Affichage des articles dont le libellé est Kỷ niệm. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Kỷ niệm. Afficher tous les articles

samedi 14 décembre 2024

Cù Mai Công - "Uy phong mãnh liệt, đơn thương diện chiến"

 

Kỷ niệm 50 năm Hải chiến Hoàng Sa (1974-2024), nhận quà quý từ Mỹ của cựu Hải quân trung tá Vũ Hữu San, hạm trưởng HQ-4 Trần Khánh Dư.

Uy phong mãnh liệt, đơn thương diện chiến

Tạm gọi tên vậy về chiếc đĩa kỷ niệm 50 năm Hải chiến Hoàng Sa (1974-2024) của anh Vũ Hữu San, Hải quân trung tá, hạm trưởng khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư đã tham chiến ở tuyến đầu cuộc hải chiến bi hùng ngày 19-1-1974. Khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư là tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa trước 1975.

lundi 2 décembre 2024

Mai Quốc Việt - Mấy dòng linh tinh

Cộng đồng mạng đang xôn xao về luận án tiến sĩ nghệ thuật của Bạch Tuyết.

Tôi biết chắc một điều, những năm 95 của thế kỷ trước thành phố Hồ Chí Minh cử năm nữ nghệ sĩ gạo cội sang Bungari thực tập sinh một năm tại trường đại học sân khấu & điện ảnh Bungari. Đó là các nữ nghệ sĩ : Kim Cương, Kim Chi, Kim Cúc, Tú Lệ và Bạch Tuyết.

Họ đều chưa tốt nghiệp đại học trong nước, nên thuộc diện thực tập sinh sau trung cấp. Bên thanh nhạc có nghệ sĩ Thanh Đính và nghệ sĩ Duy Nãi đi trước đó dăm năm.

samedi 30 novembre 2024

Lý Đợi - Vô thường quá, anh Lã Văn Cường ơi!

 

Ê-kíp mời tôi viết kịch bản Lã Văn Cường 70 năm ca hát, vì biết anh em đồng hương gắn bó lâu dài, có nhiều thông tin.

Chương trình dự kiến sẽ diễn ra vào mồng 6 Tết này tại Đà Nẵng, nhân anh 70 tuổi, vì sinh 1954, giấy tờ ghi 1957.

Ê-kíp sản xuất, ca sĩ, ban nhạc, đạo diễn, nhà tài trợ đã có.

lundi 25 novembre 2024

Trịnh Đình Sĩ - Đường Lê Thánh Tôn

 

Nếu bạn là người Sài Gòn, những hình ảnh sau đây vẫn luôn chờ sẽ thêm một lần nở hoa trong lòng bạn.

1/ Ngày trước, đường Lê Thánh Tôn đoạn nằm giữa hai ngã tư Pasteur và Công Lý luôn là nơi mua bán các mặt hàng kính mát, giày da, túi xách và nhiều loại hàng accessories (Gọi theo kiểu bây giờ là “hàng phụ kiện”) rất đông khách qua lại. Kỷ niệm của chúng ta là với hiệu giày Trần Rắc, hiệu giày Đức Minh hay hiệu bán túi xách - mắt kính Mỹ Sinh, vào mùa solde hay mùa Tết, người ta bày hàng la liệt ra vỉa hè, khách tha hồ mua và trả giá...

Trong hai ảnh đầu bài này là hiệu Mỹ Sinh, số 85 Lê Thánh Tôn, với một ảnh là chiếc xích-lô đạp từ hướng Tòa Đô chính chạy tới, sắp băng qua ngã tư Pasteur ; và ảnh kia là hai cô gái trẻ đang bước qua cửa hiệu. Hai ảnh này ra đời trước sau khá lâu, ảnh sau chắc vào cuối những năm 1960 vì thấy có dựng chiếc Suzuki nam 50 và chiếc Mobylette trên hè.

samedi 23 novembre 2024

Dương Công Quan - Cố hương

 

Năm tôi 19 tuổi, bước chân vô Trung tâm 2 Tuyển Mộ Nhập Ngũ Diên Khánh Nha Trang, đó là ngày 07/10/1969.

