Tuần rồi Gerhard Will, một nhà nghiên cứu hàng đầu về Việt Nam và Biển Đông ở Đức đến thăm tôi. Đã 30 năm, nay hai chúng tôi mới gặp lại nhau, ôn lại những kỷ niệm xưa.
Năm 1991 tôi rời Việt Nam sang Đức lập nghiệp. Khó khăn ban đầu ở quê người kể ra không hết. Với một kẻ sống bằng thông tin như tôi, bên cạnh những lo toan về vật chất cho gia đình thì thiếu thông tin là điều kinh khủng nhất.
Hồi tôi sang Đông Đức học nghề năm 1967 thì Việt Nam đang là tâm điểm của báo chí quốc tế, nên đài báo Đông Đức cũng như Tây Đức suốt ngày đưa tin. Do vậy tôi không bị đói tin. Nhưng năm 1991 Việt Nam đã chìm vào lãng quên, khi mà cả thế giới đang chú ý đến các chuyển động ở Đông Âu, chiến tranh Trung Đông, chiến tranh Nam-Tư.
Một bạn Đức vốn là dân cánh tả từng hoạt động trong phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam, giới thiệu cho tôi tiến sĩ Gerhard Will cũng ở gần nhà. Gerhard cũng tham gia phong trào chống chiến tranh Việt Nam từ cuộc cách mạng sinh viên 1968 (Thế hệ 68). Năm 1971 anh đã chứng kiến tận mắt cuộc chiến ác liệt này ở Miền Nam Việt Nam.
Năm 1991 Gerhard phụ trách khối Trung Quốc và Việt Nam tại « Viện Liên bang về Khoa học Phương Đông và Nghiên cứu Quốc tế » (Bundesinstitut für Ostwissenschaften und Internationale Studie BIOST). Viện này được Bộ Nội vụ Đức lập ra từ năm 1961 để tìm hiểu về các nước xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ chiến tranh lạnh. (Sau khi Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa tan rã, viện vẫn tập trung nghiên cứu về quá trình cải tổ ở các nước này, cho đến 2001 thì giải thể.)
Gerhard rất mừng vì có người mới từ Việt Nam sang để trò chuyện. Đôi lúc anh cũng nhờ tôi tư vấn nọ kia. Còn tôi thì mừng hơn vì ở chỗ anh có rất nhiều báo chí từ Việt Nam sang, hoặc những báo về Đông Nam Á như Far Eastern Economic Review, The Nation v.v… Lúc đó ở Việt Nam chưa có Internet nên những nguồn tin này dù đi hàng không, sang muộn một tuần vẫn còn nóng hổi. Thế là hàng tuần vợ tôi hoặc tôi đi bộ đến viện để vác cả chồng báo về đọc.
Các nhà nghiên cứu ở đây rất giỏi đọc báo chí chính thống của các nước xã hội chủ nghĩa để phân tích tình hình. Họ rất lão luyện trong việc lọc từ tuyên truyền ra hiện thực. Chính phủ Đức thường hỏi ý kiến chuyên gia của viện này mỗi khi có quyết định liên quan đến nước nào đó. Vì thế anh bạn cũng từng tháp tùng nhiều phái đoàn chính phủ sang Việt Nam.
Năm 1993 Gerhard chuyển về Hamburg. Chúng tôi chỉ còn liên lạc với nhau qua email hoặc điện thoại. Anh vẫn tiếp tục nghiên cứu về Việt Nam về Trung Quốc và đặc biệt là về Biển Đông.
Có dịp quay lại Köln anh đến thăm tôi. Việc đầu tiên chúng tôi ôn lại là những kỷ niệm về Frank Gerke, một phụ tá của Gerhard mà tôi hay gặp ở phòng ngoài mỗi khi đến viện thăm anh. Frank có khiếu ngoại ngữ, nói thạo cả tiếng Việt và Quan thoại. Sau này Frank sang Việt Nam sống, cưới vợ Việt và lấy tên là Trịnh Công Long, xuất phát từ tình yêu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Mới đây tôi nghe tin Long mất tại Việt Nam. Chắc nhiều người ở đây biết Frank – Long.
