, mất người thân, mất gia đình của những người dân Quốc gia ấy. Và sau đó bác nói với ông ấy rằng "Tôi Việt Cộng!" làm ông già sững sờ bối rối, rồi bác gái bố thí cho ông vài đồng.

Câu này của bác bị nhiều người lên án rằng, chính bác mới là kẻ ăn mày dĩ vãng. Vì có lẽ bác đang tự hào rằng dù bác từng là Việt Cộng, một đảng viên Đảng Cộng Sản và đã bỏ đảng. Nhưng hiện tại bác đang được hưởng cuộc sống rất sung sướng, hạnh phúc bên gia đình, chứ không phải khổ cực như người lính Việt Nam Cộng Hòa kia.

Bùi Chí Vinh - Đêm lính cũ


Nhân có vụ một thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa cụt chân đi "xin ăn" ở Sài Gòn bị chụp mũ là "Ăn mày dĩ vãng" rồi "thảy cho vài đồng" làm tôi sực nhớ đến chuyện cách đây vài chục năm.

Qua câu chuyện dưới đây, chỉ cần một người đọc bình thường cũng hiểu ngay nhân cách "hành khất" của người lính phế binh Việt Nam Cộng Hòa nhà nghèo hơn xa đám trí thức dỏm nhà giàu ngoài xã hội hiện nay.

Sau 1975 một người cầm bút ngoài Bắc vô Nam tìm gặp tôi là nhà văn Bảo Ninh thành danh với cuốn Nỗi buồn chiến tranh. Chúng tôi hẹn gặp nhau ở một quán nhậu trên đường Mạc Đĩnh Chi, có tôi và các bằng hữu từng đối đầu nhau hai chiến tuyến. Trong cơn say, hai người hành khất chống nạng bán vé số rong ôm đàn ghi ta hát bài nhạc Sương trắng miền quê ngoại não nùng đến bàn chúng tôi chào mời khách. Tôi bàng hoàng, bởi anh chàng cụt giò dễ thương nghêu ngao vọng cổ lại chính là một người lính Sài Gòn cũ trong Xóm Lách mà tôi cư ngụ.

lundi 2 décembre 2024

Võ Khánh Tuyên - Đừng làm nhục họ nữa, thưa ông !


Từ khi tôi biết phân biệt người ta gọi từ "Ngụy", tôi đã gặp không ít những người lính phía "Ngụy" bị tàn phế do cuộc chiến. Họ phải chịu nhiều thiệt thòi không sao kể xiết. Bởi là bên thua cuộc, thân phận lính trơn, khó được trợ cấp hay có nền tảng gia đình tương đối bao bọc.

Tôi nhớ hồi còn nhỏ, hình ảnh một người đàn ông có nụ cười hiền từ, ít nói, cụt một chân dẫn một đứa bé gái vào trong xóm nghèo khu tôi để xin tiền. Ông không hề mở lời, chỉ lầm lũi lê từng bước chân, đứa con gái nắm lấy vạt áo cha ngơ ngác một nỗi buồn. Trong xóm người ta biết ông là Thương phế binh (tên gọi người lính Cộng hòa bị thương tật) nên mấy phụ nữ hay cho chút ít.

Mà ông không đi thường xuyên, hình như độ một tháng hơn hai cha con mới quay trở lại. Thỉnh thoảng cũng có người từng đi lính hỏi thăm, họ trao đổi với nhau như những "huynh đệ chi binh". Chỉ gói gọn nhỏ nhẹ, bởi họ là những kẻ...thua cuộc.

jeudi 26 septembre 2024

Lưu Trọng Văn - Vé số đây!

 

Giữa trưa gã tìm nhà trọ của cựu thương phế binh Lê Văn Trí, cụ già bán vé số mà gã gặp ở café Chạm. Cụ Trí bảo, chỉ có buổi trưa cụ mới về nhà trọ ăn cơm, còn tối vẫn đi bán vé số đến tận 11 giờ đêm khi các hàng quán vãn khách mới về.

Số 13/47/2E hẻm Vườn Điều đường số 10 phường Tân Quy quận 7, nhà trọ của cụ ở đó. Gã quần quần đến nửa tiếng chưa tìm ra nhà. Nhưng quyết tìm cho ra chứ gã không chịu bỏ cuộc. Cuối cùng, một ngôi nhà nhỏ trên sân có hơn 20 chiếc xe đạp cà rịch cà tang cùng một đống dép mòn vẹt gót.

Cụ Trí cười một răng đón gã. Tưởng chỉ có ba cụ ở chung trọ, cùng cựu lính xưa, cùng bán vé số, ai ngờ gần 40 cụ ông cụ bà. Tất cả đều hành đúng một nghề: Vé số. Và tất cả nằm sàn gạch, không đệm, cụ này sát cụ kia.

vendredi 20 septembre 2024

Lưu Trọng Văn - Biển dâu

Sáng nay bão các loại đồng loạt tan, gã và nhà thơ Hoàng Hưng ngồi café Chạm, Sài Gòn, một ông lão chìa vé số. Gã mua một tấm mà không chọn số. Ông lão chắc mỏi chân, ngồi ghế dưới bụi trúc hút thuốc.