Việc đầu tiên là đưa cái đầu đẹp đẽ ra để được sởn còn ba phân như vầy. Kế tiếp cởi bỏ bộ đồ học sinh, rồi khoác lên người bộ đồ lính rộng thùng thình. Sau đó cầm cục phấn tự viết tên mình và số quân vô một tấm bảng, rồi ra ngồi trên ghế chụp một tấm hình ngố nhất trong đời để làm căn cước quân nhân.

Nửa thế kỷ sau nhìn lại hình thấy mà thương. Lính tráng gì mà sao nhìn thấy hiền dữ vậy. Thiệt phục lăn mấy ông chụp hình hồi đó. Chụp xấu ình như vậy mà cũng chụp được. Chợt nhớ đến những câu thơ đầy cảm khái của nhà thơ Cao Tần sáng tác trong những ngày đầu lưu lạc đến Mỹ sau ngày 30.04.1975.

Tạ Duy Anh - Chúc mừng bác Đinh Thế Huynh

Tôi không chúc vụ bác được cái huy hiệu 50 năm gì đó. Tôi chúc mừng bác vì cuối cùng, sau bao nhiêu đồn đoán về sức khỏe, bác xuất hiện như một người khỏe mạnh và thần thái chưa đến nỗi nào. (Năm nay bác Huynh bước sang tuổi 72).

Trước đó nghe tin bác về ẩn cư tại khu đô thị Royal City, không thèm tiếp bất cứ ai. Tôi đã định vài lần đến thăm, nhưng thằng bạn thân cả với tôi và bác Huynh nhất định gàn: "Ông ấy đ. tiếp đâu".

Bác Huynh và tôi có mối quan hệ khá thân thiết. Bác từng là cộng tác viên của Trường Viết văn Nguyễn Du, khi bác mới là thư ký cho ông Hữu Thọ tổng biên tập báo Nhân Dân. Bình thường nhà trường đều có xe đón đưa giảng viên. Bác Huynh gạt phắt: "Vẽ, quan cách đâu mà phải oai". Thế là bác tự đến tự về bằng con Dream II, dáng vẻ khá hảo hán!

Nguyễn Thông - Đinh Thế Huynh (2)

 

Nhắc tới Thành cổ Quảng Trị 1972 mùa hè đỏ lửa, giới nghệ sĩ có hai nhân vật nổi danh gắn với nó, là bác Lê Duy Ứng họa sĩ và bác phó nháy (chụp ảnh) Đoàn Công Tính. Họ cận kề ranh giới sống chết, để lại cho đời những tác phẩm chân thực.

Hồi lâu rồi, tôi đến chơi nhà Vũ Trường Thành (ở Hải Phòng), ngó thấy trên tường bức tranh sơn dầu rõ to về chiến trường Quảng Trị 1972, góc dưới có chữ ký của Lê Duy Ứng. Thành bảo lão í mới tặng tao, còn tao chỉ trả bằng mỗn tô bánh đa đỏ bà xã nấu.

Tôi chả hiểu gì về tranh triếc nhưng cũng ra vẻ tấm tắc, lại còn bảo ông Ứng mà chết, mày cứ đem cái tranh này bán đấu giá, có khi tiền còn nhiều hơn bán căn nhà cấp 4 ni. Thành cười, xưa nay mày đ*o nói được câu nào ra hồn nhưng lời vừa rồi thì chính xác.

jeudi 21 novembre 2024

Nguyễn Văn Sâm - Nghề Thầy

 

Trong đời đi dạy học, tôi có rất nhiều học trò từ nửa thế kỷ trước như học trò Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho, Pétrus Ký Saigon hay học trò Văn Khoa, và sau này là lớp học trò nhí của trường Tiểu học bên Mỹ.

