mardi 28 mai 2024

Phúc Lai - Viết dài trung bình về cuộc chiến tranh ở Ukraine ngày 28/05/2024

1. Tin chiến sự

Bọn Bộ Quốc phòng Nga vừa tuyên bố chiếm của Ukraine hai cái làng. Cái thứ nhất, làng Ivanivka ở đông nam Kupyansk. Tôi tìm nó trên Google Map hết hơi mặc dù cái bọn Vi-en Tàu nhanh chúng nó minh họa bằng một bản đồ bé tí, hú họa (số 1).

Tôi hoang mang lắm vì nêu Ivanivka nằm phía đông đường R-07 (hay P-07 gì đó) nhẽ ra Nga phải chiếm được nó từ lâu rồi chứ nhỉ. Hóa ra trên bản đồ của ISW đúng là nó và chưa xác nhận Nga đã chiếm được, vì vậy họ tô màu vàng – bản đồ số 2, nguồn ISW.

Link Google Map tại đây. Theo yêu cầu của một ông anh đáng kính, tôi đo diện tích của làng Ivanivka này là 1,27 ki-lô-mét vuông – bản đồ số 3, Google Map.

 

Về ngôi làng thứ hai, là ở khu vực phía tây Avdiivka. Theo báo cáo của ISW thì họ viết:

- Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng lực lượng Nga đã chiếm giữ Netaylove (phía tây Avdiivka), và các miblogger Nga cho rằng lực lượng Nga đã tiến về phía tây bắc và phía nam của khu định cư. Lực lượng Nga có thể đã chiếm được Netaylove vào ngày 26 tháng 5. Một miblogger người Nga tuyên bố rằng lực lượng Nga đã tiến tới phạm vi rộng tới 800 mét và sâu 550 mét về phía bắc Ocheretyne.

Bình loạn :  Về làng này, cách đây 6 ngày tôi đã báo cáo quý vị trong bài viết tại đây. Bản đồ tại đây quý vị có thể theo dõi lại. Trong bài đó tôi viết một đoạn như sau:

Vậy “mặt trận Pokrovsk” là khu vực nào? Chính là khu vực phía tây Avdiivka, nó là “quận” hay “huyện” gì đó của Donetsk (Pokrovsky Raion). Sau vụ phối hợp không nhịp nhàng trong thay quân hôm trước, làng Ocheretyne như vậy là đã bị chiếm. Từ hôm đó bọn Nga ở đây nỗ lực tiếp tục tiến về phía tây và tôi không nghi ngờ rằng, quân Nga ở đây chắc chắn mạnh hơn bọn đang lọ mọ ở Kharkiv nhiều.

Xin quý vị xem bản đồ số 1, nguồn ISW.

Trong báo cáo này, các làng được Bộ Tổng tham mưu Ukraine nhắc tên “nằm trong danh sách mục tiêu phải chiếm của Nga” gồm có:

- Yevhenivka

- Sokil

- Novoselivka Persha

- Sjeverne

- Netailove

Vẫn theo yêu cầu của cái ông anh rắc rối kia, tôi đo tiếp diện tích của làng này thì nó rộng đến… 1,56 ki-lô-mét vuông.

Như vậy “quân đội thứ nhì thế giới” vừa tuyên bố “giải phóng” được tổng cộng 2,83 ki-lô-mét vuông đất đai của Ukraine. Quân đội Nga lại quay lại với “gặm nhấm” đất, được cạp đất mà ăn như Ngọc Trinh đã tốt.

2. Về tình hình Kharkiv, thiển nghĩ không cần phải nói nhiều…

Trong buổi sáng hôm nay tôi đã chuẩn bị 4 bài về hoạt động của Tổng thống Zelenskyy trong tuần qua. Một trong những bài phát biểu của Zelenskyy nêu rõ: Tình hình ở Kharkiv còn khó khăn nhưng đã ổn định. Quân xâm lược đã bị chặn đứng. Ông cũng nói rõ, phía Ukraine quan sát, nắm rõ những vị trí tập trung quân, từ chỗ nào chúng pháo kích, bắn tên lửa và máy bay xuất kích từ đâu để ném bom sang tỉnh Kharkiv. Vì vậy ông thiết tha mong các đối tác của Ukraine đồng ý cho sử dụng vũ khí được cung cấp, bắn vào các mục tiêu quân sự đó càng sớm càng tốt.