Gã hỏi, ông bao tuổi rồi? Tôi sinh năm 1944. Quê ông ở đâu? Khánh Hòa. Thấy nhõn chiếc răng cửa hàm trên. Chao ôi không biết ông còn chiếc răng hàm nào để nhai không? Chợt nhìn xuống chân ông, một chân gỗ.

Bắt đầu vào chuyện.

Tôi rớt tú tài… hề hề, rớt tú tài anh đi trung sĩ, em ở nhà…

jeudi 9 mars 2023

Y Nguyên - Nhân vật trong bức ảnh lịch sử 30 Tháng Tư qua đời

 

Tin từ Bình Phước cho hay, cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) Võ Phùng Dương đã qua đời do tuổi già sức yếu, một phần vì những di chứng chiến tranh đi kèm lao động nặng nhọc suốt một thời gian dài.

Ông Võ Phùng Dương là nhân vật trong bức ảnh lịch sử về người thương binh Việt Nam Cộng Hòa đang chữa trị ở Tổng Y Viện Sài Gòn, đã phải chống nạng và dìu đồng đội thương tật nặng hơn mình bước ra sau khi quân Bắc Việt tràn vào, đuổi hết mọi người ra ngoài, kể cả những người đang mổ giữa chừng.

Đôi mắt buồn và ngơ ngác trước sự thật quá phũ phàng của người quân nhân Võ Phùng Dương trong bức ảnh, được sử dụng nhiều trên các tờ báo nước ngoài về cuộc ngừng bắn vào buổi trưa ngày 30 Tháng Tư 1975.

mardi 27 juillet 2021

Nguyễn Thông - Chuyện thương binh


Hôm nay 27.7 lịch dương nhưng lại là ngày tưởng nhớ biết ơn liệt sĩ-thương binh, một dạng lễ kiểu lịch âm, tưởng nhớ người đã khuất. Dĩ nhiên không phải ai chết cũng được nhớ dù cuộc chiến tranh năm xưa, binh đao máu đổ làm chết biết bao người.

Có rất nhiều hồn ma, người cụt người què khốn khổ bị chôn vùi, quên lãng, chỉ bởi họ bị xô đẩy vào trận huynh đệ tương tàn và bị thua cuộc. Đánh nhau do ý thức hệ thì sự phân biệt cũng từ ý thức hệ.

Xứ ta thời hậu chiến, lực lượng thương binh (của phe thắng cuộc) là một dạng vết thương xã hội, lâu lâu gặp khi trái gió trở trời lại sưng tấy, mưng mủ, đau nhức. Một loại đối tượng rất nhạy cảm, nếu không có chính sách đối xử hợp lý hợp tình sẽ dễ sinh chuyện. Điều ấy cắt nghĩa vì sao chính quyền phải có hẳn một bộ gọi tên “Lao động - Thương binh - Xã hội”, tức là thương binh được xem như một đơn nguyên ngang hàng với “lao động” và “xã hội”.

lundi 15 mars 2021

Nguyễn Xuân Diện - Thăm nhà một cựu binh Gạc Ma sống sót trở về


Chiều muộn 14/3/2018 nhờ nhân duyên qua nữ sĩ Trang Hạnh Nguyễn - tác giả bài Văn tế Chiến sĩ Gạc Ma - mà mấy anh chị em gồm Phương Bích, Phan Khang, nhà văn Trần Thanh Cảnh và tôi đến thăm một cựu binh Gạc Ma 14/3/1988 sống sót trở về. Hiện anh sống tại khu Niềm Xá, thành phố Bắc Ninh.

Anh là Nguyễn Sĩ Minh, sinh năm 1963, quê quán Thanh Chương, Nghệ An. Là bộ đội công binh trên tàu HQ-604, may mắn lặn xuống tránh được làn đạn của bọn Tàu rồi trôi dạt trên biển, và được tàu HQ-505 cứu vớt đưa về bệnh viện Phú Khánh.

Cuộc thảm sát kinh hoàng ấy đã là một sang chấn lớn khiến trí tuệ và tri giác của anh không còn bình thường nữa. Câu chuyện với anh phải chắp nối mới hiểu được đôi ba phần.

mardi 18 février 2020

Tuấn Khanh - Có những người lặng lẽ ngồi nhìn nắng chiều…


Trong chuyến đi Giáo xứ Cần Giờ để thăm các ông thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, hình ảnh một ông ngồi im lặng, nhìn nắng chiều trong tiếng nhạc cải lương ri rỉ, đã gây một ấn tượng dai dẳng với tôi.

Nếu không có một cuộc chiến tranh vô nghĩa được dựng nên, chắc ông chỉ là người nông dân hiền lành ở đâu đó tại miền Tây Việt Nam. Ngày tháng của ông sẽ chỉ là vườn tược và sông nước. Ông có thể đón tuổi già đến, trong tiếng cải lương và nắng chiều nhưng chắc là không hiu quạnh và thủ phận như hôm nay.

Như hầu hết những người mang vác quá nặng ký ức của đời mình, ông cũng hay cười cho qua chuyện và chỉ nói những gì cần nói. Đó là vốn sống của những người hiểu sự ghê sợ của tiếng đạn rít bên tai, còn thua xa tiếng ca hát nói là đã sống trong hòa bình.