Tất cả đến nay tuổi đời suýt soát 60-70, đều đã thành đạt trong cuộc sống. Nếu có rải rác đâu đó những người không thành công thì chắc cũng đã thành nhân, đã sống cuộc đời đàng hoàng tử tế. Tôi luôn tin tưởng vào số học trò ngày xưa của mình, vì họ đã được hưởng một nền tảng giáo dục rất nhân bản trong chế độ cũ.

Nhưng có lẽ nhờ được làm thầy nên ngoài số đông học trò "thứ thiệt - học trò ruột", tôi còn có không ít học trò mà tôi chưa bao giờ dạy họ lần nào, nhưng họ vẫn gọi  tôi bằng thầy với lòng quý mến trong sự giao tiếp.

Nguyên Tống - Chuyện bây giờ mới kể, nhân ngày Hiến chương các Nhà Giáo

 

Mình cũng từng làm thầy giáo, đứng trên bục giảng hẳn hoi chứ không phải là chỉ là “thầy” danh nghĩa mà nhân viên hay gọi đâu nhé.

Khoảng đầu những năm 1990, mình ở Nga về, đi học thêm tiếng Anh buổi tối ở trung tâm của trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ mở. Trung tâm tên gì quên mất rồi, chỉ nhớ là ở Trưởng trung học Tây Sơn, nằm trên phố Trần Nhân Tông đoạn giao với phố Quang Trung, đối diện công viên Lênin (Hà Nội).

Mấy anh bạn mình tốt nghiệp tiếng Anh ra, đang dạy thêm ở đây nên giới thiệu mình đến học. Giáo trình Streamline, tuần ba buổi, học 6 tháng bằng A thì lên B, 6 tháng nữa thì lên C.

Bùi Chí Vinh - Vài lời về nhóm thơ Hồn Trẻ

 

BCV: Năm 11 tuổi tôi bắt đầu có thơ in báo ở các trang thiếu nhi của các nhật báo, tuần báo miền Nam trước giải phóng. Tôi đọc ngốn ngấu cổ văn kim văn, nhai nuốt và tiêu hóa hết kho sách cũ của ba tôi và cậu tôi giấu kín dưới gầm giường.

Ở trường dạy loại thơ gì là tôi thực hành ngay loại thơ đó, kể cả thể loại thơ khó nhất là thơ Đường Luật. Tôi làm thơ Đường bảo đảm có đủ “mạo, thực, luận, kết” với cặp thực và cặp luận đối nhau chan chát. Số lượng thơ đăng báo của tôi cho đến 15 tuổi không dưới vài trăm bài thơ được cắt dán trong sổ hẳn hoi.

Năm học Đệ Lục trường Trần Lục, tôi và hai người bạn cùng lớp là Vũ Hào Hiệp, Ngô Đình Hải dám thành lập “Nhóm Thơ Hồn Trẻ” với những tôn chỉ, mục tiêu, thủ tục kết nạp nhóm viên đăng lên các báo.

dimanche 17 novembre 2024

Lê Nguyễn - Kể lại chuyện xưa : Một vài hồi ức về khu dinh điền Cái Sắn (11)

 

KỲ XI - TỔNG THỐNG NGUYỄN VĂN THIỆU VỚI KHU DINH ĐIỀN CÁI SẮN

Từ ngàn xưa, Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, công khai phá của cha ông là những nỗ lực không ngừng nghỉ. Để đến thế kỷ XX, nhiều vùng trên lãnh thổ, ruộng đất “cò bay thẳng cánh”, đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề xã hội nan giải.

Trong lúc tại miền Bắc, do kết quả sự phân chia ruộng đất trải qua nhiều thế hệ, đất trở nên manh mún, các bờ đê phân chia những mảnh ruộng chi chít chiếm mất một diện tích khả canh rất lớn. Thì tại miền Nam, do hậu quả của chính sách thực dân, đất đai thường rơi vào tay một thiểu số đại điền chủ sở hữu hàng ngàn hecta (hectare: mẫu tây), với số người làm công hay thuê mướn thật lớn.