Đồng thời ông cũng vạch rõ: Trò khủng bố đê tiện này của Nga Putox là để phá Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu vì hòa bình ở Thụy Sĩ ngày 15-16 tháng Sáu tới đây. Hắn (Putox) muốn chứng minh rằng, các người thích họp cứ họp, đây tao đánh cứ đánh. Chưa có đất nước nào bị lãnh đạo của nó bôi nhọ đến cỡ bẩn thỉu như thế này.

3. Châu Âu và phương Tây bắt đầu bừng tỉnh

Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib hôm thứ Ba tuyên bố rằng những chiếc F-16 sẽ được giao cho Ukraine vào năm 2028, với lô hàng đầu tiên sẽ đến “vào cuối năm nay.” Năm ngoái, Bỉ cùng với Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan đã cam kết cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu F-16. Vào tháng 10 năm 2023, chính phủ Bỉ tuyên bố sẽ bắt đầu giao một số lượng chưa xác định các máy bay phản lực do Lockheed Martin sản xuất này bắt đầu từ năm 2025.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell hôm thứ Ba kêu gọi các nước cân bằng nỗi lo sợ leo thang trước nhu cầu tự vệ của Ukraine, nhấn mạnh quyền của Kyiv được sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công bên trong lãnh thổ Nga. “Theo luật chiến tranh, điều đó hoàn toàn hợp pháp và không có mâu thuẫn”, ông Borrell tuyên bố khi bắt đầu cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng Liên minh châu Âu. Ông nói thêm: “Người ta có thể trả đũa hoặc chiến đấu chống lại kẻ xâm lược hoạt động từ lãnh thổ của họ”. “Chúng ta phải cân bằng nguy cơ leo thang với sự cần thiết của người Ukraina để tự vệ.”

Ông tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg cũng có ý kiến tương tự.

Vậy có một câu hỏi rằng, tại sao châu Âu, cụ thể là Tây Âu và Hoa Kỳ, lại lừng khừng đến như vậy trong việc hỗ trợ Ukraine chiến đấu chống lại kẻ thù của mình – ngay cả với những người không phải là chủ hòa, nhưng vẫn rụt rè kinh khủng như các ông Joe Biden hoặc Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Rõ ràng họ không đứng về phía Nga Putox, nhưng thái độ khó hiểu của họ luôn dẫn giới bình luận thế giới đưa ra những nhận định xanh rờn và “không thể xanh hơn.” Ý tôi muốn nói là kỳ lạ và nhuốm màu sắc của thuyết âm mưu.

Có người dẫn một lý thuyết của phương Tây cho rằng, đó là chiến lược “luộc con ếch Putox cho nó chết từ từ không được nhảy lung tung bắn tung tóe canh ra ngoài.”

Có người cho rằng đó là chiến lược để cho Nga chảy máu đến chết.

Từ hồi đầu chiến tranh tôi đã cố gắng thuyết phục mọi người rằng, chảy máu hay không do lựa chọn của Putox. Hắn chỉ cần rút quân là hết chảy máu, sau đó phục hồi và quay lại đánh tiếp. Nếu hắn làm như vậy còn đáng sợ hơn. Việc hắn không thể rút, hoặc không chấp nhận thất bại mà rút quân, là việc của hắn với nội bộ nhà hắn, không có phương Tây hay Mỹ nào can thiệp được vào tình trạng chính trị đó.

Khi chiến tranh chuẩn bị nổ ra, Mỹ đã biết trước chuyện này nhưng vẫn không tin rằng Putox dám manh động đến thế. Và khi hắn xua quân tấn công, thì họ không tin rằng người dân Ukraine do chính quyền Zelenskyy lãnh đạo, có thể trụ được lâu đến vậy. Từ ba ngày (họ đã đề nghị chiến dịch di tản cho nội các Zelenskyy), họ bắt đầu tính toán đến 2 tuần và thực sự khi người Ukraine đuổi quân Nga chạy khỏi Kyiv, là một bất ngờ lớn với họ.

Vậy giải thích thái độ lừng khừng của phương Tây như thế nào đây? Để trả lời câu hỏi này, cần nhìn lại lịch sử gần – thời điểm khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ năm 1990 và sau đó đến lượt Liên Xô năm 1991. Sự sụp đổ đó ngoài một số “êm thấm” như nước Đức, hay tệ hơn một chút là Tiệp Khắc… nhưng cũng đã dẫn đến những tình thế tệ hơn nữa như cuộc nội chiến Nam Tư.