Rồi Gerhard tặng tôi cuốn sách ”Việt Nam - Những huyền thoại và hiện thực” (Vietnam Mythen und Wirklichkeiten) do anh và Jörg Wischermann làm chủ biên, xuất bản năm 2018. Anh bạn Wischermann cũng nổi tiếng ở Đức là một nhà nghiên cứu về Việt Nam, từng làm việc ở Đại học Tự do Berlin (Freie Universität Berlin). Gọi là “Đại học Tự do” vì nó được thành lập năm 1948 ở Tây Berlin để đối chọi lại Đại học Humboldt ở Đông Berlin, trường đại học hàng đầu của Đức nhưng không có tự do học thuật.
Cuốn sách này là một công trình khoa học được “Trung tâm Liên bang về Giáo dục công dân” xuất bản như một giáo trình tham khảo cho các cơ sở Việt Nam học và những người quan tâm.
Sách được biên soạn rất công phu. Rất nhiều nguồn từ Việt Nam và quốc tế, nhiều ý kiến, tham luận của các học giả được trích dẫn. Mục tiêu là để giải thích những vấn đề mà người nước ngoài (và cả người Việt) coi là huyền thoại.
Cuộc chiến tranh 30 năm mà chúng ta đang tưởng nhớ đến trong những ngày này đã thay đổi nhận thức của giới trẻ phương tây và đã góp phần tạo ra cuộc cách mạng sinh viên 1968. Từ đó xuất hiện nhiều huyền thoại về Việt Nam.
Theo nghĩa gốc huyền thoại là một câu chuyện mang tính tôn giáo, thần linh, trong đó người kể khẳng định giá trị của sự thật mà họ tin. Ngày nay huyền thoại được xây dựng trên những nhân vật, sự kiện có thật, có tác động nhất định đến sinh hoạt xã hội, gây được sự chú ý lớn của công chúng. Ví dụ người ta đã xây dựng huyền thoại về cầu thủ Maradona, cả về "cánh tay thánh" của anh ta khi chơi bóng gian. Tới đây có thể xuất hiện huyền thoại về Messi hoặc thậm chí cả về vị cựu tổng thống đầy tai tiếng Donald Trump đang hầu tòa.
Nhưng những huyền thoại về Việt Nam thì thức sự đã tác động đến lịch sử của dân tộc này. Từ huyền thoại Hai Bà Trưng, huyền thoại về dân tộc “Bách chiến bách thắng”, “Huyền thoại về “Đại Việt”. v.v… và v.v…Ngay cả chính sách ”Đổi mới” cũng trở thành một khái niệm trong kho từ vựng quốc tế [1] và được coi là một huyền thoại.
Các nhà khoa học đã tìm cách tiếp cận các huyền thoại này thông qua các tư liệu lịch sử. Họ đưa ra những hiện thực một cách khách quan để người đọc hiểu rõ tại sao các huyền thoại hình thành.
Một vài ví dụ:
Gerhard Will : « Tiểu Trung Hoa » hay « Đại Việt »
Vũ Đức Liêm: Huyền thoại quá khứ và nền chính trị bản sắc dân tộc ở Việt Nam đương đại
Jörg Wischermann: Huyền thoại về phong trào đoàn kết với Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức (1965-75)
Nguyễn Hồng Hải : Huyền thoại về một chế độ chính trị bất ứng ở Việt Nam
Jörg Wischermann: « Ở Việt Nam không tồn tại xã hội dân sự (thật sự)! » – Bàn về một huyền thoại mang tính chính trị và khoa học
Adam Fforde: Huyền thoại về đại hội 6 năm 1986
Điều đáng nói là tuy xuất bản năm 2018, nhưng rất nhiều vấn đề nêu trong sách nay vẫn nóng hổi. Những dẫn chứng về “trái bom” Đoàn Văn Vươn, vụ án Đồng Tâm, các cuộc biểu tình chống chặt cây xanh ở Hà Nội hoăc biểu tình chống dự luật đặc khu ở Sài Gòn khiến người đọc nghĩ ngay đến các hậu quả hôm nay đang xảy ra.
Vì đây là một tác phẩm học thuật nên sẽ không dễ đọc như tiểu thuyết hay sách lịch sử. Tuy nhiên giới nghiên cứu và những ai quan tâm ở trong và ngoài nước có thể tìm đọc để tham khảo.
THỌ NGUYỄN 02.05.2024
[1] Danh từ Đổi Mới hay Doi moi được sử dụng trong hàng chục ngôn ngữ.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.