Đến nửa sau thế kỷ XX, nhu cầu tái phân của cải trong cộng đồng dân tộc, tiêu biểu là ruộng đất, trở nên cấp thiết và được các chính quyền kế tiếp nhau tại hai miền Nam-Bắc thực hiện. Cuộc cải cách ruộng đất (CCRĐ) tại miền Bắc vào những năm đầu thập niên 1950 mang màu sắc cực đoan, dư âm còn vang vọng đến bây giờ.

vendredi 15 novembre 2024

Mai Bá Kiếm - Phải học phép ứng xử lịch lãm khi ra nước ngoài

Trước khi qua Mỹ học lái máy bay (từ 11/11/1973 đến 13/3/1975), trường Sinh ngữ quân đội Gò Vấp đã dạy chúng tôi mấy buổi về tập quán của người Mỹ và cách giao tiếp văn minh lịch sự.

Khi qua trường bay Hondo (dạy lái máy bay hạng nhẹ T.41), thiếu tá Duy là sĩ quan liên lạc (liaison officer) quản lý chúng tôi. Số là trường bay Mỹ không có quyền phạt chúng tôi khi vi phạm kỷ luật, dù có quyền đuổi chúng tôi về nước, nếu không chịu học hay thi rớt. Thiếu tá Duy thường phạt chúng tôi đứng nghiêm ngoài nắng nhiều giờ (không phạt hít đất, nhảy xổm).

Thiếu tá Duy là phi công máy bay quan sát, người Bắc di cư rất nghiêm khắc, đã huấn thị về cách ăn, ở, sinh hoạt và học hành, rồi kích thích lòng tự trọng chúng tôi bằng kết luận: “Các anh là hình ảnh của người Việt trong mắt người Mỹ qua cách cư xử. Các anh là hình ảnh của một quân nhân qua tác phong và tư cách thể hiện. Cuối cùng, các anh là một phi công tương lai phải giữ nét phong lưu của mình”.

mardi 12 novembre 2024

Lê Học Lãnh Vân - Tảng đá quá khứ và đường tới tương lai

(Xin chép lại bài viết cách đây năm năm! – LHLV)

Ngày 08/11/2019, báo Thanh Niên đưa tin “Theo thông tin của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang đã thuận thế vô thường an nhiên viên tịch”.

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang không chỉ là một cao tăng, cuộc đời ông gắn với giai đoạn lịch sử đầy biến động của Việt Nam những năm 1963-1975. Đây là giai đoạn từ cuối thời ông Ngô Đình Diệm chấp chính tại Miền Nam kéo dài tới tháng 4/1975 khi đất nước thống nhất, một giai đoạn đầy cảm xúc khi nhớ lại.

Trong giai đoạn này, hai nhân vật có ảnh hưởng lịch sử rất lớn là ông Hồ Chí Minh ở Miền Bắc và ông Ngô Đình Diệm ở Miền Nam.

dimanche 10 novembre 2024

Lê Nguyễn - Kể lại chuyện xưa : Một vài hồi ức về khu dinh điền Cái Sắn (10)

 

KỲ X -  CHUYỆN BẦU CỬ TẠI CÁI SẮN

Trước khi đi vào chủ đề chính, xin nhắc lại một câu chuyện nhỏ về mối quan hệ giữa những viên chức chỉ huy cấp quận và các cố vấn Mỹ. Đó là mối quan hệ thẳng thắn và sòng phẳng, không như những đơm đặt vẫn tràn lan sau tháng 4.1975.

Trong một bài trước, mình đã kể lại mối bất đồng trầm trọng giữa thiếu tá Quận trưởng Kiên Tân Phan Bình Ngọc (tên đã đổi khác) và Cố vấn trưởng Chi khu, Thiếu tá Graham. Thượng cấp của hai bên đã vào cuộc, rút cục Graham đi trước, Thiếu tá Ngọc đi sau.

Sau Graham, sự hiện diện của Cố vấn trưởng tiếp theo là Thiếu tá Carr không có gì đáng nói. Đến viên cố vấn thứ ba thì một chút rắc rối đã xảy ra, lần này chính tôi là người trong cuộc. Anh ta là một viên chức dân sự, nói sõi tiếng Việt, khi tiếp xúc không cần đến các hạ sĩ quan thông dịch viên người Việt. Được biết rằng hầu hết những người như thế thuộc ngành CIA, trước khi đến Việt Nam, phải trải qua một khóa học tiếng Việt tại Mỹ kéo dài 9 tháng.

