mercredi 29 mai 2024

Nguyễn Thị Bích Hậu - Tuổi thơ cơ cực của thầy Minh Đạo

 

Đêm qua trước khi đi ngủ, mình nghe bài pháp thoại của thày Thích Minh Đạo giảng cho các thanh thiếu niên: Làm thế nào để chiến thắng bản thân. Là vì trên đời cái khó nhất chính là chiến thắng bản thân.

Bài này ở trên YouTube, chia thành hai phần. Phần 1 thày giảng cho 9 thanh niên sau một lễ hội Thành đạo của Phật giáo tới thăm Tu viện của thày. Thày giảng rất ngắn gọn, tán thán các thanh niên này đã vượt qua những mệt nhọc để tới thăm thày và nghe giảng Pháp. Đó chính là một sự chiến thắng của bản thân.

Từ đó thày dẫn dắt các em tới việc làm sao sống cho có đạo đức, tránh xa các cám dỗ của các thú vui không lành mạnh có thể hủy hoại đời sống như nghiện ngập, cờ bạc, rượu chè. Bài giảng này rất ngắn gọn và nhẹ nhàng, kết thúc bằng một bài hát mà thày tự sáng tác và tự hát, gọi là Bài ca chú tiểu ở trong chùa.

Phần thứ 2, thày giảng trong lớp học của các chú tiểu trong Tu viện Minh Đạo. Thày đang cùng chúng đệ tử chăm sóc và nuôi dưỡng, dạy dỗ tới 70 em nhỏ, chủ yếu là những em mồ côi hay có gia cảnh không may mắn. Mà như tâm sự của thày, các em còn nhỏ, nhiều em vào chùa ở nhưng vẫn thích đời sống bên ngoài, do đó thày chủ yếu cho các em được học hành, vui chơi. Chính thày cũng chơi đá banh và thể thao với các em. Việc giảng Pháp và học Kinh sách với các em là vẫn cho học, nhưng không nặng nề.

Bài giảng của thày cho các chú tiểu này rất độc đáo. Đó là thày dùng bài ca Một cõi đi về của Trịnh Công Sơn, dạy cho các chú tiểu hát. Và từ đó thày giảng nghĩa của các câu ca, trên góc độ của Pháp.

Bài giảng mở đầu bằng câu: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi”, và thày kể chuyện về những cuộc ra đi của đời người mưu sinh đầy vất vả trong chốn ta bà này.

Từ đó thày tâm sự cho các chú tiểu nhỏ tuổi biết về đời thày. Quê thày ở Quảng Ngãi. Mẹ thày sinh năm con và sống đầy gian nan vất vả ở một vùng quê nghèo. Người cha vì mưu sinh đã bỏ quê đi tới Tháp Chàm, xin làm công nhân đường sắt ở ngay Ga Tháp Chàm ( Phan Rang). Khi đã ổn định, ông nhắn về quê cho vợ đùm túm năm đứa con vô Tháp Chàm đặng sinh sống. Nhưng khi mấy mẹ con vô chưa được bao lâu, thì người cha chết vì một trái lựu đạn bị cài trên đường ray thời đó (trước 1975) phát nổ, khi ông đi kiểm tra đường ray trước giờ tàu chạy.

Cái chết của người cha khiến gia đình thày đầy tang tóc, trong khi người vợ đang mang thai đứa con thứ bảy.

Ít lâu sau, người mẹ tái giá và có thêm ba đứa con nữa, trong đó có thày Minh Đạo. Nhưng cuộc hôn nhân này chỉ tồn tại được vài năm. Cuối cùng người mẹ lại ôm mấy đứa con nhỏ về lại nhà cũ để cố gắng sinh sống.

Người anh Hai của thày khi đó đã bán nhà, đem năm đứa em đi kinh tế mới sinh sống, lòng rất giận mẹ vì bà tái giá. Vì vậy mẹ con có đoàn tụ mà không khí vẫn không thể vui được. Còn bà mẹ nuôi mấy đứa bé thì phải gởi con cho người quen để đi làm. Em út của thày Minh Đạo vì hay khóc, nên bị mấy đứa con của người quen vì bực bội, thả vào chuồng heo nái vừa sanh một bầy heo con. Con heo nái thấy có đứa nhỏ khóc lóc nhảy vô nên lồng lên thành ra em út của thày càng khóc dữ. Thấy vậy đứa anh là thày Minh Đạo khi nhỏ thương em quá khóc theo. Càng khóc lại càng bị bỏ vô trong chuồng heo cùng em. Vậy là đứa anh cõng em chạy quanh trong cái chuồng heo khá rộng đó để tránh con heo mẹ nó rượt.

