vendredi 10 mai 2024

Phạm Viêm Phương - Trước đèn xem truyện Tây…Chu


Đọc “Lược sử triết học Trung Hoa” của Phùng Hữu Lan gặp được đoạn này:

“Xã hội phong kiến thời Tây Chu vận hành theo hai nguyên lý: Một là lễ (nghi lễ, quy tắc đạo đức, tập tục) và hai là hình (hình phạt, sự trừng phạt).

Lễ tạo nên đạo lý danh dự bất thành văn chi phối hành vi của giới quý tộc, những người được gọi là quân tử. Hình, trái lại, chỉ áp dụng cho thường dân vốn được gọi là thứ dân hay tiểu nhân. Đó là ý nghĩa câu văn trong Lễ Ký: 'Lễ không xuống tới thứ nhân; hình không lên tới đại phu.'”

Phùng tiến sĩ còn suy ra: Giới quý tộc được cai trị theo lễ, nhưng thứ dân chỉ được cai trị theo hình phạt.

Còn tôi suy ra, cai trị theo lễ chắc là “kiểm điểm”, “phê bình”, “cảnh cáo”, hay gợi ý “viết đơn từ chức”, vân vân. Còn thứ dân thì cứ theo luật mà quất hình phạt, tới mức tối đa cũng được, dù chỉ trộm cắp con gà con vịt hay ổ bánh… Còn thằng thứ dân nào ưa phát biểu ngứa tai thì cứ lôi “double three-one” ra.

Có cha nội tên là "cổ nhân" nào đó bảo rằng: Không đọc sử thì không biết mình là ai và đang ở đâu.

Quả đúng như thế thật, nhờ đọc sử, dù là sử triết học ba tàu như trên, tôi bèn nhận ra mình đang sống trong xã hội phong kiến của thời Tây Chu.

PHẠM VIÊM PHƯƠNG 03.05.2024

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.