Lê Nguyễn - Kể lại chuyện xưa : Một vài hồi ức về khu dinh điền Cái Sắn (9)

 

KỲ IX - CÁC KHÓA QUÂN CHÁNH VÀ MỘT TÌNH CẢM BẠN BÈ HIẾM CÓ

Vậy là chỉ sau hơn một năm trời, tôi đã làm phó cho hai ông Quận trưởng ra đi trong những tình huống rất khác nhau.

Trong tình thế chiến tranh, chính quyền trung ương phải tạm thời đặt bộ máy hành chánh địa phương dưới sự kiêm nhiệm của các sĩ quan quân đội, với sự phụ tá của các viên chức hành chánh tốt nghiệp từ một học viện dạy về luật pháp và quản trị hành chánh.

Tại các cấp tỉnh và quận ở miền Nam trước năm 1975, sự bất đồng hay mâu thuẫn trong công vụ vẫn thường xảy ra giữa một cấp trưởng nhiều quyền hành nhưng hầu như không biết gì về hành chánh, với một cấp phó có đầy đủ hiểu biết trong lãnh vực này nhưng không có những quyền hạn tương xứng.

Cù Mai Công - Cư xá Tự Do : Văn nghệ sĩ chung xóm tướng tá, chính khách

 

Sau 1975, nhà văn – nhà thơ Hoàng Hải Thủy nổi tiếng viết bài thơ khá nhiều người biết “Áo vàng hoa”. Cuối bài thơ, ông ghi: “Tháng 7, 1977 - Nhà 259/29A Phạm Hồng Thái, Cư xá Tự Do, Ngã ba Ông Tạ, Sài Gòn”.

Cư xá này trên đường Lê Văn Duyệt nối dài/Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám), đoạn gần ngã tư Bảy Hiền - khu vực cuối của xã Tân Sơn Hòa, cách ngã ba – trung tâm Ông Tạ khoảng nửa cây số.

“Ngã ba Ông Tạ” ở đây hàm nghĩa khái niệm “vùng/phạm vi (thuộc) Ông Tạ”. Vậy nên, không chỉ nhà văn - nhà thơ Hoàng Hải Thủy, nhiều cây bút ở miền Nam trước đây cũng xác định cư xá Tự Do cách ngã ba Ông Tạ hơn nửa cây số thuộc vùng Ông Tạ.

Cù Mai Công - Điều ít ai ngờ quanh ba cư xá lớn ở Sài Gòn-Gia Định

 

Vùng Ông Tạ có hai trục đường chính: Phạm Hồng Thái (Lê Văn Duyệt nối dài, nay là Cách Mạng Tháng Tám, đoạn quận Tân Bình), Hương lộ 16 (từ giữa thập niên 1960 đổi thành Thoại Ngọc Hầu, ngày 04-04-1985 cho tới nay là Phạm Văn Hai).

Cư dân trong vùng sống xung quanh hai trục đường này. Trong đó, trục Phạm Hồng Thái là trục chính, chạy từ khu vực tiền quân (đường Bắc Hải) đến trung quân (ngã tư Bảy Hiền) đại đồn Chí Hòa hồi 1861. Trục Hương lộ 16 là trục chặn liên quân Pháp - Tây Ban Nha ở hướng Bắc và hướng Đông.

Có cả chục cư xá trong và sát bên vùng Ông Tạ. Trong đó, ba cư xá lớn và quan trọng nhất ở đầu hai trục đường này, cách khá đều ngã ba Ông Tạ, từ 700-800 m: cư xá Phủ Tổng thống, cư xá sĩ quan Chí Hòa và cư xá Tự Do.

jeudi 7 novembre 2024

Cù Mai Công – Cư xá Phủ Tổng thống


Từ đầu đường Phạm Văn Hai, qua ngã tư Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình) hiện nay vài chục mét, bên trái có một cư xá, thông ra đường Lê Văn Sỹ (đầu đường là phở Phú Vương có tên trong các tour guide). Ít ai biết đây từng là cư xá Phủ Tổng thống.

