samedi 25 mai 2024

Thích Thanh Thắng - Hạnh đầu đà

Vừa trở lại Facebook, nhiều bạn đã hỏi tôi về hạnh tu đầu đà. Gần đây, có nhiều ý kiến nêu ra chung quanh hạnh tu này, tôi xin liên hệ thêm đôi chút.

Thiết nghĩ nhân tu vạn hạnh, ai tu theo hạnh nào trong đạo Phật cũng đều đáng quý. Trong cuộc sống, bất cứ ai tiếp cận và tiếp nhận đạo Phật trong điều kiện nào (tự nhận mình tu theo đạo Phật hay quy y với các bậc thầy và ý thức được việc làm điều lành tránh điều ác), thì đều là điều đáng vui mừng.

Trong nhiều pháp môn tu và hạnh tu, hạnh tu đầu đà được xem là khó khổ, nhằm vượt qua những giới hạn bản thân trong tiến trình tu đạo.

Đức Phật khi chưa thành đạo tại cội Bồ đề, Ngài cũng từng đi cầu đạo nơi 6 vị giáo chủ ngoại đạo khác nhau và Ngài cũng từng có 6 năm tu hành khổ hạnh. Sáu năm tu khổ hạnh này có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời hành đạo của Phật.

Có thể nói, khổ hạnh là một phương pháp tu hay hạnh tu xuất hiện trước cả khi Đức Phật thành đạo và lập ra tăng đoàn. Đến nay hạnh tu này vẫn phổ biến ở Ấn Độ, cả trong đạo Phật và một số truyền thống tôn giáo khác.

Đức Phật từng từ bỏ đường lối tu khổ hạnh và chỉ ra đường lối tu tập trung đạo. Trong 10 đại đệ tử của Đức Phật, có ngài Ca Diếp kiên trì tu theo hạnh đầu đà. Ngài Ca Diếp xuất thân từ dòng dõi Bà la môn cao quý, nhưng trước khi tìm đến quy y Phật, ngài cũng đang tu khổ hạnh.

Đức Phật cũng từng tán thán hạnh đầu đà của ngài Ca Diếp, nhưng Ngài không khuyến khích tăng đoàn tu theo như vậy. Thậm chí có lần vì thương ngài Ca Diếp tuổi cao sức yếu, Phật khuyên ông nên ở yên tại một trú xứ.

Do đó, có thể thấy việc tu khổ hạnh (hạnh đầu đà) trong đạo Phật có nội hàm khác. Đó là song song với hạnh tu ấy thì phải thực hành phẩm hạnh tỳ kheo, tu tập giới - định - tuệ.

Giới - định - tuệ là cửa ngõ để nhập vào dòng thánh. Bốn thánh quả là bốn cấp độ đạo quả, đoạn trừ dần 10 kiết sử phiền não, được Đức Phật lần lượt chỉ ra để các tỳ kheo y cứ vào đó mà kiểm chứng công phu tu tập của mình. Ngài Ca Diếp sau khi quy y Đức Phật, tu tập giới - định - tuệ và đã đắc quả A la hán. 

Nếu tỳ kheo chưa đắc tứ thánh quả (vẫn còn là phàm tăng) thì không được đại vọng ngữ cho rằng mình đã đắc quả. Vì theo giới luật, tội đại vọng ngữ có thể bị tẩn xuất khỏi tăng đoàn.

Trong đạo Phật, người cư sĩ (đã quy y, thọ giới) có đắc quả A la hán không?

Có! Nhưng ngay khi đắc quả A la hán người ấy phải xuất gia, thọ giới tỳ kheo hoặc nhập niết bàn (viên tịch) ngay.

Hoàn toàn không có người chứng quả A la hán mà vẫn mang thân cư sĩ.

Xin thưa thêm, giới luật Phật giáo có hai hình thức bao gồm biệt giới và thông giới. Biệt giới dành cho những người đã quy y thọ giới như 5 giới với cư sĩ tại gia, 10 giới sa di, 250 giới tỳ kheo, 348 giới tỳ kheo ni…

Thông giới dành cho nhiều đối tượng chúng sinh khác nhau, cụ thể là Bồ tát giới, nếu trong điều kiện không có chư tăng truyền thụ giới, có thể phát nguyện bẩm thụ giữ giới trước ảnh tượng Phật và Bồ tát, nhưng phải sám hối và quán tưởng cho đến khi ảnh tượng phát sinh hảo tướng.

Vì vậy, dù theo hạnh tu gì trong đạo Phật cũng phải trải qua quá trình quy y, truyền thụ giới. Đó mới là những hạnh tu có trong đạo Phật. Nếu không tất cả chỉ là pháp tương tợ mà thôi.

A Di Đà Phật !

THÍCH THANH THẮNG 25.05.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.