samedi 25 mai 2024

Lê Nguyễn - Sức mạnh bão táp của Hạnh đầu đà

Những nhà tu “nửa mùa”, lợi dụng Phật pháp, chùa chiền để sống xa hoa bằng những đồng tiền cúng dường của người mộ đạo rất cay cú với hình ảnh đầu trần chân đất, thái độ khiêm cung và những lời lẽ chất chứa niềm tin vô hạn của một con người cô độc, sống cuộc đời không thể nào khổ hạnh hơn.

Tấm lòng kính ngưỡng của người mộ đạo thật sự dành cho sư Minh Tuệ là nhát cứa gây đau xót cho những kẻ giả tu. Họ phản ứng bằng nhiều cách, từ kiểu nói “ba trợn” của ông Thích Chân Quang đến sự “bảo vệ đạo pháp” của một kiều nữ trong thế giới giải trí.

Mới đây, phản ứng càng thô bỉ hơn với bài viết của một quán chay bị nghi ngờ là sân sau của một công ty chùa, hoặc ít ra cũng từ những kẻ cuồng tín, không còn phân biệt được sự phải trái ở đời. Bài viết của quán này có đoạn: “Hàng loạt các chùa có tiếng tăm hoảng hốt báo động vì không còn ai cúng dường, có chùa không đủ tiền đóng tiền điện. Khách vãng lai giảm hẳn, trả lời rằng vì thấy có các sư bên nước ngoài, rồi sư áo ghép kêu gọi đừng cúng dường chùa nữa... “ (hết trích).

Nửa phần trên đoạn văn cho thấy hình ảnh một mùa Phật đản tiêu điều, hệ quả của niềm tin bị lung lay của người mộ đạo. Còn nửa phần dưới là dư âm của sự cay cú, mà cũng vì cay cú mà thiếu sự bình tâm, mọi người chỉ kêu gọi không cúng dường cho bọn giả tu, không ai kêu gọi như thế với những người thật sự tu hành cả.   

Tối qua, mình tình cờ nghe phần đầu bài nói chuyện của Thượng tọa Thích Chân Tính có nhắc đến sư Minh Tuệ. Ông đã phát biểu:

“Có một số người ái mộ sư Minh Tuệ, thấy sư Minh Tuệ tu hành khổ hạnh cho là tu hành chân chính, rồi chê những vị sư khác là tu hành giả dối. Có người lại so sánh sư Minh Tuệ tu hành không có chùa, không ở chùa mới là chân tu, còn sư nào làm chùa to, chùa đẹp, hoặc ở chùa to, chùa đẹp là tu giả dối …” (Bài nói chuyện, từ phút 1) *

Phát biểu này dễ gây ra sự ngộ nhận là Thượng tọa Chân Tính lấy “một số người” mà ông đề cập ở trên làm tiêu biểu cho thái độ chung của công chúng đối với hiện tượng Thích Minh Tuệ. Số người đó nếu có, cũng chỉ là một tối thiểu số. Không công chúng nào căn cứ vào sự khổ hạnh của sư Minh Tuệ rồi chê các nhà sư không khổ hạnh như thế là giả dối hết. Cũng không ai căn cứ vào chuyện không nhà, không chùa của sư Minh Tuệ để phán một cách ngu xuẩn rằng ai tu ở chùa cũng là tu giả hết.

Người ta chỉ căn cứ vào phẩm hạnh của sư Minh Tuệ để tấn công vào những hành động kêu gọi cúng dường một cách thô bỉ, và lấy tiền cúng dường để sắm của riêng, sống xa hoa, phè phỡn trên sự nghèo khổ của người mộ đạo. Sao khi đề cập đến phản ứng sai lạc cá biệt của một vài người, nếu có, ngài Chân Tính lại bỏ quên những yếu tố phi đạo pháp của một số đồng đạo của ngài?  

Thực trạng xã hội những ngày qua cho thấy một con người đen đúa, mảnh khảnh, không một đồng xu dính túi, đã làm chao đảo cả một hệ thống tôn giáo quốc doanh thao túng đời sống tâm linh và đời sống xã hội suốt nhiều năm liền! Đó chính là sự kỳ diệu của đạo pháp chân chính, của niềm tin vào các bậc chân tu, là lời tiên báo sự giãy chết của những trò lừa đảo mượn danh tín ngưỡng. Có ai còn nói được rằng sư Minh Tuệ chỉ biết tu cho bản thân mình? Nếu những điều mà bản thân ông tạo ra làm thức tỉnh bao nhiêu đầu óc mê muội, thì cái hạnh đầu đà mà ông đang tu tập có đủ sức mạnh đập tan tham vọng của nhiều kẻ giả tu, sống nhởn nhơ trên mồ hôi nước mắt của hàng triệu người mộ đạo.

Cũng từ hiện trạng này, chúng ta có thể không vững tâm khi nhìn về con đường trước mắt của sư Minh Tuệ. Những đòn phép công khai lẫn ngấm ngầm có thể sẽ được tung ra để trả đũa về những tổn thất vừa qua, và bậc chân tu sẽ đứng trước nhiều thử thách nghiệt ngã.

Tuy nhiên, không chỉ riêng sư Minh Tuệ, chúng ta mừng cho nhiều bậc chân tu trong và ngoài tổ chức Phật giáo chính thức. Từ sự lộ mặt của một số kẻ giả tu, họ không bị xếp vào hàng cá mè một lứa với bọn người lợi dụng đạo pháp để lũng đoạn sinh hoạt tín ngưỡng. Dù tu theo pháp nào, mọi bậc chân tu cũng cần được kính ngưỡng như nhau.     

Chúng ta vui mừng với sự thức tỉnh của nhiều người mộ đạo, chúng ta cũng không hề dị ứng với hình thức cúng dường vốn là một tập quán tốt đẹp của Phật giáo và được công nhận bởi Phật pháp. Trong tình hình hiện nay, người Phật tử nên chia sẻ với nhau cảm nghĩ rằng tiền cúng dường nếu chỉ góp phần làm bại hoại nhân cách một nhà tu thì chẳng có một ý nghĩa hay tác dụng nào. Nó chỉ làm phô bày sự lầm lạc và u mê của chính chúng ta.

Vì bên ngoài những nhà chùa to lớn, cao sang đó, còn có hàng triệu mảnh đời bất hạnh đang sống lây lất bên lề xã hội, một đồng tiền giúp họ xứng đáng gấp ngàn lần những đồng tiền cho vào túi kẻ giả tu:

Miếng khi đói, gói khi no,

Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng 

Chúng ta chỉ mong mỏi tiền cúng dường được sử dụng vào những mục tiêu tốt đẹp như tu bổ chùa, mở rộng chùa, thanh toán những chi tiêu cần thiết trong sinh hoạt của chùa, thực hiện những chương trình từ thiện nhằm xóa bớt nỗi bất hạnh của chúng sinh.

Mình không đẩy nhanh sự cảm khái lên đến mức gọi sư Minh Tuệ là Phật sống hay Thánh tăng, nhưng tin chắc rằng tên của ông sẽ được khắc đậm trong lịch sử phát triển của Phật giáo tại Việt Nam. Chí ít cũng ở chỗ mang lại cho công chúng sự hiểu biết thánh thiện thế nào là chân tu và giả tu, góp phần chấn chỉnh sinh hoạt Phật pháp theo đúng đường hướng mà đức Thế tôn đã vạch ra.

LÊ NGUYỄN 25.05.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.