Cư xá này chỉ vài chục nóc gia. Sau 1975, một thời gian ngắn nó được gọi là cư xá F8615 (? – không rõ vì sao có tên này, có lẽ là tên một đơn vị quân quản).

Dân Ông Tạ xưa thì gọi là cư xá Thoại Ngọc Hầu, do cửa ra vô chính của nó nằm trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là hẻm 15 Phạm Văn Hai). Cách nhà tôi 200 mét. Chị dâu tôi có lúc chiên và bán đậu hủ ở khu chợ nhỏ trên đường vô cư xá, gần nhà nhạc sĩ Quốc Dũng.

vendredi 1 novembre 2024

Cù Mai Công - 61 năm Đảo chính 1-11-1963 lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm


Ba đại tá được « Ông Cụ » đặc biệt tin cẩn làm gì trong ngày 1-11-1963?

(Tôi không phải là người viết sử mà chỉ ghi nhận thông tin từ góc người Ông Tạ. Nhưng lịch sử Việt Nam Cộng Hòa chắc chắn sẽ phải viết lại hoàn toàn nếu các mưu sự, tính toán của ba vị đại tá ấy thành công).

Trên đường Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám, Tân Bình, TPHCM), có hẻm An Tôn (nay là hẻm 947 Cách Mạng Tháng Tám). Hẻm này dài hơn hai trăm thước, cuối hẻm nhìn xéo bên phải là Trường trung tiểu học Mai Khôi (nay là Trường tiểu học Bành Văn Trân). Xưa tôi học tiểu học ở Mai Khôi, nhiều lúc qua lại hẻm này vì trong đó có nhà cô giáo lớp Bốn của tôi.

Cùng dãy nhà với nhà cô tôi có một ngôi nhà giữa hẻm khá lặng lẽ, cửa nẻo thường đóng, người ra vô cũng ít nói. Dân trong xóm này gọi bà chủ nhà lịch thiệp, lộ rõ nét sang trọng này là o Khôi. Ít ai biết đó là vợ đại tá Việt Nam Cộng Hòa Lê Quang Tung - tư lệnh Lực lượng Đặc biệt Việt Nam Cộng Hòa, kiêm chỉ huy trưởng Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống thời Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm.

jeudi 31 octobre 2024

Lê Nguyễn - Kể lại chuyện xưa : Một vài hồi ức về khu dinh điền Cái Sắn (8)

 

KỲ VIII : NGÓN ĐÒN TRÍ MẠNG CỦA CHA PHÚC

Cha Phúc không phải là mẫu người ưa gây sự trước. Ông luôn tỏ ra mềm mỏng với đủ hạng người trong xã hội, nhất là với những ai có ảnh hưởng đến các việc làm của ông. Sự mâu thuẫn ngấm ngầm giữa cha với Thiếu tá Huynh là việc ngoài ý muốn của cha, song do vị Quận trưởng tin tưởng ở sự hỗ trợ tinh thần của một thế lực khác chống lại cha, nên tìm sự dung hòa là điều không dễ.

Vậy mà có một hôm, ông Chủ tịch HĐND xã Trần Văn Sút, người đã được nhắc đến nhiều trong những bài trước, là một trong những người cật ruột nhất của cha Phúc, đến nhà thăm tôi, thông báo một “tin vui” là đã có sự hòa giải giữa cha và ông Quận trưởng. Ông Sút cũng cho biết là nhân dịp lễ Giáng sinh sắp đến, cha Phúc có nhã ý tặng ông Quận trưởng và tôi hai lồng đèn ngôi sao đẹp.

Hai ngày sau, thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Ông Sút mang đến cho ông Quận và tôi hai lồng đèn ngôi sao khá đẹp. Tôi chỉ là kẻ ăn theo, vô tình hưởng lộc.