Nhưng sự sụp đổ của Liên Xô mới là điều đáng nói: ngoài sự “êm thấm” (trong ngoặc kép) với việc chuyển giao lại toàn bộ kho vũ khí hạt nhân cho Nga, nhưng vẫn có những bất ổn tiềm tàng như quan hệ Azerbaijan – Armenia hay sự hoành hành của chủ nghĩa khủng bố. Ngay cái sự “êm thấm” trong ngoặc kép trên đây cũng luôn tiềm tàng nguy hiểm khi vũ khí hạt nhân nằm trong tay con quỷ Putox, càng ngày hắn càng trở nên phản động.

Đó là lần tan vỡ thứ nhất. Theo tôi, các nhà chiến lược phương Tây đang lo sợ lần tan vỡ thứ hai. Nếu nước Nga của Putox thua tương đối sớm trong cuộc chiến tranh nhưng với một kịch bản nước này vẫn còn tiềm lực quân sự mạnh hoặc trung bình, thất bại trên chiến trường là rung động đủ làm mất mặt Putox, hắn có thể bị lật đổ. Nhưng đồng thời nhiều vùng, nhiều quân khu sẽ nổi lên cát cứ với những lực lượng được trang bị mạnh. Nguy hiểm hơn nữa là các sứ quân này, nhiều kẻ trong số họ có kho vũ khí hạt nhân trong lãnh địa của mình. Khi đó, an ninh toàn cầu sẽ đứng bên bờ vực thẳm của chiến tranh hạt nhân nhưng không phải giữa quốc gia với quốc gia, mà là giữa các bên tham chiến và các bên khởi nghĩa với nhau.

Để tránh kịch bản này, nước Nga của Putox phải bị chảy máu đến chết, tức là tiềm năng quân sự của nó phải được đưa về số không. Trong trường hợp không có vũ khí quy ước hoặc có không đáng kể, các vùng hoặc quân khu của Nga có muốn khởi nghĩa gây nội chiến, cũng dễ bị dập tắt. Có vũ khí hạt nhân, cũng không phải là vấn đề quá nghiêm trọng vì nó giống như anh có một khẩu đại bác mà không có đạn vậy. Chính quyền trung ương Nga vẫn kiểm soát được tình hình và dần dần xử lý được các vấn đề nội chiến bên trong theo giả định đó.

Việc Putox có tồn tại hay không tồn tại được trong tình thế đó, không quan trọng với phương Tây, nhưng nước Nga không nên đổ vỡ. Nói chính xác hơn, nước Nga đổ vỡ hay giữ được nguyên vẹn, cũng không quan trọng với phương Tây. Miễn là có ông nào đó đủ sức kiểm soát tình hình và do đó, đủ tư cách để nói chuyện với phương Tây, làm đối tác với họ.

Tóm thằng có tóc, ai tóm thằng trọc đầu.

Gọi là luộc ếch cũng được. Gọi là chảy máu cũng được. Nhưng rõ ràng người Ukraine đã trao cho thế giới văn minh một cơ hội rất lớn: đánh quỵ thế lực ma quỷ lớn nhất và lưu manh nhất, xấu xa nhất của thời hiện đại. Hơn ai hết, người Ukraine muốn chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt.

Về lý thuyết, Putox đã có thể rút quân sau khi thất bại sau The Battle of Kyiv, nhưng hắn không làm, hắn mở tiếp The Battle of Donbas… Sau khi phải rút chạy ở Kharkiv và Kherson, hắn cũng không chịu, và hắn cố đánh tiếp để chiếm những thị trấn nhỏ, và bây giờ là những cái làng rất nhỏ. Hắn mang một quân đội to lớn như rách rưới như ma bùn đi làm cái việc, đúng nghĩa là “cào cấu”, không phải là đánh nhau bằng nắm đấm.

Người Ukraine đang làm đúng cái việc của giả định trên đây: tiềm năng quân sự của Nga về số không. Càng ngày, cái quá trình đó càng trở nên chắc chắn và càng ngày, phương Tây càng đỡ… sợ cho an ninh toàn cầu. Người Ukraine sẽ phải giúp cho nước Nga và cả thế giới có một nền hòa bình “êm thấm” và chắc chắn phải là không có Putox.

4. Nhận xét và kết luận

Vừa qua, chúng ta đã chứng kiến Nga Putox có 4 động thái.