May mà mẹ thày có lần quên mang bình nước uống khi đi làm quay về, thấy cảnh hai con vậy khổ quá bèn đón hai con đi. Lần này bà hễ đi làm đồng thì bỏ hai đứa nhỏ ở bờ ruộng, dưới gốc cây chơi với nhau. Nhưng vì cánh đồng rộng. Ban đầu bà làm gần con, sau càng làm càng đi xa ra. Do đó để tìm mẹ, thày Minh Đạo là anh bèn cõng em đi hoài trên bờ ruộng.

Câu chuyện này cho thấy một góc khuất của đời thày. Khi nghe tới đây, mình chợt hiểu vì sao thày lại phát tâm nguyện tu hành. Và mình cũng hiểu khi thày dũng cảm nhận về nuôi dưỡng, ban đầu là vài em nhỏ, sau đó tới 30 em, và nay là 70 em… là xuất phát từ sự đồng cảm của một con người, một tu sĩ đã có tuổi thơ đầy gian nan và cơ cực trong những năm tháng hậu chiến.

Bài giảng của thày xoáy vào bản chất của Bát nhã tâm kinh, cho dù thày không nhắc tới tên của Bát nhã tâm kinh. Thày hỏi những đứa bé bị mất cha mất mẹ, hay bị ly tán khỏi ba mẹ, quê hương xem trú xứ của chúng là ở đâu? Và nhắc các con rằng nơi nào ta ở lâu, ta sinh sống ở đó thì nơi đó chính là quê hương.

Và mọi vật trên thế giới này đều giống như những gì đã tả trong Bát nhã với hình thức giả tạm của nó: “Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.”

Dù cho thế giới sắc sắc không không như vậy, nhưng thày nói chúng ta cùng ở trên một con thuyền. Vì vậy chúng ta cần yêu thương, gắn bó, chung sống hòa bình và cư xử tử tế với nhau.

Bài giảng của thày, dù hoàn toàn qua việc dạy các chú tiểu một bài hát, nhưng kết thúc bằng việc nhắc các con nhớ tới năng lượng quan trọng nhất của Phật Pháp, đó chính là Từ bi. Bằng Từ bi, chúng ta có thể vượt qua mọi giả tạm của đời sống, để có thêm tự tại vượt qua sinh tử:

“Trăm năm trước thì ta chưa có

Trăm năm sau biết có hay không

Đời thì sắc sắc không không

Có chăng chỉ một tấm lòng từ bi”

Trong bài giảng này, thày Minh Đạo nguyện sẽ ở lại cõi Ta bà, nối gót các bậc Bồ tát để cứu độ chúng sinh. Và thày mong các chúng đệ tử nhỏ của thày hiểu được bản chất bài giảng của thày, để nếu ai có thể đạt quả A La Hán, chấm dứt phiền não, thoát khỏi luân hồi thì quá tốt.

Mình không còn là em nhỏ. Nhưng bài giảng của thày Minh Đạo khai sáng cho mình rất nhiều. Cuộc đời thật của thày, tấm lòng Từ bi của thày, Hạnh Nhẫn nhục ba la mật của một người tu như thày có bóng dáng cuộc đời của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, người mà khi ta đau khổ thì sẽ niệm tên Ngài. Bởi vì Ngài có thể nghe rõ mọi âm thanh đau khổ của thế gian và tới bên ta, đem lại cho ta sự bình an trong sức mạnh của Từ bi.

Xin cảm ơn sư Minh Đạo và cầu nguyện cho thày cùng các em nhỏ nơi tu viện của thày vạn sự bình an, hỉ lạc, tinh tấn trong chánh niệm.

NGUYỄN THỊ BÍCH HẬU 29.05.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.