- Ngày 06/05, Putox tuyên bố cho phép tiến hành một cuộc tập trận quân sự liên quan đến việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật (chúng còn gọi là phi chiến lược) ở miền nam nước Nga, đồng thời khẳng định đây là hoạt động huấn luyện thường lệ.

- Sau đó, hắn nói ra nói vào về tính hợp pháp về địa vị Tổng thống của Zelenskyy, mà nhẽ ra theo hắn “Ukraine phải tổ chức bầu cử.”

- Tiếp theo, vừa hôm nọ hắn tung tin “thông qua 4 nguồn tin” và bắn vào cái bia Reuters, rằng Nga sẵn sàng đi đến thỏa thuận hòa bình dựa trên các đường giới tuyến hiện tại.

- Và mới nhất, hắn cho cái loa loạn thần Dmitry Medve-Gấu tuyên bố “Thế chiến III sẽ nổ ra nếu Mỹ tấn công mục tiêu Nga ở Ukraine.”

+ Lần ngược lịch sử, đây là lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Nga tổ chức tập trận hạt nhân chiến thuật. Ngoài ra, động thái này còn gắn với việc chuyển một số vũ khí hạt nhân chiến thuật sang Belarus. Đây cũng là lần đầu tiên Nga di chuyển đầu đạn hạt nhân ra bên ngoài biên giới kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

+ Về động thái thứ hai, điều này người dân Ukraine không có ý kiến thì thôi, ông lại đi tuyên bố hộ – ơ hay chửa! Rõ ràng bọn Putox này không biết gì về lịch sử: Hãy sang nhờ người giảng cho lịch sử nước Mỹ.

Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai ông Roosevelt đã làm Tổng thống Hoa Kỳ hơn hai nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ thứ nhất, từ năm 1933 đến năm 1936 ông tái thắng cử. Năm 1940, ông lại ra tranh cử và thắng để làm Tổng thống một nhiệm kỳ thứ ba và sau đó là thứ tư, vì toàn thế giới bước vào chiến tranh – Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Điều này đã đặt một tiền lệ cho rất nhiều nước trên thế giới ghi vào Hiến pháp của mình là khi ban bố tình trạng chiến tranh trên đât nước, thì không tổ chức bầu cử cho đến khi nào hòa bình lập lại thì thôi.

Về trò khỉ này của Putox, tôi có bình luận với mấy anh bạn Facebook vào hôm qua: “Đường đường Tổng thống một cường quốc phải đi tuyên bố về địa vị hợp pháp của Tổng thống một nước khác yếu hơn nước mình rất nhiều và đang bị ông tấn công, việc đó có cần không nếu ông đang thắng?”  Rõ ràng là hắn quá sợ Zelenskyy vì những hiệu quả điều hành đất nước trong chiến tranh của ông.

+ Về động thái thứ ba, hắn chắc chắn hiểu rằng, phương Tây biết rõ hình thái và chiều hướng của chiến tranh hiện nay: Nga Putox không có cửa thắng, thậm chí không có cửa hòa mà có thể thua rất đau trong tương lai khá gần. Vì thế hắn đưa ra một cái giá để mặc cả: hắn sẽ giữ đất của Ukraine đến cái chỗ hiện nay đang chiếm, thế là được rồi.

+ Về động thái thứ tư, chúng dọa sẽ leo thang chiến tranh bằng mọi cách: tuyên bố tình trạng chiến tranh, tổng động viên và sử dụng vũ khí hạt nhân.

Cả 4 động thái trên đều có những yếu tố nằm trong mạch logic của bọn chúng: (1) Không được leo thang để chúng tao thua thêm (2) Chúng tao sẵn sàng chấp nhận nói chuyện nhưng nếu “bọn lãnh đạo Ukraine” cứng đầu cứng cổ quá, thì nhân tiện bọn đó đang bất hợp pháp, đề nghị các thế lực phương Tây hãy ra sức ép để Ukraine thay đổi giàn lãnh đạo đi (3) Chúng tao cũng để “cửa” cho cái Chính phủ mới của Ukraine có được hòa bình, đổi ít đất đi thì có hòa bình (4) Còn nếu tất cả những điều trên không được đáp ứng, thì chúng tao leo thang chiến tranh và nếu cần thì sử dụng vũ khí hạt nhân.

Để đáp trả, đầu tiên Zelenskyy đề nghị Hoa Kỳ cho sử dụng vũ khí mới nhận được nện vào các mục tiêu quân sự trên đất Nga. Về các tuyên bố của Putox về tính hợp pháp và của Medve-Gấu đe dọa chiến tranh thế giới, thái độ của Zelenskyy nói một cách dân dã vỉa hè chợ búa Việt Nam là “bố ỉa vào mồm chúng mày.”

Chưa hết, đã dám vuốt mặt thì nể mũi làm gì. Ukraine đánh sập luôn hai giàn radar to tướng của Nga ở sâu tít đâu Orenburg. “Này thì ô hạt nhân này!” – thích dọa hạt nhân thì anh cũng “tiếc gì xẻng đất” đổ xuống huyệt mộ của chú. Hai ba xẻng cũng được. “Làn ranh đỏ” bị phá lung tung hết lần này đến lần khác mà vẫn chỉ bắn lại bằng… alcohol từ mồm thằng Gấu. Gấu này đúng là Gấu nuôi để chọc hút mật. Phương Tây hẳn rất choáng váng vì người Ukraine, đã chẳng ngại ngần giật luôn cái mặt nạ ngoáo ộp của Nga Putox lâu nay.

Tôi xin nhắc lại một đoạn tôi viết từ năm 2022 đại ý: (1) Nga làm gì có vũ khí hạt nhân dùng được (2) Trong vũ khí chiến lược và chiến thuật, may ra chỉ có vũ khí chiến lược (3) Nếu có vũ khí hạt nhân chiến thuật và chỉ cần đem ra bắn một quả, Mỹ và NATO sẽ cho các căn cứ quân sự của Nga nát như tương chỉ bằng vũ khí quy ước (thông thường). Có giỏi thì đem ra bắn xem nào. Chỉ tài nổ trên báo chí phía đông nước Lào thôi.

Bốn động thái trên của Putox cho thấy bọn này bế tắc thực sự. Chúng biết rõ: cái trò phục hồi sản xuất quốc phòng, nào là sản lượng gấp mấy gấp mấy, rồi tung tin cho toàn thế giới biết, rồi làm ra vẻ sẵn sàng kéo dài chiến tranh đến… vô tận... chỉ là làm trò khỉ dọa thế giới thôi, còn những nỗ lực đó là vô nghĩa, không bao giờ đem lại chiến thắng và chắc chắn đi đến thất bại.

Đoạn viết thêm. Có người hỏi tôi, vậy hiện nay người Ukraine đang đề nghị cho dùng ATACMS bắn vào các mục tiêu trên đất Nga – chúng ta có thể hình dung tình thế chiến tranh hiện nay được không? Ngay từ khi chưa có ATACMS, nhưng quá sợ HIMARS, Nga bước đầu chuyển các mục tiêu quan trọng của mình như kho hậu cần, sở chỉ huy… ra quá 90 ki-lô-mét.

Tuy vậy bước tiếp theo chúng chuyển hệ thống các mục tiêu này ra xa khá sớm – đến 150 – 200 ki-lô-mét và nhiều mục tiêu được đặt trên đất Nga. Như vậy, hàng hóa phục vụ chiến tranh được tàu hỏa kéo đến các kho tập trung quanh hệ thống đường sắt, các đầu mối đường sắt hầu hết trên đất Nga và từ đó được xé lẻ, chuyển về các đơn vị bằng các chặng tàu ngắn hoặc lực lượng xe tải.

Cũng chính “mô hình” đó gây ra cho chúng hạn chế: không thể tập kết được lượng vật chất lớn, cũng như quân số đông để tổ chức những đợt tấn công mạnh. Chúng dùng nhiều đợt tấn công nhỏ bằng những nhóm lính được trang bị sẵn và với chiến thuật “bia thịt” chúng giảm nhẹ gánh nặng cho công tác hậu cần. Mục tiêu của chúng là kéo dài chiến tranh theo kiểu đổi thịt lấy đạn pháo, qua đó bào mòn nguồn lực và cả lòng tin của người Ukraine.

Vì vậy bây giờ nếu được sử dụng ATACMS bắn vào đất Nga, các trung tâm tập kết hàng hóa, các điểm bẻ ghi tàu hỏa… sẽ được ưu tiên đầu tiên. Nếu đánh như vậy, quân Nga chỉ có nước chết đói mà chạy.

PHÚC LAI 28.05.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.